100 năm dừa sáp Trà Vinh
Đời sống - 01/09/2024 07:00 Hoàng Liên Phương
Xác lập Kỷ lục Việt nam về dừa sáp. Ảnh: HLP |
“Vàng trắng” của địa phương
Tại Trà Vinh, dừa sáp - được ví von như "vàng trắng". Bởi vì, không giống như các loại dừa bình thường, dừa sáp có lớp cơm dừa dày, mềm, dẻo, đặc quánh cùng với ít nước sệt, vị béo ngậy và có hương thơm rất đặc trưng. Lớp sáp trứ danh này chính là điểm có một không hai của dừa sáp.
Ban giám khảo Hội thi Món ngon chế biến từ dừa sáp. Ảnh: HLP |
Vùng đất Cầu Kè từ lâu nổi tiếng là xứ vườn trù phú nhất của tỉnh Trà Vinh. Những dãy đất cù lao ở huyện Cầu Kè như: Tân Qui I, Tân Qui II, cồn An Lộc… bốn mùa sum xuê cây trái. Trong số những trái cây đặc sản măng cụt, cam sành, bưởi năm roi, nhãn tiêu… Cầu Kè còn có dừa sáp được rất nhiều người trong cả nước tôn vinh là "ông hoàng" của trái cây đặc sản vùng sông nước, giá cả liên tục tăng, nhất là trong những dịp lễ, tết, ngày hội...
Hầu hết người dân địa phương khi nhân giống cây dừa sáp lúc trước chỉ để trồng vài cây để "ăn chơi, làm quà biếu". Nhưng vốn là "mỹ vị" nên dừa sáp được nhiều người dân giỏi nghề gia chánh chế biến thành nhiều loại thức uống như: sinh tố dừa sáp, dừa sáp dầm sữa đá, dừa sáp dầm trộn trái cây, dừa sáp trộn đường... nên hương vị độc đáo của dừa sáp nhanh chóng lan xa, được lòng thực khách.
Những sản phẩm từ dừa sáp. Ảnh: TN |
Độc đáo nhất là cách chế biến sinh tố dừa sáp, với ít cơm dẻo dừa sáp trộn với đá bào, thêm chút đường, sữa cho vào máy xay sinh tố, xay đến khi hỗn hợp nhuyễn mịn rồi cho ra ly thêm chút siro trái cây, vài lát dâu là có món sinh tố với hương vị béo ngậy, thơm ngào ngạt cho cảm giác lạ miệng vô cùng cuốn hút. Chính từ hương vị ngon lạ khó quên ấy mà thực khách khi thưởng thức xong và truyền tai nhau nên trái dừa sáp dần dần trở thành "ông hoàng" của trái cây như người dân Cầu Kè ví von.
Để thương hiệu dừa sáp vươn xa
Theo ông Nguyễn Hoàng Khải, Bí thư Huyện ủy Cầu Kè, toàn huyện hiện có hơn 45.000 cây dừa sáp; trong số này có trên 37.000 cây đang cho trái. Trong chương trình kinh tế - xã hội giai đoạn 2020 – 2025, huyện có kế hoạch phát triển vùng chuyên canh cây ăn trái đặc sản gắn với du lịch.
Gian hàng tham gia Festival 100 năm Dừa sáp Trà Vinh. Ảnh: HLP |
Trước sự hấp dẫn của hương vị và giá trị kinh tế của cây dừa sáp, từ năm 2006, các nhà khoa học Viện nghiên cứu Dầu và Cây có dầu TP Hồ Chí Minh đã phối hợp cùng Sở Khoa học và công nghệ tỉnh Trà Vinh thực hiện dự án trồng dừa sáp theo qui trình VietGAP, sử dụng phương pháp thụ phấn trợ lực để tăng chất lượng và năng suất cho trái sáp trên buồng dừa cao hơn so cách trồng bình thường.
Trái dừa sáp. Ảnh: TN |
Dự án hỗ trợ 20 hộ nông dân trồng 950 cây dừa sáp trên diện tích 6 ha. Đây được xem là một dự án "mở đường" cho người dân Cầu Kè phát triển loại cây trái đặc sản để cung ứng phục vụ cho ngành du lịch, góp phần nâng cao mức sống người dân địa phương.
Anh Thạch Em, ở xã Hòa Tân là hộ được hỗ trợ thực hiện trồng dừa sáp theo quy trình VietGap cho biết, lần đầu tiên trong đời anh mới được biết trồng cây dừa theo khoa học (VietGAP), từ cách trồng, bón phân, chăm sóc... đều ghi chép lại vào sổ sách để rút kinh nghiệm, hướng đến sản xuất an toàn, chất lượng.
Trưng bày các sản phẩm từ dừa sáp. Ảnh: TN |
Theo anh Thạch Em, thường dừa sáp được trồng 5 – 6 năm tuổi mới cho trái, nhưng nhờ trồng theo qui trình VietGAP chỉ 4 năm là cây cho trái. Được ứng dụng khoa học kỹ thuật, nhất là thực hiện phương pháp thụ phấn trợ lực, dừa sáp cho tỷ lệ trái sáp tăng nhiều so với cách trồng truyền thống trước đây. Trung bình dừa sáp trồng theo cách truyền thống chỉ cho trái sáp từ 2 - 3 trái/ buồng, nhưng với ứng dụng khoa học kỹ thuật cây dừa cho trái từ 5 – 7 trái/ buồng.
Qua 100 năm kể từ khi cây dừa sáp đầu tiên của Việt Nam “bén duyên” ở vùng đất Cầu Kè, đến nay địa phương này đã có hơn 171.400 cây, được trồng trên diện tích 1.145 ha, với sản lượng trung bình hàng năm trên 3 triệu quả. Với giá bán cao hơn nhiều lần so với dừa thường nên mang lại hiệu quả kinh tế rất cao cho người dân, cải thiện đáng kể thu nhập của hơn 2.000 hộ trồng dừa sáp huyện Cầu Kè; trong đó, hộ Khmer chiếm trên 70%.
Món ngon nào cũng có mặt dừa sáp. Ảnh: HLP |
Còn ông Thạch Phol, ở xã Hòa Tân, huyện Cầu Kè cho biết, gia đình ông có 1,5 ha dừa sáp được trồng từ năm 2017. Với diện tích trồng dừa sáp này, gia đình ông thu nhập bình quân mỗi năm khoảng 150 triệu đồng từ trái dừa sáp và khoảng 140 triệu đồng từ trái dừa khô không sáp. Theo ông Thạch Phol, mức thu nhập từ vườn dừa của gia đình mỗi năm là chỉ tính giá bình quân 90.000 đồng/trái dừa sáp và 90.000 đồng/chục trái dừa khô (12 trái/chục). Riêng vào mùa lễ hội Vu lan hàng năm trên địa bàn huyện, giá dừa sáp luôn tăng cao, gia đình ông tăng nguồn thu thêm khoảng 40 triệu đồng.
Hiện trên địa bàn tỉnh Trà Vinh có nhiều cơ sở, doanh nghiệp chế biến các sản phẩm đặc sản từ dừa sáp, như: mứt dừa sáp Cẩm của cơ sở Nguyễn Thị Cẩm; sản phẩm dừa sáp sợi VICOSAP; dừa sáp Bảo Châu; kẹo dừa sáp nguyên chất, kẹo dừa sáp lá dứa, kẹo dừa sáp cacao của Công ty TNHH Chế biến dừa sáp Cầu Kè… Với các sản phẩm đặc sản chế biến cùng với nhu cầu người tiêu dùng tự chế biến như sinh tố dừa sáp, kem dừa sáp… nên nguồn cung thường không đủ cầu và giá dừa sáp luôn ổn định ở mức từ 90.000 – 150.000 đồng/trái (tùy loại).
Bánh tét nước cốt dừa sáp. Ảnh: TN |
Tại Festival 100 năm Dừa sáp Trà Vinh tại huyện Cầu Kè năm 2024, Ban tổ chức có tổ chức Hội thi chế biến 100 món ăn ngon từ dừa sáp để phục vụ cho khách từ khắp nơi về dự hội và xác lập Kỷ lục Việt Nam về chế biến và trưng bày những sản phẩm từ dừa sáp nhiều nhất Việt Nam.
Các món mặn cũng có dừa sáp. Ảnh: TN |
Ông Nguyễn Hoàng Khải, cho biết thêm huyện đang tập trung nhiều nguồn lực hoàn thiện hệ thống hạ tầng, nâng cấp các công trình giao thông, mời gọi doanh nghiệp và khuyến khích người dân mạnh dạn cải tạo vườn kém hiệu quả sang trồng các loại cây trái đặc sản; trong đó cây trồng chủ lực là dừa sáp theo hướng an toàn, chất lượng.
Nhân dịp Festival 100 năm Dừa sáp Trà Vinh vừa diễn ra những ngày cuối tuần tháng 8/2024, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Lê Thanh Bình cho biết, việc tổ chức lễ hội nhằm tôn vinh, quảng bá loại trái cây đặc sản của tỉnh, đưa thương hiệu Dừa sáp Trà Vinh vươn xa. Sự kiện còn tạo điều kiện giao thương hàng hóa, kết nối cung cầu, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện Cầu Kè nói riêng và tỉnh Trà Vinh nói chung. Trong khuôn khổ Festival, đã diễn ra nhiều hoạt động như Hội thảo “Dừa sáp Trà Vinh - 100 năm hình thành và phát triển”; trưng bày các loại trái cây ngon của địa phương; hội thi chế biến 100 món ngon từ dừa sáp… Chuỗi sự kiện đã thu hút hàng nghìn du khách quốc tế, trong nước tham quan, thưởng lãm. |
Tin cùng chuyên mục
Đời sống - 01/09/2024 16:15
Quốc khánh đặc biệt của Giáo sư Võ Tòng Xuân
Với AHLĐ, NGND, GS.TS Võ Tòng Xuân, Ngày Quốc khánh (2/9) có dấu ấn đặc biệt. Bởi ngày này vào năm 1980, ông đã lội ngược dòng từ “vực sâu” vươn lên “đỉnh cao”…