Tản mạn xóm trọ công nhân
Đời sống - 10/04/2022 14:05 DIỆP THANH
Tâm sự cùng người trẽ Công nhân xúc động khi nhận được sổ tiết kiệm 20 triệu đồng Tăng giờ làm thêm tạm thời, sao lại không làm! |
Những dãy trọ chật chội, xuống cấp là nơi sinh sống của hàng nghìn công nhân làm việc tại KCN Bắc Vinh (Ảnh: Diệp Thanh) |
Nhỏ to xóm trọ
Những dãy trọ cho công nhân tại KCN Bắc Vinh có lịch sử hình thành khá lâu tại Nghệ An, nó được xây dựng từ những năm 2000, cách đây khoảng 20 năm, từ khi KCN này bắt đầu đi vào hoạt động. Thế nên nó xuống cấp, chật chội, ẩm thấp cũng là điều dễ hiểu. Điểm chung dễ nhận thấy ở các dãy trọ là những bức từng bong vôi tróc vữa, những lối đi khấp khểnh, những tấm lợp chắp vá, những công trình vệ sinh chật chội… Nhưng điều khó hiểu là dù đầy nhược điểm nhưng những dãy trọ này luôn trong tình trạng kín phòng cho thuê và cứ có người trả phòng là ngay lập tức có người xách ba lô vào đặt chỗ, kể cả sau đợt dịch vừa rồi, nhiều công nhân không ở nhưng vẫn không trả phòng vì sợ quay lại không có để thuê.
Trong vai người tìm phòng trọ, tôi đem thắc mắc này hỏi một bà chủ trọ đắt khách, bà giải thích ngắn gọn: “Vì giá thuê rẻ, gần KCN và các tiện ích. Mà quan trọng nhất là rẻ, công nhân không có tiền nên cứ rẻ là chọn thôi”. Trong giọng nói của bà có phần tự hào. Giá mỗi phòng trọ ở đây dao động từ 600 đến 700 nghìn đồng. Quả thật nó rẻ, 600 nghìn chỉ bằng một bữa lẩu cho 2 người ở trung tâm thương mại, bằng 7 cốc trà sữa ở một nhãn hàng yêu thích của học sinh thành thị, bằng một cái chân váy tầm trung trong các cửa hàng thời trang… Xa KCN một chút nữa còn có phòng rẻ hơn, chỉ 400-500 nghìn đồng nhưng nhiều công nhân cho rằng nếu cộng thêm tiền xăng thì thành đắt hơn.
Đường vào một dãy trọ tối om, khấp khểnh (Ảnh: Diệp Thanh) |
“Chỗ em vẫn còn một phòng tầng 2 nhưng mà từ tháng này phòng bọn em tăng thêm 50 nghìn nữa, là 650 nghìn đồng đấy chị ạ. Vì chủ nhà mới lắp thêm bồn cầu bệt trong nhà tắm. Ở một mình như em thì tổng mỗi tháng khoảng 750 nghìn đồng cả tiền phòng và điện nước” - Tuấn Anh, một công nhân thuê trọ mách nhỏ khi thấy tôi hỏi giá. Cô bạn người Thanh Chương cùng dãy trọ với Tuấn chép miệng: “Vẽ chuyện thật, có ai cần lắp thêm bồn cầu trong phòng đâu. Phòng nhỏ như lỗ mũi, giờ còn đi vệ sinh trong đấy nữa thì thở kiểu gì. Mọi người thế nào chứ tôi là tôi vẫn dùng nhà vệ sinh chung”.
Chỗ Tuấn trọ là dãy trọ hiếm hoi có 2 tầng với một chiếc cầu thang được lắp đặt đơn sơ. Chính vì sự trống trơ của tay vịn cầu thang nên tầng dưới chủ yếu dành cho các gia đình trẻ, một số đã có con, tầng 2 các phòng hẹp hơn, chủ yếu cho thanh niên thuê.
Phòng của Tuấn chỉ khoảng 7- 8m2, được bố trí như… chưa hề bố trí: một chiếc giường rộng 1m4, dài 1,8m, trải 1 tấm chiếu trần, cái chăn mỏng với gối và một chiếc quạt con con. Góc phòng là một chiếc balô, vài chiếc cốc và một ấm siêu tốc inox. Trên cái dây treo đồ ở đầu giường là một vài bộ quần áo đơn giản. Phòng trống hoác nhưng có vẻ như với Tuấn vậy là quá nhiều. Vì thấy nhiều nên cậu thanh minh với khách: “Phòng em chưa dọn nên không được gọn gàng”, vì thấy nhiều nên cậu quyết định không cần đến màn, kể cả vào mùa hè, bật quạt rồi thì sẽ không bị muỗi đốt.
Sự tối giản mà Tuấn theo đuổi cũng chính là “chủ nghĩa” yêu thích của các nam thanh niên công nhân độc thân ở KCN. Họ thường không nấu nướng cầu kỳ, sáng thì cái bánh mì, trưa thì ăn cơm tại nhà máy, tối thì ra cơm bụi.
Những căn phòng không thể nào đơn sơ, tối giản hơn (Ảnh: Diệp Thanh) |
So với phòng của nam công nhân thì phòng của nữ công nhân được bố trí phức tạp hơn một bậc. Họ có thêm đồ nấu ăn, tủ quần áo, dây phơi, bàn đựng đồ lưu niệm và cốc chén… Tất cả đồ dùng của phòng nữ cộng thêm tủ lạnh, đồ chơi, chăn gối các loại… sẽ ra phòng của các hộ gia đình công nhân trẻ. Sắp xếp chừng ấy đồ trong một không gian 10-15m2 không hề đơn giản. Và sự cồng kềnh, chật chội không thể không khiến cho con người ta ngột ngạt.
Khá khẩm hơn những dãy trọ có “tuổi thọ” lâu đời là những phòng trọ mới xây có giá từ 1 triệu đồng. Những căn phòng như thế thường nằm sâu trong ngõ, diện tích 15-20m2, được đổ móng cao ráo, lát gạch sạch sẽ và đầu tư hơn ở công trình vệ sinh. Hầu hết khách thuê là các gia đình có vợ chồng cùng là công nhân và con cái ở cùng bố mẹ.
Phòng công nhân nữ ở cũng chật chội và ngổn ngang đồ áo (Ảnh: Diệp Thanh) |
Lập loè niềm vui
Nếu đến thăm công nhân cùng đoàn công tác của tổ chức Công đoàn hoặc địa phương, tôi thường được gặp những gương mặt tươi tắn, những nụ cười và có cả những sự khách sáo. Và thông thường, do thời gian ngắn ngủi của những chuyến thăm này nên chúng tôi không kịp nhớ tên nhau, không kịp nhìn kỹ mặt nhau. Nhưng nếu tôi đi một mình thì lại khác. Vẫn dãy trọ đó, ngôi nhà đó, gương mặt đó nhưng nỗi buồn luôn lớn hơn niềm vui – một nỗi buồn không thể giấu đi đâu được. Thật may, trong chuỗi ngày buồn dài đằng đẵng thỉnh thoảng lại lập loè những niềm vui nhỏ, niềm vui hệt như những ô cửa sáng lấp ló dọc dãy trọ thườn thượt, ngổn ngang.
Với công nhân, được tụ tập bạn bè là một niềm vui có phần “xa xỉ” và “sang chảnh”. Thấy tôi đến chơi, dù không biết là ai nhưng Thăng – một công nhân trẻ làm việc cho một công ty điện tử đã nhiệt tình mới tôi cùng tham dự bữa “tiệc” của mình. Để có đủ chỗ ngồi cho mâm lẩu 5 người, vợ chồng Thăng đã phải dựng cả giường lên sát tường. Bữa ăn chủ yếu là rau củ, đậu phụ, ít trứng quê, ít lòng nhúng, vài lát thịt… Không đồ ngon vật lạ nhưng sự mến khách, chân tình của gia chủ đã khiến “bữa tiệc” không thể nào quên.
Công nhân vui vẻ mời khách bữa cơm giản đơn, đạm bạc (Ảnh: Diệp Thanh) |
Thi thoảng tôi lại gặp một mâm cơm như vậy – luôn là những phòng trọ với cánh cửa mở. Những người tham dự bữa cơm đó, không hiểu sao luôn nhỏ nhẹ, từ tốn. Có thể vì diện tích phòng và quy định của xóm trọ không cho phép họ “chén chú chén anh” ầm ĩ. Có thể vì họ muốn chậm rãi thưởng thức để có thể ngồi với nhau lâu hơn thay vì ra về khi hết mồi. Cũng có thể, sự nhẹ nhàng có phần lặng lẽ đó được rèn luyện từ quá trình làm công nhân của họ… Tôi không thể khẳng định, nhưng tôi biết chắc rằng để có được bữa cơm “ngoại lệ” đó, họ đã phải rất chăm chỉ, cân nhắc và dè xẻn.
Nếu không ăn uống thì đàm đạo hoặc hát hò, trò chuyện với nhau cũng là một thú vui tao nhã của công nhân. “Diễn đàn” của đám thanh niên và mấy ông chồng thường là cái hành lang chật chội, xe dựng ngổn ngang lối đi. Ai có bàn dùng bàn, ai có ghế dùng ghế, ai không có bàn ghế thì ngồi tạm lên yên xe. Hôm nào “sang” thì có ấm nước chè quê của ai đó mang lên om, không thì cứ phiếm chuyện “chay” thôi cũng thú vị. Còn hội chị em và những bà vợ thì thích tụ tập trong phòng, có thể vừa trông con vừa tám chuyện. Trong khi chủ đề yêu thích của đấng mày râu là một số “tin đồn” về chính trị, thể thao vì toàn thông tin “nghe nói”, thì các bà vợ thực tế hơn với câu chuyện kinh tế, như thịt lên giá, xăng lên giá, quán hàng nào rẻ, gửi trẻ ở đâu… Và dù có sôi nổi, thú vị đến mấy thì các diễn đàn cũng tự động tàn cuộc trước 9h tối. Bởi họ đã có một ngày dài mệt nhoài và sáng mai còn phải dậy sớm để tiếp tục đi làm.
Những năm tháng sống trong không gian này sẽ là kỷ niệm khó quên trong cuộc đời công nhân lao động cũng như các con của họ. (Ảnh: Diệp Thanh) |
- “Chị biết em nổi tiếng trong xóm trọ này vì cái gì không? – Tuấn nhướn mắt lên hỏi tôi. “Là gì?”. “Em có một cái micro hát karaoke kèm loa. Mọi người mượn em suốt” – Lần này thì Tuấn hất mặt lên trời mà trả lời một cách hãnh diện. Nói là mượn suốt nhưng thực ra cái mic của Tuấn chỉ được trưng dụng vào những tối cuối tuần và âm lượng của nó khi nào cũng phải để ở mức thấp. Loa với điện thoại có lẽ là những món đồ công nghệ dùng để thư giãn dễ bắt gặp nhất ở các dãy trọ công nhân. Họ gần như không dùng ti vi và càng không biết đến máy tính.
Khác với mọi người, niềm vui của nữ công nhân trẻ tên Bùi Thị Hảo mà tôi gặp trong một buổi chiều sau giờ tan ca là một con chó con. Công nhân không ai lại đi nuôi thú cưng cả, cũng không ai cần có chó để giữ nhà, có lẽ vì thế mà tôi nhớ về Hảo mãi. “Phải năn nỉ mãi bà chủ nhà mới đồng ý cho em nuôi đấy, cũng may là nhà bác ấy có vườn rộng và con chó cũng ngoan. Em nuôi cho vui vì ở một mình buồn quá” – Hảo vừa giỡn với con chó con vừa nói chuyện. Hảo thương con chó đến mức thấy con chó dính mưa run cầm cập, Hảo lấy luôn áo mình quấn cho nó. Giờ nghỉ trưa, trong khi mọi người nghỉ ngơi thì Hảo tranh thủ về phòng trọ để cho chó ăn… 2 tháng sau lần gặp đó, tôi được biết Hảo đã mang cho con chó đi vì khi lớn hơn một chút, nó ăn nhiều và nghịch nhiều hơn. Hảo buồn xo: “Nuôi thú cưng không vui như em nghĩ vì sẽ rất buồn khi phải xa nó. Đúng hơn là niềm vui thì ngắn mà nỗi buồn thì dài”.
Câu nói của Hảo khiến tôi cũng thấy buồn tênh!
Tăng giờ làm thêm đi kèm với đảm bảo quyền lợi người lao động Trong thời gian này, việc nới trần giờ làm thêm được xem là giải pháp ngắn hạn giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh ... |
Nỗi lòng của người mẹ đơn thân muốn tăng ca làm thêm giờ nhưng không thể Được làm thêm giờ thời điểm này với công nhân là rất quý, bởi thêm giờ làm là thêm tiền. Tôi cũng rất muốn được ... |
Trao giải “Trai xinh - Gái đẹp các Khu công nghiệp” đến công đoàn cơ sở và công nhân Công đoàn cơ sở, thí sinh đoạt giải thưởng của cuộc thi ảnh trực tuyến “Trai xinh - Gái đẹp các Khu công nghiệp” đã ... |
Tin cùng chuyên mục
Đời sống - 01/09/2024 16:15
Quốc khánh đặc biệt của Giáo sư Võ Tòng Xuân
Với AHLĐ, NGND, GS.TS Võ Tòng Xuân, Ngày Quốc khánh (2/9) có dấu ấn đặc biệt. Bởi ngày này vào năm 1980, ông đã lội ngược dòng từ “vực sâu” vươn lên “đỉnh cao”…
Người lao động - 29/08/2024 10:39
Tín hiệu vui sau phóng sự “Giấc mơ nhà công vụ của giáo viên nơi đỉnh trời”
Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Cao Bằng nhanh chóng xây dựng, hoàn thiện đề án xây mới, sửa nhà công vụ cho đoàn viên trên địa bàn; bên cạnh đó, Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam đã hỗ trợ 3 tỷ đồng xây nhà công vụ cho giáo viên, hiện các công trình đã sắp hoàn thành, đưa vào sử dụng.
Đời sống - 26/08/2024 15:38
Đề xuất kéo dài kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2/9
Theo lịch nghỉ lễ năm 2024, cán bộ, công chức, viên chức, và người lao động sẽ được nghỉ lễ Quốc khánh từ ngày 31/8 đến hết ngày 3/9.
Người lao động - 24/08/2024 08:25
Lễ cưới tập thể công nhân ở Cần Thơ: Đám cưới khi sắp được nghỉ hưu...
8 cặp đôi trong lễ cưới tập thể đầu tiên dành cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn ở Cần Thơ vừa được tổ chức khiến nhiều người xúc động. Ở đấy người ta chứng kiến có cả cặp đôi mà chủ rể lẫn cô dâu đã ở tuổi nghỉ hưu nhưng lần đầu tiên làm đám cưới...
Đời sống - 23/08/2024 19:44
Niềm vui vào Đảng của những công nhân vệ sinh môi trường ở Kon Tum
Trong 54 đảng viên hiện nay thì có tới 36 đảng viên (chiếm gần 67%) là công nhân trực tiếp sản xuất, lao động tại các đội vệ sinh, đội cây xanh, lái xe... Đó cũng là thành tích nổi bật của công tác phát triển Đảng ở Công ty CP Môi trường đô thị tỉnh Kon Tum.
Đời sống - 23/08/2024 16:51
“Vòng tay Công đoàn” MobiFone đã cho tôi cuộc đời thứ hai
Xin chào tất cả mọi người, tôi là Trần Thanh Sang, nhân viên kinh doanh Khách hàng doanh nghiệp tại MobiFone tỉnh Tiền Giang. Có thể câu chuyện tôi kể về cuộc đời mình nó không có nhiều cảm xúc với các bạn, nhưng đó là những gì rất thật tôi đã trải qua: Chính “vòng tay Công đoàn” Công ty MobiFone KV9 đã cho tôi cuộc đời thứ hai!
- Chạy đua ra mắt xe hybrid, khách Việt tha hồ lựa chọn
- Chủ tịch Công đoàn trường nhiệt huyết, tận tâm với nghề giáo
- Tự tin vào triển vọng lợi nhuận của Masan Group, SK Group gia hạn quyền chọn bán
- Tập trung nguồn lực chăm lo phúc lợi cho đoàn viên, người lao động trong tình hình mới
- Nồi cháo tình thương của Công đoàn Agribank chi nhánh tỉnh Vĩnh Phúc