Đừng nói đến thụ hưởng tiện ích khi chỗ học cho con công nhân còn chưa bố trí được!
Đời sống - 22/08/2020 18:45 LÊ TUYẾT
Một lớp học từng được bố trí 3 ca ở Đồng Nai. |
Hơn 10 năm trước, Mai cũng như những thanh niên quê mình, rời một huyện miền núi ở Nghệ An vào Nam lập nghiệp. Khi đó, Mai vừa học xong lớp 12. Mai vào TP.HCM với một sức khỏe tốt và trình độ vượt tiêu chuẩn tuyển dụng lao động phổ thông ở nhiều nhà máy. Mai được công ty giày da nhận vào làm. Rồi Mai có người yêu, lập gia đình, sinh con. Cách đây 3 năm, cũng vào những ngày như thế này, tôi gặp Mai khi Mai tất tả ngược xuôi xin cho con vào lớp 1.
Gia đình Mai tá túc trong một phòng trọ 12 mét vuông có một cái gác lửng ở phường Linh Trung, quận Thủ Đức gần công ty. Hơn 7 năm, chỉ trọ một chỗ nhưng Mai và chồng, sau này thêm con gái của Mai không được chủ trọ đăng ký tạm trú dài hạn (KT3). Với đồng lương công nhân eo hẹp, vợ chồng Mai không dám mơ đến việc sở hữu một căn nhà riêng để có được hộ khẩu thành phố.
KT3 – Không! Hộ khẩu – Không! Con gái của Mai sẽ không được ưu tiên phân vào các trường công lập trên địa bàn thành phố! Đi đến đâu cũng nghe quá tải, hết chỗ. Có người bảo Mai “kiếm đường “chạy” một suất”, có người lại khuyên gửi con vào một trường tư thục nào đó, học phí mỗi tháng của con bằng gần cả tháng lương của mẹ… Chao ôi, chỗ nào cũng tiền, rất nhiều tiền! Với tiền lương “tháng đủ, tháng thiếu” của hai vợ chồng Mai thì tiền đâu mà “chạy”! Cuối cùng, Mai cắn răng gửi con gái về quê đi học, chấp nhận sống xa con, mỗi năm, mẹ con gặp nhau một lần vào dịp Tết!
Tình trạng quá tải, trường học không đáp ứng đủ nhu cầu của con công nhân diễn ra nhiều năm nay ở các tỉnh, thành phố. |
Không chỉ Mai, rất nhiều những thanh niên rời quê hương vào Nam lập nghiệp, lập gia đình, sinh con rồi chọn phương án gửi con về quê. Tôi từng đến Đồng Nai, chứng kiến các trường tiểu học gần các khu công nghiệp bố trí cho học sinh học 3 ca “sáng sớm – xuyên trưa – xế chiều” vì học sinh quá đông, học 2 ca sáng – chiều không đủ lớp! Những đứa trẻ ngáp ngắn ngáp dài vì đi học quá sớm, về quá trễ, ăn uống không đúng bữa. Phụ huynh đa phần là công nhân nên không thể bố trí giờ đưa đón con, phải bỏ thêm một khoản chi phí nữa để gửi con cho cô giáo trông hộ…
Hay những lớp học ở Bình Dương quá tải, sĩ số lớp trên thực tế cao hơn rất nhiều so với tiêu chuẩn. Hay những khu nhà trọ công nhân, những đứa trẻ chấp nhận chịu cảnh thất học, ngồi trong phòng trọ ngó ra ngoài, mặt ngơ ngác chẳng hiểu vì sao mình không được đến trường. Chúng đâu biết rằng, ba mẹ chúng là dân nhập cư, không hộ khẩu, không KT3 nên không “chen” được một suất cho chúng đi học và cũng chẳng thể gửi chúng về quê vì quê chẳng còn ai.
Câu chuyện quá tải học sinh, trường học không đáp ứng đủ nhu cầu con em công nhân ở các tỉnh công nghiệp như Bình Dương, Đồng Nai, TP.HCM đã tồn tại nhiều năm qua. Có lẽ thực trạng này bắt đầu từ khi có chủ trương thành lập các khu công nghiệp, khu chế xuất, các tỉnh, thành vươn lên thành tỉnh, thành công nghiệp, thu hút lao động từ các địa phương khác đến làm việc.
Bao nhiêu cuộc họp, bao nhiêu lần đề xuất, kiến nghị, tiếp xúc giữa lãnh đạo tỉnh, thành phố với công nhân là bấy nhiêu lần vấn đề “trường học không đáp ứng đủ nhu cầu của con công nhân” được đặt ra. Những lời hứa, những giải pháp được đưa ra nhưng cũng chỉ là chắp vá!
Vì sao chắp vá? Vì ngay từ đầu khi quy hoạch các khu công nghiệp, khu chế xuất, người ta đã “quên” đi rằng, công nhân từ địa phương khác đến Bình Dương, TP.HCM, Đồng Nai… làm việc, họ sẽ ở lại đây. Họ kết hôn, sinh con và con họ cần được đến trường, cần được vui chơi, cần được chăm sóc y tế… 5 năm, 10 năm, 20 năm sau, khi số lượng công nhân tăng lên, con công nhân nhiều lên, lúc này mới bắt đầu tính đến chỗ ở, trường học thì lại vướng quỹ đất, cây xanh, hạ tầng… Chao ôi, khó khăn trăm bề!
Nhiều trẻ em là con công nhân theo ba mẹ lên các tỉnh, thành phố công nghiệp và không được đến trường. |
Tất cả trẻ em đều có quyền được đến trường, được đi học, không phân biệt hộ khẩu, KT3, lưu trú… Lý thuyết là như thế và nếu không quá tải thì sẽ đương nhiên như thế! Nhưng khi lượng học sinh quá đông, trường học không đáp ứng đủ thì hộ khẩu, KT3, tạm trú ngắn hạn… sẽ là tiêu chuẩn để xét thứ tự ưu tiên, phân lớp. Và khi đó, những công nhân như Mai hoặc gửi con về quê và chấp nhận xa con, hoặc gần con nhưng chấp nhận con mình thất học!
Mai cũng như hàng trăm ngàn công nhân từ các vùng quê vào các tỉnh, thành công nghiệp để làm việc trong các nhà máy. Nguồn thu của các tỉnh, thành phố có sự đóng góp công sức, tuổi xuân, sức khỏe của Mai và đồng nghiệp của mình. Thế nhưng chỉ mỗi việc con của Mai được đi học ở địa phương mẹ làm việc, được gần cha mẹ còn không thực hiện được thì đừng nói nhiều đến việc công nhân thụ hưởng các tiện ích của thành phố, trong đó có một phần đóng góp của Mai.
Tôi chợt nhớ lại câu nói, hay đúng hơn là một sự nuối tiếc của Mai: “Nếu biết trước cuộc sống vất vả thế này, có con mà không được gần con, ngày đó em đã không vào Nam”.
Sửa đổi tài chính công đoàn thiết thực chăm lo cho người lao động Chiều ngày 21/8, tại Hà Nội, Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức Hội thảo “Sửa đổi, bổ sung Luật Công đoàn năm 2012, chuyên đề ... |
Liên quan BN 785: Các trường hợp F1 là công nhân KCN Thăng Long 2 đã hết hạn cách ly Hiện tại, 4 trường hợp F1 là công nhân KCN Thăng Long 2 liên quan đến BN 785 cách ly tại Trung tâm Y tế ... |
Covid-19: Cập nhật thông tin mới nhất ngày 21/8 Cập nhật thông tin Covid-19 lúc 7h sáng ngày 21/8, tổng số người nhiễm trên toàn cầu đã lên tới hơn 22,8 triệu, hơn 796 ... |
Tin cùng chuyên mục
Đời sống - 01/09/2024 16:15
Quốc khánh đặc biệt của Giáo sư Võ Tòng Xuân
Với AHLĐ, NGND, GS.TS Võ Tòng Xuân, Ngày Quốc khánh (2/9) có dấu ấn đặc biệt. Bởi ngày này vào năm 1980, ông đã lội ngược dòng từ “vực sâu” vươn lên “đỉnh cao”…
Đời sống - 01/09/2024 07:00
100 năm dừa sáp Trà Vinh
Tại Trà Vinh, dừa sáp - được ví von như "vàng trắng". Bởi vì, không giống như các loại dừa bình thường, dừa sáp có lớp cơm dừa dày, mềm, dẻo, đặc quánh cùng với ít nước sệt, vị béo ngậy và có hương thơm rất đặc trưng.
Người lao động - 29/08/2024 10:39
Tín hiệu vui sau phóng sự “Giấc mơ nhà công vụ của giáo viên nơi đỉnh trời”
Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Cao Bằng nhanh chóng xây dựng, hoàn thiện đề án xây mới, sửa nhà công vụ cho đoàn viên trên địa bàn; bên cạnh đó, Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam đã hỗ trợ 3 tỷ đồng xây nhà công vụ cho giáo viên, hiện các công trình đã sắp hoàn thành, đưa vào sử dụng.
Đời sống - 26/08/2024 15:38
Đề xuất kéo dài kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2/9
Theo lịch nghỉ lễ năm 2024, cán bộ, công chức, viên chức, và người lao động sẽ được nghỉ lễ Quốc khánh từ ngày 31/8 đến hết ngày 3/9.
Người lao động - 24/08/2024 08:25
Lễ cưới tập thể công nhân ở Cần Thơ: Đám cưới khi sắp được nghỉ hưu...
8 cặp đôi trong lễ cưới tập thể đầu tiên dành cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn ở Cần Thơ vừa được tổ chức khiến nhiều người xúc động. Ở đấy người ta chứng kiến có cả cặp đôi mà chủ rể lẫn cô dâu đã ở tuổi nghỉ hưu nhưng lần đầu tiên làm đám cưới...
Đời sống - 23/08/2024 19:44
Niềm vui vào Đảng của những công nhân vệ sinh môi trường ở Kon Tum
Trong 54 đảng viên hiện nay thì có tới 36 đảng viên (chiếm gần 67%) là công nhân trực tiếp sản xuất, lao động tại các đội vệ sinh, đội cây xanh, lái xe... Đó cũng là thành tích nổi bật của công tác phát triển Đảng ở Công ty CP Môi trường đô thị tỉnh Kon Tum.