Công đoàn đã cho tôi tình thương như máu mủ, ruột thịt
Hoạt động Công đoàn - 06/09/2024 17:44 Nguyễn Thị Hoàng Yến
Nồi cháo tình thương của Công đoàn Agribank chi nhánh tỉnh Vĩnh Phúc |
Trong cơn bạo bệnh “thập tử nhất sinh”
Tôi là Nguyễn Thị Hoàng Yến, giáo viên Trường Tiểu học Phan Chu Trinh. Một cô giáo yêu nghề, yêu đời nhưng không may số phận trớ trêu, “đùa cợt” trên mạng sống của tôi khiến cuộc đời đầy nước mắt. Nhưng từ mái ấm Công đoàn- nơi đã dang rộng vòng tay yêu thương, chở che và tiếp thêm sức mạnh cho tôi trong những lúc khó khăn nhất…
Vào một năm trước, tôi bất ngờ phải nhập viện cấp cứu và được các bác sĩ thông báo mình bị ung thư đại tràng. Ngay trong đêm, tôi kí giấy phẫu thuật và sau bốn giờ phẫu thuật, các bác sĩ đã bóc tách và cắt đi phần đại tràng bị ung thư của tôi.
Cùng học trò nhân dịp khai giảng năm học mới. Ảnh: ĐVCC |
Lúc này tôi cảm thấy mọi chuyện xảy ra quá nhanh, tôi vẫn chưa tin mình lại có thể mắc bệnh căn bệnh đáng sợ đó. Chỉ biết khi tỉnh lại, xung quanh tôi là một màu trắng lạnh lẽo với mùi thuốc hăng nồng và tiếng tít tít đều đặn của máy móc. Cả người tôi không thể nhấc lên được, những cơn đau từ vết thương nơi phẫu thuật khiến tôi chỉ muốn nhắm mắt và ngủ để mong nó qua thật nhanh.
Được về phòng hồi sức, sức khoẻ tôi dần hồi phục. Cùng với sự hỏi thăm của công đoàn, các đồng nghiệp, bạn bè, người thân, mọi người động viên tôi với những lời chúc chân thành nhất. Tôi lấy lại tinh thần, coi căn bệnh mình mắc phải cũng sẽ chữa được giống như các căn bệnh khác.
Và với sự cố gắng của bản thân, sự động viên của ban chấp hành công đoàn, sau một tuần tôi đã có thể đứng dậy gấp chăn, xếp gối và đi lại. Ai cũng ngạc nhiên vì sự hồi phục của tôi. Tôi được ra viện nhưng trên bụng vẫn đeo tòn teng chiếc túi hậu môn nhân tạo. Tôi nghĩ mình có thể vượt qua sự bất tiện này, chỉ cần cố gắng chờ hai ba tháng để bác sĩ nối hậu môn là khoẻ.
Nhưng mọi thứ không đơn giản như tôi nghĩ. Về nhà, tôi không ăn được, không uống được vì cứ ăn và uống vào là ói. Thậm chí không ăn không uống tôi cũng ói. Tôi bắt đầu sụt cân nghiêm trọng mặc dù bác sĩ đã cho tôi thuốc uống nhưng mọi chuyện không khả quan hơn.
Những ngày tháng chống chọi với bệnh tật. Ảnh: ĐVCC |
Việc không ăn uống được và sụt cân đã đẩy tôi vào tình trạng nguy hiểm, bắt buộc sau một tháng, tôi phải nhập viện và làm phẫu thuật lần hai. Lần phẫu thuật này diễn ra trong tám giờ đồng hồ, nó kéo dài và đau đớn hơn lần thứ nhất rất nhiều bởi ngoài đóng hậu môn nhân tạo, các bác sĩ còn phải bóc tách ruột của tôi vì chúng đã bị dính lại với nhau, đó cũng là nguyên nhân khiến tôi bị ói và không ăn uống được.
Tỉnh dậy sau nhiều tiếng phẫu thuật, tôi cảm nhận được cơn đau xé thịt, cảm giác như không thể nào chịu nổi. Tôi không cảm nhận được vùng bụng của mình bởi nó đã có thêm một vết mổ dài gần 20cm và một vết nối hậu môn nhân tạo sâu hoắm.
Tôi được dùng máy bơm thuốc giảm đau liên tục. Trong một tuần tôi không ăn, không uống, các loại thuốc được truyền liên tục 24/24 giờ đến nỗi tay chân tôi không còn ven để có thể gắn kim. Tôi bắt đầu cảm thấy sợ, nỗi sợ càng lớn hơn khi bác sĩ thông báo tôi phải truyền máu vì quá trình phẫu thuật kéo dài khiến tôi mất máu nhiều.
Từ một người thường xuyên đi hiến máu, tôi đã cảm nhận thấy sự thay đổi về sức khỏe của mình khi phải nhận máu từ người khác. Có lẽ mọi chuyện không đơn giản như tôi nghĩ. Tôi cảm thấy lo lắng nhiều hơn. Tôi muốn thu mình lại và cắt hết mọi liên lạc với người xung quanh.
Sự động viên, hỗ trợ kịp thời từ Công đoàn
Đến ngày thứ tám, sức khỏe bắt đầu ổn, tôi mở điện thoại, gửi một số hình ảnh về vết thương của mình cho vài người bạn. Và rồi tôi thật sự cảm thấy mình đã sai khi nhận được những tin nhắn của mọi người: đồng nghiệp, phụ huynh, học sinh... Họ lo lắng, trách móc tôi sao lại giấu họ. Tôi không giận vì những lời trách móc ngọt ngào đó đã tiếp thêm động lực cho tôi. Tôi tập đi bộ nhiều hơn, chịu khó ăn nhiều hơn, uống thuốc đều đặn.
Công đoàn Trường Tiểu học Phan Chu Trinh và Ban Tuyên giáo Thành ủy TP. HCM đến thăm động viên. Ảnh: ĐVCC |
Lần phẫu thuật thứ hai gần như đã đánh gục tôi nhưng nhờ có sự động viên quan tâm của mọi người, đặc biệt là Ban Tuyên giáo Thành ủy, Công đoàn ngành, Ban Giám hiệu và tổ chức Công đoàn nhà trường đến tận nhà thăm hỏi động viên đã trở thành nguồn động lực lớn lao giúp tôi lấy lại sức chiến đấu. Và với sự nỗ lực không ngừng nghỉ trong cuộc chiến chống căn bệnh ung thư, sau hơn một tháng, tôi bắt đầu trở lại công việc khi vết thương đã dần lành.
Nhưng mọi việc vẫn chưa dừng lại đó. Quá trình hóa trị đầy thử thách chờ đón tôi. Mặc dù là người rất lạc quan, tôi tin vào bác sĩ, tin vào mình sẽ khỏi bệnh nhưng khi những liều thuốc hóa trị đầu tiên được đưa vào cơ thể, tôi bắt đầu cảm nhận được sự đáng sợ của chúng.
Dù trước mặt mọi người tôi vẫn ra vẻ như không sao, vẫn ổn, nhưng đến liều hóa trị thứ tư tôi bắt đầu bối rối. Tóc tôi bắt đầu rụng, càng ngày tôi càng ốm đi, mỗi lần vô thuốc là tay chân tê dại, chạm vào nước lạnh cảm giác như bị điện giật, tôi đếm từng viên thuốc uống, viết lên lịch số lần hóa trị và đếm lùi số lần còn lại.
Đến lần hóa trị thứ sáu, sức khỏe tôi yếu hơn, truyền thuốc xong tôi bị dị ứng, sưng tấy hết mặt mũi, chân tay… tôi đã muốn bỏ cuộc. Nhưng thật may mắn, tôi tiếp tục nhận được sự cảm thông, quan tâm, động viên của mọi người và đó chính là động lực giúp tôi quyết tâm vượt qua tám lần hóa trị.
Công đoàn luôn kịp thời động viên và chia sẻ. Ảnh: ĐVCC |
Hiện tại tôi không nghĩ nhiều đến căn bệnh ung thư mình đã mang, cũng không biết nó có quay lại không vì tôi phải đợi năm năm nữa mới có câu trả lời. Nhưng một năm qua, tôi đã có một cuộc chiến chống lại bệnh ung thư với một hành trình đầy cảm xúc.
Từ những giây phút đối mặt với chẩn đoán và ca phẫu thuật đầu tiên, cho đến những ngày dài đau đớn sau phẫu thuật, sự lạc quan và sức khỏe tốt đã giúp tôi hồi phục nhanh chóng và trở lại với công việc. Nhưng có một điều quan trọng hơn cả là sự sát cánh bên tôi của tổ chức công đoàn.
Tôi thật sự biết ơn về việc Công đoàn kịp thời tìm người dạy thay trong giai đoạn chữa bệnh, giúp tôi yên tâm hơn trong hành trình chống chọi với bạo bệnh. Trong thời gian chữa bệnh, Công đoàn đã đồng hành với tôi, đã quan tâm, động viên như người thân trong gia đình. Sự hỗ trợ về vật chất từ nguồn huy động nội lực của công đoàn trường và kêu gọi các nguồn đóng góp bên ngoài đã giúp tôi vượt qua khó khăn, giảm bớt gánh nặng về kinh tế.
Tôi không thể quên được tình cảm của anh chị em trong Công đoàn đã thay nhau chăm sóc hai đứa con nhỏ khi tôi đi điều trị. Là người mẹ đơn thân, nuôi con khó nhọc thế nào tôi quá rõ. Những ngày tôi chữa bệnh, thầy cô thay phiên nhau chăm sóc, đưa đón các cháu đi học không sót buổi nào. Ân tình đó của Công đoàn trường đã trở thành máu mủ, ruột rà không thể diễn tả hết bằng lời.
Với tôi, giờ đây Công đoàn không chỉ là tổ chức đại diện cho người lao động, mà còn là người bạn đồng hành, luôn có mặt kịp thời khi bạn gặp khó khăn. Nhờ vào sự chăm sóc và bảo vệ hiệu quả của công đoàn, người lao động như tôi có thể yên tâm làm việc, cống hiến hết mình cho sự nghiệp giáo dục mà tôi đang theo đuổi.
Cô Nguyễn Thị Kim Thu Hương, Chủ tịch Công đoàn Trường Tiểu học Phan Chu Trinh chia sẻ: "Khi biết tin công đoàn viên của mình bị bệnh hiểm nghèo, tôi rất lo lắng. Bằng những việc làm thiết thực, chúng tôi đã tiếp thêm sức mạnh cho cô Yến vượt qua bệnh tật, tin yêu vào cuộc sống. Bằng sự nỗ lực của bản thân và sự giúp đỡ của đồng nghiệp, cô Yến đã chiến thắng bệnh tật và trở lại với công việc trong sự vui mừng của bạn bè, đồng nghiệp".
Tác phẩm tham dự Cuộc thi viết “Vòng tay Công đoàn” lần thứ IV do Tạp chí Lao động và Công đoàn tổ chức từ 30/10/2023 đến hết ngày 30/9/2024. Cuộc thi nhằm tuyên truyền, cổ vũ những trường hợp đoàn viên, người lao động được tổ chức Công đoàn, cán bộ công đoàn chăm lo, bảo vệ thiết thực, hiệu quả; nhờ đó có sự thay đổi tích cực trong cuộc sống. Thông qua bài viết nêu bật nỗ lực của tổ chức Công đoàn, cán bộ công đoàn trong việc thực hiện nhiệm vụ cốt lõi đại diện bảo vệ, chăm lo cho đoàn viên, người lao động; góp phần khẳng định Công đoàn Việt Nam đã, đang và sẽ mãi là chỗ dựa vững chắc, tin cậy, nơi gửi gắm niềm tin của đoàn viên, người lao động. Mời độc giả xem thêm TẠI ĐÂY Địa chỉ nhận tác phẩm dự thi: [email protected] |
“Làn sóng” cắt giảm lao động tại nhiều doanh nghiệp ở TP Hồ Chí Minh Tại TP Hồ Chí Minh, “làn sóng” cắt giảm lao động tại nhiều doanh nghiệp không chỉ khiến công nhân mất việc làm, phải sống ... |
Tỷ lệ thất nghiệp của TP Hồ Chí Minh vẫn gia tăng Thống kê cho thấy hiện số trường hợp người lao động nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp tại TP.HCM tăng 9,3% ... |
Những dấu hỏi đằng sau hơn 2.000 hộp ngủ Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh vừa giao các quận, huyện, thành phố xử lý 2.165 hộp ngủ (sleep box) thuộc 58 công trình ... |
- Công đoàn đã cho tôi tình thương như máu mủ, ruột thịt
- Bài 8: Tư vấn sai lệch thông tin là “lừa dối trong giao dịch dân sự”
- Nghiệp đoàn Xích lô du lịch Nha Trang - điểm tựa vững chắc cho người lao động
- Tránh “siêu bão” Yagi, công nhân được nghỉ làm thứ Bảy
- Quảng Bình: Hơn chục doanh nghiệp tuyển lao động, nhiều vị trí việc làm hấp dẫn