Quốc khánh đặc biệt của Giáo sư Võ Tòng Xuân
Đời sống - 01/09/2024 16:15 Thanh Mai
“Hiệp sĩ” lúa Võ Tòng Xuân |
“Sáng sớm sau ngày phát hình Chương trình kỷ niệm 5 năm Ngày Quốc khánh đất nước thống nhất (năm 1980 - PV), anh Hai Chung (Võ Văn Chung - cộng tác rất nhiệt tình với GS Xuân từ năm 1977) đón xe đò từ Tiền Giang lên Cần Thơ, rồi bí mật vào Trường Đại học Cần Thơ, gặp riêng tôi khuyên nên bỏ trốn vì sắp bị kết tội phản động”- GS Võ Tòng Xuân đã ghi trong nhật ký của mình.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan và GS Võ Tòng Xuân. Ảnh: Tư liệu Võ Tòng Xuân. |
Sau khi hỏi kỹ, ông Hai Chung cho biết, nguồn tin này được lãnh đạo tỉnh Tiền Giang “bật mí”. Còn nội dung “phản động” là do GS Xuân đã nói ngược lại chủ trương sản xuất của Ban Hợp tác hóa Trung ương.
Chuyện bắt nguồn từ sự kiện GS Xuân công khai chuyện “xé rào” chương trình Hợp tác hóa.
“Năm 1979, khi nghiên cứu việc trồng lúa toàn vùng ĐBSCL, nhóm làm việc chúng tôi nhận thấy khó đưa tiến bộ khoa học vào đồng ruộng... mà nguyên nhân chính là do chính sách Hợp tác hóa nông nghiệp đã nảy sinh hệ lụy “cha chung không ai khóc”- GS Xuân nhớ lại.
Điều này không chỉ kìm hãm sự phát triển của đồng đất mà còn kéo theo nghịch lý: Đất đai rộng cò bay thẳng cánh, nhưng nông dân chẳng những không đủ lúa để làm nghĩa vụ lương thực, mà cũng không đủ để ăn hằng ngày...
Qua trao đổi mang tính chất tâm tình với một số nhà nông, GS Xuân nhận diện đầy đủ những bất cập của vấn đề và từ đó lóe lên ý tưởng “xé rào”. Nói chính xác hơn là âm thầm xé rào vì khi đó phong trào hợp tác hóa đang rất khí thế.
Qua thăm dò, ông đã bày cách cho một số tập đoàn sản xuất - điển hình nhất là Tập đoàn sản xuất số 9 ấp Lung Đen, xã Kế An, huyện Kế Sách (tỉnh Hậu Giang, nay là Sóc Trăng) thực hiện sản xuất theo kiểu “khoán sản phẩm”, nói dễ hiểu là giao đất cho chủ cũ sản xuất trực tiếp, sau đó nộp lúa nghĩa vụ.
GS Võ Tòng Xuân trong lần thăm đồng ruộng cùng ông Võ Ngọc Triểm, nông dân ở An Giang, người được mệnh danh là “Vua lúa giống” của vùng ĐBSCL vào thập niên 90. Ảnh: Tư liệu Võ Tòng Xuân. |
Được canh tác ngay trên mảnh đất “gia bảo - máu thịt” lập tức tạo ra sức sống mới cho đồng đất. Thay vì chỉ làm chiếu lệ kiểu “có mặt điểm danh chấm công”, nhà nông dồn hết tâm sức chăm sóc… Kết quả là cuối năm, tất cả thành viên của Tập đoàn chẳng những đủ lúa làm nghĩa vụ Nhà nước, mà còn có dư lúa chất đầy bồ.
Phấn khởi trước niềm vui của nhà nông, tại “Chương trình Khoa học kỹ thuật nông nghiệp” trên Đài Truyền hình TP HCM phát dịp Quốc khánh năm 1980, GS Xuân đã chủ động đưa nội dung này vào như tin vui về khoa học và qua đó truyền tải thông điệp “cởi trói” đồng đất ra khỏi cơ chế bao cấp lạc hậu.
Do đây là chương trình do ông chủ động đặt vấn đề hợp tác từ năm 1978 trong vai trò người chịu trách nhiệm viết kịch bản, kiêm diễn giả… và trải qua thời gian dài được nhiều giới, nhiều người nhiệt tình đón nhận và thông thường chỉ phản ánh những vấn đề thuần khoa học nông nghiệp… nên lãnh đạo cũng như bộ phận chịu trách nhiệm nội dung của nhà đài không đưa vào chế độ duyệt nghiêm ngặt.
Vì thế sau khi phát sóng chương trình với nội dung “xé rào”, cả GS Xuân và nhiều cộng sự là lãnh đạo Đài Truyền hình TP HCM (ông Huỳnh Văn Tiểng), Đài Truyền hình Cần Thơ (ông Lưu Thành Tâm) và Ủy ban Phát thanh - Truyền hình Việt Nam (ông Trần Lâm) bị đưa vào danh sách “chuẩn bị” kỷ luật.
Đỉnh cao từ vực sâu
Sau khi nghe ông Hai Chung thông tin, GS Xuân có hơi chột dạ. Bởi về mặt khoa học, thực tiễn thì không có gì đáng ngại, vì ông có đầy đủ cơ sở và lập luận để bảo vệ tận cùng sự thật. Nhưng nếu đó là cú “chụp mũ” thì... Tuy nhiên, với suy nghĩ, nói để cho người dân tốt hơn lên mà bị mất hết sự nghiệp cũng không có gì hối tiếc, nhưng nếu điều này làm liên lụy đến nhiều cộng sự thì…
GS Võ Tòng Xuân (thứ 2 trái sang) trong lần cùng nông dân tỉnh Long An thăm đồng lúa trồng theo hướng hữu cơ ở tỉnh Long An. Ảnh: Thanh Mai. |
GS Xuân đã gặp ông Bảy Khai (Phạm Sơn Khai – Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ - PV) trình bày sự việc.
Vẫn cái giọng nói khề khà: “Ậy, ậy. Mầy đừng nghe xúi dại mà bỏ trốn. Chuyện đâu còn có đó. Làm cách mạng là vì dân, nay mầy vì dân mà nói, thì cách mạng không bỏ nầy đâu mà sợ”, GS Xuân nhớ lại.
Sau khi trấn an GS Xuân trở lại công tác bình thường, ông Bảy Khai cho biết sẽ liên lạc với mấy anh ngoài Trung ương xem tình hình thế nào rồi tính tiếp. Lời động viên chân tình đó đã thắp lên thêm ngọn lửa niềm tin cách mạng trong GS Xuân để nhà khoa học “lưu dụng” vững tin, không chọn cách bỏ trốn…
Rồi như phép màu giữa đời thường, đang từ “vực sâu” với canh cánh những phập phồng, lo ngại… GS Xuân vụt bay lên “đỉnh cao” của sự thành công. Thậm chí ông còn được nhiều nhà quản lý, đồng nghiệp, nhân dân vùng ĐBSCL xem như người hùng, khi góp phần tiếp sức cho hành động cách mạng: “cởi trói” đồng đất ra khỏi cơ chế bao cấp.
Tại phiên họp tháng 4/1981, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thừa nhận “tồn tại” của mô hình hợp tác hóa và nhận ra những điểm mạnh của mô hình “khoán sản phẩm”, trong đó nổi bật là cách giao đất về chủ cũ mà GS Xuân đã tận tâm hướng dẫn cho người dân ở Lung Đen, Kế Sách, Sóc Trăng áp dụng thành công.
GS Võ Tòng Xuân nhận Giải thưởng Dioscoro L. Umali”. Ảnh: Tư liệu Võ Tòng Xuân. |
Sau đó ông và các cộng sự chẳng những không bị kỷ luật như thông tin ban đầu, mà từ mô hình của ông, Trung ương đã đúc kết và ban hành Chỉ thị số 100, sau này, nhiều người gọi gọn là “khoán 100”. Đây là cơ sở là tiền đề, là động lực để các nhà khoa nông học phát huy trí tuệ, cùng nhà nông làm nên cuộc cách mạng cho lúa gạo.
Chỉ sau hơn 5 năm sau, Việt Nam đã vươn lên từ quốc gia thiếu đói thành quốc gia xuất khẩu gạo rồi trở thành cường quốc thế giới về lúa gạo. Thành tựu đó có công sức của nhiều thế hệ nhà khoa học, nhà nông, nhà quản lý…, nhưng trong đó, lịch sử sẽ mãi nhớ đến công sức không thể nào quên của AHLĐ, NGND, GS.TS Võ Tòng Xuân.
GS Võ Tòng Xuân (1940 - 2024) là một trong số nhà khoa học Việt Nam có tầm ảnh hưởng thế giới. Bên cạnh những nhiệm vụ quan trọng trong nước như: Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ, Hiệu trưởng Trường ĐH An Giang, Hiệu trưởng Trường ĐH Tân Tạo, Hiệu trưởng Trường ĐH Nam Cần Thơ, nhà sáng lập Trường song ngữ Tinh Hoa để dạy chương trình phổ thông theo phương pháp song ngữ (Việt – Anh) cho trẻ em nông thôn, con nhà nông (An Giang)…, ông còn là thành viên các tổ chức, chương trình trong và ngoài nước. Ông cũng là nhà khoa học Việt Nam được nhiều tổ chức trên thế giới tặng nhiều danh hiệu, phần thưởng cao quý như: Giải thưởng Derek Tribe về Khoa học kỹ thuật (2005); Giải thưởng Nikkei Châu Á (2002) về Tăng trưởng vùng; Giải thưởng Ramon Magsaysay (1993) về Phục vụ nhà nước; Bằng tưởng lệ của Thủ tướng Canada (1995) về Phụng sự và đóng góp vào khoa học thế giới... GS Võ Tòng Xuân cũng là nhà khoa học Việt Nam đầu tiên được vinh danh tại giải thưởng VinFuture với công trình “Phát minh và phổ biến giống lúa kháng bệnh” (2023). |
"Đi làm dịp Lễ Quốc khánh 2/9 được thấy mọi người an toàn là hạnh phúc" Đó là tâm sự của những người lao động làm việc đảm bảo trật tự du lịch, cứu nạn cứu hộ ngày Lễ 2/9 tại ... |
Nghỉ lễ Quốc khánh: NLĐ dành trọn thời gian bên gia đình, cùng con chuẩn bị năm học mới Kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 năm nay khá dài, thay vì lên kế hoạch đi chơi ở đâu thì nhiều công nhân trẻ đang ... |
Dịp nghỉ lễ 2/9 nên đi đâu, chơi gì? Trong kỳ nghỉ lễ 2/9 kéo dài 4 ngày, các thành phố lớn trên cả nước sẽ trở nên sôi động với hàng loạt sự ... |
Không cho người lao động nghỉ 4 ngày lễ Quốc khánh 2/9 bị phạt thế nào? Người lao động sẽ được nghỉ 4 ngày lễ Quốc khánh 2/9 năm 2024, vậy nếu doanh nghiệp không cho người lao động nghỉ 4 ... |