Bài 8: Tư vấn sai lệch thông tin là “lừa dối trong giao dịch dân sự”
Bài 8: Tư vấn sai lệch thông tin là “lừa dối trong giao dịch dân sự”

Luật sư Tuấn đưa ra một số phân tích về 2 loại thẻ chính của ngân hàng: Thẻ ATM và thẻ tín dụng; cùng những quyền lợi có thể bị ảnh hưởng của khách hàng nếu sử dụng mà không được phía ngân hàng tư vấn hay thiếu hiểu biết về chúng.

Ông Tuấn cho biết: Thẻ tín dụng nếu người sử dụng nắm rõ và sử dụng đúng cách thì có thể đem lại nhiều lợi ích như sự tiện lợi và linh hoạt giúp chúng ta thực hiện thanh toán, giao dịch nhanh chóng và dễ dàng đặc biệt là trong thời đại công nghệ số như hiện nay.

Thẻ tín dụng thường đi kèm với các ưu đãi, giảm giá và điểm thưởng khi sử dụng. Điều này giúp người sử dụng tiết kiệm được tiền hoặc nhận được các phần thưởng hấp dẫn.

Tuy nhiên bên cạnh những lợi ích của thẻ tín dụng đem lại thì cũng tồn tại những rủi ro nếu người sử dụng thẻ không quản lý tốt chi tiêu hoặc không nắm rõ các loại phí liên quan đến thẻ dẫn đến việc lạm dụng thẻ tín dụng hoặc không thanh toán cho ngân hàng đúng hạn.

Lúc này người sử dụng thẻ phải đối mặt với các khoản phí trễ hạn và sẽ bị tính lãi suất rất cao dẫn đến việc tăng số tiền nợ nhanh chóng và tích lũy nợ không kiểm soát. Cùng với đó khi người sử dụng thẻ đã hình thành nợ xấu tại ngân hàng có thể cản trở trong việc vay vốn và thực hiện giao dịch gây ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của người sở hữu thẻ.

Ngoài thẻ tín dụng hiện nay, nhiều người sở hữu ít nhất vài thẻ ATM trong ví. Mặc dù không sử dụng hoặc làm mất thẻ nhiều năm nhưng khi đó thẻ chưa đóng nên vẫn trong trạng thái hoạt động, vẫn mất phí thường niên, phí cộng dồn.

Nói về trách nhiệm của phía ngân hàng khi phát hành thẻ và lỗi tư vấn sai lệch thông tin, không tư vấn, tự điền một số thông tin khách hàng (nếu có), luật sư Tuấn chỉ ra đây là việc làm lừa dối khi mở thẻ, tức là việc làm lừa dối trong giao dịch dân sự.

Luật sư cho rằng, việc phát hành, mở thẻ tín dụng giữa ngân hàng và khách hàng là một giao dịch dân sự. Thẻ tín dụng (chi tiêu trước, trả tiền sau) về bản chất là hợp đồng vay tài sản giữa người mở thẻ và ngân hàng phát hành thẻ.

Bài 8: Tư vấn sai lệch thông tin là “lừa dối trong giao dịch dân sự”

Khoản 1, Điều 117 Bộ luật Dân sự năm 2015 có quy định: Giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây: Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập; chủ thẻ tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện; mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.

Việc tư vấn các loại phí khi mở thẻ tín dụng cho khách hàng là trách nhiệm ngân hàng, khi ngân hàng không tư vấn hoặc tư vấn không chính xác các loại phí dẫn đến việc khách hàng đồng ý mở thẻ thì có thể thấy hành vi của ngân hàng đã vi phạm theo Điều 127 Bộ luật dân sự 2015 và giao dịch dân sự vô hiệu do bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép.

“Lừa dối trong giao dịch dân sự được hiểu là hành vi cố ý của một bên nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc nội dung của giao dịch nên đã xác lập giao dịch đó.

Vì vậy trong trường hợp khách hàng không được ngân hàng tư vấn hoặc đã được tư vấn, tuy nhiên tư vấn không chính xác nên đã xác lập giao dịch với ngân hàng, khách hàng hoàn toàn có thể yêu cầu Toà án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu theo Điều 127 Bộ luật dân sự 2015 nếu có đủ căn cứ chứng minh.

Hoặc nếu có ngân hàng thay khách hàng tự điền một số thông tin của khách hàng để mở thẻ tín dụng khi chưa được sự đồng ý của khách hàng hoặc khách hàng không biết về việc này được xem là vi phạm quy định về sự tự nguyện khi tham gia giao dịch dân sự của khách hàng. Do đó, giao dịch này là giao dịch vô hiệu.

Việc tự sử dụng thông tin cá nhân của khách hàng khi chưa được khách hàng cho phép người thực hiện hành vi này còn có thể bị xử phạt hành chính lên đến 60 triệu đồng theo NĐ 14/2022/NĐ-CP của chính phủ về hành vi sử dụng trái phép thông tin cá nhân người khác.

Đối với thẻ ATM cũng vậy nếu ngân hàng không tư vấn hoặc tư vấn không đầy đủ, chính xác các loại phí khi mở thẻ và các loại phí liên quan đến thẻ thì có thể xem là phía ngân hàng chưa làm tròn trách nhiệm” – LS Tuấn nói thêm.

Bài 8: Tư vấn sai lệch thông tin là “lừa dối trong giao dịch dân sự”

Cũng theo vị luật sư, đối với bộ phận người dân sử dụng thẻ ngân hàng nói chung và người lao động nói riêng, khi sử dụng thẻ tín dụng đầu tiên là khách hành phải tự bảo vệ mình để tránh trở thành con nợ không lường trước được. Theo đó, khi ký các hợp đồng mở thẻ nên đọc kỹ các điều khoản của hợp đồng về cách thức tính lãi, mức lãi suất, trong trường hợp nào thì khoản nợ trở thành nợ xấu.

Trong trường hợp khách hàng không mong muốn dùng thẻ nữa thì cần liên hệ với ngân hàng để chấm dứt việc thực hiện hợp đồng tránh những tranh chấp xảy ra sau này. Còn đối với ngân hàng, để tránh các tranh chấp phát sinh không đáng có thì ngân hàng cần theo dõi và đôn đốc khách hàng như một khoản vay nhằm giúp khách hàng sử dụng thẻ hiệu quả và hạn chế phát sinh nợ quá hạn, gây ảnh hưởng cho khách hàng sử dụng thẻ.

Bài 8: Tư vấn sai lệch thông tin là “lừa dối trong giao dịch dân sự”
Bài 8: Tư vấn sai lệch thông tin là “lừa dối trong giao dịch dân sự”
Bài 8: Tư vấn sai lệch thông tin là “lừa dối trong giao dịch dân sự”

Mời xem thêm video ý kiến của luật sư Lương Minh Tuấn, Công ty Luật TNHH Năng & Partner:

Bài viết: Minh Nguyệt - Ngô Khiêm - Phạm Huệ

Thiết kế: Dũng Choai