Thợ cắt tóc, thợ may và giáo viên tư thục vào nghiệp đoàn
Phát triển đoàn viên - 02/09/2024 13:27 TRƯỜNG SƠN
“Ở đâu có người lao động, ở đó có tổ chức Công đoàn”.
Nghiệp đoàn ngành Tóc vừa được tổ chức công bố và trao quyết định thành lập vào cuối tháng 8/2024. Nghiệp đoàn là sự hợp nhất của các tiệm cắt tóc The Factory BarberShop tại hai cơ sở thuộc phường Xuân Phú và Phường Đúc; The Original Barber House ở phường Phú Nhuận và Thành Barbershop thuộc phường Thuận Hòa.
LĐLĐ TP. Huế trao quyết định thành lập Nghiệp đoàn ngành Tóc. Ảnh: ĐVCC. |
Anh Lê Văn Sơn - chủ tiệm cắt tóc The Original Barber House được tín nhiệm, bầu làm Chủ tịch Nghiệp đoàn ngành Tóc TP Huế. Phát biểu tại lễ công bố thành lập , anh Sơn nói rằng rất phấn khởi bởi từ nay anh chị em ngành Tóc có nơi để sinh hoạt, giao lưu học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm trong nghề cũng như trong cuộc sống.
“Ngoài các thành viên của ba tiệm cắt tóc hiện nay, chúng tôi sẽ kết nối, vận động thêm các tiệm cắt tóc khác trên địa bàn thành phố để kết nạp thêm hội viên, phát triển nghiệp đoàn ngày càng vững mạnh hơn”, anh Sơn nói.
Sau khi thành lập, Nghiệp đoàn ngành Tóc cùng với Công đoàn LĐLĐ TP. Huế và Công đoàn Trường THCS Nguyễn Chí Diểu đã tổ chức “Hành trình hoạt động vì cộng đồng" - cắt tóc miễn phí và tặng quà cho đoàn viên , các bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Trung ương Ương Huế, các cháu khuyết tật đang học nghề tại Trung tâm Dạy nghề và Tạo việc làm cho người khuyết tật tỉnh.
Đoàn viên Nghiệp đoàn ngành Tóc TP Huế cắt tóc miễn phí và tặng quà cho đoàn viên Nghiệp đoàn Xích lô - Xe thồ và các trường hợp khó khăn trên địa bàn thành phố. Ảnh: ĐVCC. |
Trước đó, LĐLĐ TP Huế cũng đã công bố thành lập Nghiệp đoàn các cơ sở Giáo dục mầm non độc lập phường Xuân Phú. Nghiệp đoàn gồm 4 trường mầm non tư thục và một nhóm trẻ hợp thành.
Chị Lê Thị Thơ - Chủ tịch Nghiệp đoàn các cơ sở Giáo dục mầm non độc lập phường Xuân Phú cho biết, thời gian đầu sẽ ổn định tổ chức, liên kết các đoàn viên và tiến tới đại hội.
“Nghiệp đoàn ra đời sẽ tạo điều kiện để các cô giáo mầm non tư thục được sinh hoạt trong một tổ chức chính trị - xã hội; được chia sẻ, giúp đỡ, hỗ trợ nhau trong nghề nghiệp, đời sống. Bản thân tôi sẽ cố gắng thực hiện tốt các mục tiêu, chức năng của nghiệp đoàn”, chị Thơ chia sẻ.
Đến thời điểm hiện tại, Nghiệp đoàn các cơ sở Giáo dục phường Xuân Phú đã kết nạp được 33 đoàn viên.
Đồng chí Hồ Thị Đoan Trang - Chủ tịch LĐLĐ TP Huế cho biết, để tập hợp, thu hút lao động phi chính thức vào tổ chức Công đoàn, đơn vị đã tập trung tiếp cận có định hướng, mục tiêu cụ thể đối với người lao động theo ngành nghề ở từng địa bàn. Từ đó, tìm cách gặp gỡ, tiếp xúc, tuyên truyền, vận động thành lập nghiệp đoàn.
LĐLĐ TP Huế tận dụng các thiết chế có sẵn tại địa phương làm nơi gặp gỡ, sinh hoạt, xây dựng tài liệu, cẩm nang, biểu mẫu, thành lập các nhóm thông tin mạng xã hội, hỗ trợ về kinh phí nhằm tạo điều kiện hoạt động ban đầu cho các nghiệp đoàn.
Theo Chủ tịch LĐLĐ TP Huế, đơn vị sẽ tiếp tục khảo sát, vận động thành lập các nghiệp đoàn tương tự và nghiệp đoàn ở khu vực lao động phi chính thức khác, với phương châm “Ở đâu có người lao động, ở đó có tổ chức ”.
Nâng cao vị thế của tổ chức Công đoàn
Những năm gần đây, công tác vận động người lao động phi chính thức vào tổ chức Công đoàn đang được các cấp Công đoàn tỉnh Thừa Thiên Huế ra sức thực hiện và đã có những tiến triển rất đáng kể.
Điển hình, Công đoàn Khu Kinh tế, công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế vừa thành lập được nghiệp đoàn trực thuộc đầu tiên, đó là Nghiệp đoàn Cơ sở gia công hàng may công nghiệp tại phường Thủy Phương, thị xã Hương Thủy. Hiện nay, nghiệp đoàn đã vận động, kết nạp được 33 thành viên.
Đoàn viên Nghiệp đoàn Cơ sở gia công hàng may công nghiệp tại phường Thủy Phương chụp ảnh lưu niệm nhân ngày ra mắt nghiệp đoàn. Ảnh: ĐVCC. |
Đồng chí Lê Thị Thu Nam - Chủ tịch Công đoàn Khu Kinh tế, công nghiệp tỉnh cho biết, đoàn viên của Nghiệp đoàn Cơ sở gia công hàng may công nghiệp là những lao động tự do đang hoạt động tại các cơ sở may gia công.
“Ngay từ ngày đầu trở thành đoàn viên nghiệp đoàn, người lao động đã nhận được sự quan tâm, chăm lo của tổ chức Công đoàn. đã trao 06 suất quà cho đoàn viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mỗi phần quà 500.000 đồng; trao 32 giấy chứng nhận bảo hiểm con người kết hợp và những phần quà từ chương trình "Cùng em đến trường" là vở, áo, tủ thuốc y tế cho con em đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn”, đồng chí Nam nói.
Đồng chí Trần Thị Minh Nguyệt - Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ tỉnh Thừa Thiên Huế cho hay, việc vận động lao động phi chính thức tham gia tổ chức Công đoàn là cách làm khá mới với các cấp công đoàn. Để đạt hiệu quả, các cấp công đoàn phải đổi mới phương thức, hình thức hoạt động, gần gũi cơ sở. Đồng thời, chú trọng tập huấn về kỹ năng phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở, kỹ năng đối thoại, thương lượng.
Thời gian qua, trong tỉnh đã có nhiều cố gắng trong việc vận động thành lập và tổ chức hoạt động trong các nghiệp đoàn khu vực lao động phi chính thức.
“Dù kết quả đạt được còn khiêm tốn, với những cố gắng bền bỉ là những thử nghiệm quan trọng nhằm đề xuất chính sách, tìm kiếm giải pháp cho công tác vận động, tập hợp đối với khu vực này trong thời gian tới”, đồng chí Nguyệt nói.
Công đoàn Khu Kinh tế, công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế tặng quà cho đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn thuộc Nghiệp đoàn Cơ sở gia công hàng may công nghiệp. Ảnh: ĐVCC. |
Theo Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ tỉnh Thừa Thiên Huế, đoàn viên nghiệp đoàn sẽ được hưởng mọi quyền lợi như đoàn viên của một công đoàn cơ sở. Cụ thể, họ sẽ được công đoàn tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật, được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp khi bị xâm phạm, hỗ trợ khi gặp khó khăn. Đồng thời, tham gia những chương trình phúc lợi, các hoạt động công đoàn...
“Vận động lao động phi chính thức vào tổ chức Công đoàn giúp tăng cường sức mạnh của tập thể người lao động, góp phần nâng cao vị thế của tổ chức Công đoàn trong tình hình mới”, đồng chí Trần Thị Minh Nguyệt - Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ tỉnh Thừa Thiên Huế khẳng định.
Video một số hình ảnh hoạt động về phát triển đoàn viên, thành lập nghiệp đoàn cơ sở của lao động phi chính thức.
Xem thêm Talk Công đoàn: |
Tăng cường ký kết với các đơn vị tiềm năng để có nhiều phúc lợi hơn Từ những bản ký kết chương trình phúc lợi cho đoàn viên và người lao động giữa Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Thừa Thiên ... |
Hoàng Thị Mai Hương - cô giáo chăm làm việc thiện nguyện Là một giáo viên dạy tiếng Anh có thâm niên công tác hơn 21 năm tại Trường Tiểu học Đại Thành (thuộc xã Lộc An, ... |
Đối thoại tại doanh nghiệp là vấn đề then chốt nâng cao phúc lợi cho người lao động "Đối thoại tại doanh nghiệp mới là vấn đề then chốt trong việc nâng cao phúc lợi cho người lao động và thúc đẩy tăng ... |