Sau những vụ cháy rừng: "Họ gọi là vô tình, còn tôi gọi là vô ý thức"
Đời sống - 22/08/2019 06:30 Ý Yên
Chỉ vì đốt cỏ khô, người đàn ông ở huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh đã gây ra vụ cháy rừng lịch sử làm thiệt hại khoảng 66ha rừng. Ảnh: GD&TĐ |
Sự... "vô ý" của anh ta gây hậu quả thật tai hại: Hàng nghìn người được huy động dập lửa trong 2 ngày đêm; lực lượng PCCC của 2 tỉnh phải vào cuộc; 100 hộ dân và cơ quan phải sơ tán; một đoạn dài trên tuyến đường quốc lộ 1A bị cấm xe cộ qua lại... Và điều đau đớn hơn: 66ha rừng bị xóa sổ.
Trường hợp khác tại Phú Yên, một nông dân vốn hiền lành chân chất mới đây bị khởi tố vì gây ra vụ cháy gần 150ha rừng vào hồi cuối tháng 6/2019. Anh này khai nhận do đốt dọn thực bì, vô tình lửa lan ra khu vực rừng xung quanh đến mức không thể kiểm soát. Lại là sự vô tình.
Vụ này, VTV đưa ra dòng title: "Nghịch lý người trồng rừng gây ra cháy rừng".
Còn nữa: 3 người đàn ông vào rừng đốt tổ ong lấy mật gây cháy rừng; người phụ nữ đốt cỏ ruộng làm cháy 3ha rừng thông 30 năm tuổi...
Một vài vụ khác, nguyên nhân được đặt trong trạng thái nghi vấn: Do đốt vàng mã dịp rằm tháng Bảy; do nhóm "phượt thủ" làm tiệc nướng trên rừng mà quên... dập lửa.
Theo thống kê của Chính phủ, trong 4 năm từ 2014-2018 nước ta mất 6.400ha rừng sau các vụ cháy.
Nguyên nhân hầu hết là do vô ý/ vô tình, chứ không phải cố ý đốt "chơi cho vui" như trường hợp của thanh niên Nghệ An mới bị bắt hồi đầu tháng 8/2019.
GS.TSKH Nguyễn Ngọc Lung, Viện trưởng Viện Quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng, nói: "Họ gọi là vô tình, còn tôi gọi là vô ý thức. Rõ ràng họ biết được những nguy cơ có thể xảy ra, nhưng cố tình không áp dụng. Đặc biệt những người chủ rừng hàng năm đều được tham dự lớp tập huấn kỹ năng phòng chống cháy rừng nhưng đều bỏ qua những quy tắc, quy định, đến khi sự việc xảy ra rồi mới nói rằng mình chủ quan, không nghĩ sẽ như thế...".
"Một vụ cháy chỉ xảy ra khi có đủ 3 điều kiện: Lửa, vật liệu cháy và dưỡng khí. Mồi lửa chính là ý thức con người", GS. Lung nói tiếp.
Ông cũng cho rằng chủ rừng phải có trách nhiệm kiểm soát người đi vào khu rừng của mình. Nếu là khách du lịch thì phải nhắc nhở, hướng dẫn nội quy để họ chấp hành.
GS.TSKH Nguyễn Ngọc Lung: "Chủ rừng đều được học các lớp phòng chống cháy rừng nhưng họ không áp dụng". Ảnh: Minh Khôi |
Nguyên tắc phòng chống cháy rừng (PCCR): "Phòng là chính nhưng chống không có nghĩa là phụ"
GS.TSKH Nguyễn Ngọc Lung cho biết việc phòng và chống cháy rừng phải đi song hành cùng nhau trong 3 giai đoạn của rừng:
1. Giai đoạn thiết kế gây rừng
GS Lung khuyến cáo không nên đốt thực bì. Tuy nhiên trong trường hợp cần đốt thì phải có sự kiểm soát, không đốt tập trung ở diện tích lớn. Đồng thời, chủ động báo trước cho hàng xóm, chính quyền địa phương và sẵn sàng ứng phó bằng các công cụ có thể dập tắt đám cháy.
Không được trồng những loại cây dễ cháy trên một diện tích quá lớn.
Xây dựng các đường băng trắng (để lại những khoảng đất trống), có thể ngăn cách lửa, và di chuyển dễ dàng phương tiện chữa cháy khi cần; và đường băng xanh trồng các loại cây có khả năng giữ nước, không thể cháy.
2. Giai đoạn bảo vệ, chăm sóc rừng
Đây là giai đoạn có nguy cơ cháy rừng cao hơn giai đoạn 1. Vì vậy cần tỉa thưa cành lá, xây dựng các công trình phòng chống cháy: chòi canh, hố nước, hệ thống báo động (kẻng, loa)...
Cần thường xuyên thu dọn cành lá, tránh để tình trạng chất đống quá dày từ năm này sang năm khác. Có thể sử dụng phương pháp đốt trước: "Khi cành lá, vỏ cây rụng xuống lớp mỏng, chưa thành lớp tối đa thì đem đốt. Lúc này có cháy nhưng lửa chưa đủ mạnh để làm chết cây. Rừng cháy hàng năm không sợ bằng rừng 5-6 năm mới cháy một lần".
3. Giai đoạn khai thác rừng
Giai đoạn này cần phải xử lý rất công phu vì nó tác động đến môi trường và xã hội. Thông thường, chủ rừng sẽ khai thác gỗ và để lại lượng lớn cành lá, nguy cơ gây ra cháy, ô nhiễm.
Chủ rừng cần thông báo kiểm lâm, chính quyền, sử dụng các biển cảnh báo trong thời gian khai thác gỗ.
Tin cùng chuyên mục
Người lao động - 06/09/2024 19:17
Người lao động hối hả tích trữ thực phẩm trước "siêu bão" Yagi
Những ảnh hưởng đầu tiên của “siêu bão” Yagi (bão số 3) đã gây mưa lớn cục bộ tại nhiều tỉnh phía Bắc. Để phòng ngừa tình huống phải trú ẩn trong nhà nhiều ngày, người lao động tại Hà Nội và các vùng lân cận đã vội vã đến các siêu thị, chợ dân sinh để tích trữ lương thực, thực phẩm cần thiết.
Đời sống - 06/09/2024 10:54
Bão số 3 và 3 điều cần nhớ phòng tránh, xử trí để an toàn
Theo cơ quan khí tượng, cơn bão số 3 đang mạnh lên rất nhanh và vẫn còn tăng cấp trong hôm nay. Theo bản đồ dự báo đường đi của cơn bão, trong ngày 7/9, bão số 3 sẽ đổ bộ khu vực Nam Định - Thái Bình với cấp độ khoảng cấp 13, giật cấp 16.
Đời sống - 06/09/2024 09:57
Cách gia cố nhà cửa trước “siêu bão” Yagi
Theo dự báo, “siêu bão” Yagi có cường độ mạnh nên người dân cần có biện pháp bảo vệ nhà cửa để đảm bảo an toàn về người và tài sản. Dưới đây là những cách gia cố nhà cửa để đảm bảo an toàn trước bão.
Đời sống - 05/09/2024 18:04
Thừa Thiên Huế: Đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người lao động trước “siêu bão” Yagi
Để chủ động công tác triển khai, ứng phó với bão số 3 đang tiến vào đất liền, Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế đã có công văn gửi các cơ quan, địa phương, doanh nghiệp. Trong đó, chú trọng bảo vệ an toàn tuyệt đối cho công nhân, cán bộ nhân viên, người lao động.
Người lao động - 05/09/2024 15:49
Tâm sự giáo viên ngày khai giảng: “Năm nào tôi cũng xúc động như lần đầu”
Dù vừa mới bắt đầu sự nghiệp cầm phấn, hay đã gắn bó với nghề giáo qua nhiều thập kỷ, khai giảng năm nào cũng để lại trong mỗi thầy, cô những xúc cảm đặc biệt.
Đời sống - 05/09/2024 09:40
“Siêu bão” Yagi sắp đổ bộ, người lao động chuẩn bị phương án “phòng hơn chống”
"Siêu bão" Yagi sắp tiến vào Việt Nam được dự đoán có cường độ lớn nhất trong 10 năm trở lại đây.
- "Siêu bão" Yagi đổ bộ, cần làm gì để tránh xảy ra hỏa hoạn, thương tích?
- Người lao động hối hả tích trữ thực phẩm trước "siêu bão" Yagi
- Phải ngừng việc do “siêu bão" Yagi, người lao động có được trả lương?
- Công đoàn đã cho tôi tình thương như máu mủ, ruột thịt
- Bài 8: Tư vấn sai lệch thông tin là “lừa dối trong giao dịch dân sự”