Muôn kiểu "chống đói" của người trồng hoa làng Tây Tựu
Đời sống - 11/04/2020 16:05 Hà Vân
Những bông hồng thơm không còn được tiêu thụ mạnh |
Trên ruộng hoa, chị Đoàn Ngọc Hà (thôn 3, phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cùng cô con gái nhỏ đang cặm cụi nhặt những gốc hoa ly đỏ cuối vụ của người trồng bỏ đi. Bàn tay thô sần thoăn thoắt bỏ đi rễ cây rồi xếp củ vào bao.
Chị kể: Mấy gốc củ người ta bỏ đi, mình tiếc xin về ươm lại để tận dụng giống. Giống đã thoái hóa, phải biết cách chăm sóc, phục hồi. Dịch bệnh thế này, hoa còn không buồn cắt bán huống chi củ giống đã qua một mùa trồng. Củ giống đi “mót” lại cần được bảo quản trong kho lạnh. Đợi khi bật mầm mới thì mang ra ruộng trồng. Theo chị Hà, việc này gọi là “chống đói” vì có cái ra hoa, có cái không, vớt vát thêm thắt từ những thứ người ta bỏ đi. Nếu gặp vụ hoa được giá, thì được thêm một chút đồng công. Nhưng nếu hoa rẻ và lẻ tẻ người mua như mùa dịch Covid-19 này thì không được bao nhiêu.
“Nhà mình trồng ly, cúc, kèn, các loại. Không có dịch, vào thời điểm này hoa hồng rất dễ bán, được giá. Hoa ly thời điểm không có dịch bán buôn có giá 20k/cành, rẻ cũng 15.000 đồng/cành. Giờ chỉ được 5.000 - 7.000/cành, trong khi giá mua gốc giống đã là 10.000 đồng/củ. Nếu trồng 1 vạn củ thì lỗ 40 - 50tr đồng/sào” - chị Hà tâm sự.
Mẹ con chị Hà nhặt lại củ hoa. |
Nghề trồng hoa theo chị từ những ngày ở nhà mẹ đẻ, rồi lấy chồng, sinh con. Đã là người con làng nghề thì phải hiểu, phải biết đây là cái nghề cần nhất sự chăm chỉ sớm hôm. Trong nghề trồng hoa, không phải ai cũng làm ra được những bông hoa đẹp. Có nhà chỉ trồng được hoa hồng. Chị Hà trồng hoa không có giáo trình, kỹ thuật chăm sóc cụ thể nào mà theo kinh nghiệm của bản thân. Thỉnh thoảng, chị vẫn đưa con gái nhỏ ra ruộng hoa, để sờ vào đất, chạm vào sự sần sùi như bàn tay người nông dân để con hiểu được cái vất vả, nhọc nhằn của nghề.
Chị kể, không có nghề nào vất vả bằng nông dân, quanh năm, suốt tháng bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Chăm hoa từ lúc cây non, khi hoa “mắc bệnh”, lúc thời tiết “trở trời”, làm nghề này, càng gần gũi, càng chăm sóc thì càng nghe được nhu cầu của hoa. Dưới cái nắng mùa hè đổ lửa vẫn phải phơi lưng giữa ruộng. Đất trồng hoa làng Tây Tựu, mỗi gia đình chỉ được vài sào ruộng thì để người già làm. Còn người trẻ thì đi thuê đất khắp nơi, hằng ngày chạy xe đến Thọ An, Thọ Xuân (huyện Đan Phượng), Tây Mỗ… xa hàng chục km.
Trên cánh đồng hoa, chị Hà vẫn nuôi giấc mơ cô con gái chỉ cần hiểu, không phải theo cái nghề nhọc nhằn này. Chị tâm sự làm nghề trồng hoa, gian dối thì không thể bền lâu. Vì nếu chỉ giấu vài bông hoa dập nát vào giữa bó hoa, là người tiêu dùng lập tức tẩy chay. Vì thế, trồng hoa thì phải thật thà. Phải sợ cái gian dối như là hoa ly sợ nhất là ẩm trời, mưa muối sẽ hỏng, bị cháy cây, cháy lá. Chăm sóc hoa ly, không thể che đậy như hoa đồng tiền, mà phải biết “đoán bệnh, bốc thuốc”.
Mẹ con chị Trần Thị Hiền những ngày không chạy chợ |
Những ngày này nguồn thu giảm sút, chị Hà vẫn ra ruộng. “Hoa rẻ không bán được thì mình phải củng cố vụ sau. Nhưng nếu bỏ đất hoang, không chăm cây thì khi hết dịch, mình không có thu nhập. Vẫn có những nhà thu hoạch, tìm chỗ bán lẻ, hay bán hàng qua facebook, ai đặt thì chở đến. Nếu không làm gì thì đói” – Chị Hà tâm sự.
“Từ ngày trồng hoa tới giờ, đã năm nào gặp cơn khốn đốn thế này chưa chị?”
"Có! Năm 2008, nước dâng ngập cả nhà, cả ruộng, chết rễ cây, phải đi cứu cây. Năm ấy cũng là năm con Chuột như năm nay. Còn mình cũng cầm tinh con Chuột, cũng lận đận thế này…" - Chị Hà cười…
Buổi chiều gió lộng, nắng nhè nhẹ chiếu trên những nụ hồng, bông cúc hay nhành hoa đồng tiền… Những nụ hồng đã căng mình, bật rách giấy báo là đến thời điểm cắt hoa. Sắp sang mùa hè, những ruộng hoa hồng thơm trồng xen vụ đang nở và tỏa hương, nhưng chủ nhân chưa muốn cắt bán. Vì giá hồng này đã sập rồi. Hồng thơm, dễ chăm sóc hơn các loại hoa hồng khác. Nhưng hồng thơm lại không nở được vào mùa đông. Trước khi có dịch, giá hồng thơm loại 1 thường bán 3 - 5.000 đồng/bông. Nhưng nay, chỉ 15.000 cả bó 100 bông. Rẻ quá, có nhà tiếc vẫn đi cắt. Có gia đình bỏ hoa, chờ sau dịch, cắt hết đi, sửa cây ươm vụ mới.
Cắt hoa giữa mùa Covid-19 |
Anh Nguyễn Khắc Phượng (thôn 3, phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm) kể cho chúng tôi: Sinh ra từ làng nghề trồng hoa, rồi vì vất vả, vợ chồng anh xoay nghề khác. Nhưng suy đi tính lại, giữ đất, giữ nghề lại quay lại với hoa. Làng nghề của anh hình thành từ năm 1990, khi người dân chuyển đổi từ cây lúa sang trồng hoa. Ở đây mọi người chủ yếu trồng các loại hoa hồng, hoa cúc, hoa thược dược, violet (Tết). Nay trồng thêm hoa ly, hoa đồng tiền, sắp tới làm giàn trồng hoa lan.
Vì là làng nghề nên anh phải gắn bó với nó. Nhà anh cũng phải sang Tây Mỗ thuê đất mới đủ diện tích để trồng hoa. Nghề trồng hoa, chỉ bỏ bẵng 2 -3 hôm hoa nở là không bán được. Trước khi có dịch, nhà anh thường mang hoa đi bán tại chợ Quảng Bá, chợ đầu mối. Nhưng từ khi bệnh nhân 243 có nhiều liên quan đến người buôn bán hoa, chợ Quảng Bá tạm ngừng hoạt động, nhà anh cũng chấp hành cách ly hoàn toàn.
Anh cho biết: Từ khi có dịch Covid-19 đến nay, gia đình anh cũng như dân làng thất thu rất nhiều. Mọi hoạt động giao thương ngừng trệ. Ví như 1 sào hoa hồng thơm này. Trước đây, mỗi ngày người chủ có thể cắt thu được 300 - 400.000 đồng/buổi. Cứ hai, ba hôm thu hoạch một lần. Thì đến nay, bán đồng giá đổ bông rẻ sập giá. Một sào thiệt hại 6 - 7 triệu đồng/tháng.
Hoa đẹp nhưng không mấy người mua |
Trong căn nhà tạm giữa cánh đồng hoa, bà Ngô Thị Hòa năm nay 64 tuổi. Trước khi có dịch Covid-19, hằng ngày bà mang hoa của nhà đạp xe đi bán lẻ ở Hà Nội. Hơn tuần nay thì bà nghỉ hẳn, chấp hành lệnh cách ly của Thủ tướng. Ở cái tuổi của bà, dễ là “hợp khẩu vị của Covid” - bà cười.
Chạy chợ mãi, có lệnh cách ly, bà nghĩ là dành thời gian nghỉ ngơi một chút. Hai vợ chồng già cùng cô con gái làm 1 mẫu cây hoa. Nhà bà còn thuê thêm đất ở vùng Thọ An, Thọ Xuân (huyện Đan Phượng) để trồng hoa. Trước đây, mỗi ngày đi chợ bà bán được 400 - 500.000 đồng tiền hoa, trừ chi phí cũng được hơn 200.000 đồng/ngày. Còn lại là tiền chi phí thuốc, giống cho cây. Trước khi có dịch, bà đi chợ cả 30 ngày.
Chị Trần Thị Hiền - con gái bà, tiếc của nói: Dịch kéo dài thế này, hoa bỏ nhiều. Giá hoa cũng rẻ vì ít người đi bán lẻ. Mình đi bán buôn cũng rẻ lắm vì ít người đi mua buôn, bán không được nên bỏ để chờ sửa cây. Chờ hết dịch, chăm nó lại cho cây phục hồi. Nhưng mình vẫn ra vườn cho khuây khỏa. Nhà mình chủ yếu trồng theo mùa. Mùa này làm ít hoa hồng mùa hè làm lấy tiền tiêu thêm.
“Dịch bệnh kéo dài thế này, thành chết đói vì hoa” - chị Hiền chua xót nói.
Hoa rẻ vẫn phải cắt |
Từ khi có dịch đến nay, mỗi đon hoa cúc giảm hàng trăm nghìn đồng. Số tiền vài chục nghìn/đon bán được chỉ đủ gỡ tiền mua thuốc để giữ cây. Không thể bỏ cây hỏng, sau này chăm lại rất vất vả. Tính sơ qua, 1 mẫu đất trồng hoa của nhà chị, qua hai tháng dịch thiệt hại vài chục triệu đồng.
Những con người ở làng hoa như chị Hà, chị Hiền, anh Phượng đều cho rằng, chăm hoa khó vì đây là loại cây dễ mắc nhiều loại bệnh. Nếu không biết chăm, cây hoa không ra mầm, hỏng mất. Nghề này vất vả, chỉ biết đến đất, nắng nóng, mưa bão và thuốc cho cây. Và đến dịch thế này thì ngao ngán vì thất thu.
Chị Trần Thị Nga - đại lý chuyên thu mua hoa của làng hoa Tây Tựu cho biết: Giờ này năm ngoái, chuẩn bị cho vụ hè, nhà chị bán được rất nhiều hoa. Nhưng giờ nhu cầu tiêu thụ giảm mạnh, mỗi đơn hàng mất ít nhất 50.000 đồng.
Một nụ hồng đến hẹn |
Những người trồng hoa mong sao, dịch bệnh được kiểm soát, chợ mở trở lại để những bông hoa đẹp lại được ra thị trường.
Một vườn cúc trắng chưa được cắt |
Tính đến 7h sáng ngày 11/4, Covid-19 đã xuất hiện ở 210 quốc gia và vùng lãnh thổ, hơn 1,69 triệu người nhiễm virus corona ... |
Các nhà khoa học mới đây phát hiện virus corona có thể sinh sôi, nhân bản rất nhanh ở cổ họng của bệnh nhân. |
Những ngày ở nhà tránh dịch, nhu cầu đi chợ mua lương thực, nhu yếu phẩm của người dân Đà Nẵng tăng cao hơn. Để ... |
Tin cùng chuyên mục
Người lao động - 01/11/2024 20:11
Dồn tiền bán đất ở quê hơn 1 năm vẫn chưa mua được chung cư Hà Nội
Nhiều năm tích góp, thậm chí bán đất ở quê để nuôi hy vọng mua nhà ở Hà Nội, nhưng người lao động vẫn chật vật vì số tiền gom được không “kịp” theo tốc độ tăng của giá nhà.
Đời sống - 31/10/2024 21:30
Bộ đội giúp dân khắc phục sau cơn bão Trà Mi
Miền Trung đang bước vào mùa bão lũ. Tại tỉnh Thừa Thiên Huế nhiều địa phương đã bị thiệt hại nặng trong những đợt mưa bão tháng 10, nhất là cơn bão Trà Mi. Cùng với lực lượng công an, các chiến sĩ, bộ đội, lực lượng dân quân đại phương cũng tất tả ngược xuôi giúp, giầm mình trong mưa bão để gia cố từng mét kè biển, nhặt từng tấm tôn, tấm ngói bão thổi bay để giúp nhân dân ổn định đời sống, vượt qua những khó khăn, mất mát.
Người lao động - 30/10/2024 16:42
Giá chung cư Hà Nội tăng chóng mặt, người lao động hụt hơi "giấc mơ an cư”
Giá chung cư tăng phi mã từ quý IV/2023 đến nay khiến công nhân, người lao động nhập cư ngày càng khó tiếp cận.
Đời sống - 29/10/2024 19:50
Xót thương nam thanh niên xung kích bị lũ cuốn trôi khi tham gia cứu hộ
Vừa thực hiện xong nghĩa vụ quân sự, trở về quê lập nghiệp, anh Lê Ngọc Hơn (huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) xung phong tham gia Tổ xung kích phòng, chống thiên tai. Trong quá trình hỗ trợ bà con dọn dẹp tránh lụt, anh không may bị nước lũ cuốn trôi.
Đời sống - 26/10/2024 22:31
Quảng Bình, Quảng Trị: Huy động người lao động trên biển vào tránh bão an toàn
Để đảm bảo an toàn cho người lao động trên biển trước khi bão số 6 (Trà Mi) đổ bộ vào đất liền, tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị đã triển khai các giải pháp ứng phó với bão, chú trọng huy động người lao động trên biển vào đất liền trú ẩn, bảo đảm an toàn cho tàu thuyền tại khu neo đậu.
Đời sống - 25/10/2024 10:56
Dự thảo Luật Nhà giáo: Tăng đãi ngộ để nhà giáo yên tâm công tác
Chính phủ vừa có tờ trình gửi Quốc hội xem xét cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khoá XV về dự thảo Luật Nhà giáo.
- Dồn tiền bán đất ở quê hơn 1 năm vẫn chưa mua được chung cư Hà Nội
- Vụ điều động bác sĩ ở Thừa Thiên Huế: Những điểm bất hợp lý từ công văn trả lời của Sở Y tế tỉnh
- Gần nghìn lao động hưởng lợi nhờ thỏa ước lao động tập thể nhóm doanh nghiệp
- Môi trường làm việc hạnh phúc sẽ thúc đẩy nhân lực bền vững
- Tiếp nối qua các thế hệ V-Family: Gói giải pháp tài chính dành cho triệu gia đình Việt