|
Chiều chủ nhật, trời mát dịu nhưng căn phòng tại Khu nhà ở dành cho công nhân lao động của Khu công nghiệp bắc Thăng Long trên địa bàn xã Kim Chung, huyện Đông Anh, TP. Hà Nội vẫn cửa đóng then cài. Phần lớn trong số họ đang ngủ bù sau một ngày mệt nhoài vì tăng ca, số khác thì gián mắt vào điện thoại để giải trí. Từng được xem là “thủ phủ kiểu mẫu” của làng công nhân ở các tỉnh phía Bắc với 24 đơn nguyên nhà 5 tầng dành cho hơn 12.000 công nhân lao động ở miễn phí (đối với công nhân độc thân) và cho thuê với giá rẻ (đối với hộ gia đình công nhân), nhưng khi được hỏi về phòng sinh hoạt văn hóa của công nhân, chúng tôi đều nhận được cái lắc đầu. Anh Phạm Văn Hậu, công nhân Công ty TNHH Canon Việt Nam mới xin chuyển vào ở khu nhà ở dành cho công nhân chừng 6 tháng, nhưng không biết phòng sinh hoạt văn hóa của công nhân ở đâu. Sau giờ tan ca, anh dành thời gian phụ giúp vợ chăm con, nhưng vừa nói chuyện với tôi anh luôn để mắt sợ cô con gái mới 2 tuổi của mình có thể bị vất ngã bởi mặt sân gồ ghề. Mặc dù khuôn viên sân tại khu nhà ở dành cho khu công nhân được lát gạch, nhưng qua thời gian chỗ thì bong tróc, chỗ gạch hỏng khiến ai đó không để ý dễ bị vấp ngã. Vậy mà nơi đây người ta cho dựng lên một sân bóng chuyền để anh em công nhân rèn luyện lúc rảnh rỗi, phía trước có một đám con các công nhân xỏ giày đá bóng, tiềm ẩn nguy cơ vấp ngã có thể dẫn đến chấn thương. Anh Phạm Văn Hậu bày tỏ: “Phận công nhân lao động được tạo điều kiện cho thuê nhà giá rẻ như chúng tôi đã là may mắn lắm rồi. Thú thực phòng ốc tốt, chỗ học cho con thuận lợi là chúng tôi vui lắm, chứ chả dám nghĩ tới việc giải trí văn hóa cao sang”. |
Đối với những người có gia đình riêng như anh Phạm Văn Hậu sẽ dành nhiều thời gian chăm sóc con cái, hoặc nhiều người sẽ giải trí bằng cách tụ tập bạn bè "lai rai" trong những lúc rảnh rỗi. Trong khi đó, đối với các bạn trẻ thì chọn cách giải trí bằng điện thoại thông minh, hoặc đi mua sắm ở các chợ gần đó. Đến Ký túc xá Công ty TNHH Nissei Electric Hà Nội, chúng tôi thấy bạn Phạm Thị Huệ và Lê Thị Hương đang bận rộn với chiếc điện thoại. Không khó để bắt gặp cảnh những ngày nghỉ ở các khu xóm trọ công nhân họ thường nằm ở nhà để tái tạo sức lao động. Một lý do khác là họ cũng đang rất thiếu chỗ vui chơi, sinh hoạt, đặc biệt đối với công nhân xa quê và phải đi thuê trọ. Trò chuyện với anh Tô Trọng Nhân, một công nhân lái xe cho một công ty sản xuất kính thuộc cụm công nghiệp Hà Bình Phương, huyện Thường Tín cho biết: Tôi quê ở Hưng Yên, hằng ngày đi đò ngang qua sông Hồng và đến công ty làm việc. Hết giờ chúng tôi ai về nhà nấy chứ cũng không sinh hoạt văn hóa nào cả. Ở cụm công nghiệp này cũng không có sân bóng hay khu vui chơi dành cho công nhân. Nếu muốn công nhân phải tự ra ngoài tìm và sử dụng các dịch vụ của địa phương chứ trong cụm công nghiệp chỉ có nhà máy, các khu làm việc. Tôi làm việc xong chỉ đi ngay về nhà, một phần vì nhà xa, một phần cũng chẳng biết ở lại chơi gì. Chị Hoàng Thị Thiết, quê Tuyên Quang cũng đang làm việc cho một công ty bao bì thuộc cụm công nghiệp Hà Bình Phương cho biết: Hai vợ chồng tôi đều làm công nhân trong cụm công nghiệp này. Ngoài giờ làm việc chúng tôi chủ yếu ở trong phòng trọ, vào buổi chiều mát thỉnh thoảng đưa con nhỏ ra khu vui chơi trong thôn chúng tôi thuê trọ chứ trong cụm công nghiệp không có. Rất may, tôi thuê trọ ở làng Bình Vọng gần sát với khu công nghiệp và có rất nhiều thiết chế văn hóa như thư viện, sân bóng, nhà văn hóa...nên gia đình tôi được sử dụng “nhờ”. |
|
|
Đến Ký túc xá Công ty TNHH Điện tử Meiko Việt Nam (Khu công nghiệp Thạch Thất-Quốc Oai, TP. Hà Nội) vào một buổi sáng cuối tuần mưa lất phất. Đây là dự án được xây dựng trên quỹ đất của công ty với tổng chí phí xây dựng khoảng 8 triệu USD (hơn 180 tỷ đồng). Nhìn từ xa, ký túc xá công ty hiện lên khang trang được sơn màu xanh nhạt với 2 tòa nhà được xây dựng kiên cố, mỗi tòa 6 tầng, dành cho khoảng 800 công nhân độc thân với các thiết bị sinh hoạt tiện ích như: máy điều hòa, bình nóng lạnh, phòng sinh hoạt văn hóa, phòng chơi thể thao, sân bóng, phòng đọc… Vừa đến trước cổng ký túc, chúng tôi gặp anh Đinh Văn Phương, 35 tuổi, quê ở xã Song Khủa, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La đang nhận đồ mua qua online. Trò chuyện với anh Phương chúng tôi được biết anh làm công nhân tại Công ty TNHH Điện tử Meiko Việt Nam được hai năm, hiện đang sinh sống cùng phòng với 7 đồng nghiệp khác. Anh Phương cho hay, sở dĩ anh chọn sống ở trong ký túc xá vì mọi chi phí sinh hoạt ở đây đều miễn phí, đặc biệt là nơi đây còn có nhiều chỗ vui chơi giải trí. “Vào dịp cuối tuần tôi thường rủ mấy anh em trong phòng tổ chức đá bóng với phòng bên cạnh. Hiện tại, tôi tự tìm niềm vui sau những giờ tan làm tại phòng gym cách ký túc xá chừng vài trăm mét”, anh Phương tâm sự. Là thành viên hoạt động năng nổ trong công đoàn của Công ty TNHH Điện tử Meiko Việt Nam nên anh Đinh Văn Phương rất hiểu những chế độ chính sách mà công ty dành cho công nhân lao động. Anh Phương bảo, công ty luôn tạo điều kiện cho công nhân vào ở trong ký túc xá, những ai ở nhà trọ thì sẽ được hỗ trợ phí đi lại 300.000 đồng/tháng. Ngoài ra, công ty cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí, giải thể thao để tăng gắn kết tình đồng nghiệp. Đặc biệt là những dịp kỷ niệm của đất nước, ngày dành cho phụ nữ, công đoàn công ty thường tổ chức các hoạt động vui chơi, tặng quà cho anh chị em công nhân lao động. |
Chia sẻ về những hoạt động văn hóa tinh thần của CNLĐ, ông Khuất Anh Quyết, Trưởng ban quản lý Ký túc xá Công ty TNHH Điện tử Meiko Việt Nam tự hào: “Ở Meiko bạn đừng nói đến tiền. Bởi tất cả công nhân đều được sử dụng các thiết chế văn hóa miễn phí. Hằng tháng, chúng tôi sẽ tổ chức sinh nhật tập trung cho công nhân tại nhà sinh hoạt văn hóa của ký túc. Ngoài ra, công nhân còn được tham gia miễn phí các CLB thể thao như yoga, aerobic, dance sport bởi đội ngũ HLV chuyên nghiệp do công ty thuê về”. Mặc dù ký túc xá mới sử dụng được 60% công suất nhưng theo ông Quyết khẳng định: “Sắp tới công ty sẽ xây thêm một tòa nhà ở cho công nhân nữa”. Dạo một vòng quanh Ký túc xá Công ty TNHH Điện tử Meiko Việt Nam, chúng tôi ấn tượng bởi các phòng chức năng được đầu tư đồng bộ, khang trang. Bước vào phòng đọc là một không gian rộng chừng 50m2, được lát bằng gạch màu gỗ, nhưng điều chúng tôi băn khoăn là số đầu sách tại phòng đọc khá ít và lượng người đọc cũng không nhiều. Ông Khuất Phương Anh thừa nhận: “Thú thực là có rất ít CNLĐ quan tâm đến phòng đọc. Muốn đọc tin tức gì là họ cầm điện thoại thông minh lướt web cho nhanh”. Đáng tiếc, không phải doanh nghiệp nào cũng chăm lo đời sống văn hóa tinh thần cho CNLĐ tốt như Công ty TNHH Điện tử Meiko Việt Nam. Trên đường đến khu nhà ở dành cho công nhân lao động KCN Bắc Thăng Long (Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội), chúng tôi có dịp hiểu hơn về những gam màu trầm. Điều đầu tiên chúng tôi ấn tượng khi đến đây là hai tòa nhà 15 tầng CT1 và CT2 dành cho những hộ gia đình công nhân thuê được xây dựng khang trang, sạch đẹp. Nhà ở dành cho hộ gia đình công nhân thuê của hai tòa nhà này dao động từ 60 đến 80m2, chi phí thuê nhà và điện nước từ 1,3 đến 2 triệu đồng. Theo tìm hiểu thực tế, hai tòa nhà có khoảng 250 nhà cho thuê, là nơi sinh sống của gần 1.000 công nhân và con em công nhân. Dù vậy, không gian sinh hoạt dành cho hai tòa nhà chỉ có một khoảng sân chừng 300m2 với một sân bóng chuyền do người dân tự mua lưới, kẻ đường để chơi thể thao. Xung quanh sân bóng chuyền đậu khoảng hơn chục chiếc ô tô, xa xa là những đám rau xanh mơn mởn được trồng xen kẽ ở những đám đất nhỏ bỏ không. Chị Nguyễn Thị Định (xã Xuân Phú, huyện Phúc Thọ, thành phố Hà Nội) cư dân tòa CT1 cho hay: “Những chiếc ô tô một phần của những gia đình công nhân có điều kiện, phần khác là của người dân địa phương mang vào để. Còn về những đám rau thì là do người dân địa phương sống xung quanh tòa nhà về gieo trồng, chứ chúng tôi nào dám. Khoảng sân đã nhỏ giờ lại còn ngổn ngang nhiều thứ nên thành ra chúng tôi chẳng có chỗ mà chơi”. |
Chị Nguyễn Thị Định làm ở Công ty TNHH Panasonic Việt Nam, trong khi chồng chị là kỹ sư điện. Thu nhập của hai vợ chồng vào khoảng 30 triệu đồng/tháng, khá hơn nhiều so với mặt bằng chung anh em công nhân. Trong ngày nghỉ cuối tuần, chị Định cho hai con nhỏ của mình chỉ quanh quẩn ở khoảng sân quanh chung cư. Nhìn đứa trẻ nhà chị nghịch đất, đứa thì đạp xe đạp, tôi hỏi sao chị không cho bọn nhỏ đi vui chơi. Thở dài một cái, chị Định giãi bày: “Có chỗ nào mà chơi hả chú? Muốn đi chơi thì phải đến Mê Linh cách đây chừng 8km, hoặc vào trung tâm Hà Nội. Xung quanh đây thậm chí còn chẳng có công viên. Thỉnh thoảng vài tháng một lần, gia đình nhà cho tôi các cháu vào trung tâm Hà Nội chơi”. Khi chúng tôi hỏi chị có thường xuyên đến nhà văn hóa dành cho công nhân cách đó chỉ vài trăm mét thì chị Định thẳng thắn: “Thật sự chị chưa một lần đặt chân đến đó, vả lại cũng không có mấy hoạt động gì đâu chú ạ”. Đến gia đình chị Nguyễn Thị Định thuộc dạng thu nhập khá còn không có chỗ mà chơi thì không biết CNLĐ có thu nhập trung bình thì ở KCN Bắc Thăng Long sẽ ra sao? Đi tìm lời giải cho thắc mắc này, chúng tôi tìm đến một dãy trọ của người dân địa phương cho thuê nằm đối diện với khu nhà ở dành cho công nhân. Trái hẳn với hình ảnh ở bên đối diện, dãy trọ có phần xập xệ, bí bách và thiếu ánh sáng. Chị Vàng Thị Dương, người dân tộc Mông (Phù Yên, Sơn La), công nhân Công ty Ashi Intex Hà Nội thuê một phòng trọ ở đây đã được gần 1 năm. Vừa nhanh tay chuẩn bị bữa trưa, chị Vàng Thị Dương vừa nói: “Cả dãy trọ chỗ em thuê có 8 phòng, hiện có khoảng 12 người ở trọ. Thông thường đi làm về em cũng chỉ ngủ, lướt mạng xã hội qua điện thoại thông minh thôi chứ cũng không đi đâu chơi cả. Thỉnh thoảng anh chị em trong dãy trọ cũng tổ chức tụ tập nấu ăn, tâm sự để vơi đi nỗi nhớ nhà. Ở đây mỗi người một quê, mỗi người một công việc, người làm ca ngày người ca đêm nên rất ít khi gặp nhau”. Nhìn vào căn phòng nhỏ chừng 12m2, không có mấy vật dụng, tôi đã phần nào hình dung cuộc sống văn hóa tinh thần có phần đìu hiu, thiếu sinh khí của chị Dương và những công nhân thuê trọ ở đây. Một buổi khác chúng tôi đến Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân trong Khu nhà ở dành cho công nhân lao động KCN Bắc Thăng Long thì thấy cửa vẫn đóng. Điều làm chúng tôi bất ngờ hơn cả là trước cửa có dán biển “Nơi niêm yết danh sách cử tri tạm trú; Lấy ý kiến về thành lập quận Đông Anh và phường Kim Chung, quận Đông Anh, thành phố Hà Nội”. Đem thắc mắc này hỏi ông Phạm Hoàng Hải, Giám đốc Xí nghiệp Quản lý và Phát triển nhà ở xã hội (Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội), đơn vị trực tiếp quản lý Khu nhà ở dành cho công nhân lao động KCN Bắc Thăng Long thì nhận được câu trả lời: “Trong Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân này có một số sách về pháp luật, báo, tạp chí cũ và rất ít công nhân đến đọc sách. Hiện Điểm sinh hoạt này được xã mượn làm địa điểm sinh hoạt dân cư, gần đây là nơi niêm yết danh sách cử tri tạm trú; Lấy ý kiến về thành lập quận Đông Anh và phường Kim Chung, quận Đông Anh, thành phố Hà Nội”. |
|
|
Đến Trung tâm văn hóa, thể thao Khu nhà ở công nhân Kim Chung, chúng tôi thấy tòa nhà khá khang trang, hiện đại, với 4 sân cầu lông và khán đài kiên cố. Song trò chuyện với bác So (78 tuổi, người tại thôn Bầu, xã Kim Chung) là bảo vệ của Trung tâm thì được biết, mỗi ngày Trung tâm chỉ đón khoảng 20-30 công nhân vào chơi và đông đảo hơn vào các buổi chiều và các ngày cuối tuần. “Số công nhân vào vui chơi, giải trí còn khá khiêm tốn so với lực lượng công nhân đông đảo trên địa bàn. Ngay cả bản thân gia đình tôi có các con, các cháu là công nhân Khu công nghiệp Bắc Thăng Long cũng không đến đây vui chơi, giải trí”. Là người có nhiều năm làm công nhân, nghỉ hưu, “buồn chân, buồn tay”, ông So lại đi làm bảo vệ với mức lương 4,5 triệu đồng/tháng. Ông cho biết, so với thời ông làm công nhân thì thời nay các điểm vui chơi, giải trí lành mạnh cho công nhân nở rộ hơn nhiều. “Ngày trước chúng tôi làm gì có Trung tâm văn hóa, thể thao Khu nhà ở công nhân hay Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân, có chăng chỉ là chạy bộ thể dục ngoài đường, nơi vắng xe cộ đi lại. Còn giờ đây thì có đủ các trò chơi cho đủ các lứa tuổi, thành phần. Chỉ cần tính trên địa bàn xã Kim Chung thì thấy người ta quan tâm hơn đến đời sống tinh thần của công nhân. Tôi cảm nhận được niềm vui, sự hứng khởi của các công nhân khi chơi thể thao ở Trung tâm này”, ông So kể. Trao đổi với PV Tạp chí Lao động và Công đoàn, chị Nguyễn Thị Mỹ Linh, Phó Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Đông Anh (Hà Nội) cho biết, Đông Anh có số lượng dân cư trong tốp đầu của thành phố (hơn 430.000 người); số người địa phương khác đến lao động và tạm trú trên địa bàn khoảng 53.000 người, tập trung chủ yếu ở 6 xã xung quanh Khu công nghiệp Thăng Long và Cụm công nghiệp vừa và nhỏ Nguyên Khê. Hiện nay, trên địa bàn huyện Đông Anh đã xây dựng Trung tâm văn hóa, thể thao Khu nhà ở công nhân Kim Chung (thôn Bầu, xã Kim Chung). Trung tâm đã bàn giao cho huyện quản lý khoảng 2 năm nay. “Theo quan sát và nhìn nhận của chúng tôi thì chưa nhiều công nhân tham gia mà đa phần là con em của công nhân. Hiện nay, trên địa bàn huyện có nhiều thiết thế văn hóa, không chỉ có Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân (do UBND thành phố đầu tư xây dựng) còn có Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân tại thôn Nhuế, xã Kim Chung (do Liên đoàn Lao động huyện Đông Anh đầu tư xây dựng) và trong các thôn đều có điểm sinh hoạt cộng đồng. Vấn đề là người lao động có tham gia hay không? Doanh nghiệp có tạo điều kiện về thời gian, giờ giấc để công nhân tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí hay không? Hiện, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện đang phối hợp với Liên đoàn Lao động huyện thường xuyên tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí cho công nhân khu công nghiệp”, chị Linh chia sẻ. Hiện nay Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội đã triển khai xây dựng được khoảng 67 Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân trong các khu công nghiệp. Các điểm sinh hoạt văn hóa này ra đời đã phần nào đáp ứng được nhu cầu tiếp cận, hưởng thụ đời sống văn hóa tinh thần của người lao động. Tuy nhiên, so với lượng cao nhân lớn trên địa bàn, thì số lượng thiết chế văn hóa này cũng như “muối bỏ bể”. |