Trưa nắng khét. Chị Hồ Thị Lâm, 40 tuổi, cô đỡ kiêm nhân viên y tế thôn bản A Vao, xã A Vao, huyện Đakrông vẫn còn cuốc bộ lên những con dốc trên đồi cao để đến những ngôi nhà sàn của đồng bào Pa Kô trong thôn. Chị nói đó là công việc thường xuyên, vì nếu không đi vào ban trưa, chiều bà con đi nương đi rẫy khó gặp để phổ biến những kiến thức về chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
Chị Lâm leo lên một con dốc, đến được ngôi nhà sàn của vợ chồng Hồ Văn Thắng – Hồ Thị Thu, thôn A Vao thì trời đã đứng bóng. Gương mặt đỏ ong vì nắng, chị Lâm ngồi bệt xuống sàn nhà. Chị Thu đặt đứa con nhỏ chưa đầy 1 tuổi vào võng, đẩy nhẹ đong đưa rồi đi rót nước mời khách. Ca nước lá rừng thật thơm. 3 người nói với nhau bằng tiếng Pa Kô. Tôi nghe cứ cười cười vờ như hiểu chuyện. Một lúc sau họ quay sang nói tiếng Kinh. Hóa ra nãy giờ chị Lâm hỏi về chuyện sinh nở, ốm đau, thuốc thang của vợ chồng chị Thu thời gian qua.
Nhà chị Lâm cách nhà chị Thu khoảng 3 km. Vợ chồng chị Thu có 5 người con. Chị Thu mang thai, chị Lâm là người tư vấn sức khỏe, từ dưỡng thai đến khi sinh nở. Cũng nhiều bà con khác trong thôn bản, vợ chồng chị Thu được chị Lâm dặn dò từ chăm sóc sức khỏe, vệ sinh phòng dịch bệnh, đến phòng tránh thai... Tư vấn cặn kẽ, ấy vậy mà “tòi” ra thêm 2 đứa sau. Điều này khiến chị Lâm không vui, bởi chị từng nhiều lần hướng dẫn vợ chồng chị Thu phòng tránh thai. Từ uống thuốc ngừa, tránh thai, đặt vòng, cấy que... Tôi đánh bạo hỏi vợ chồng chị Thu, sau đứa thứ 5 này có đẻ nữa không? Anh Thắng thì nói thôi, út rồi, nghỉ. Còn chị Thu thì ra dáng thiếu tự tin: “Chưa. Chưa út đâu. Không dùng biện pháp gì thì mình cũng sẽ đẻ tiếp nữa thôi.”
Nghe thế, chị Lâm nhìn hai người bạn Pa Kô, nói như hờn: “Biện pháp rẻ mà an toàn nhất khi quan hệ mình dùng bao cao su. Mỗi cái 10 ngàn, 3 - 5 ngàn đồng. Các biện pháp khác như cấy, đến 5 triệu rưỡi, nhà nước hỗ trợ 50%, nhưng nhiều tiền mình không có thì dùng biện pháp rẻ rẻ thôi. Sao không dùng rồi đẻ nữa? 5 đứa làm sao chăm tốt bằng 2 đứa?”.
“Dùng bao cao su nó... không sướng.” - chị Thu trả lời, cười rất tự nhiên.
Câu trả lời khiến tôi và chị Lâm không nhịn nổi, cười rõ thành tiếng, rung cả sàn.
Như để “chống dị”, chị Thu lấy tay khoèo gói thuốc hút chung với chồng đặt dưới sàn nhà, rút lấy điếu Khánh Hội, đốt. Hai vợ chồng thi nhau nhả khói. Khói nghi ngút, vờn quanh chiếc võng làm đứa bé trong võng “sủa” liền mấy tiếng.
Chúng tôi chuyển sang chủ đề tác hại của thuốc lá và hút thuốc thụ động, nhất là với trẻ nhỏ.
Nói đến đâu vợ chồng anh Thắng há hốc mồm đến đấy. Là đàn ông, tôi cũng góp vào câu chuyện, rằng hút thuốc lá gây ung thư, con nhỏ thì dễ ảnh hưởng sự phát triển của não bộ nếu thường xuyên hít khói thuốc của người khác.
- Anh chị biết ung thư là chi không?, tôi quay sang anh Thắng
- Biết, là bệnh và chết.
- “Còn não của trẻ không phát triển, hoặc phát triển không bình thường do suy dinh dưỡng, thiếu đói, hít khói thuốc thường xuyên... thì đứa trẻ đó lớn lên ra sao không?”, tôi tiếp.
- Anh Thắng: “Biết, học cái chữ nó không nhớ”.
“Vậy thì sau này có hút bên cạnh lũ trẻ nữa không?”, chị Lâm hỏi thêm.
- “Không, bữa nay thèm thì ra ngoài sàn hút thôi.”, anh Thắng “hứa”.
Hóa ra họ biết cũng khá nhiều. Nhưng họ không làm, hoặc làm không tới. Ví như cái nhận thức về sự “không sướng” ấy, về đẻ cho được nhiều con trai ấy... Mà đâu chỉ vợ chồng anh Thắng chị Thu. Bên ngoài kia, đồng bào trong thôn A Vao của chị còn có gần 200 hộ, 886 khẩu nữa. Đây đều là thách thức, đòi hỏi thêm một hành trình kiên trì không mệt mỏi đối với những cô y tế thôn bản, là cánh tay nối dài ngành y đến cộng đồng như chị Lâm.
Chuyện vợ chồng chị Thu là một trong hàng ngàn mẩu chuyện mà chị Lâm đối mặt và giải quyết trong gần 20 năm qua, kể từ khi chị nhận tấm Giấy chứng nhận hoàn tất lớp Cô đỡ thôn bản vùng dân tộc thiểu số của Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM). Một trong những vấn đề cam go của người Pa Kô cũng như một số dân tộc anh em khác ở vùng cao Quảng Trị là thai phụ phải sinh con bên ngoài nhà. Cái hủ tục và quan niệm sinh trong nhà mang đến “xui xẻo” tồn tại lâu đời nên chị Lâm rất khó thuyết phục họ.
“Ban đầu họ không nghe mình đâu. Những căn chòi trên đồi dốc vẫn dựng lên, vài tấm bạt, tranh nứa lưa thưa. Rồi họ đẻ. Mình lên giúp. Có lúc họ chuyển dạ 1 – 2 giờ sáng trong căn chòi ấy. Họ kêu mình thì mình đội đèn pin mà chạy. Leo lên mấy con dốc cao vì nhà bà con ở trên đồi, nhưng cũng phải cố tới cho kịp. Các cháu chào đời mình hút đàm, hút nhớt cho các cháu, cắt dây rốn, vệ sinh... Đặc biệt dặn dò mẹ không được đi làm, lên nương lên rẫy ngay mà phải dưỡng sức một hai tháng mới được đi. Họ vâng vâng dạ dạ. Thế mà vẫn có mẹ mới sinh chỉ 3 ngày, tìm lá rừng nấu nước uống xong là mang gùi đi nương đi rẫy liền. Hết sức nguy hiểm.”, chị Lâm kể.
Nhưng rồi vì sao bà con bỏ dần tục đẻ ở ngoài nhà? Tôi tò mò. Cô đỡ bản làng A Vao tiếp: “Là uy tín. Thoạt đầu họ chống. Sau mình giúp họ nhiều, không chỉ chuyện sinh nở mà còn tư vấn chăm sóc sức khỏe, tư vấn tới trạm lấy thuốc uống thay vì nghe thầy mo, tự lên rừng hái thuốc... Mẹ khỏe, con ngoan, gia đình hòa thuận, thế là họ càng quý mình. Nghe mình. Hầu hết bà con nay đã tới trạm y tế để sinh, không thì ra ngoài Phòng khám đa khoa Tà Rụt. Mấy cái chòi ngoài kia, trên đồi hay nương rẫy lưa thưa phất phơ ấy, bỏ rồi.”.
|
Ở thôn A Vao, không chỉ chuyện sớm khuya sinh nở, ốm đau, việc gì có lợi cho chị em, cho phụ nữ chị Lâm đều tham gia. Những ngày này, Hội phụ nữ tỉnh Quảng Trị về triển khai chương trình phòng chống bạo lực gia đình, xây dựng môi trường an toàn cho phụ nữ và trẻ em ở A Vao, chị Lâm có mặt như một “điều phối viên” chủ lực của thôn... Người phụ nữ Pa Kô này có lẽ là người không thể lựa chọn nào tốt hơn về chiến lược xây dựng nhân lực y tế thôn bản của ngành Y tế. Bởi cô gái Pa Kô có vóc dáng nhỏ nhưng rắn rỏi, bền bỉ ấy là tấm gương hiếu học hàng đầu của bản làng. Học hết lớp 9, Lâm ngừng học. Sau đó trở lại học bổ túc rồi Lâm hoàn thành chương trình THPT. Rồi chị học thêm chứng chỉ “Y tá điều dưỡng thôn bản” của Trường Trung cấp Y tế Quảng Trị. Trong gần 20 năm qua, chị Lâm tham gia hầu hết các lớp học, nâng cao tay nghề, chuyên môn nghiệp vụ cô đỡ thôn bản hay nhân viên y tế thôn bản. Chị cũng nhận được rất nhiều bằng khen, từ xã lên tỉnh. Nhưng có lẽ phần thưởng lớn nhất theo trí nhớ của cô đỡ A Vao này, là khoảng 100 đứa trẻ đã chào đời trên đôi tay mát lành của chị, hoặc được chị tư vấn, giúp đỡ cho đến khi mẹ tròn con vuông ở cơ sở y tế, chứ không phải ở một căn chòi lạnh lẽo.
Đồng hành với chị Lâm trong công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng, xóa bỏ dần các hủ tục, quan niệm lỗi thời, còn có người thầy của chị - bác sĩ, Trưởng Trạm Y tế xã A Vao Trịnh Đức Thiện. “Bác Thiện, bác Lành (cán bộ y tế lâu năm ở A Vao đã nghỉ hưu) đều là chỗ dựa tinh thần, động viên và tấm gương cho mình. Có việc gì mình báo lên, sớm khuya đường sá cách trở gì họ cũng có mặt để xử lý. Họ hy sinh nhiều lắm, vất vả với đồng bào ở đây lắm.”, chị Lâm tâm sự.
BS Trịnh Đức Thiện là người mang hai dòng máu hai dân tộc anh em Pa Kô và Kinh. Ông sinh năm 1968, quê ở xã Hồng Thủy, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế. Ông sang xã A Vao, huyện Đakrông nhận nhiệm vụ công tác năm 1998 sau khi tốt nghiệp Trường cao đẳng Y tế Huế. Sau này ông vừa làm vừa học, một quá trình gian nan để rồi nhận bằng bác sĩ đa khoa, thạc sĩ – bác sĩ chuyên khoa 1, một trường hợp rất hiếm đối với cơ sở y tế vùng sâu vùng xa có bác sĩ trưởng trạm trình độ cao.
BS Thiện nói ông chủ trương dùng hành động để thuyết phục bà con thôn bản, dùng tri thức khoa để đẩy lùi hủ tục. Những cống hiến của ông, nếu có, cũng chỉ là sợi dây xâu chuỗi những tình cảm của đồng bào dành cho những cán bộ y tế như ông, để những lời khuyên của mỗi cán bộ y tế chính là những viên thuốc kháng sinh chống lại những tác hại của hủ tục.
Ví như cái cách mà ông cứu mẹ con nữ sản phụ trên ngọn đồi xa giữa đêm đen mịt mùng năm 1999, từng được dư luận trong và ngoài huyện Đakrông trầm trồ. Câu chuyện này đi suốt với BS Thiện cả cuộc đời vì ngoài con đẻ của mình, ông lần đầu đặt tên cho con người khác. Đó là cô bé Hồ Thị Lụt, người con của bà Kăn Xoong, ở bản Kỳ Nơi, một trong 3 bản xa nhất ở xã A Vao.
“Đó là ca đỡ đẻ rất căng thẳng của mình. Chị Kăn Xoong chuyển dạ. Họ đưa chị về trạm y tế vào sáng sớm. Nhưng quá đau nên khi đi đến một ngọn đồi họ không thể đi nữa và nên họ tìm cách báo tin cho mình. Đường sá lúc ấy rất hiểm trở, khó khăn. Mình mất rất nhiều giờ mới tới nơi được. Sản phụ đẻ ngược, phương tiện thuốc men hạn chế. Chị chuyển dạ từ 6 giờ sáng tới 6 giờ tối mới sinh được. Bé ra đời mẹ nó nhờ mình đặt tên. Lúc ấy đang lũ lụt (đại hồng thủy ở miền Trung), nên mình đặt luôn là Hồ Thị Lụt. Cháu ấy nay đã lấy chồng, lập gia đình bên xã Hồng Vân, huyện A Lưới. Nghe vợ chồng con cái hạnh phúc. Mình cũng vui thêm.”, vị Trưởng trạm Y tế A Vao kể.
|
Trên cả trăm đứa trẻ ra đời trên tay BS Thiện, trong đó có nhiều bé chào đời ở bản xa nhất xã – Pa Ling. Đây là bản cách trung tâm xã đến 20km, đường đất gập ghềnh, khúc khuỷu (mới có đường nhựa tháng 1/2024). Mỗi lần có người đau, ốm, nhất là sinh nở thì vô cùng khó khăn. Để chăm sóc sức khỏe cho nhân dân bản xa này, tháng 2/2014 một trạm quân dân y kết hợp đã được xây dựng. Kể từ đó có nhiều em bé chào đời trên đôi tay của cán bộ mang quân hàm xanh, có em sinh ở trạm, có em sinh ở nhà do mưa lũ, không tới kịp trạm... Những ca khó, BS Thiện tức tốc vào Pa Ling cùng hỗ trợ với các cán bộ quân dân y biên phòng.
Hay như cái cách BS Thiện dựng “chòi sinh” ngay trong khuôn viên Trạm Y tế xã để thai phụ đến sinh, thay vì sinh ở căn chòi trên đồi hoang vu. Hay ông trở thành người bạn, gần gũi với các vị già làng trưởng bản để qua đó thuyết phục, vận động đồng bào A Vao dần xoá bỏ các hủ tục về sinh nở, cúng kiếng khi đau ốm, tự hái lá, rễ cây rừng để chữa bệnh... Đặc biệt, chị Lâm được BS Thiện xem là một mầm xanh “gieo trồng” và đã trưởng thành, cho hoa thơm quả ngọt trong công tác y tế ở thôn bản, chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng.
Cùng với việc chăm sóc, chữa bệnh cho đồng bào, BS Thiện là “công thần” trong việc xây dựng một cơ sở y tế cấp xã, ở vùng đặc biệt khó khăn đạt chuẩn của quốc gia. Mà cái cách mà BS Thiện đi xin kinh phí, tổ chức xây dựng trạm y tế, xin máy móc về cho A Vao, nó “cổ quái” đến phi thường. Thậm chí đó là kết quả của những hành động vô cùng “liều lĩnh”, táo bạo và... có phần điên rồ, bởi nó có thể đánh đổi cả “sinh mệnh chính trị” của một vị bác sĩ trưởng trạm y tế, vì phá bỏ những quy tắc hành chính vốn tồn tại như “khuôn vàng ngọc thước”.
Số là Trạm Y tế xã A Vao được xây dựng cuối những năm 1980. Gần 20 năm tồn tại, cơ sở này xuống cấp, bí bách do nhu cầu nhân dân đến khám, chữa bệnh ngày một đông. Sau nhiều kiến nghị với cấp trên xin kinh phí nâng cấp, xây dựng trạm y tế trôi theo mây ngàn gió núi, năm 2008, BS Thiện nảy sinh ý định tự đi xin tiền nâng cấp, xây mới trạm y tế. BS Thiện nhờ một vị thầy trong ngành y kết nối, xin một bộ hồ sơ mẫu chuẩn của hồ sơ thiết kế trạm y tế cấp xã theo tiêu chí của Bộ Y tế. Xong, ông tìm người có chuyên môn, kinh nghiệm thiết kế, lập dự toán... với trên cả chục tỷ đồng!
BS Thiện kéo tôi ra khỏi phòng làm việc ở Trạm Y tế A Vao, chỉ tay về hướng Tà Rụt, nơi có độc đạo nối A Vao ra đường Hồ Chí Minh để về trung tâm huyện, ngược lên Lao Bảo, hay về Đông Hà, sang A Lưới, Huế... Ông lật từng trang ký ức: “Khi tôi đi xin tiền làm trạm y tế, nó là đường đất, lô nhô, gập ghềnh. Không biết bao bận đi đi về về trên con đường ấy để ra được trung tâm huyện, về tới Đông Hà. Tui liều lắm...”
Một ngày đẹp trời, BS Thiện ôm cái đề án xây dựng Trạm Y tế A Vao “tự làm”, chạy xe máy gần 70km về thị trấn Krông Klang, trung tâm huyện Đakrông. Ông gặp cả hai vị nữ lãnh đạo UBND huyện lúc ấy, trình bày khẩn thiết xin giúp nguồn kinh phí xây trạm y tế. Cảm thông và thấu hiểu, nhưng lãnh đạo UBND huyện Đakrông nào biết lấy kinh phí đâu ra để bố trí cho A Vao lúc ấy? BS Thiện lần ấy quay về bản với lời hứa của lãnh đạo huyện sẽ kiến nghị cấp trên mong mỏi của Trạm Y tế A Vao.
Sau một thời gian dài không thấy “động tĩnh”, BS Thiện quyết định một chuyến đi... để đời. Vẫn chiếc xe máy cà tàng ông vượt hơn 100km về Đông Hà. “Tui đi thẳng tới UBND tỉnh, nhưng cảnh sát bảo vệ mục tiêu không thể cho vào vì... tui chả có cái giấy tờ gì cả.”, BS Thiện nhớ lại.
Thấy vị bác sĩ thành thật, kiên trì, các chiến sĩ trực cũng báo cáo vào văn phòng ủy ban. Rồi BS Thiện cũng được vào bên trong gặp lãnh đạo, một trong những người ông gặp lúc ấy là ông Nguyễn Đức Chính, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị. Sau khi nghe BS Thiện trình bày hết lẽ về nhu cầu bức bách của A Vao cần một trạm y tế đảm bảo công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân trong thời kỳ mới, sau mấy lời “trách yêu” ông Thiện vì đã không theo nguyên tắc hành chính, có tờ trình, văn bản kiến nghị từ cấp xã lên, BS Thiện được quay về A Vao với những cái bắt tay ấm áp và nụ cười cảm thông của lãnh đạo tỉnh.
Nghe tới đoạn này, tôi liền bấm điện thoại kết nối với ông Nguyễn Đức Chính, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị. Thoạt nghe câu chuyện, ông Chính nói rằng chuyện qua nhiều năm, ông không nhớ, nhưng đánh giá cao về tấm lòng của một vị bác sĩ, về một người đã có tâm có đức vì cộng đồng của mình, vì bản làng vùng đặc biệt khó khăn như A Vao.
Chừng vài tháng sau đó, BS Thiện đi họp ở trung tâm huyện thì đón nhận tin vui từ lãnh đạo huyện: A Vao đã được bố trí kinh phí từ chương trình 30a (chương trình giảm nghèo nhanh, bền vững theo Nghị quyết 30a của Chính phủ năm 2008) để xây dựng trạm y tế xã. Năm 2009, Trạm Y tế mới được đầu tư, xây dựng, với tổng kinh phí khoảng 6,650 tỷ đồng. Năm 2012, trạm khánh thành đưa vào sử dụng. Trạm Y tế mới nằm cạnh trạm cũ, cao 2 tầng, tổng diện tích sàn là 2.709m, có nhiều phòng chức năng như hội trường, phòng khám bệnh, phòng đông y, phòng sản, khám thai, phòng siêu âm xét nghiệm, tiêm chủng; hai phòng lưu nội trú nam, nữ với 15 giường bệnh (dù biên chế chỉ 5 giường)... Đây là cơ sở y tế cấp xã đầu tiên của tỉnh Quảng Trị được đầu tư khang trang, hiện đại bằng kinh phí của chương trình 30a; lại là trạm y tế xây dựng theo đúng chuẩn, các tiêu chí của Bộ Y tế về cơ sở y tế cấp xã!
|
Khó mà tả hết niềm vui của nhân dân lẫn đội ngũ y bác sĩ ở A Vao năm ấy, trong đó có BS Thiện. Từ đấy, hơn 700 hộ dân, với khoảng 3500 con người, phần lớn là đồng bào Pa Kô đã có một cơ sở khám chữa bệnh ban đầu khang trang, hiện đại.
Mà đâu chỉ lần ấy. BS Thiện đưa tôi sang phòng khám có chiếc máy siêu âm luôn được lau chùi sáng bóng. BS Thiện nói có mặt ở đấy, trong gian phòng này, là kết cục của câu chuyện có tên là “chuyện tình... máy siêu âm”.
Cũng là vào năm 2009, khi mà Trạm Y tế A Vao đang khởi công xây mới, có một vị lãnh đạo ngành y tế tỉnh đến A Vao công tác, ở lại. Biết trạm chưa có máy siêu âm, vị ấy BS Thiện làm thủ tục tham mưu, trình để sở cấp máy.
Được gợi ý bụng như mở cờ, hôm sau BS Thiện mang câu chuyện máy siêu âm đến “làm quà” ngay với một nữ lãnh đạo Đảng ủy xã A Vao. Tiếp đó, BS Thiện và vị nữ lãnh đạo Đảng ủy xã về ngay TP. Đông Hà, đi thẳng vào Sở Y tế để làm thủ tục “xin” máy siêu âm. Thủ tục “ok”. Sở biểu BS Thiện, lãnh đạo A Vao về xã chờ, sở chuyển lên sau. Nhưng hai người chỉ có vị nữ lãnh đạo xã về, BS Thiện thuê phòng trọ nán ở lại Đông Hà. “Chờ cho đến ngày có máy thì tui... tự “xông” vào sở để nhận. Thấy thế, mấy anh ngạc nhiên hỏi sao không ở A Vao chờ sở gửi về huyện, rồi huyện đưa lên cho? Tui nói dối là đi công tác, tiện đường ghé tới xin mang về luôn. Chứ thật lòng là tui muốn tự mình ôm chiếc máy siêu âm ấy mang về A Vao mới yên tâm!”, BS Thiện cười kể.
Chiếc máy siêu âm trị giá 275 triệu đồng lúc ấy của A Vao thuộc “hàng hiếm” với các trạm y tế xã Quảng Trị vào năm 2009.
Có máy rồi nhưng không ai ở A Vao biết dùng. Năm 2010, BS Thiện xin đi học chứng chỉ nghiệp vụ, chuyên môn về siêu âm. Có khi lớp học chỉ có hai người là BS Thiện với thầy của mình ở Bệnh viện đa khoa Quảng Trị. Khóa học chia làm 3 đợt, hơn 1 năm mới xong. BS Thiện mang kiến thức về ứng dụng. Soi soi chụp chụp. Hình ảnh trực quan sinh động, chỉ đâu đồng bào, bệnh nhân tin đấy. Bà con tin khoa học, hủ tục xa dần, sức khỏe cộng đồng ngày một tốt lên.
|
|
26 năm gắn bó với A Vao, 22 năm là Trạm trưởng Trạm Y tế xã, chuyện về BS Thiện, nhất là với công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng làng bản khó lòng kể hết trong phóng sự này. Ví như ông là một trong những sáng lập viên của chương trình “Nồi cháo dinh dưỡng” cho những thai phụ để chống suy dinh dưỡng của sản nhi với nhóm những phụ nữ nguy cơ. Chương trình này được Đảng ủy, UBND xã A Vao trực tiếp chỉ đạo, mỗi cán bộ công nhân viên chức ngành y tế, giáo dục và biên phòng xã A Vao đóng góp 10 ngàn đồng để thực hiện. Những nồi cháo dinh dưỡng sẽ được cung cấp cho các thai phụ để bồi dưỡng sức khỏe cũng như chống suy dinh dưỡng cho thai nhi. Công việc âm thầm lặng lẽ này kéo dài nhiều năm qua và đã mang lại những giá trị rất ý nghĩa cho sức khỏe cộng đồng. “Trong tháng 7/2024, xã có 34 thai phụ và chúng tôi luôn nắm, theo sát tình hình sức khỏe của họ để có những hỗ trợ, tư vấn sức khỏe sinh sản, chăm sóc dinh dưỡng, ứng biến kịp thời trong mọi tình huống, nhất là khi có thiên tai.”, BS Thiện chia sẻ.
Trước khi chia tay A Vao tôi nhờ cô đỡ Hồ Thị Lâm đưa đến thăm nhà BS Thiện. Nếu không được cô học trò thân tín này dẫn đến tận nhà BS Thiện, có lẽ tôi mãi không hình dung được đó là ngôi nhà của một bác sĩ, có trình độ cao, nhiều năm làm Trạm trưởng. Ngắm Trạm Y tế, tham quan từng phòng chức năng của trạm, nghe được bao câu chuyện của vị thầy thuốc ấy làm cho A Vao, rồi vào ngôi nhà của BS Thiện, mắt tôi chợt cay xè...
Ngôi nhà BS Thiện là nhà cấp 4, lợp tôn, không có la phông. Nhà nằm lưng chừng một con dốc trong thôn A Vao, xã A Vao. Từ ngoài đường nhìn vào là gặp ngay đôi cánh cửa chính bằng gỗ, cũ, xập xệ. Bên trong, gian đầu tiên của ngôi trống trải. Cạnh đó có chiếc giường gỗ đóng bụi, nhưng từ lâu không có người nằm.
Hỏi ra mới hay, gian nhà từng được vợ BS Thiện làm nơi bán ít đồ tạp hóa, nhưng mấy năm nay dẹp bỏ do vợ BS Thiện vào Đắk Lắk làm công nhân cấp dưỡng. Chiếc giường bụi đóng kia, là nơi cưu mang cho 16 học sinh người dân tộc Pa Kô mà vợ chồng BS Thiện đón từ bản Pa Ling về nuôi. Các em là học sinh THCS được vợ chồng BS Thiện lo cho ăn ở, học tập từ năm 2016 – 2018. Hết bậc THCS có em tiếp tục ra Tà Rụt học thêm THPT, có em trở về bản làng với bố mẹ. Từ khi vợ BS Thiện vào Đắk Lắk làm việc, vợ chồng họ thôi đón các em đến ở vì điều kiện khó khăn. “Các con không tới cũng thấy thiếu vắng trong nhà. Vì quen tiếng cười, đùa nghịch của lũ trẻ rồi. Mà biết làm sao khi nhà chỉ có 3 bố con. Cơm gạo cũng có phần eo hẹp.”, BS Thiện bùi ngùi.
Sau khi vợ BS Thiện vào Tây Nguyên, đám học sinh bản làng cũng thôi đến nương náu, ngôi nhà chỉ còn 3 bố con BS Thiện với những bức tường vôi vữa nhiều chỗ loang lổ đến chạnh lòng. Tài sản đáng quý nhất của vợ chồng BS Thiện là hai người con, một trai một gái đẹp, ngoan và học rất giỏi.
Cô con gái đầu của BS Thiện vừa tốt nghiệp Trường đại học Y dược Huế, trở về phục vụ nhân dân tại A Vao, còn cậu con trai thứ hai của họ điển trai... như minh tinh màn bạc Hàn Quốc, lại học rất giỏi. Cu cậu thi đại học đỗ điểm khá cao và nay đang là sinh viên của một ngành “hot” trong quân đội. Trong nhà có rất nhiều bằng khen của ba bố con BS Thiện, nhưng khi chia tay ông chỉ kịp khoe tôi danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh mà ông nhận cùng lần với bằng khen dành cho tập thể Trạm Y tế xã A Vao. “Mình ước rằng đôi chân không yếu đi, thân thể cũng luôn có sức khỏe để mà tới lui với đồng bào, giúp cho bà con những kiến thức mà mình được học, được tiếp thu trong nguồn ánh sáng văn minh bao la ngoài kia.”, BS Thiện nắm tay tôi chào tạm biệt.
|
|
|
|
|
|
|
|
|