Chú tò he ngày Xuân
Đời sống - 13/02/2024 15:27 HOÀNG CÔNG DANH
Lưu giữ nét đẹp xin chữ đầu Xuân Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam gửi thư chúc mừng Xuân Giáp Thìn 2024 Xuân về nơi huyện đảo tiền tiêu của Tổ quốc |
Màu sắc sặc sỡ của những chú tò he bột hấp dẫn trẻ con. Ảnh: HOÀNG CÔNG DANH. |
Chú tò he đất hót vang làng
Cứ đến Tết, tôi lại nhớ về tuổi thơ của mình với những chú tò he giản dị. Ở miền quê nghèo, trò chơi ấy cho chúng tôi những thanh âm rộn ràng góp thêm vào vũ hội giao mùa. Cũng chính nhờ bộ tò he tự nắn đó mà trẻ con chúng tôi biết được hình thù của chú rồng, một linh vật thuộc về huyền thoại có mặt trong số mười hai con giáp.
Khoảng hai lăm tháng Chạp, nhà trường cho nghỉ học, chúng tôi ôm cặp về ngang qua cái cống ở làng Võ Thuận thì dừng lại để lấy đất sét. Con mương này dẫn nước từ bên rào qua cánh đồng, quanh năm nước chảy đều nên đất sét ở đấy sạch và dẻo. Mỗi đứa moi lấy một cục đất bụm vừa hai nắm tay, nhất quyết chỉ lấy chỗ đất sét màu vàng để khi nung lên không bị vỡ ra.
Chúng tôi học theo cách của những người làm gạch, nhồi đất sét cho đến khi xoắn thử một cái đuôi con chuột mà đất không bị đứt rời là được. Địa điểm chúng tôi chọn để cùng ngồi làm tò he là sân nhà thờ họ tộc, vì ở đây có các bức phù điêu mẻ sành đắp hình các con vật.
Mấy đứa trẻ ngồi quây tròn nơi khoảnh sân, dưới gốc cây dương cổ thụ, tự tay nắn cho mình một vài con vật yêu thích theo mẫu hình linh vật ở bức phù điêu. Những con vật phải được nắn theo tư thế sao cho các phần đuôi, chân không thòi ra ngoài khối thân để khỏi bị gãy. Con chuột có mõm nhọn, cái đuôi phải nắn sát vào mông. Con gà phải co chân lên tận bụng. Con rắn cuộn tròn chồng khít lên nhau ba vòng, chỉ có cái đầu được phép ngóc lên. Con rồng, dẫu không có trong thực tế nhưng nắn dễ nhất theo cái thế "lưỡng long chầu nguyệt" trên đỉnh mái nhà thờ họ tộc.
Khi nắn xong hình thù con vật, dùng ngón tay vuốt nhẹ tạo cho lớp đất da láng mịn. Lại lấy que nhỏ kẻ lên đó hình con mắt, những đường vân trên sóng lưng hay tua rua đuôi. Cục đất mới đây còn mềm oặt, xù xì nay đã thành một con vật có hồn. Nhưng muốn cho nó thành tò he thổi được phải lấy một que nhỏ, chui xuyên qua con vật từ đầu xuống bụng, rồi lại chích thêm hai cái lỗ ở tai.
Xong công đoạn nắn, con vật được đặt ở chỗ bóng mát để đất ráo dần. Hôm sau lại đem con vật ra sân phơi nắng cho khô nước hẳn. Phơi một nắng, con tò he đất khô, màu vàng xám của đất sét nhạt đi và chuyển sang vàng sáng.
Trẻ con ở làng quê tự nắn đất thành tò he để chơi. Ảnh: HOÀNG CÔNG DANH. |
Chúng tôi cầm lấy con tò he ấy đem vùi vào trong bếp lửa nấu bánh. Củi nấu bánh Tết đỏ đượm, cả một lớp than hồng trải phía dưới nồi. Con tò he đất vùi trong đó một lúc sau thì chuyển sang màu lửa, như một cục than hồng. Bánh chưng nấu một buổi sáu tiếng đồng hồ thì vớt, cũng lúc ấy trẻ con khều con vật của mình, cho nó nằm giữa nền một lúc nguội mới thổi. Tôi vẫn nhớ cái cảm giác hồi hộp khi ngồi chờ con tò he nguội, không biết con tò he của mình cất tiếng kêu như thế nào, thanh âm vang ngân hay tịt ngủn.
Chúng tôi cầm những con tò he thành phẩm ra đường làng thổi thi. Con này tiếng kêu hay, con kia tiếng kêu dở, lại có đứa vui đứa buồn. Những chú tò he hình thù ngộ nghĩnh rộn ràng suốt con đường làng. Một toán trẻ con cứ thay nhau chúm miệng mình vào miệng con đất nắn mà thổi, giống một ban nhạc khèn lễ hội.
Suốt mấy ngày áp Tết cứ ngân nga thổi tò te, đêm giao thừa hai má tôi sưng vù, ở quê gọi là đau má chàm bàm. Mạ tôi nhổ nước miếng vào nền nhà đất nện, lấy củ nghệ tươi gọt vỏ xát vào đất. Mạ dùng ngón tay quệt chỗ mùn nghệ ấy lên rồi bôi vào hai má tôi. Ấy là bài thuốc dân gian chữa viêm quai bị hiệu nghiệm ở quê, sáng sớm mùng một Tết thì đã hết đau. Mạ dặn ba ngày Tết đừng có để đau nữa, không là cả năm xui xẻo. Thế nhưng tuổi thơ hiếu động của tôi không chịu, cứ nhét con tò he đất trong túi, gặp ai cũng lôi ra thổi một cái thay cho lời chào.
Tò he nóng hổi vừa thổi vừa ăn
Con tò he có nơi gọi là con giống, vì nó mô phỏng những con vật thân thuộc trong đời sống làng quê. Ngoài ra, có khi tò he được gọi là con bột, nếu nó được làm từ bột. Tò he bột thì không thổi được mà chỉ để cầm chơi, chơi chán lại… nướng ăn.
Trước ngôi trường của tôi, mỗi năm tầm giữa tháng Chạp lại thấy xuất hiện một ông già dựng xe đạp bên đường. Đợi giờ tan tầm, khi trẻ con ùa ra cổng thì ông mở nắp chiếc rương gỗ đóng từ ván ép. Như một màn ảo thuật, phía trong rương hiện ra những chú tò he bột màu sắc sặc sỡ. Ông già gài lên nắp rương những nan tre nhỏ, trên đó lại gắn những con vật bằng bột ngộ nghĩnh. Tò he của ông không chỉ là những con gà, con rồng mà còn chim phượng, hoặc các nhân vật trong phim Tây du ký.
Trên những nan tre ấy chỉ là những con tò he mẫu vừa trưng bày vừa để bán. Biết trẻ con tò mò hiếu kỳ, ông nghệ nhân cũng chẳng giấu nghề làm gì, lấy luôn những cục bột đã nhồi sẵn với màu, nắn luôn cho chúng tôi xem tận mắt. Thậm chí nếu có đứa trẻ nào yêu cầu làm hình thù gì thì ông làm luôn. Những ngón tay thoăn thoắt dẻo dai thiện nghệ, chỉ loáng cái đã ra một con tò he đáng yêu.
Tò he đất ở phiên chợ đình làng Bích La (Quảng Trị) đêm mùng 2 Tết. Ảnh: HOÀNG CÔNG DANH. |
Chúng tôi cầm con bột chơi cho đến lúc mạ nấu cơm thì chuồi nan tre vào ngọn lửa nướng. Lát sau con bột cháy lên vàng rộm, thơm phức. Tay phải cầm nan tre, đập đập con bột nóng hổi vào lòng bàn tay trái để rũ bớt những muội bột cháy khét. Lớp vỏ bên ngoài con tò he cứng, hơi giòn, còn trong ruột thì chín dẻo, béo ngòn ngọt. Cả con bột nướng đều có thể ăn được ngon lành, vì màu xanh đỏ trên tò he không phải phẩm nhuộm mà được chế từ các màu gốc tự nhiên.
Mỗi con tò he giá chỉ vài trăm bạc lẻ, rẻ là thế nhưng không phải trẻ con đều sẵn tiền. Phải đợi Tết, chúng tôi được cho chút ít tiền mới dám mua. Ông thợ nắn bột chắc cũng đoán biết điều này nên chỉ xuất hiện vào mỗi dịp cuối năm, đáp chiếc xe cà tàng dưới một tán cây bàng trơ trọi trước cổng trường chờ lũ trẻ tan giờ học. Hình ảnh thương thương ấy tôi luôn nhớ mãi. Nhớ cả bầu trời nhờ nhờ đùng đục những ngày cuối năm, lúc nào cũng khơi gợi cho người ta một nỗi hoài cổ sâu sắc.
Dần lớn lên, những trò chơi ấu thời chúng tôi cũng gác lại. Trẻ con bây giờ nhiều trò vui, ngày Tết mẹ cha cho tiền ra chợ mua những đồ điện tử bấm chiu chíu. Tôi bùi ngùi thương nhớ tuổi thơ của mình, và cũng tiếc ngẩn tiếc ngơ những trò vui tự tạo trong sự khốn khó vật chất ấy.
Thỉnh thoảng đi đó đây, trong các hội chợ hàng truyền thống hay festival làng nghề, tôi thấy mấy con tò he mà mừng đến xót lòng. Mừng là bởi gặp lại tuổi thơ, nhưng xót xa vì thấy trẻ con ngày nay không mấy mặn mà với đồ chơi dân gian, những ông nghệ nhân mặt buồn thiu, như đang cố gắng níu giữ chút hồn muôn năm cũ.
Video về Làng Xuân La (xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, Hà Nội) từ lâu đã nổi tiếng với nghề nặn tò he. Đây cũng là làng nghề tò he duy nhất ở Việt Nam. Nguồn: Hanoi Promotion Agency.
Lưu giữ nét đẹp xin chữ đầu Xuân Tết Nguyên đán là thời điểm để mọi gia đình sum họp, đoàn viên, cùng chúc cho một năm mới an lành, hạnh phúc. Bên ... |
Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam gửi thư chúc mừng Xuân Giáp Thìn 2024 Nhân dịp Tết cổ truyền dân tộc - Xuân Giáp Thìn 2024, đồng chí Nguyễn Đình Khang - Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam gửi ... |
Xuân về nơi huyện đảo tiền tiêu của Tổ quốc Cách đất liền hàng trăm hải lý, giữa trùng khơi bốn bề sóng vỗ nhưng không khí đón Tết Nguyên đán ở huyện đảo Trường ... |
Tin cùng chuyên mục
Đời sống - 01/09/2024 16:15
Quốc khánh đặc biệt của Giáo sư Võ Tòng Xuân
Với AHLĐ, NGND, GS.TS Võ Tòng Xuân, Ngày Quốc khánh (2/9) có dấu ấn đặc biệt. Bởi ngày này vào năm 1980, ông đã lội ngược dòng từ “vực sâu” vươn lên “đỉnh cao”…
Đời sống - 01/09/2024 07:00
100 năm dừa sáp Trà Vinh
Tại Trà Vinh, dừa sáp - được ví von như "vàng trắng". Bởi vì, không giống như các loại dừa bình thường, dừa sáp có lớp cơm dừa dày, mềm, dẻo, đặc quánh cùng với ít nước sệt, vị béo ngậy và có hương thơm rất đặc trưng.
Người lao động - 29/08/2024 10:39
Tín hiệu vui sau phóng sự “Giấc mơ nhà công vụ của giáo viên nơi đỉnh trời”
Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Cao Bằng nhanh chóng xây dựng, hoàn thiện đề án xây mới, sửa nhà công vụ cho đoàn viên trên địa bàn; bên cạnh đó, Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam đã hỗ trợ 3 tỷ đồng xây nhà công vụ cho giáo viên, hiện các công trình đã sắp hoàn thành, đưa vào sử dụng.
Đời sống - 26/08/2024 15:38
Đề xuất kéo dài kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2/9
Theo lịch nghỉ lễ năm 2024, cán bộ, công chức, viên chức, và người lao động sẽ được nghỉ lễ Quốc khánh từ ngày 31/8 đến hết ngày 3/9.
Người lao động - 24/08/2024 08:25
Lễ cưới tập thể công nhân ở Cần Thơ: Đám cưới khi sắp được nghỉ hưu...
8 cặp đôi trong lễ cưới tập thể đầu tiên dành cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn ở Cần Thơ vừa được tổ chức khiến nhiều người xúc động. Ở đấy người ta chứng kiến có cả cặp đôi mà chủ rể lẫn cô dâu đã ở tuổi nghỉ hưu nhưng lần đầu tiên làm đám cưới...
Đời sống - 23/08/2024 19:44
Niềm vui vào Đảng của những công nhân vệ sinh môi trường ở Kon Tum
Trong 54 đảng viên hiện nay thì có tới 36 đảng viên (chiếm gần 67%) là công nhân trực tiếp sản xuất, lao động tại các đội vệ sinh, đội cây xanh, lái xe... Đó cũng là thành tích nổi bật của công tác phát triển Đảng ở Công ty CP Môi trường đô thị tỉnh Kon Tum.