Bài 1: Bên này “cười nụ”, bên kia “khóc oà”
Đời sống - 01/08/2023 18:44 TRẦN LƯU
Nước mắt trên đường phố
Mỗi ngày, cứ khoảng hơn 3 giờ chiều, tại các giao lộ ở quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ lại nhan nhản những người bán vé số dạo tràn ra đường. Khi xe dừng đèn đỏ, họ chạy đến chào mời người mua bằng những lời năn nỉ và nước mắt. Tình trạng trên xuất hiện ngày càng dày đặc hơn – từ khi các đại lý triển khai “luật ngầm” không cho người bán dạo trả lại vé số ế.
Đứng ở mép đường Cách Mạng Tháng Tám, bà Nguyễn Kiến Hoa liên tục chìa xấp vé số ra đường, nhưng những dòng xe cứ lướt qua trong tuyệt vọng. Có hai thanh niên ghé lại mua giúp bà 5 tờ vé số, nhưng sau cùng bà vẫn phải “ôm” 15 tờ.
Một người phụ nữ lớn tuổi phải ra đường để cầu mong mọi người mua vé số. Ảnh: Tr.L. |
Bà Hoa thuê trọ ở phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, đi bán vé số dạo đã 4 năm. Những ngày nắng, bà có thể đi xa vài chục cây số, bán hết 200 tờ vé số và kiếm được 200.000 đồng. Nhưng mấy ngày qua, miền Tây đang vào mùa mưa bão. Các quá cà phê, quán nhậu thưa thớt khách, ai cũng trong nhà, nên vé số của bà Hoa thường xuyên ế ẩm.
“Liên tiếp mấy ngày qua, ngày nào tui cũng còn trên dưới 10 tờ không bán được, đại lý thì không cho trả vé. Ngày nào sang tay lại được thì mừng, còn không thì phải “ôm”, công sức bỏ ra một ngày coi như mất trắng. Có hôm phải nhịn đói đi bán, mà vẫn không đủ tiền đóng trọ”, bà Hoa nghẹn ngào nói.
Bà Hoa ngồi thất thần vì phải "ôm" vé số ế. Ảnh: Tr.L. |
Sáu năm làm nghề bán vé số dạo, đối với chị Đinh Thị Quỳnh (40 tuổi), cứ mỗi ngày, vào khoảng 4 giờ chiều là chị lại lo âu, thấp thỏm. Hai năm trước, chồng chị không may đột quỵ qua đời, để lại chị một mình gồng gánh nuôi 2 đứa con gái. Chị kể, chưa ai có được cuộc sống đủ đầy từ nghề bán vé số dạo, tiền làm ra ngày nào là hết ngày đó, với bao chi phí phải trang trải. Ai có nhà thì đỡ, nhưng phần lớn là ở trọ giống như tôi.
“Mấy bữa nay mưa tối trời tối đất, những người bán vé số dạo như tôi rất vất vả, vừa phải dầm mưa nhưng bán thì không được, ngày nào cũng ôm hơn 10 tờ vé số. Do đại lý không cho trả vé, nên mọi người hết cách phải rủ nhau ra các tuyến đường để nhờ người qua lại cứu giúp”, chị Quỳnh chia sẻ.
Video: Người bán vé số dạo mưu sinh ven đường vào giờ tan tầm
Bà Nguyễn Thị Tuyết Nga (63 tuổi) cũng là người bán vé số dạo ở Cần Thơ. Bà nói, nghề bán vé số dạo không chỉ cực nhọc mà còn phải chịu biết bao tủi nhục. Không ít lần bà năn nỉ khách mua, bị họ từ chối và chửi thẳng vào mặt vì làm phiền. “Tại một số quán cà phê, quán nhậu, người ta treo bảng không cho vào bán vé số, bước vào là bị đuổi ra liền. Có hôm tui phải vừa khóc vừa chạy khắp nơi để năn nỉ người ta mua vì gần tới giờ xổ số, mà không bán được số vé còn “ôm” - bà Nga kể.
Siêu lợi nhuận từ kinh doanh “may rủi”
Hiện nay, XSKT khu vực miền Nam gồm 21 tỉnh, thành, gồm: TP.HCM, Vũng Tàu, Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Thuận, Bình Dương, Bình Phước, Đà Lạt, Cần Thơ, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Hậu Giang, An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Trà Vinh, Long An, Tiền Giang và Bến Tre. Các công ty XSKT có thị trường phát hành vé số qua lại lẫn nhau. Chẳng hạn như vé số Sóc Trăng vẫn được bán ở Trà Vinh và ngược lại.
Những người bán vé số dạo ngồi nghỉ ven đường sau một ngày mưu sinh mệt nhọc. Ảnh: Tr.L. |
Các công ty này sẽ phát hành (bán vé) và mở thưởng 1 kỳ/tuần. Cá biệt có TP.HCM phát hành và mở thưởng 2 kỳ/tuần. Và mỗi ngày, sẽ có ít nhất “2 đài” mở thưởng để người mua vé số “cầu may”.
Có thể hình dung, “vòng đời” của mỗi tờ vé số/ngày, sẽ do các tác nhân sau đây chi phối. Đầu tiên, vé số được in xong sẽ chuyển về đại lý cấp 1. Đây là tổng đại lý vé số, là nơi sẽ trực tiếp nhận vé số từ các công ty XSKT. Những đại lý này có ký hợp đồng với các công ty XSKT, tùy vào đại lý lớn, nhỏ, nhu cầu tiêu thụ ở mỗi nơi, mà mỗi đại lý sẽ lấy số lượng vé số khác nhau. Đại lý cấp 1 sẽ ràng buộc với các công ty XSKT về chỉ tiêu, doanh số tiêu thụ…
Kế đến là đại lý cấp 2. Đại lý này không ký hợp đồng với công ty XSKT, mà sẽ nhận vé số và chịu sự chi phối của đại lý cấp 1 (chỉ tiêu ít nhất trên 1.000 vé mỗi ngày). Kế đến nữa là đại lý cấp 3, cấp 4… Người bán dạo sẽ nhận vé số từ những đại lý này, rồi rong ruổi khắp nơi để đi bán.
Theo tìm hiểu của PV, mỗi tờ vé số, các đại lý cấp 1 được hưởng 15%, nhưng bị công ty XSKT trừ lại 0,75% thuế thu nhập của đại lý, tức là còn lại 14,25%. Và trong 14,25% này, đại lý cấp 1 chỉ thực hưởng 0,5% (50 đồng). Khi chuyển đến đại lý cấp 2, rồi cấp 3… lần lượt các đối tượng này được hưởng 0,5 - 0,75%... Sau cùng là người bán dạo được hưởng 10 - 13% (tương đương 1.000 - 1.300 đồng/tờ vé số), tùy vào hình thức trả tiền mặt hay thiếu nợ lại đại lý.
Từ công ty XSKT đến các đại lý đều giàu, chỉ có người bán dạo là nghèo khó. Ảnh: Tr.L. |
Một vị là cựu lãnh đạo Công ty XSKT tỉnh Hậu Giang cho biết: Xét về tỉ lệ ăn chia phần trăm của 3 nhóm trên (không tính công ty XSKT), thì người bán dạo được hưởng phần trăm cao nhất, nhưng nó cũng chỉ tương đương với 1.000 đồng/tờ vé số. Một người bán dạo vất vả cả ngày bán được 100 tờ cũng chỉ kiếm được 100.000 đồng. Đó là chưa kể vì áp lực chỉ tiêu mà hiện nay, nhiều công ty XSKT và đại lý đã không cho người bán dạo trả lại “vé số ế”. Với mức thu nhập ít ỏi như vậy, người bán dạo chỉ cần “ôm” khoảng 10 tờ vé số/ngày là cuộc sống của họ sẽ điêu đứng.
“Sở dĩ các đại lý cấp 1, cấp 2 giàu có là nhờ tiêu thụ vé số với số lượng lớn mặc dù tỉ lệ chiết khấu không cao. Có đại lý một ngày bán sạch cả trăm cây (mỗi cây 1.000 vé). Thêm vào đó, họ được các công ty XSKT xem như “con cưng”, cho phép “gối đầu”, “chiếm dụng vốn” trong 3 kỳ, tức là họ có thể lấy chịu vé số từ công ty trong 3 kỳ và trong thời gian này, có thể dùng tiền để làm chuyện khác. Thời điểm tôi còn làm ở công ty XSKT, mỗi ngày chỉ tiêu thụ khoảng 60% - 70% lượng vé số in ra, nhưng bây giờ mức tiêu thụ đã hơn 90% mỗi ngày. Điều đó cho thấy, doanh thu từ vé số chỉ tăng chứ không thể giảm và lượng người mua vé số cũng không ngừng gia tăng”, vị này chia sẻ.
Đó là thu nhập của đại lý, vậy còn các công ty XSKT giàu cỡ nào? Hiện tại, sau khi trừ đi các khoản thuế và trả thưởng, mỗi tờ vé số, công ty XSKT thu lợi nhuận khoảng 10%, tương đương với khoảng 1.000 đồng/1 tờ vé số. Với doanh số phát hành 12 triệu vé/kỳ, nếu đạt tỉ lệ tiêu thụ 100%, một công ty XSKT sẽ kiếm được 12 tỷ đồng/kỳ. Hiện tại, mỗi công ty XSKT phát hành 1 kỳ/tuần, tương đương với 4-5 kỳ/tháng, quy ra từ 52-53 kỳ/năm. Như vậy mức lợi nhuận sẽ hơn 600 tỉ đồng/năm.
Tại Hội nghị XSKT khu vực miền Nam lần thứ 130 (tổ chức ở TP Cần Thơ vào ngày 24/7 vừa qua), ông Dương Minh Tú, Phó Chủ tịch Hội đồng XSKT khu vực miền Nam cho biết, 6 tháng đầu năm doanh số phát hành xổ số truyền thống đạt 69.920 tỉ đồng, tăng gần 12% so với cùng kỳ năm 2022. Doanh thu đạt 68.843 tỉ đồng, tăng 16,41% với tỉ lệ tiêu thụ bình quân khu vực đạt 98,46%, trong đó có nhiều công ty XSKT đạt 100%. Lợi nhuận đạt 8.784 tỉ đồng, tăng 10,45% và nộp ngân sách hơn 22.000 tỉ đồng, tăng hơn 25% và đạt gần 61% kế hoạch năm 2023.
Theo quy định của Bộ Tài chính tại Thông tư số 75/2013/TT-BTC "hướng dẫn chi tiết về kinh doanh hoạt động xổ số", vé số không bán hết sẽ cho phép thu hồi, trả lại. Nhưng do áp lực sợ bị “cắt vé” từ đại lý cấp 1, nên các đại lý cấp 2, 3… đã áp dụng "luật ngầm" ép người bán dạo ôm vé ế, không cho trả lại. Tại TP Cần Thơ, cứ khoảng 3 giờ chiều là người bán dạo tràn xuống lề đường, thậm chí tại ngã ba, ngã tư để chào mời bán vé số đã gây mất an toàn giao thông. Tại hội nghị của Hội đồng XSKT khu vực miền Nam mới đây, đã thống nhất sắp tới, nếu các đại lý nào còn để xảy ra tình trạng không cho người bán dạo trả lại vé số dư, thì các công ty xổ số sẽ thanh lý hợp đồng với đại lý đó. |
Đón đọc bài 2: “Lô đề quốc doanh” và chuyện doanh thu tỉ lệ thuận với cái nghèo
Hành trình 30 năm xây dựng và phát triển CĐCS Công ty Xổ số kiến thiết Lào Cai Từ 06 đoàn viên ban đầu, đến nay Công đoàn cơ sở Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Lào Cai đã trải qua ... |
Công nhân thiếu việc cuối năm – Bài 1: Xoay xở đủ nghề duy trì thu nhập Thị trường suy giảm, doanh nghiệp không có đơn hàng, tình trạng công nhân thiếu việc, mất việc đang xảy ra trên diện rộng. Rất ... |
Chuyện về những phận đời đi “bán giấc mơ” Họ vất vả mưu sinh trên từng con phố, ngõ hẻm để mang lại nguồn thu khủng cho các công ty xổ số kiến thiết ... |
Tin cùng chuyên mục
Người lao động - 06/09/2024 19:17
Người lao động hối hả tích trữ thực phẩm trước "siêu bão" Yagi
Những ảnh hưởng đầu tiên của “siêu bão” Yagi (bão số 3) đã gây mưa lớn cục bộ tại nhiều tỉnh phía Bắc. Để phòng ngừa tình huống phải trú ẩn trong nhà nhiều ngày, người lao động tại Hà Nội và các vùng lân cận đã vội vã đến các siêu thị, chợ dân sinh để tích trữ lương thực, thực phẩm cần thiết.
Đời sống - 06/09/2024 10:54
Bão số 3 và 3 điều cần nhớ phòng tránh, xử trí để an toàn
Theo cơ quan khí tượng, cơn bão số 3 đang mạnh lên rất nhanh và vẫn còn tăng cấp trong hôm nay. Theo bản đồ dự báo đường đi của cơn bão, trong ngày 7/9, bão số 3 sẽ đổ bộ khu vực Nam Định - Thái Bình với cấp độ khoảng cấp 13, giật cấp 16.
Đời sống - 06/09/2024 09:57
Cách gia cố nhà cửa trước “siêu bão” Yagi
Theo dự báo, “siêu bão” Yagi có cường độ mạnh nên người dân cần có biện pháp bảo vệ nhà cửa để đảm bảo an toàn về người và tài sản. Dưới đây là những cách gia cố nhà cửa để đảm bảo an toàn trước bão.
Đời sống - 05/09/2024 18:04
Thừa Thiên Huế: Đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người lao động trước “siêu bão” Yagi
Để chủ động công tác triển khai, ứng phó với bão số 3 đang tiến vào đất liền, Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế đã có công văn gửi các cơ quan, địa phương, doanh nghiệp. Trong đó, chú trọng bảo vệ an toàn tuyệt đối cho công nhân, cán bộ nhân viên, người lao động.
Người lao động - 05/09/2024 15:49
Tâm sự giáo viên ngày khai giảng: “Năm nào tôi cũng xúc động như lần đầu”
Dù vừa mới bắt đầu sự nghiệp cầm phấn, hay đã gắn bó với nghề giáo qua nhiều thập kỷ, khai giảng năm nào cũng để lại trong mỗi thầy, cô những xúc cảm đặc biệt.
Đời sống - 05/09/2024 09:40
“Siêu bão” Yagi sắp đổ bộ, người lao động chuẩn bị phương án “phòng hơn chống”
"Siêu bão" Yagi sắp tiến vào Việt Nam được dự đoán có cường độ lớn nhất trong 10 năm trở lại đây.
- "Siêu bão" Yagi đổ bộ, cần làm gì để tránh xảy ra hỏa hoạn, thương tích?
- Người lao động hối hả tích trữ thực phẩm trước "siêu bão" Yagi
- Siêu bão Yagi: Người lao động có được nghỉ làm không? Chế độ lương ra sao?
- Công đoàn đã cho tôi tình thương như máu mủ, ruột thịt
- Bài 8: Tư vấn sai lệch thông tin là “lừa dối trong giao dịch dân sự”