|
Là chuyên gia trong lĩnh vực văn hóa, đồng thời cũng là Đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, ông có đánh giá, nhìn nhận thế nào về các thiết chế văn hóa cho công nhân tại các khu công nghiệp của Thủ đô hiện nay? PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Theo tôi, dù Hà Nội đã có nhiều nỗ lực trong việc xây dựng thiết chế văn hóa cho công nhân, tuy nhiên có nhiều lý do dẫn tới việc thiết chế văn hóa cho công nhân ở Hà Nội còn yếu và thiếu, như sự quan tâm thực sự của xã hội, đặc biệt là các doanh nghiệp và tổ chức, đến nhu cầu văn hóa của công nhân còn chưa cao. Nhiều doanh nghiệp tập trung vào sản xuất kinh doanh mà ít chú trọng tới đời sống tinh thần của người lao động. Điều này dẫn đến kinh phí dành cho việc xây dựng các cơ sở văn hóa như nhà văn hóa, sân chơi, trung tâm sinh hoạt cộng đồng cho công nhân chưa thực sự được ưu tiên. Bên cạnh đó, Hà Nội là thành phố có mật độ dân cư cao, đất đai khan hiếm, dẫn đến việc quy hoạch đất cho các công trình văn hóa cho công nhân gặp nhiều khó khăn. Các kế hoạch phát triển văn hóa cho công nhân chưa được định hướng một cách cụ thể và chiến lược, dẫn đến việc triển khai thiếu hiệu quả. Ngoài ra, công nhân thường làm việc theo ca kíp với thời gian dài và công việc nặng nhọc, là một trở ngại lớn cho việc tham gia các hoạt động văn hóa. Cuối cùng là các chương trình văn hóa thiếu sự liên kết, phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội, dẫn đến việc triển khai không hiệu quả hoặc không đáp ứng được nhu cầu thực tế. Theo tôi, để khắc phục tình trạng này, cần có sự chung tay của nhiều bên, trong đó chính quyền cần có chính sách hỗ trợ, ưu tiên đầu tư. Doanh nghiệp nên chú ý đầu tư vào các chương trình sinh hoạt văn hóa. Xã hội cần nâng cao nhận thức, tạo điều kiện để công nhân tham gia các hoạt động văn hóa. Như thế, cả cộng đồng cần phối hợp đồng bộ mới có thể cải thiện được tình hình này một cách bền vững. Việc không được sử dụng các thiết chế văn hóa, thể thao đã có tác động thế nào đến đời sống tinh thần của công nhân lao động, thưa ông? PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Khi công nhân không được sử dụng các thiết chế văn hóa, thể thao ở Hà Nội, có sẽ có nhiều tác động tiêu cực. Đầu tiên là ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất. Không có điều kiện tiếp cận các cơ sở thể thao, công nhân có thể ít vận động hơn, dẫn đến sức khỏe tổng quát giảm sút, tăng nguy cơ bệnh lý như béo phì, tim mạch. Thiếu hoạt động thể thao, cơ thể không sản xuất đủ endorphins - chất này giúp giảm căng thẳng, lo âu. Thứ hai là ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần. Không có các thiết chế văn hóa như công viên, thư viện, rạp chiếu phim, công nhân không có nơi để thư giãn, làm giảm khả năng giải tỏa căng thẳng. Thứ ba là thiếu các hoạt động xã hội, công nhân sẽ cảm thấy cô đơn, bị cô lập, ảnh hưởng đến tình trạng tinh thần và sự gắn kết xã hội. Các hoạt động văn hóa, thể thao thường tạo ra các cơ hội để giao lưu, kết nối với người khác. Khi không được tham gia, công nhân mất cơ hội tạo lập mối quan hệ, gây khó khăn trong việc hòa nhập vào cộng đồng, nhất là cộng đồng địa phương nơi ở trọ của đa phần công nhân khu công nghiệp ở Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng. Tình trạng này cũng sẽ dẫn đến giảm động lực làm việc. Một môi trường văn hóa, thể thao phong phú có khả năng tạo động lực, nâng cao tinh thần làm việc, thiếu điều kiện này khiến động lực làm việc giảm sút. Cuối cùng là ảnh hưởng đến khả năng phát triển toàn diện. Tham gia vào các hoạt động thể thao, văn hóa giúp phát triển kỹ năng mềm như làm việc nhóm, lãnh đạo, giải quyết xung đột. Thiếu cơ hội này, công nhân bị hạn chế trong việc phát triển các kỹ năng quan trọng này. Bên cạnh đó, các thiết chế văn hóa như thư viện, nhà văn hóa không chỉ là nơi giải trí mà còn là nguồn tài nguyên học tập, nơi thực hành văn hóa dân tộc. Không có điều kiện sử dụng sẽ hạn chế cơ hội học hỏi, phát triển kiến thức, tình yêu với văn hóa của đất nước. |
Việc công nhân lao động không có thiết chế văn hóa hoặc không sử dụng thiết chế văn hóa sẽ làm đời sống tinh thần nghèo nàn và vô hình trung là cách làm công nhân lao động xa rời chính trị, dễ bị các thế lực thù địch lôi kéo, chống phá Đảng, Nhà nước. Ông nhận định thế nào về vấn đề này? PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Hoạt động văn hóa luôn có sự kết nối chặt chẽ với chính trị, kinh tế, xã hội. Vì thế, ngay trong Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943, Đảng ta đã nhấn mạnh, văn hóa là một trong ba mặt trận (kinh tế, chính trị, văn hóa) ở đó người cộng sản phải hoạt động. Chính vì thế, khi công nhân lao động không có hoặc không sử dụng các thiết chế văn hóa là một vấn đề quan trọng, ảnh hưởng đến đời sống tinh thần và an ninh xã hội. Khi công nhân không tiếp cận được với các thiết chế văn hóa, đời sống tinh thần của họ trở nên nghèo nàn, dẫn đến sự thiếu hụt trong kiến thức, kỹ năng và tư duy, thiếu ý thức chính trị, định hướng đạo đức, không chỉ tạo ra môi trường sống không lành mạnh mà còn làm tăng nguy cơ xa rời các giá trị chính trị, đạo đức và xã hội. Việc không tham gia vào các hoạt động văn hóa, giáo dục và rèn luyện kỹ năng sẽ khiến người lao động dễ bị cô lập, trở thành mục tiêu dễ dàng cho các thế lực thù địch. Trong khi đó thiếu kiến thức, hiểu biết về văn hóa, nhất là truyền thống văn hóa dân tộc dễ khiến công nhân thiếu tự tin, tự hào về truyền thống của cha ông, từ đó dễ dẫn đến vọng ngoại, ưu tiên những sinh hoạt văn hóa nước ngoài. Các thế lực thù địch sẽ lợi dụng sự thiếu thông tin, tình yêu quê hương, đất nước của công nhân để lôi kéo họ vào các hoạt động chống phá, gây mất ổn định cho Đảng và Nhà nước. Đây là hệ lụy rất nghiêm trọng từ việc công nhân thiếu hoặc không được hưởng các thiết chế văn hóa. Hẳn nhiều người còn nhớ thời điểm năm 2018 khi Quốc hội đang họp bàn thông qua các dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc và Luật An ninh mạng, tại một số khu công nghiệp, công nhân lao động do bị kích động, xúi giục đã có những cuộc biểu tình chống đối. Trước tình trạng đó, ngày 11/6/2018, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khi ấy là đồng chí Bùi Văn Cường đã kêu gọi toàn bộ đoàn viên công đoàn và công nhân lao động hãy bình tĩnh, đề cao cảnh giác, không nghe theo và không làm theo lời xúi giục của kẻ xấu; không để lòng yêu nước bị lợi dụng; đồng thời tuyên truyền cho người thân, bạn bè, đồng nghiệp không tham gia các hành động trái pháp luật, không chia sẻ những nội dung kích động trên các trang mạng xã hội. Tại Hà Nội, Liên đoàn Lao động thành phố đã ban hành Công văn số 331/LĐLĐ yêu cầu, liên đoàn lao động các quận, huyện, thị xã; công đoàn ngành; công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở; các đơn vị trực thuộc khẩn trương tổ chức thông tin, tuyên truyền sâu rộng tới cán bộ, đoàn viên và người lao động về dự án Luật mới. Trong công văn, Liên đoàn Lao động thành phố yêu cầu, các đơn vị cần chủ động nắm bắt thông tin, định hướng dư luận xã hội; tích cực đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, vạch trần âm mưu của các thế lực thù địch và cơ hội chính trị lợi dụng việc Quốc hội thông qua các dự luật, nhất là Luật An ninh mạng để tổ chức các hoạt động gây rối, chống Đảng, chống chế độ xã hội chủ nghĩa… Ngoài ra, việc thiếu tiếp cận với các thiết chế văn hóa còn làm giảm khả năng tư duy phản biện và tinh thần cầu tiến của công nhân, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu suất làm việc mà còn làm giảm chất lượng cuộc sống của họ và gia đình. Như vậy, chúng ta mới càng nhận thấy tầm quan trọng của việc đầu tư vào các thiết chế văn hóa, không chỉ cải thiện đời sống tinh thần của công nhân mà còn góp phần bảo đảm an ninh chính trị, xã hội, bồi đắp niềm tin vào Đảng và sự vững bền của đất nước. |
Việc có thiết chế văn hóa mà công nhân không sử dụng thì đó là sự lãng phí rất lớn. Theo ông, về phía chính quyền, liên đoàn lao động hay về phía doanh nghiệp phải làm thế nào để phát huy hiệu quả hơn nữa của thiết chế văn hóa? PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Đây là một thực tế đáng buồn và đã xảy ra. Tôi nghĩ, trong trường hợp khi có thiết chế văn hóa (như thư viện, nhà văn hóa, câu lạc bộ...) nhưng công nhân không sử dụng, chính quyền, liên đoàn lao động và phía doanh nghiệp nên thực hiện các biện pháp để khuyến khích sự tham gia. Đầu tiên là phải tiến hành khảo sát để hiểu rõ nguyên nhân vì sao công nhân không sử dụng các thiết chế văn hóa, tìm hiểu về các mối quan tâm và sở thích của công nhân để điều chỉnh các hoạt động sao cho phù hợp. Thứ hai là phải tuyên truyền, nâng cao nhận thức của công nhận về lợi ích và hiệu quả của việc sử dụng các thiết chế văn hóa bằng cách sử dụng các phương tiện truyền thông nội bộ như bảng tin, email, hoặc ứng dụng di động để thông báo. Thứ ba là điều chỉnh thời gian hoạt động của các thiết chế văn hóa để phù hợp với lịch trình làm việc của công nhân, cũng như cải thiện cơ sở vật chất và dịch vụ để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công nhân. Thứ tư là tổ chức các sự kiện, hoạt động văn hóa hấp dẫn như buổi biểu diễn ca nhạc, thi đấu thể thao, hoặc các cuộc thi văn nghệ. Cùng với đó là có các phần thưởng hoặc ưu đãi như phiếu quà tặng, phần thưởng cho cá nhân và đội ngũ tham gia tích cực. Thứ năm là kết hợp các hoạt động văn hóa với các chương trình xã hội như từ thiện, bảo vệ môi trường, để công nhân cảm thấy có mục đích cao hơn khi tham gia. Thứ sáu cũng rất quan trọng là tạo cơ hội đối thoại giữa công nhân và ban quản lý để lắng nghe ý kiến, ý tưởng và phản hồi. Chúng ta cần xây dựng một môi trường cởi mở và dân chủ, nơi công nhân cảm thấy ý kiến của họ được trân trọng và thực sự ảnh hưởng tới các quyết định. Tôi tin rằng, bằng cách tiếp cận toàn diện và lắng nghe người lao động, các bên liên quan như chính quyền địa phương, tổ chức công đoàn và doanh nghiệp sẽ tạo ra môi trường văn hóa phong phú và đa dạng, thúc đẩy sự tham gia tích cực từ phía công nhân. Xin trân trọng cảm ơn ông! |