Thực phẩm an toàn trong dịp Tết: Một số lưu ý cho người tiêu dùng
Đời sống - 29/07/2019 11:35 Đ. Hải - Phương Uyên
Người dân mua bánh mứt tại chợ An Đông (Q.5) |
Mua hàng ở mối quen
Vào dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa và thực phẩm của người dân tăng cao. Vì vậy, việc bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) các mặt hàng phục vụ Tết đang là vấn đề cần quan tâm hàng đầu của cơ quan chức năng và người tiêu dùng.
Dạo quanh các chợ và siêu thị trên địa bàn thành phố ghi nhận các loại thực phẩm tết đã ngập tràn các quầy sạp, cửa hàng, giá nào cũng có từ vài chục ngàn đồng đến vài triệu đồng. Khi khách hỏi mua tôm, người bán tư vấn chọn loại tôm khô ngon, giá 750.000 - 900.000 đồng/kg. Tuy nhiên, quan sát thấy hầu hết tôm, mực, bò khô đều được bán dạng xá, mua bao nhiêu cân bấy nhiêu, không rõ thương hiệu, nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ; ngày sản xuất, hạn sử dụng. Nhiều món chỉ đựng trong bịch nilong, dán mảnh giấy nhỏ ghi chung chung tên hàng tôm, bò khô; giá cả; xuất xứ Bến Tre, Cà Mau,… Người bán cho biết “của mối quen cung cấp, hàng đặc biệt, yên tâm chất lượng”.
Tương tự, chợ Bình Tây (Q.6), bánh kẹo, mứt Tết, hoa trái sấy khô… chất thành đống, bày ngay lối đi để người mua dễ lựa chọn. Nhiều mặt hàng không có nhãn mác, chỉ có vài dòng về tên sản phẩm do chủ hàng viết lên. Tiếp thị đủ loại mứt bí, mứt dừa, mứt thơm, mứt chùm ruột… được đóng sẵn trong các bịch rất sơ sài, nhân viên sạp bánh mứt chào mời: “Hôm nay ngày tụi em xả hàng nên đồng giá 75.000 đồng/kg. Đây đều là hàng mới, tụi em “xả” để kích sức mua. Nếu mua nhiều còn được khuyến mãi thêm”. Nhiều loại mứt ở đây có dấu hiệu chảy nước, đường không còn bám vào cọng mứt. Nhân viên giải thích "do nắng nóng nên vậy, mua về để nơi thoáng mát, đường khô trở lại ngay".
Quảng cáo nhiều loại bánh phồng tôm, bánh tai heo giòn rụm được cột sẵn trong bọc nilon sơ sài, người phụ nữ bán bánh, bắp rang ở chợ Nguyễn Văn Trỗi (Q. Phú Nhuận) cho biết tất cả đều đồng giá: 20.000 đồng/bịch. Hỏi hàng lấy ở đâu, người này bảo ở quê gửi vô, nhà làm nên chất lượng lắm, khách hàng cứ yên tâm.
Sâu trong con hẻm đường An Dương Vương (Q.Bình Tân), những hàng quán di động bày đủ loại dưa hành ngày tết như kim chi, kiệu ngâm chua ngọt, dưa món, cải chua, măng khô… Thức ăn đựng trong các thau nhựa, được vun cao với đủ màu nhìn rất bắt mắt. Tuy nhiên, sản phẩm được phơi trần giữa đường mặc khói bụi, xe cộ. Cầm chiếc quạt phe phẩy đuổi ruồi, bà Sáu (bán hàng) giới thiệu: “Tui bán hàng này chục năm nay rồi. Tui làm theo phương pháp truyền thống không hóa chất, nhiều người ăn thành mối quen, ai cũng khen ngon mà có ai hỏi nhãn mác gì đâu”.
Chị Thảo Trang (35 tuổi, nhân viên văn phòng Q.3) cho biết, chị thường mua mối quen nên tin tưởng người bán là chính chứ không tìm hiểu kỹ đơn vị sản xuất sản phẩm. “Món nào tôi thấy ngon, giá hợp lý thì mua chứ không thấy sản phẩm có nhãn mác, hỏi thì người bán nói yên tâm chất lượng”, chị Trang nói.
Kiểm soát chặt từ sản xuất đến tiêu thụ
Theo Ban quản lý ATTP TP. Hồ Chí Minh, trong năm 2018, Ban đã kiểm tra hơn 41.000 cơ sở kinh doanh, phát hiện hơn 11.300 trường hợp vi phạm (chiếm 27,8%). Phạt gần 2.800 trường hợp với tổng số tiền phạt là gần 17 tỉ đồng. Trong đó, các đoàn kiểm tra của Ban đã kiểm tra và xử lý kịp thời nhiều trường hợp vi phạm nghiêm trọng.
Siêu thị khẩn trương cung ứng hàng tết chất lượng cho người tiêu dùng |
Nhằm đảm bảo ATTP trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi và mùa Lễ hội Xuân 2019, Ban Quản lý ATTP TP. Hồ Chí Minh sẽ huy động tối đa các kênh truyền thông phổ biến các quy định của pháp luật về ATTP cũng như các kiến thức lựa chọn, bảo quản, chế biến, tiêu thụ thực phẩm đến người dân và phối hợp với các Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố trong các hoạt động truyền thông về đảm bảo ATTP.
Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý ATTP TP. Hồ Chí Minh, thường những tháng cận tết là giai đoạn tập kết hàng nhiều, những đơn vị sản xuất chế biến trữ thịt để làm giò, chả, lạp xưởng… chất trong kho lạnh, chờ gần đến dịp tết tiêu thụ. Vì vậy, nguy cơ thịt kém chất lượng, quá hạn, không đảm bảo vệ sinh sẽ gây hậu quả về ATTP, ngộ độc đối với người dân. “Càng về tết thì các hành vi vi phạm sẽ càng tinh vi, càng phức tạp hơn. Chúng tôi đã tập trung 2 tháng trước Tết Nguyên đán kiểm tra các hệ thống kho lạnh, kho lưu trữ cũng như việc tiêu thụ những mặt hàng thực phẩm kém chất lượng, hết hạn sử dụng và dễ gây hậu quả về ATTP. Còn càng gần tết thì chúng tôi tập trung thanh kiểm tra vào khâu phân phối lưu thông” - bà Lan khẳng định.
Còn theo PGS.TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATTP, trong dịp Tết, thịt, bánh, mứt, kẹo, rượu, bia, nước giải khát được tiêu thụ với số lượng lớn, do đó, đây là các mặt hàng chính cần được quản lý, kiểm soát chặt. “Các lực lượng chức năng, các địa phương kiên quyết không để các sản phẩm không bảo đảm trà trộn trên thị trường; đồng thời kiểm tra thường xuyên các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, yêu cầu chủ các cơ sở phải tuân thủ các quy định như nhãn mác rõ ràng, kiểm nghiệm sản phẩm, sử dụng phụ gia thực phẩm…” - ông Phong nhấn mạnh.
Một số mẹo nhỏ giúp người tiêu dùng chọn thực phẩm an toàn
Theo, Bác sĩ CKI Trần Thị Minh Nguyệt (Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị NutiFood), để có thể chọn được những thực phẩm an toàn cho ngày Tết, người tiêu dùng có thể sử dụng nột số mẹo nhỏ sau:
1 .Thịt
Trước tiên, nên tìm chọn mua sản phẩm tại cửa hàng, quầy sạp có điều kiện đảm bảo an toàn theo quy định vệ sinh thú y như bàn, giá treo hợp vệ sinh. Sản phẩm phải được kiểm tra và chứng nhận kiểm dịch sản phẩm động vật.
Chọn thịt có màu sắc đỏ tươi hoặc đỏ sẫm, vết cắt có màu sắc bình thường, sáng, khô, có độ rắn chắc, đàn hồi cao, lấy ngón tay ấn vào thịt, không để lại vết lõm khi bỏ ngón tay ra và không bị dính.
Tránh mua thịt có màu hơi xanh nhạt hoặc hơi thâm, thậm chí đen, không bóng, màng ngoài nhớt. Với gia cầm, chọn con có màu sắc tự nhiên, từ trắng ngà đến vàng tươi, mắt sáng. Thịt gia cầm hỏng có màu vàng thẫm, vàng tím hoặc vàng tối sẫm, mắt vẩn đục, nhắm nghiền. Không mua sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc.
Chọn thịt có màu đỏ tươi hoặc đỏ sẫm |
2. Rau, quả
Không mua rau quả đã héo úa, dập nát hay có mùi lạ, có hình dạng bất thường như quá mập, quá phồng, hoặc dính các hạt bụi nhỏ.
Khi sử dụng, cần nhặt tách riêng từng lá và cọng rau, ngâm ngập trong nước sạch 15-20 phút để hòa tan thuốc bảo vệ thực vật (nếu có). Sau đó, ngâm rau trong dung dịch nước muối, rửa trôi 2-3 lần dưới vòi nước chảy.
Nếu là quả thì nên rửa sạch, gọt bỏ vỏ, loại những quả dập nát.
3. Thực phẩm đóng gói, đóng hộp
Thực phẩm đóng gói, đóng hộp như lạp xưởng, xúc xích, bánh mứt, nước đóng chai, các loại gia vị... nên chọn những loại có nhãn mác, nhà sản xuất có uy tín, còn hạn dùng, nên đọc kỹ thành phần dinh dưỡng trên bao bì sản phẩm để chọn lựa những sản phẩm tốt cho sức khỏe. Không chọn hộp có nắp bị phình ra gõ vào tiếng kêu bịch bịch…
Tin cùng chuyên mục
Đời sống - 06/09/2024 10:54
Bão số 3 và 3 điều cần nhớ phòng tránh, xử trí để an toàn
Theo cơ quan khí tượng, cơn bão số 3 đang mạnh lên rất nhanh và vẫn còn tăng cấp trong hôm nay. Theo bản đồ dự báo đường đi của cơn bão, trong ngày 7/9, bão số 3 sẽ đổ bộ khu vực Nam Định - Thái Bình với cấp độ khoảng cấp 13, giật cấp 16.
Đời sống - 06/09/2024 09:57
Cách gia cố nhà cửa trước “siêu bão” Yagi
Theo dự báo, “siêu bão” Yagi có cường độ mạnh nên người dân cần có biện pháp bảo vệ nhà cửa để đảm bảo an toàn về người và tài sản. Dưới đây là những cách gia cố nhà cửa để đảm bảo an toàn trước bão.
Đời sống - 05/09/2024 18:04
Thừa Thiên Huế: Đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người lao động trước “siêu bão” Yagi
Để chủ động công tác triển khai, ứng phó với bão số 3 đang tiến vào đất liền, Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế đã có công văn gửi các cơ quan, địa phương, doanh nghiệp. Trong đó, chú trọng bảo vệ an toàn tuyệt đối cho công nhân, cán bộ nhân viên, người lao động.
Người lao động - 05/09/2024 15:49
Tâm sự giáo viên ngày khai giảng: “Năm nào tôi cũng xúc động như lần đầu”
Dù vừa mới bắt đầu sự nghiệp cầm phấn, hay đã gắn bó với nghề giáo qua nhiều thập kỷ, khai giảng năm nào cũng để lại trong mỗi thầy, cô những xúc cảm đặc biệt.
Đời sống - 05/09/2024 09:40
“Siêu bão” Yagi sắp đổ bộ, người lao động chuẩn bị phương án “phòng hơn chống”
"Siêu bão" Yagi sắp tiến vào Việt Nam được dự đoán có cường độ lớn nhất trong 10 năm trở lại đây.
Đời sống - 05/09/2024 08:41
Những giáo viên kiên trì bám bản, “gieo" chữ giữa rừng xanh
Điểm trường 179 - Trường Tiểu học Liêng Srônh, huyện Đam Rông (tỉnh Lâm Đồng) cách trường chính gần 60 cây số, nằm khép mình bên những cánh rừng già. Nơi đây những giáo viên vẫn kiên trì bám bản làng, “gieo" con chữ, thắp lên niềm tin mới giữa rừng xanh.
- Quảng Bình: Hơn chục doanh nghiệp tuyển lao động, nhiều vị trí việc làm hấp dẫn
- "Siêu bão" Yagi: Chuyên gia đưa lời khuyên ứng phó cho các ngành nghề
- Bão số 3 và 3 điều cần nhớ phòng tránh, xử trí để an toàn
- Cách gia cố nhà cửa trước “siêu bão” Yagi
- Thầy giáo Lê Minh Hoàng- Chủ tịch Công đoàn năng động