Người lao động được từ chối làm việc trong trường hợp nào?
Sổ tay pháp luật - 01/09/2024 07:00 VĂN QUÂN
Theo TS. Đoàn Xuân Trường - Phó Trưởng phòng Thanh tra, Trường Đại học Luật Hà Nội, người lao động (NLĐ) có quyền từ chối công việc khi nhận thấy môi trường làm việc có nhiều rủi ro, nguy hiểm.
Cụ thể, theo quy định tại điểm d, Khoản 1, Điều 5 Bộ luật Lao động 2019, NLĐ có quyền được từ chối làm việc nếu có nguy cơ rõ ràng đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe trong quá trình thực hiện công việc.
Tư vấn của TS. Đoàn Xuân Trường - Phó Trưởng phòng Thanh tra, Trường Đại học Luật Hà Nội. Ảnh: V.Q |
Điều này cũng được quy định rất rõ theo điểm đ, Điều 6, Luật An toàn, vệ sinh lao động: NLĐ được quyền từ chối làm công việc hoặc rời bỏ nơi làm việc mà vẫn được trả đủ tiền lương và không bị coi là vi phạm kỷ luật lao động khi thấy rõ có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động đe dọa nghiêm trọng tính mạng hoặc sức khỏe của mình nhưng phải báo ngay cho người quản lý trực tiếp để có phương án xử lý; chỉ tiếp tục làm việc khi người quản lý trực tiếp và người phụ trách công tác an toàn, vệ sinh lao động đã khắc phục các nguy cơ để bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động.
Nếu doanh nghiệp buộc người lao động tiếp tục làm việc khi có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động đe dọa trực tiếp đến tính mạng có thể sẽ bị xử phạt theo quy định tại khoản 10 Điều 22 Nghị định 12/2022/NĐ-CP. Cụ thể, phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
Buộc NLĐ phải làm việc khi có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động đe dọa nghiêm trọng sức khỏe, tính mạng của họ không đúng quy định của pháp luật.
Buộc NLĐ không được rời khỏi nơi làm việc khi có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động đe dọa nghiêm trọng sức khỏe, tính mạng của họ không đúng quy định của pháp luật.
Buộc NLĐ tiếp tục làm việc khi các nguy cơ xảy ra tai nạn lao động đe dọa nghiêm trọng sức khỏe, tính mạng của họ chưa được khắc phục không đúng quy định của pháp luật.
Theo khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP thì mức phạt quy định nêu trên chỉ là mức phạt đối với cá nhân. Mức phạt tiền đối với tổ chức sẽ bằng 2 lần mức phạt đối với cá nhân.
Như vậy, trong quá trình thực hiện hợp đồng, nếu công ty buộc NLĐ tiếp tục làm việc khi có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động đe dọa trực tiếp đến tính mạng thì sẽ bị phạt tiền từ 60 - 80 triệu đồng.
Video: Tư vấn của TS. Đoàn Xuân Trường - Phó Trưởng phòng Thanh tra, Trường Đại học Luật Hà Nội.
Căn cứ xác định người lao động không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động? Mức độ không hoàn thành công việc được ghi trong hợp đồng lao động, thoả ước lao động tập thể hoặc nội quy lao động ... |
Trường hợp nào người lao động nghỉ việc phải báo trước ít nhất 120 ngày? Theo đó, đối với một số ngành, nghề, công việc đặc thù thì thời hạn báo trước được thực hiện theo quy định của Chính ... |
Người lao động được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong các trường hợp nào? Người lao động có thể đơn phường chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) theo nhu cầu mà không cần phải có lý do cụ ... |