Quản lý các nguy cơ rủi ro về an toàn vệ sinh lao động ở nơi làm việc
Đời sống - 26/07/2019 11:27 Lâm Tới
Ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ LĐ-TB&XH). |
Trước thềm sự kiện thường niên này, phóng viên Tạp chí LĐ&CĐ đã có cuộc trao đổi với ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ LĐ-TB&XH) về một số vấn đề xung quanh kế hoạch triển khai Tháng Hành động cấp quốc gia năm nay về thực trạng công tác ATVSLĐ năm 2018 và định hướng, mục tiêu, giải pháp hành động về ATVSLĐ năm 2019.
PV: Xin ông cho biết đôi nét về kế hoạch triển khai Tháng Hành động về ATVSLĐ năm nay. Tại sao lại chọn chủ đề của Tháng là “Tăng cường đánh giá, quản lý các nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ tại nơi làm việc”?
Ông Hà Tất Thắng: Tháng Hành động về ATVSLĐ năm 2019 sẽ diễn ra một số hoạt động như: Lễ phát động Tháng Hành động ATVSLĐ cấp quốc gia; các hoạt động truyền thông, chiếu các thông điệp, phóng sự về ATVSLĐ; kiểm tra, thanh tra về công tác ATVSLĐ...
Về hoạt động tuyên truyền, Ban Chỉ đạo sẽ xây dựng, phát hành các ấn phẩm, tài liệu hướng dẫn về ATVSLĐ tới doanh nghiệp, NLĐ; gửi tin nhắn về ATVSLĐ qua điện thoại di động, phát sóng các thông điệp, cảnh báo tai nạn lao động (TNLĐ), bệnh nghề nghiệp (BNN); tuyên truyền qua internet, hệ thống các đài truyền thanh cấp huyện, xã; xử lý nghiêm và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng các doanh nghiệp, cơ sở, tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về ATVSLĐ.
Về vấn đề kiểm tra, thanh tra, đây là hoạt động diễn ra trước, trong và sau Tháng Hành động. Theo đó, từ tháng 3/2019, Bộ LĐ-TB&XH (Thanh tra Bộ, Cục ATLĐ) đã phối hợp với Sở LĐ-TB&XH thành phố Quảng Nam và một số địa phương lân cận tổ chức một số đoàn thanh tra, kiểm tra về ATVSLĐ tại các doanh nghiệp trên địa bàn.
Bộ LĐ-TB&XH đã và đang tổ chức các đoàn thanh tra 10 công trình xây dựng, 8 Tập đoàn, Tổng công ty về thực hiện công tác ATVSLĐ. Đoàn thanh tra Cục ATLĐ dự kiến thanh tra 27 doanh nghiệp và 30 hộ gia đình trong khu vực phi kết cấu tại Bắc Ninh, Hà Nội, Quảng Nam. Các Bộ, ngành như Công thương, Quốc phòng, Y tế cũng đã xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra và chỉ đạo tự kiểm tra tại một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh có nguy cơ rủi ro cao về TNLĐ, BNN.
Về phía tỉnh Quảng Nam (địa phương trọng điểm đăng cai tổ chức Lễ phát động Tháng Hành động) sẽ tổ chức thanh kiểm tra 31 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh…
Thực trạng hiện nay cho thấy, điều kiện lao động trong các doanh nghiệp ở nước ta vẫn còn tồn tại nhiều nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ. Trong khi đó NDSLĐ và NLĐ chưa có kỹ năng, kiến thức đầy đủ trong việc đánh giá, nhận diện các nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ dẫn đến nhiều vụ TNLĐ thương tâm do thiếu hiểu biết, thiếu kiến thức về ATVSLĐ.
Chính vì thế, chúng tôi cho rằng, việc tăng cường đánh giá, quản lý các nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ tại nơi làm việc hiện nay là hoạt động phòng ngừa rất bức thiết, đây chính là lý do chúng ta chọn đó làm chủ đề của Tháng Hành động về ATVSLĐ năm 2019.
PV: Thưa ông, theo thống kê của Cục ATLĐ, năm 2018, TNLĐ trong lĩnh vực có quan hệ lao động giảm mạnh so với năm 2017; tuy nhiên, ở lĩnh vực không có quan hệ lao động (phi kết cấu) lại có xu hướng gia tăng. Ông nhìn nhận thực trạng này như thế nào?
Ông Hà Tất Thắng: Theo báo cáo của 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, năm 2018 trên toàn quốc đã xảy ra 7.997 vụ TNLĐ, làm 8.229 người bị nạn. Số vụ TNLĐ chết người là 972 vụ; trong đó, khu vực có quan hệ lao động là 578 vụ, giảm 10,8% so với năm 2017, khu vực NLĐ làm việc không theo hợp động lao động là 394 vụ, tăng 57,6% so với năm 2017.
Số người chết vì TNLĐ là 1.039 người; trong đó, khu vực có quan hệ lao động là 622 người, giảm 6,6% so với năm 2017, khu vực NLĐ làm việc không theo hợp động lao động là 417 người, tăng 59,16% so với năm 2017.
Như vậy, so với năm 2017, công tác ATVSLĐ năm qua có những chuyển biến rõ nét. Điều này thể hiện ở chỗ TNLĐ trong khu vực có quan hệ lao động giảm mạnh so với năm 2017 cả về số người chết và số vụ TNLĐ chết người.
Khu vực NLĐ làm việc không theo hợp đồng lao động có tai nạn lao động chết người tăng nhiều so với năm 2017. Điều này một phần xuất phát từ việc các địa phương đã quan tâm hơn đến công tác báo cáo, thống kê TNLĐ trong khu vực này (nếu như năm 2017 chỉ có 43 địa phương báo cáo, thì năm 2018 con số này tăng lên 51 địa phương).
Tuy nhiên, bên cạnh những chuyển biến bước đầu đáng ghi nhận trên, vấn đề TNLĐ vẫn còn nhiều diễn biến khá phức tạp. Năm 2018 cả nước còn xảy ra 17 vụ TNLĐ nghiêm trọng (làm chết từ 02 người trở lên và bị thương nhiều người) tại các địa phương như: Cao Bằng, TP. Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Nghệ An, Hà Tĩnh, Đồng Nai, Trà Vinh, Đắc Nông; xảy ra trong các lĩnh vực xây dựng, khai thác khoáng sản, điện, nổ lò, ngạt khí.
Riêng lĩnh vực xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng vẫn xảy ra nhiều vụ TNLĐ (chiếm 27% tổng số vụ TNLĐ). Mặc dù thời gian qua ý thức chấp hành pháp luật về công tác ATVLĐ đã được cải thiện, song nhìn chung chưa đạt như mong muốn. Nguyên nhân xảy ra TNLĐ do NSDLĐ vẫn chiếm 46,49% tổng số nguyên nhân.
Năm 2018, chỉ có 22.971/375.255 cơ sở doanh nghiệp thực hiện việc báo cáo, thống kê TNLĐ (chiếm 6,1% tổng số cơ sở doanh nghiệp). Như vậy, tỷ lệ báo cáo còn quá thấp. Số doanh nghiệp chấp hành báo cáo tình hình TNLĐ chưa đầy đủ, do vậy việc tổng hợp, đánh giá tình hình tai nạn lao động trên toàn quốc còn gặp nhiều khó khăn.
PV: Trước những vấn đề tồn tại của công tác ATVSLĐ hiện nay, theo ông, chúng ta cần có những giải pháp gì để xử lý hữu hiệu?
Ông Hà Tất Thắng: Để công tác ATVSLĐ thật sự chuyển biến tích cực, tôi nghĩ rằng cần có sự chung tay, góp sức, phối hợp của các Bộ, ban, ngành; các cấp chính quyền từ Trung ương tới địa phương; các tổ chức chính trị, đoàn thể; đặc biệt là sự đồng thuận, chủ động từ phía doanh nghiệp và mỗi NLĐ. Theo đó, chúng ta cần tập trung vào 4 nhóm giải pháp cụ thể sau:
Thứ nhất: Cần tiếp tục triển khai đồng bộ, thường xuyên các qui định, nhiệm vụ về ATVSLĐ theo qui định tại Luật ATVSLĐ và các văn bản hướng dẫn thi hành; tiếp tục rà soát, sửa đổi các qui định của Bộ luật Lao động; rà soát, hoàn thiện các văn bản qui phạm pháp luật hướng dẫn Luật ATVSLĐ đảm bảo tính thực thi và hiệu quả khi đi vào cuộc sống.
Thứ hai: Tiếp tục đổi mới và triển khai sâu rộng công tác tuyên truyền, phổ biến Luật ATVSLĐ đến các đối tượng, chủ thể có liên quan; tổ chức có hiệu quả các hoạt động của Tháng Hành động về ATVSLĐ năm 2019; tăng cường các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn về ATVSLĐ trên các công cụ số, internet, điện thoại di dộng, mạng xã hội;
Đặc biệt, thúc đẩy sự tham gia, vào cuộc của các cơ quan truyền hình, báo chí và các phóng viên trong việc viết bài, phân tích đưa tin về công tác ATVSLĐ; biểu dương các đơn vị làm tốt, phê bình các đơn vị vi phạm về ATVSLĐ. Mở rộng các hoạt động thông tin, tuyên truyền, tập huấn về ATVSLĐ cho NLĐ trong khu vực phi kết cấu.
Thứ ba: Hoàn thiện hệ thống, làm rõ chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức và tăng cường hoạt động của hệ thống các cơ quan quản lý Nhà nước về ATVSLĐ từ Trung ương đến địa phương. Phát huy vai trò và sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp và các tổ chức khác, kể cả tư nhân vào hoạt động ATVSLĐ trong khuôn khổ qui định của pháp luật.
Đẩy mạnh phân cấp chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cho địa phương. Đổi mới, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong khai báo, thống kê, báo cáo TNLĐ.
Thứ tư: Các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp cần thúc đẩy xây dựng và ban hành các chương trình, hành động cụ thể về ATVSLĐ. Tăng cường các cuộc thanh tra, kiểm tra cả trong khu vực có quan hệ lao động và không có quan hệ lao động.
Người sử dụng lao động phải thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định của Luật ATVSLĐ và các chế độ, chính sách bảo hộ lao động cho NLĐ theo quy định; Tăng cường công tác tự kiểm tra, rà soát, phát hiện các nguy cơ, rủi ro để chủ động kiểm soát phòng ngừa các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc.
Đối với NLĐ, cần tuân thủ đúng các nội qui, qui trình làm việc; tích cực trau dồi, nâng cao kiến thức, kỹ năng trước hết là bảo vệ sức khỏe tính mạng của chính bản thân họ, đem lại hạnh phúc cho gia đình, góp phần phát triển doanh nghiệp, và xã hội
PV: Xin cảm ơn ông đã dành cho Tạp chí LĐ&CĐ buổi trao đổi này!
Cần tận dụng lợi thế ngược về “độ trễ” Ông Lê Đức Thiện, Phó Giám đốc Trung tâm An toàn lao động, Viện ATVSLĐ, Tổng LĐLĐ Việt Nam, đã đưa ra một số góp ý ... |
Tin cùng chuyên mục
Đời sống - 01/09/2024 16:15
Quốc khánh đặc biệt của Giáo sư Võ Tòng Xuân
Với AHLĐ, NGND, GS.TS Võ Tòng Xuân, Ngày Quốc khánh (2/9) có dấu ấn đặc biệt. Bởi ngày này vào năm 1980, ông đã lội ngược dòng từ “vực sâu” vươn lên “đỉnh cao”…
Đời sống - 01/09/2024 07:00
100 năm dừa sáp Trà Vinh
Tại Trà Vinh, dừa sáp - được ví von như "vàng trắng". Bởi vì, không giống như các loại dừa bình thường, dừa sáp có lớp cơm dừa dày, mềm, dẻo, đặc quánh cùng với ít nước sệt, vị béo ngậy và có hương thơm rất đặc trưng.
Người lao động - 29/08/2024 10:39
Tín hiệu vui sau phóng sự “Giấc mơ nhà công vụ của giáo viên nơi đỉnh trời”
Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Cao Bằng nhanh chóng xây dựng, hoàn thiện đề án xây mới, sửa nhà công vụ cho đoàn viên trên địa bàn; bên cạnh đó, Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam đã hỗ trợ 3 tỷ đồng xây nhà công vụ cho giáo viên, hiện các công trình đã sắp hoàn thành, đưa vào sử dụng.
Đời sống - 26/08/2024 15:38
Đề xuất kéo dài kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2/9
Theo lịch nghỉ lễ năm 2024, cán bộ, công chức, viên chức, và người lao động sẽ được nghỉ lễ Quốc khánh từ ngày 31/8 đến hết ngày 3/9.
Người lao động - 24/08/2024 08:25
Lễ cưới tập thể công nhân ở Cần Thơ: Đám cưới khi sắp được nghỉ hưu...
8 cặp đôi trong lễ cưới tập thể đầu tiên dành cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn ở Cần Thơ vừa được tổ chức khiến nhiều người xúc động. Ở đấy người ta chứng kiến có cả cặp đôi mà chủ rể lẫn cô dâu đã ở tuổi nghỉ hưu nhưng lần đầu tiên làm đám cưới...
Đời sống - 23/08/2024 19:44
Niềm vui vào Đảng của những công nhân vệ sinh môi trường ở Kon Tum
Trong 54 đảng viên hiện nay thì có tới 36 đảng viên (chiếm gần 67%) là công nhân trực tiếp sản xuất, lao động tại các đội vệ sinh, đội cây xanh, lái xe... Đó cũng là thành tích nổi bật của công tác phát triển Đảng ở Công ty CP Môi trường đô thị tỉnh Kon Tum.