"Hoa cười người héo", chuyện "bi hài" ở thôn Hạ Lôi (Mê Linh - Hà Nội)
Người lao động - 14/04/2020 11:38 Văn Giang
Nhiều ruộng hoa của thôn Hạ Lôi đã vào vụ thu hoạch nhưng không thể bán được do cả thôn đang bị phong tỏa. |
5 giờ sáng, bà Nguyễn Thị Hải trở dậy, vẫn là giờ ra làm đồng như mọi khi, nhưng thay vì mặc quần áo lao động, bà mặc đồ bảo hộ phòng dịch, găng tay, áo mưa kín mít. Chồng bà, ông Trần Văn Tú cũng đã dậy từ lâu, ngồi trầm ngâm trước thềm nhà nhìn ra khoảng ruộng trước mặt. Hoa đang vào vụ, mọi khi giờ này cả hai vợ chồng ông đã ở ngoài ruộng tất bật thu hoạch để còn kịp giao cho khách buôn dưới chợ Quảng An, Tây Hồ, Hà Nội.
Thấy vợ chuẩn bị ra ruộng, ông Tú hỏi với theo: “Bà vẫn ra à, họ (công an tuần tra) phát hiện là mời về đấy”. “Nhưng sốt ruột lắm, không ra không được, hôm qua tôi ra đã thấy một loạt cúc héo rũ cả rồi”.
Ông Tú nhẩm tính, vậy là thôn đã phong toả được 6 ngày, kể từ ngày 8/4 đến nay, đáng lý ra ba sào hoa cúc trắng đã phải thu hoạch xong quá nửa. Cứ độ này, vài ngày nữa không cắt là coi như bỏ. Bao nhiêu thứ đầu tư cho một vụ hoa, tiền giống, phân bón các loại, rồi công chăm sóc.
Ngoài ruộng, chị Hồng (xóm Bàng) cũng tranh thủ ra đồng khi trời vẫn chưa sáng hẳn, mới len được vào ruộng hồng cao vút còn đẫm sương đêm thì ánh đèn pha trên đường từ xa rọi lại sáng loáng. Hai công an viên tuần tra đang đi làm nhiệm vụ, thấy có người dưới ruộng, họ dừng lại, gọi qua loa cầm tay nói lớn: “Yêu cầu người dân trở về nhà ngay, không đi làm trong giai đoạn cách ly”.
Chị Hồng ngẩng lên, giơ những cây hồng đã nở bung, cánh tả tơi phân trần: “Xin các chú một lát, tôi dọn xong ít hồng rồi về ngay, nở hết rồi mà không bán được, sốt ruột lắm”. “Vì sự an toàn của cộng đồng và thực hiện nghiêm chỉ thị, mong chị chấp hành mệnh lệnh”, một công an viên nhắc.
Cầm chiếc liềm lủi thủi dưới ruộng đi lên, đứng trên đường vừa nghe giải thích, chị thẫn thờ nhìn xuống hơn hai sào hoa đã quá ngày thu hoạch. Những bông hồng màu đỏ thẫm được chị bọc cẩn thận trong mảnh báo, nụ hoa chúm chím, như thúc giục người nhanh tay cắt cho kịp khoe sắc ngoài chợ sớm. Đây là giống hồng lai, bông to, giá nhập gấp rưỡi hồng thường. Nếu đúng độ rằm hoặc mồng một được ít nhất cũng phải 5.000 - 6.000 nghìn đồng một bông đổ buôn.
Chồng chị Hồng làm công nhân dưới khu công nghiệp, nhà có hai đứa đang học trung học. Từ đợt phát sinh dịch đến nay, công ty đã cho chồng nghỉ, mấy miệng ăn trông vào vụ hoa, vậy mà… coi như bỏ.
Cùng tình cảnh, gia đình anh Nguyễn Quốc Diện (xóm Đường) là một trong những hộ có diện tích trồng hoa lớn của thôn cũng đang đứng ngồi không yên vì rơi vào cảnh “hoa cười, người héo”. Số vốn đầu tư hơn 200 triệu đồng với bao công sức cho hai mẫu ruộng giờ coi như mất trắng, không thu hoạch được.
Khi Hạ Lôi bị phong toả, không ra khỏi thôn được nữa, anh Diện định mỗi ngày cắt một ít, chở xe ra đầu làng chỗ chốt kiểm soát rồi gọi lái buôn đến lấy. Cách ấy may ra gỡ gạc được một ít cho đỡ tiếc của, nhưng gọi mấy đầu mối quen họ đều từ chối. “Khu anh đang bị dịch phong toả, chúng tôi đến lấy hàng cũng sợ lắm chứ, nhỡ lây nhiễm thì khổ”. Họ nói với anh thế.
Hôm qua anh Diện vừa nghe được thông tin mấy nhà vườn gần kề thôn cũng đã bị kiểm soát vì liên quan đến nguồn lây Covid-19 diện F1, rồi bên Công an lẫn ngành Y tế cũng thông báo những người đến chợ Quảng An từ 20 tháng 3 trở lại cũng phải đi kê khai, còn trông mong gì nữa.
Từ bao đời nay, trồng hoa vốn như nghề truyền thống của người dân Hạ Lôi. Hoa từ đây được xuất đi khắp các chợ đầu mối, rồi những đại lý lớn, nhà tang lễ đặt hàng. Đặc thù của nghề này phải chăm bón cẩn trọng, tỉ mỉ, thu hoạch đúng thời điểm, để muộn một chút là coi như bỏ. Có gia đình xây được nhà mới khang trang, rồi nuôi con học đại học cũng từ những vụ hoa.
Năm nay trồng hoa mất giá nhiều vì chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, từ Tết đến giờ đây mới là vụ đầu tiên người dân Hạ Lôi thu hoạch. Nào ngờ vừa mới bắt đầu, thị trường đã bấp bênh, giờ thì bị cách ly cả thôn những 28 ngày. Không còn cách nào khác.
“Nhìn những cánh đồng hoa đẹp mà xót xa, đáng lẽ ra chúng tôi hân hoan lắm, nhưng giờ rơi vào tình cảnh này chỉ mong hoa đừng có nở rộ, vừa sợ dịch, lại lo hoa. Biết là không mang đi bán được nhưng vẫn phải tưới hàng ngày đấy, không cứ để héo rũ cũng chẳng đành lòng”, chị Hồng phân trần.
Nỗi lòng người dân Hạ Lôi đang "héo úa" như hoa. |
Từ lúc Hạ Lôi bị phong toả đến nay, Ông Tạ Quang Thái, Chủ tịch xã Mê Linh gần như bận cả đêm lẫn ngày, tham dự cuộc họp lớn lẫn cuộc họp nhỏ, nhưng vẫn không quên chỉ đạo Phó Chủ tịch Thường trực ra ruộng ngó xem tình hình “hoa màu của bà con như thế nào để còn báo cáo”. Ông Thái cho biết: Hiện trên địa bàn xã có khoảng 150 ha trồng hoa, riêng thôn Hạ Lôi có khoảng 100 ha. “Bây giờ bị ngưng trệ do cách ly sẽ khiến cho cuộc sống của người dân khó khăn hơn rất nhiều, thiệt hại chưa thể tính được hết”.
Trước diễn biến dịch Covid-19 đang rất phức tạp, Phó Chủ tịch huyện Mê Linh Bùi Xuân Quang thông tin: Toàn bộ người dân trong thôn Hạ Lôi sẽ không thể ra khỏi nhà để lao động, sản xuất, kể cả là làm việc trong vùng cách ly. Điều này cũng đồng nghĩa, một phần diện tích hoa hiện nay của người dân trong thôn có thể sẽ phải cắt bỏ để đảm bảo thời vụ canh tác. Về giải pháp trước mắt, ông Bùi Xuân Quang kiến nghị thành phố Hà Nội có chính sách hỗ trợ cho người trồng hoa trên địa bàn thôn Hạ Lôi, nhằm giúp bà con nông dân có nguồn kinh phí tái sản xuất sau khi kết thúc thời gian cách ly y tế.
Cũng theo đại diện huyện Mê linh, sau khi kết thúc cách ly, địa phương sẽ khuyến cáo bà con chuyển đổi một phần diện tích hoa ngắn ngày sang trồng rau màu, bởi đây là mặt hàng thị trường đang có nhu cầu rất lớn. Điều này sẽ giúp giải quyết việc làm, mang lại thu nhập thường xuyên hơn cho người nông dân.
Hiện tại, từ chốt kiểm soát ngoài cổng làng đi vào thôn, bên những con đường vắng bóng người là những ruộng hoa đã đến độ thu hoạch, bao loại hồng, cúc, loa kèn… nở rộ khiến lòng người dân nơi đây như “héo úa”. Nhưng với những ca nhiễm đang tăng lên theo từng ngày như hiện nay, họ hiểu vấn đề nào mới là cấp bách. “Nhà nước còn thiệt hại bao nhiêu nghìn tỷ, các ngành kinh tế còn phải chấp nhận đóng băng để nhân dân được bình yên, huống chi dịch đã về đến quê mình, bà con chỉ còn cách đồng lòng với Đảng, Chính phủ thôi”, người dân nói với nhau như vậy.
Tin cùng chuyên mục
Người lao động - 06/09/2024 14:38
Tránh “siêu bão” Yagi, công nhân được nghỉ làm thứ Bảy
Trước dự báo về mức độ nguy hiểm của siêu bão Yagi, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội đã thông báo cho công nhân được nghỉ làm ngày thứ Bảy (07/9/2024) - thời điểm dự kiến bão đổ bộ.
Người lao động - 06/09/2024 11:50
"Siêu bão" Yagi: Chuyên gia đưa lời khuyên ứng phó cho các ngành nghề
Chuyên gia Tổng cục Khí tượng Thủy văn đưa ra lời khuyên trong phòng, tránh "siêu bão" Yagi sắp tới, để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản.
Đời sống - 06/09/2024 10:54
Bão số 3 và 3 điều cần nhớ phòng tránh, xử trí để an toàn
Theo cơ quan khí tượng, cơn bão số 3 đang mạnh lên rất nhanh và vẫn còn tăng cấp trong hôm nay. Theo bản đồ dự báo đường đi của cơn bão, trong ngày 7/9, bão số 3 sẽ đổ bộ khu vực Nam Định - Thái Bình với cấp độ khoảng cấp 13, giật cấp 16.
Đời sống - 06/09/2024 09:57
Cách gia cố nhà cửa trước “siêu bão” Yagi
Theo dự báo, “siêu bão” Yagi có cường độ mạnh nên người dân cần có biện pháp bảo vệ nhà cửa để đảm bảo an toàn về người và tài sản. Dưới đây là những cách gia cố nhà cửa để đảm bảo an toàn trước bão.
Đời sống - 05/09/2024 18:04
Thừa Thiên Huế: Đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người lao động trước “siêu bão” Yagi
Để chủ động công tác triển khai, ứng phó với bão số 3 đang tiến vào đất liền, Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế đã có công văn gửi các cơ quan, địa phương, doanh nghiệp. Trong đó, chú trọng bảo vệ an toàn tuyệt đối cho công nhân, cán bộ nhân viên, người lao động.
Người lao động - 05/09/2024 15:49
Tâm sự giáo viên ngày khai giảng: “Năm nào tôi cũng xúc động như lần đầu”
Dù vừa mới bắt đầu sự nghiệp cầm phấn, hay đã gắn bó với nghề giáo qua nhiều thập kỷ, khai giảng năm nào cũng để lại trong mỗi thầy, cô những xúc cảm đặc biệt.
- Bài 8: Tư vấn sai lệch thông tin là “lừa dối trong giao dịch dân sự”
- Nghiệp đoàn Xích lô du lịch Nha Trang - điểm tựa vững chắc cho người lao động
- Tránh “siêu bão” Yagi, công nhân được nghỉ làm thứ Bảy
- Quảng Bình: Hơn chục doanh nghiệp tuyển lao động, nhiều vị trí việc làm hấp dẫn
- "Siêu bão" Yagi: Chuyên gia đưa lời khuyên ứng phó cho các ngành nghề