Gặp những nông dân miền Tây làm công nhân phụ việc trên công trường cao tốc
Đời sống - 08/08/2024 13:56 TRẦN LƯU
Sẵn sàng khởi công tuyến cao tốc trục ngang đầu tiên ở ĐBSCL |
Những bác "Hai lúa" trên công trường
Không có nhiều ruộng vườn, đất đai canh tác, cũng từng lặn lội lên TP. HCM làm công nhân nhưng phải quay về quê do công ty khó khăn, tìm được một công việc để có nguồn sống ổn định với anh Trần Văn Tấn Phát (SN 1992, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp) là mơ ước.
Khi nghe tin tuyến cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng vừa khởi công, anh Phát đã tìm đến xin “ứng tuyển”, rồi được nhà thầu (Tập đoàn Định An) nhận vào làm công nhân tại bộ phận thi công dầm, trụ cầu, thuộc gói thầu 11 thi công nút giao Lộ Tẻ - Rạch Sỏi (xã Thạnh Tiến, huyện Vĩnh Thạnh, TP. Cần Thơ).
Anh Trần Văn Tấn Phát làm việc tại gói thầu số 11 thuộc nút giao Lộ Tẻ - Rạch Sỏi. Ảnh: Tr.L. |
Anh Phát mừng mừng kể: “Mấy năm lên miền Đông Nam bộ, dù không qua trường lớp nào, nhưng tôi học được rất nhiều điều, làm được rất nhiều việc khác nhau, như: làm sắt, làm hồ…. Có thời điểm khó khăn phải làm “thợ đụng” – tức là “đụng đâu làm đó”; nên khi đến công trường xin việc tương đối thuận lợi, được nhận ngay”.
Công việc mới đã mang lại cho anh Phát nguồn thu nhập hơn 10 triệu đồng/tháng. Đây là mức thu nhập rất ổn so với mặt bằng cuộc sống ở nông thôn, nhờ đó, cuộc sống gia đình anh đã đỡ hơn rất nhiều. “Mỗi ngày tôi chịu khó đi về (hơn 20km), tính ra tiền xăng cũng không tốn bao nhiêu; lại được tiết kiệm rất nhiều khoản như: chi phí nhà trọ, điện nước… so với lúc còn ở TP. HCM. Nhờ có cao tốc mà cuộc sống đỡ vất vả hơn”.
Đang cặm cụi làm việc cùng với những cuộn bấc thấm (là vật liệu kỹ thuật có tính ứng dụng cao trong công trình cầu đường), ông Nguyễn Văn Mai (SN 1972, xã Thạnh Tiến, huyện Vĩnh Thạnh, TP. Cần Thơ), chia sẻ: Khi chưa có công trình cao tốc, ông ở nhà làm 5 công ruộng trồng lúa, còn vợ thì mua bán nhỏ lẻ. Quần quật suốt năm, hai vợ chồng chỉ đủ lo cho cái ăn học.
Bốn tháng trước, ông Mai cũng được nhận vào làm công nhân ở gói thầu số 11. “Công việc của tui làm ở bộ phận cuộn bấc thấm với mức lương 9 triệu đồng/tháng. Công trình nằm ở gần nhà, mỗi ngày đi làm rất thuận tiện, cao tốc đã giúp nhiều lao động ở địa phương có cuộc sống ổn định hơn. Mấy hôm nay thời tiết mưa nắng thất thường, anh em công nhân luôn phải cố gắng làm việc để đảm bảo tiến độ”, ông Mai cho hay.
Công trình cao tốc đã mang đến nhiều việc làm cho người dân địa phương. Ảnh: Tr.L. |
Điều thú vị của công trường cao tốc quan trọng này không chỉ có những bàn tay góp mặt như anh Phát, anh Mai mà còn rất nhiều nông dân khác. Họ là những "công nhân" thời vụ, phụ việc trên công trường nhưng cũng tự hào đóng góp vào việc xây dựng công trình trọng điểm trên quê nhà.
Như gia đình anh Nguyễn Thanh Nhàn (huyện Vĩnh Thạnh) quanh năm cũng làm ruộng. Riêng anh có thêm nghề tài xế lái máy xúc cho các công trình xây dựng cầu đường. Nhưng mấy năm gần đây kinh tế khó khăn, việc làm và thu nhập của anh đều không ổn định. Từ khi cao tốc khởi công, anh xin vào làm tài xế ở công trường, được trả lương 12 triệu đồng/tháng.
"Thu nhập tốt, lại được làm việc gần nhà, nên mấy tháng qua, cuộc sống gia đình đã tốt hơn rất nhiều. Mỗi người một việc, hạnh phúc nhất là được góp chút sức xây dựng cao tốc, mong ngày mới quê hương mình giàu đẹp hơn trên những cung đường", anh Nhàn tâm sự.
Hình ảnh thi công bấc thấm tại các công trình cao tốc của Tập đoàn Định An. Ảnh: Tr.L. |
Ông Nguyễn Tất Đạt - Chỉ huy trưởng gói thầu 11 (Tập đoàn Định An), cho biết: Trên công trường, ngoài những công việc đòi hỏi chuyên môn, kỹ thuật cao; vẫn có rất nhiều công việc giản đơn, dễ làm, với nhu cầu cần tuyển dụng lao động tương đối lớn.
“Tính ưu việt của nguồn lao động tại chỗ là dễ tìm, anh em công nhân là người dân địa phương nên rành rẽ mọi thứ, giúp ích rất nhiều trong công việc. Đến nay đã có 20 lao động là người dân địa phương được nhận vào làm việc tại gói thầu số 11, với mức thu nhập từ 9 triệu đồng cho đến 15 triệu đồng/tháng, tùy vào công việc mỗi người”, ông Đạt thông tin.
Tạo thu nhập nhưng đảm bảo chất lượng, an toàn
Dự án dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng được khởi công vào tháng 6/2023. Toàn tuyến có chiều dài 188,2 km, quy mô phân kỳ 4 làn xe , sơ bộ tổng mức đầu tư 44.691 tỷ đồng; tiến độ dự án cơ bản hoàn thành năm 2026, đưa vào khai thác năm 2027.
Dự án được chia thành 4 dự án thành phần 1, 2, 3 và 4, giao UBND các tỉnh An Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng và TP. Cần Thơ là cơ quan chủ quản. Riêng dự án thành phần 2 Cần Thơ có chiều dài 37 km, tổng mức đầu tư khoảng 9.845 tỉ đồng, do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng TP. Cần Thơ làm chủ đầu tư.
Công nhân với công đoạn hàn sắt trên công trường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng. Ảnh: Tr.L. |
Theo ông Nguyễn Tất Đạt, ngoài việc tạo điều kiện tối đa cho công nhân làm việc; vấn đề an toàn lao động luôn được nhà thầu nhắc nhở, quán triệt mỗi ngày, đến mỗi người. Trong đó, ngoài việc nhắc nhở công nhân mặc bảo hộ lao động thì biện pháp thi công đảm bảo an toàn là quan trọng nhất, tuyệt đối không để những sơ suất xảy ra.
Trong khi đó UBND huyện Vĩnh Thạnh cho hay, từ khi các gói thầu đi qua địa bàn huyện được triển khai đã tạo ra rất nhiều công ăn việc làm cho người dân địa phương, giúp cuộc sống bà con ổn định hơn.
Trên địa bàn huyện có Khu công nghiệp Vĩnh Thạnh rộng 900 ha, đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung vào quy hoạch phát triển các khu công nghiệp trên địa bàn TP. Cần Thơ. UBND TP. Cần Thơ đã phê duyệt Đồ án Quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2.000 Khu công nghiệp Vĩnh Thạnh giai đoạn I rộng gần 294 ha, có tổng mức đầu tư hơn 3.717 tỷ đồng.
Một góc thi công gói thầu số 11, nút giao Lộ Tẻ - Rạch Sỏi. Ảnh: Tr.L. |
Đặc biệt, tháng 9 vừa qua, dự án Khu công nghiệp VSIP Cần Thơ đã được khởi công tại xã Vĩnh Trinh. Khu công nghiệp được quy hoạch tổng diện tích 900ha, trong đó giai đoạn 1 có diện tích hơn 293ha, tổng vốn đầu tư hơn 3.717 tỉ đồng.
Dự án được định hướng xây dựng theo mô hình khu công nghiệp thông minh và bền vững với mục tiêu trở thành trung tâm chế biến và phân phối thực phẩm lớn ở khu vực phía Nam. Thiết lập mạng lưới logistics “từ trung tâm đến cảng” và hạ tầng cơ sở vật chất phụ trợ nhằm hỗ trợ tốt nhất cho các nhu cầu về chuỗi cung ứng của nhà đầu tư. Khi dự án hoàn thành sẽ tạo ra khoảng 30.000 đến 50.000 việc làm.
Huyện Vĩnh Thạnh kỳ vọng khi tuyến cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Trần Đề hoàn thành sẽ kết nối với hệ thống giao thông hiện hữu, mở ra không gian phát triển mới, thu hút đầu tư, giải quyết vấn đề lao động tại địa phương, tăng thu nhập cho người dân...
Theo quy hoạch, khu vực ĐBSCL có 6 tuyến cao tốc với 1.188 km, gồm 3 tuyến cao tốc trục dọc (597 km) và 3 tuyến cao tốc trục ngang (591 km). Đến nay, toàn vùng đã đưa vào khai thác 120 km. Chính phủ đang chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công, phấn đấu đến năm 2025 có khoảng 311 km, đến năm 2027 có khoảng 526 km, đến năm 2030 có khoảng 740 km. Ngày 13/7 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đến kiểm tra tình hình triển khai tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng. Thủ tướng đề nghị chính quyền địa phương phải huy động cả hệ thống chính trị, người dân vào cuộc, cùng nhau làm tạo nên phong trào thi đua trên công trường. Các đơn vị phải làm việc với tinh thần "3 ca, 4 kíp", "ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương", làm việc xuyên ngày nghỉ, ngày lễ để lấy lại thời gian đã chậm tiến độ từ trước. Các doanh nghiệp, các nhà đầu tư làm các tuyến cao tốc tại địa phương phải vừa làm vừa hỗ trợ doanh nghiệp địa phương, để doanh nghiệp địa phương lớn mạnh dần, chủ động xây dựng được các công trình lớn tại địa phương theo tinh thần 4 tại chỗ, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân, hỗ trợ người dân xây dựng hệ thống tưới tiêu, chống sạt lở, hệ thống đường giao thông, xây dựng phố trong làng. |
Hàng loạt cao tốc sẽ tăng phí vào đầu tháng sau Từ 0 giờ ngày 1/2/2024, bốn tuyến cao tốc do Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ ... |
Công nhân làm xuyên Tết trên cao tốc Cần Thơ - Cà Mau Gác lại niềm riêng khi Tết đến Xuân về, nhiều công nhân vẫn miệt mài trên công trường, bất kể ngày đêm. Với họ, mùa ... |
Phạt nguội đi vào làn khẩn cấp trên cao tốc bao nhiêu tiền? Nhiều độc giả thắc mắc có bị phạt nguội đi vào làn khẩn cấp trên cao tốc không, câu trả lời là có. Điều này ... |
Tin cùng chuyên mục
Đời sống - 01/09/2024 16:15
Quốc khánh đặc biệt của Giáo sư Võ Tòng Xuân
Với AHLĐ, NGND, GS.TS Võ Tòng Xuân, Ngày Quốc khánh (2/9) có dấu ấn đặc biệt. Bởi ngày này vào năm 1980, ông đã lội ngược dòng từ “vực sâu” vươn lên “đỉnh cao”…
Đời sống - 01/09/2024 07:00
100 năm dừa sáp Trà Vinh
Tại Trà Vinh, dừa sáp - được ví von như "vàng trắng". Bởi vì, không giống như các loại dừa bình thường, dừa sáp có lớp cơm dừa dày, mềm, dẻo, đặc quánh cùng với ít nước sệt, vị béo ngậy và có hương thơm rất đặc trưng.
Người lao động - 29/08/2024 10:39
Tín hiệu vui sau phóng sự “Giấc mơ nhà công vụ của giáo viên nơi đỉnh trời”
Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Cao Bằng nhanh chóng xây dựng, hoàn thiện đề án xây mới, sửa nhà công vụ cho đoàn viên trên địa bàn; bên cạnh đó, Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam đã hỗ trợ 3 tỷ đồng xây nhà công vụ cho giáo viên, hiện các công trình đã sắp hoàn thành, đưa vào sử dụng.
Đời sống - 26/08/2024 15:38
Đề xuất kéo dài kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2/9
Theo lịch nghỉ lễ năm 2024, cán bộ, công chức, viên chức, và người lao động sẽ được nghỉ lễ Quốc khánh từ ngày 31/8 đến hết ngày 3/9.
Người lao động - 24/08/2024 08:25
Lễ cưới tập thể công nhân ở Cần Thơ: Đám cưới khi sắp được nghỉ hưu...
8 cặp đôi trong lễ cưới tập thể đầu tiên dành cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn ở Cần Thơ vừa được tổ chức khiến nhiều người xúc động. Ở đấy người ta chứng kiến có cả cặp đôi mà chủ rể lẫn cô dâu đã ở tuổi nghỉ hưu nhưng lần đầu tiên làm đám cưới...
Đời sống - 23/08/2024 19:44
Niềm vui vào Đảng của những công nhân vệ sinh môi trường ở Kon Tum
Trong 54 đảng viên hiện nay thì có tới 36 đảng viên (chiếm gần 67%) là công nhân trực tiếp sản xuất, lao động tại các đội vệ sinh, đội cây xanh, lái xe... Đó cũng là thành tích nổi bật của công tác phát triển Đảng ở Công ty CP Môi trường đô thị tỉnh Kon Tum.