|
Công nhân trong các khu công nghiệp là những người lao động tay chân thuần túy, vì vậy nhu cầu về văn hóa - giải trí là hiển hiện. Sau những giờ làm việc mệt nhọc, công nhân mong muốn được tham gia các hoạt động thể dục, thể thao, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, giao lưu… để thư giãn, nghỉ ngơi, giải trí, tăng cường sức khỏe và để cuộc sống thêm ý nghĩa. Trong các chủ thể có thể tổ chức các hoạt động văn hóa - giải trí cho công nhân lao động trong khu công nghiệp, bao gồm công đoàn, doanh nghiệp, chính quyền địa phương, ban quản lý khu công nghiệp, cộng đồng tự tổ chức, thì công đoàn được xem là chủ thể phù hợp nhất. Các hoạt động văn hóa - giải trí phổ biến được công đoàn tổ chức là các hoạt động thể dục, thể thao như đi bộ, cầu lông, bóng bàn, bóng đá, bi a, thể hình nhịp điệu…, hoạt động biểu diễn văn nghệ, tham quan, du lịch,… Trong thời kỳ trước, việc chăm lo đời sống vật chất tinh thần cho người lao động được sự quan tâm ngang nhau giữa công đoàn và doanh nghiệp, nên các hoạt động văn hóa - giải trí được chú trọng và tổ chức thường xuyên, doanh nghiệp trích kinh phí công đoàn đầy đủ và bố trí thời gian cho người lao động tham gia. Tuy nhiên, kể từ khi bước vào nền kinh tế thị trường, mối quan tâm chủ yếu của doanh nghiệp là hiệu quả sản xuất kinh doanh. Với thời gian là hiệu suất và cắt giảm chi phí là lợi nhuận, vì vậy doanh nghiệp giảm bớt quan tâm hoạt động vui chơi, văn hóa - giải trí và nhiệm vụ này đặt lên vai tổ chức công đoàn. Trong bối cảnh đó, công đoàn gặp khó khăn hơn về nguồn lực và thời gian, đặc biệt ở những nơi chủ doanh nghiệp không tạo điều kiện. Thậm chí, có những doanh nghiệp từ chối việc thành lập công đoàn, tìm cách cản trở thành lập công đoàn để từ chối các phúc lợi của người lao động mà công đoàn thay mặt, đại diện cho người lao động tổ chức và thực hiện. Ở những nơi doanh nghiệp không ủng hộ, công đoàn rất khó tổ chức các hoạt động văn hóa - giải trí cho công nhân lao động bởi doanh nghiệp sẽ không bố trí thời gian để công nhân tham gia, kể cả tham gia các hoạt động văn hóa - giải trí do địa phương tổ chức, chưa nói tới việc gây khó khăn trong việc chuyển kinh phí hoạt động công đoàn hay các hành động phân biệt đối xử đối với cán bộ công đoàn nếu làm trái ý của doanh nghiệp. Ngay cả ở những nơi doanh nghiệp ủng hộ công đoàn, mục tiêu sản xuất vẫn được ưu tiên hơn, nên việc đầu tư cho cơ sở vật chất phục vụ cho các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể thao còn ít, điều kiện bố trí thời gian để công nhân tham gia vui chơi, giải trí còn rất hạn chế, chỉ có một số ít doanh nghiệp có sân bóng chuyền, sân cầu lông cho công nhân hoặc tổ chức hội thao nội bộ, tổ chức các trò chơi, sinh hoạt văn nghệ vào các ngày kỷ niệm thành lập doanh nghiệp, ngày lễ, cuối năm... |
|
Trong một khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tại các khu công nghiệp ở Hà Nội, một đặc điểm nổi bật được nhìn thấy là: Do điều kiện thời gian làm việc ngặt nghèo, thu nhập thấp, việc làm chưa đảm bảo, công nhân làm thêm giờ nhiều, sau giờ tan ca mệt mỏi và sức lực đã bị vắt kiệt thì giải trí, vui chơi, cảm thụ cái đẹp là một điều hết sức khó khăn, xa lạ. Mặt khác, do sức ép của công việc buộc công nhân lao động phải đảm bảo tiến độ, chất lượng và hiệu quả sản xuất, sản phẩm làm ra phải đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp. Vì vậy, hầu hết công nhân ít tham gia (hoặc thậm chí không tham gia) vào các sinh hoạt văn hóa, thể thao, các hoạt động tập thể như nghe thông tin thời sự, trao đổi tọa đàm về các vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội đang diễn ra. Có công nhân cho biết là sáng dậy họ vào nhà máy ăn sáng, ăn trưa, ăn tối và làm việc, làm tăng ca, về đến nhà trọ là mệt ngoài và lăn ra giường ngủ luôn, sáng hôm sau dậy mới tắm và lại vào nhà máy ăn sáng và làm việc. Dưới đây là chia sẻ của một số công nhân: “Một ngày em làm việc 12 giờ, sáng đi làm tối về thì về mất thêm 1 giờ đi lại, về đến phòng chỉ biết ngủ, không có quan hệ nhiều với bạn bè và người địa phương vì có nhiều vấn đề phức tạp, còn xem ti vi, nghe đài rất ít hầu như không có, nếu có xem thì chạy sang chủ nhà xem thôi, chứ công nhân làm gì có ti vi, đài báo, tương lai không biết thế nào?” (Nữ, 23 tuổi, quê Bắc Giang hiện đang làm việc tại một khu công nghiệp tại Hà Nội). “Đi làm về quá mệt, chẳng còn muốn đi đâu cả, chỉ muốn ngủ để mai còn đi làm sớm; bây giờ giá thuê phòng, mọi đồ dùng sinh hoạt đều tăng, lương lại không tăng nên làm không dư nhiều. Mỗi tháng tiết kiệm lắm cũng chỉ được vài trăm ngàn để gửi về quê cho gia đình. Còn mình không dám mua sắm gì cả. Những bạn trẻ như bọn mình ở đây thỉnh thoảng ngày không tăng ca hay chủ nhật chỉ rủ nhau đi ăn chè, gọi là giải trí, còn chuyện đi xem ca nhạc, phim là chuyện trong mơ.” (Nữ 21 tuổi, công nhân ở khu công nghiệp Quang Minh). Theo khảo sát của Viện Công nhân và Công đoàn, việc làm thêm giờ của công nhân, đặc biệt trong các ngành thâm dụng lao động thực sự đáng quan tâm trong bối cảnh phát triển kinh tế khá tốt kể từ khi Việt Nam thực hiện mở cửa nền kinh tế. Theo quy định pháp luật, thời gian làm thêm tối đa là 30 giờ/tháng, nhưng việc công nhân làm thêm tới 40-60 tiếng/tháng là khá phổ biến. Nhiều công nhân cho biết họ làm thêm tới 70 giờ, thậm chí tới 100 giờ/tháng. Không chỉ không có thời gian và sức khỏe, ngay cả với những công nhân có thời gian và sức khỏe thì lại gặp trở ngại về điều kiện kinh tế không cho phép chi tiêu xa xỉ cho các hoạt động vui chơi. Khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam với câu hỏi “Anh (chị) có để dành ra được một khoản tiền/tháng chi phí cho các hoạt động giải trí không?”. Câu trả lời chỉ là: 19,9% số người được hỏi trả lời có để dành được một khoản tiết kiệm, chủ yếu là dùng cho giải trí điện thoại, báo mạng, lên facebook, vào zalo xem tin và chat với bạn bè, bởi với mức lương hiện tại, mục tiêu quan trọng nhất của người lao động là dành dụm gửi về cho gia đình và tích luỹ phần nào để lo cho tương lai. Do giá cả leo thang, người lao động gặp không ít khó khăn, vì thế không còn cách nào khác là phải tiết kiệm. Và khoản tiết kiệm đầu tiên mà họ nghĩ đến là giảm tiền thuê nhà, điện, nước và hạn chế những chi tiêu về vật chất và văn hóa của bản thân. |
|
Thực tiễn cho thấy các hoạt động văn hóa, giải trí, thể dục, thể thao của công nhân lao động ở khu công nghiệp không thường xuyên, không ổn định, do việc làm, thu nhập và đời sống biến động nên thói quen hoạt động giải trí không trở thành khuôn mẫu cá nhân. Để tăng cường các hoạt động văn hóa giải trí cho công nhân lao động, rất cần một hệ thống các giải pháp đồng bộ, từ giải pháp về cơ chế chính sách, giải pháp về bộ máy tổ chức cán bộ công đoàn đến giải pháp về xây dựng cơ sở vật chất và tổ chức các hoạt động văn hóa giải trí cho công nhân. Rất nhiều việc cần phải làm để cải thiện đời sống văn hóa, tinh thần cho công nhân trong khu công nhiệp, nhưng trước mắt cần quan tâm ba giải pháp quan trọng và mấu chốt sau: Thứ nhất, cần thay đổi tư duy về vai trò của doanh nghiệp Hiện nay, các doanh nghiệp đang tư duy hoạt động vì lợi ích của cổ đông, lợi ích của người góp vốn. Bằng mọi cách, doanh nghiệp phải tạo ra lợi nhuận, làm hài lòng cổ đông và người góp vốn, kích thích họ tăng thêm vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh và tăng thêm lợi nhuận. Doanh nghiệp là quên mất mục tiêu ra đời của doanh nghiệp trở về thời kỳ đầu của sự hình thành doanh nghiệp, đó là vì mục tiêu công, là vai trò xã hội. Vì quên mất vai trò của doanh nghiệp trong xã hội là đem đến những giải pháp có lợi cho con người, doanh nghiệp đã tìm mọi cách có thể để tăng lợi nhuận cho cổ đông, cắt giảm mọi chi phí có thể, đặc biệt các chi phí lao động. Đây là nguyên nhân của việc trốn thuế, trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và các vi phạm khác. Doanh nghiệp cần phải thay đổi tư duy về vai trò của mình trong xã hội. Kinh tế phải được xem là phương tiện chứ không phải mục đích. Doanh nghiệp phải cân bằng vai trò xã hội với vai trò kinh tế, và đầu tư cho nguồn lực con người phải được doanh nghiệp coi trọng. Luật doanh nghiệp và Luật đầu tư cần được sửa đổi để quy định rõ vai trò xã hội của doanh nghiệp. Thứ hai, cần tăng tiền lương tối thiểu lên mức lương đủ sống Tiền lương tối thiểu hiện nay được nói là đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình, nhưng đó là nhu cầu tối thiểu dựa trên công thức tính của năm 2010 với lượng calo, chất lượng bữa ăn và nhu cầu tiêu dùng của 10 năm trước. Sau 10 năm, nền kinh tế đã thay đổi rất nhiều, trong đó có phần đóng góp lớn của công nhân lao động. Nhu cầu của con người cũng thay đổi phù hợp với sự phát triển. Vì vậy, tính mức lương tối thiểu cho người lao động dựa trên công thức tính của năm 2010 là hoàn toàn không còn phù hợp. Mức lương tối thiểu hiện nay ở Việt Nam nếu so với công thức tính của quốc tế thì chỉ đáp ứng chưa đầy một nửa mức sống tối thiểu. Tăng mức lương tối thiểu lên mức lương đủ sống để đảm bảo người lao động Việt Nam có thời gian nghỉ ngơi, tham gia các hoạt động vui chơi – giải trí, cân bằng cuộc sống công việc và gia đình, không phải làm thêm quá nhiều để bù đắp chi phí sinh hoạt. Tăng mức lương tối thiểu lên mức lương đủ sống cũng là một mũi tên trúng hai đích, vừa giúp cải thiện đời sống văn hóa tinh thần cho người lao động, vừa giúp các doanh nghiệp điều chỉnh lại chính sách sử dụng lao động, từng bước giảm bớt phụ thuộc vào lao động và tăng hàm lượng công nghệ trong sản xuất, từ đó buộc doanh nghiệp tư duy đổi mới công nghệ và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phù hợp với thời kỳ mới, người lao động có thời gian học tập nâng cao trình độ, đóng góp thực hiện Nghị quyết Trung ương về đổi mới và ứng dụng công nghệ trong Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Nếu không cải thiện mức lương tối thiểu, tiếp tục duy trì mức lương tối thiểu thấp, điều này nghĩa là tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp tiếp tục sử dụng đông lao động thay vì đổi mới công nghệ, và nguy cơ bước vào cách mạng công nghiệp lần thứ tư với robot hóa và trí tuệ nhân tạo, người lao động sẽ bị thay thế và không thể thích ứng được với việc làm mới. Thứ ba, cần giảm bớt thời gian làm việc để người lao động có thời gian nghỉ ngơi và tham gia các hoạt động văn hóa - giải trí Trong thực tiễn, giờ làm thêm của người lao động ở các ngành thâm dụng lao động như dệt may, da giày, điện tử, chế biến gỗ... những ngành có đông doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, khu chế xuất vẫn rất cao, cao hơn quy định của pháp luật lao động, lên tới 10-12 giờ làm việc/ngày, thậm chí có doanh nghiệp còn cao hơn. Điều này ảnh hưởng tới sức khỏe và thời gian nghỉ ngơi của người lao động và từ chối quyền tham gia các sinh hoạt văn hóa, thể dục, thể thao của người lao động. Giờ làm việc của Việt Nam là cao so với các nước trên thế giới. Trung Quốc là nước láng giềng anh em, có quan hệ chặt chẽ về kinh tế -thương mại, đặc biệt là có sự tương đồng về hệ thống chính trị với Việt Nam cũng áp dụng 40h làm việc/tuần, trong khi Việt Nam vẫn là 48h/tuần. Giờ làm việc của Việt Nam cao hơn so với các quốc gia châu Á khác, cao hơn In-đô-nê-xia 440 giờ/năm, cao hơn Cam-pu-chia 184 giờ, cao hơn Singapore 176 giờ. Hiện tại, các nước như Mỹ, Anh và nhiều nước phát triển khác như Phần Lan, Niu Di-lân... bắt đầu vận động cho tuần làm việc 4 ngày. Việc giảm bớt thời gian làm việc, kể cả giờ làm việc chính thức và giờ làm thêm, là hết sức cần thiết, một mặt để buộc các doanh nghiệp đầu tư cải tiến quy trình và công nghệ sản xuất, một mặt để nâng cấp xã hội, cải thiện điều kiện người lao động phù hợp với xu thế chung và để người lao động có thời gian tham gia các hoạt động văn hóa - giải trí, cải thiện chất lượng cuộc sống trong môi trường kinh tế phát triển nhanh chóng hiện nay. Để thực hiện các giải pháp trên đòi hỏi sự quan tâm vào cuộc hơn nữa của các cấp, các ngành và của toàn xã hội đối với nhu cầu đời sống văn hóa tinh thần của công nhân lao động khu công nghiệp. Chỉ có sự thay đổi tư duy đồng bộ và sự kết hợp chặt chẽ, phối hợp nhịp nhàng giữa tất cả các chủ thể trong xã hội mới có thể đi đến đồng thuận và thực hiện các giải pháp quan trọng nói trên, nhằm đáp ứng nhu đời sống văn hóa tinh thần công nhân lao động khu công nghiệp tại Hà Nội nói riêng, và trên phạm vi cả nước nói chung. |