Niềm vui của những thầy cô “gieo mầm xanh” nơi vùng cao Bát Xát
Đời sống - 14/10/2024 20:59 Phương Mai
Tâm sự giáo viên ngày khai giảng: “Năm nào tôi cũng xúc động như lần đầu” |
“Đó là lý tưởng tôi đã chọn”
10 giờ đêm, trời mưa không ngớt. Tiếng nước xối xả trên mái tôn càng khiến cô giáo Bùi Thị Tuyết Nhung (52 tuổi) thêm bồn chồn. Sau nhiều lần liên lạc, phía đầu dây bên kia đã nhấc máy.
Cô Nhung vội vã nói: “Cả nhà đã chuyển xuống nhà văn hóa cho an toàn chưa, khi nào không còn nguy cơ sạt lở hẵng về. Mai nhớ cho con đến lớp nhé!”.
Những cuộc gọi thế này không phải là điều xa lạ với cô Nhung trong gần 30 năm làm nghề của mình.
Cô giáo Bùi Thị Tuyết Nhung xúc động khi nhớ về học trò và quãng thời gian dạy học khó khăn trước đây. |
Cô Nhung là giáo viên thuộc Trường TH&THCS Tả Ngảo. Những tháng gần đây, cô Nhung được cử lên tăng cường khối tiểu học tại điểm trường Ná Nàm, cách trường gần 20km, đóng tại thôn đặc biệt khó khăn. Phần lớn học sinh trong lớp đều là con em hộ nghèo hoặc cận nghèo.
“11 năm 9 tháng bám trường vùng cao rồi, nên quen lắm rồi. Chúng tôi chỉ đi lại khó khăn hơn thôi, chứ điều kiện tốt hơn trước nhiều. Khổ mấy cũng chịu được, miễn sao không lỡ chương trình học của các con”, cô Nhung chia sẻ.
Những ngày đầu vào nghề với cô Nhung là khoảng thời gian vô cùng đáng nhớ. Đó là vào năm 1998, khi mới tốt nghiệp ngành Sư phạm. Dù là con nhà nông ở một địa phương vùng cao, nhưng cô vẫn không thể quen với việc phải vạt cỏ, đi bộ 2 ngày để tới được Trường Phổ thông cơ sở Nậm Chạc (nay là trường PTDTBT TH&THCS Nậm Chạc), nơi cô mới nhận công tác.
- "Chị Nhung ơi vui quá! Thấy lá cờ Tổ quốc rồi, sắp tới trường rồi!"
Đó là lời của thầy giáo Ngọc, một đồng nghiệp cùng vào dạy ở Nậm Chạc thời điểm đó, khi gần tới điểm trường. "Hai chị em đeo hai ba lô quần áo, mang theo hai chiếc nồi để nấu cơm, ròng rã để đến điểm trường dạy học. Ngọc là đàn ông, nên có phần mạnh mẽ hơn. Tôi dù đã tới nơi, nhưng lại chỉ biết ngồi sụp xuống mà khóc nức nở, vì nhớ con, nhớ nhà và cũng vì sợ…”, cô Nhung nhớ lại.
Cô giáo Nhung và các học sinh trong lễ kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, cách đây gần 20 năm. |
Ở nơi xa lạ, với những quả đồi nằm vây quanh và những đêm chỉ có chiếc đèn dầu leo lét, cô giáo trẻ từng nghĩ đến việc sẽ bỏ nghề. “Nhưng giờ mình bỏ thì lấy ai dạy chữ cho người dân, ai cũng cần biết đọc, biết viết, cuộc sống mới tốt hơn được. Nghĩ vậy tôi lại cố gắng ở lại”, cô Nhung tâm sự.
Tâm huyết là vậy, nhưng hành trình bám trụ với nghề của cô Nhung cũng lắm gian truân. Hơn một thập kỷ gắn bó với điểm trường vùng cao, cô thường xuyên phải xa nhà, tranh thủ khi nào được nghỉ dài mới được về thăm chồng con. Nhưng số phận nghiệt ngã sau đó đã cướp đi người chồng tận tụy của cô sau một vụ tai nạn, để lại hai con nhỏ.
Sau sự việc cô Nhung được tạo điều kiện chuyển về trường Tả Ngảo. Trước đó, cô Nhung cũng từng hai lần trượt chân bị nước cuốn trôi khi băng qua suối trên đường đi dạy học và may mắn được cứu giúp.
“Chẳng biết vì sao ngày đó lại mạnh mẽ đến thế. Có lẽ vì quá yêu nghề, mến trẻ mà vượt qua được nghịch cảnh, sợ hãi. Giờ thì “rạn đòn” rồi”, cô Nhung tâm sự.
Các cô giáo chở mì tôm, quần áo, đồ cứu trợ lên điểm trường cho các học sinh sau ảnh hưởng của cơn bão số 3. |
Cô giáo Lý Thu Hà từng bật khóc khi ngày đầu về nhận lớp, học sinh kiên quyết từ chối học với lý do: “Cô giáo này bé quá”. Quả thực, với những học sinh đặc biệt của lớp xóa mù chữ năm đó, cô Hà còn quá trẻ.
Với quyết tâm mang con chữ đến vùng sâu, vùng xa, cô Hà dần dần từng bước làm thân với học trò, với bà con. Các cô học tiếng, ban ngày đứng lớp, tối đến cùng giao lưu văn nghệ, dần họ coi nhau như anh em một nhà.
Những ngày nghỉ, các thầy, cô giáo lại cùng dân đi gặt lúa, làm nương. Hành trình bám bản của những người giáo viên mầm non cứ thế được vun đắp mỗi ngày nhờ tình yêu thương.
Cô giáo Hà tâm sự: “Lên đến nơi mệt lắm, nhưng nhìn thấy các con, mọi mệt mỏi như được xua tan hết. Đến giờ tôi vẫn chưa từng hối hận vì đã chọn nghề giáo làm lý tưởng sống của mình. Tuy chẳng đóng góp được gì nhiều đâu, nhưng phần nào giúp các con tiếp cận với tri thức, như thế cũng vui lòng rồi”.
Chặng đường từ trái tim đến trái tim
Đều đặn 6 giờ 30 phút mỗi sáng, cô giáo Nhung lại chạy xe máy lên điểm trường để hướng dẫn học sinh dọn dẹp vệ sinh lớp học, tưới cây. Sau bão số 3, đường đi dù nhanh chóng được khắc phục, xử lý nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, nhiều đoạn bị nứt lở.
Cô Nhung tỏ ra lạc quan: “vẫn còn sướng chán, nhiều đồng nghiệp khác còn chẳng ngồi được xe, phải đi bộ, cưỡi nhờ trâu mới vào được trường”.
Đường lên điểm trường sau bão lũ gặp nhiều khó khăn. |
Ngày đầu tiên quay trở lại học sau khi bão lũ càn quét qua địa phận huyện Bát Xát, em Phùng Đăng Khoa - một học sinh của lớp cô Nhung đã không đến trường. Biết thông tin nhà Khoa nằm trong khu vực bị sạt lở, cô Nhung cảm thấy sốt ruột.
“Tôi gọi phụ huynh thì không liên lạc được, gọi cho cô giáo điểm trường gần đó cũng không có thông tin. Phải đến khi được báo em ấy đã về, chiều thấy con tới lớp, lúc ấy mới hết run sợ”, cô Nhung kể lại.
Cô Nhung nhận công tác ở Tả Ngảo vào năm 2011. Khi ấy điều kiện còn rất thiếu thốn. Xe máy phải gửi lại Bản Cát để đi bộ đến trường, chưa có điện hay sóng điện thoại.
Cô Nhung tâm sự: “Tôi nhớ như in dấu mốc 12 giờ, ngày 12/12/2012, điện về tới Bản Qua, về với trường Tả Ngảo. Nhờ đó mà có đường để đi, chứ đường cũ sụt lún, lầy lội, chỉ đi bộ bằng ủng được thôi”.
Điện về, cả thầy cô và phụ huynh học sinh trường Tả Ngảo cùng chung tay chỉnh trang, cải tạo khuôn viên học tập cho con em. Người tay búa, người tay xẻng, đập bỏ những viên gạch cũ, lát lại sân cho mới, làm chỗ cho các em vui chơi. Cứ thế mỗi năm, ngôi trường này lại được nhận được thêm sự quan tâm từ chính quyền địa phương, từ xã hội, để giờ đây như khoác chiếc áo mới, đón các em đến trường.
Cô giáo Nhung cùng các học trò trong ngày khai giảng năm học mới. |
Trèo đèo, lội suối, băng rừng đi dạy suốt hàng mấy chục năm qua, nhưng với cô Nhung, chặng đường chông gai nhất vẫn là việc khơi dậy tinh thần ham học trong mỗi con người nơi đây. Ở đó, mỗi thầy cô giáo không chỉ đơn thuần là người truyền đạt tri thức, mà còn là người truyền cảm hứng, những bác sĩ tâm lý và là người bạn của phụ huynh, học sinh, để đồng hành, nâng bước các em tới trường. Đó là hành trình chinh phục những trái tim.
Những ngày đầu về Tả Ngảo, với phần đa học sinh là đồng bào dân tộc Dao Đỏ, nhiều phong tục, thói quen của người dân đã khiến việc dạy học của các thầy, cô giáo gặp khó khăn. Chẳng hạn, người Dao Đỏ có những ngày kiêng gió (vào 20/1 Âm lịch hàng năm), ngày kiêng sét (mùng 1/3 Âm lịch). Vào những ngày này người dân sẽ không được trêu đùa nhau, không được làm những công việc nặng nhọc, không được kêu gào ầm ĩ, để tránh bị “thiên nhiên nổi giận”. Thậm chí, nhiều gia đình còn cho con nghỉ những ngày này vì đây không phải là ngày để làm việc. Các thầy cô thì được dặn là không nói to.
Nhiều học sinh hồi đó chỉ được đến trường buổi sáng, buổi chiều còn phải đi “xem trâu”. “Lúc ấy chúng tôi cũng ngỡ ngàng lắm, nhưng không thể đứng ra ép họ để con lại được. Thôi thì cứ để họ đưa con về, rồi mình dần dần tìm cách phân tích, thuyết phục”, cô giáo Nhung tâm sự.
Hiểu được tâm lý đó, các thầy cô giáo công tác tại trường của xã biên giới Bản Qua truyền nhau kinh nghiệm. Họ cùng nhau học tiếng người Dao Đỏ, cùng gặt lúa, trồng ngô. Họ chia nhau đến từng thôn, vào từng nhà để vận động đưa trẻ đi học.
Với các thầy, cô giáo, được thấy con trẻ đến trường mỗi ngày là một niềm hạnh phúc lớn. |
Đến bây giờ, cô Nhung vẫn giữ thói quen mang theo thuốc bổ, nước đường pha sẵn, để kịp chăm sóc sức khỏe cho học sinh và “trị” những cô cậu cá biệt, tìm cách giả vờ ốm để trốn học.
Nhắc đến những đứa trẻ đáng yêu mình đã và đang dạy, cô Nhung cười vui rằng: “Nhiều khi chán không muốn học là lại bày trò ốm để nũng với cô đó. Sau khi kiểm tra, biết các con không sao, tôi thường giả vờ rằng thuốc bổ là thuốc chữa đau bụng, với đau đầu nên uống xuống là lại khỏe bình thường ngay. Tôi khi ấy thường nghĩ ra trò chơi nho nhỏ gì đó, các con vui là có tinh thần học lại”.
Từ những lớp học lác đác vài học sinh, giờ đây ngôi trường, điểm trường lúc nào cũng rộn rã tiếng trẻ con ê a học chữ, vui đùa. Từ những người dân chỉ biết làm nương, chăn nuôi làm kế sinh nhai, cũng đã hiểu vai trò của con chữ trong đời sống. Những lớp học i tờ nhập nhoạng dưới ánh đèn dầu cũng đã được thay thế bằng những lớp học kiên cố, khang trang. Cũng từ đó, nhiều thế hệ học sinh của Tả Ngảo nên người, phát triển cuộc sống.
Hạnh phúc nghề trồng người
Khi được hỏi đâu là động lực lớn nhất khiến các thầy cô kiên trì bám trường, bám bản đến thế, ai cũng rõng rạc năm chữ như đã in sâu trong trái tim: “Vì học sinh thân yêu”. Có lẽ họ cũng đã từng có nhiều ước mơ, hoài bão, được đi muôn nơi, khám phá thế giới rộng lớn ngoài kia. Và giờ đây, họ chọn ở lại nơi rẻo cao này để gieo những mầm xanh, để chắp cánh cho những con người bé nhỏ khác cũng đang sắp có những ước mơ của riêng mình.
Gần 30 năm làm nghề, cô Tuyết Nhung vẫn tự hào vì có một "kho báu" lớn, chứa đựng những tình cảm trân quý của các thế hệ học trò mà cô từng dạy dỗ. Đó là Thào Thị Súng sẵn sàng đi bộ hàng chục cây số, mang theo hai bát gạo lên Trịnh Tường thăm cô vào năm 2001, chỉ vì cô “cấm” không được mua hoa, quà gì. Cô biết nhà học trò nào cũng khó khăn.
Đó là học sinh theo học lớp 1 từ năm 2005, khi đi công tác Hải Dương lại ghé qua mua biếu cô hộp bánh đậu xanh làm quà. “Tôi cứ tiếc, để đó mãi chẳng dám ăn, bày ngay chỗ tủ kính nhà ngoài để đi ra đi vào còn ngắm được, ngắm mà ấm lòng vì hai chữ thầy trò”, cô Nhung xúc động.
Các học sinh của Trường TH&THCS Tả Ngảo với đồ dùng học tập, vở bút mới. |
Với Lò Mẩy Liềm (23 tuổi), cô Tuyết Nhung giống như người mẹ thứ hai của chị. Tuy chỉ được theo học cô Nhung không lâu nhưng những ngày tháng theo cô xuống thị trấn vừa học, vừa ôn để tham gia thi Hội khỏe Phù Đổng, được cô nấu cơm cho ăn, cô ru ngủ, cô gọi dậy đi thi, sẽ mãi là những ký ức tươi đẹp trong lòng Mẩy Liềm.
“Cô thương chúng tôi và chúng tôi cũng thương cô lắm. Cô Nhung hiền, nhưng hẩm hiu, một mình nuôi con, nhưng chưa bao giờ bỏ rơi học sinh. Tôi may mắn vì được làm học sinh của cô”, Mẩy Liềm chia sẻ.
Mẩy Liềm giờ đã học xong, có công việc và một bé gái. Trong tương lai, cô con gái của Mẩy Liềm cũng sẽ tiếp tục trở thành một thế hệ học sinh nữa của Tả Ngào. Có lẽ vì thế mà cô Nhung hay đùa vui rằng: “Từ giờ cũng có thể gọi tôi là bà giáo được rồi ấy chứ”.
Nhớ lại những năm tháng làm nghề, có quá nhiều kỷ niệm, những câu chuyện về cả những học trò ngoan lẫn học trò “cá biệt” mà “bà giáo” ấy chẳng thể nhớ hết. Chỉ nhớ đôi bàn tay gầy, nhăn nheo, sạm đen này đã từng uốn nắn biết bao nét chữ. Cũng đôi bàn tay ấy từng hướng dẫn các con cách gội đầu ra sao, giặt đồ thế nào cho sạch, để sau đó khi quen rồi, nhiều bạn “còn đỏm hơn cô”. Đôi bàn tay năm nào cũng tỉ mẩn soạn quần áo của con mình không còn vừa, gấp gọn gàng để mang đến trường tặng lại các trò khó khăn hơn.
Những chiếc áo len mới được Tạp chí Lao động và Công đoàn trao cho các em học sinh mặc thử. |
Suất quà bằng tiền mặt được trao tận tay các thầy cô giáo và các em học sinh. |
“Bà giáo” với mái tóc đã bạc quá nửa vẫn cần mẫn gieo từng vần thơ, câu chữ nơi trẻ, dù sức khỏe hiện tại đã không còn tốt, khi được chẩn đoán liệt dây thanh quản, cần hạn chế nói nhiều. Chưa từng được tặng bông hoa nào, nhưng mỗi người học trò mà cô góp phần dạy dỗ ấy lại chính là những đóa hoa thơm nhất. Đó là một trong những hạnh phúc của cuộc đời người “lái đò tri thức”.
Thầy giáo Ngô Văn Hướng - Hiệu trưởng Trường TH&THCS Tả Ngào chia sẻ rằng: “Mỗi ngày đến trường thấy các con đi học đầy đủ, chuyên cần, ngày một lớn giỏi, với chúng tôi như thế là đủ hạnh phúc rồi”. Thầy Hướng cũng cho biết, thời gian qua, được sự quan tâm của các các cấp, các ngành, của xã hội, cùng với sự nỗ lực của hơn 20 thầy, cô giáo, trường ngày một khang trang hơn, cơ sở vật chất được đáp ứng, phục vụ công tác dạy và học ngày một đảm bảo hơn.
Mỗi mầm xanh mà các thầy cô gieo trồng, vun xới trên mảnh đất này giờ đây đã có những cây cao lớn, tỏa bóng mát, chở che những con đường. Cũng có những mầm xanh chỉ đang bắt đầu hành trình lớn dậy. Nhưng tất cả đều sẽ hướng về phía mặt trời, vươn mình cao lớn, một phần nhờ có những bàn tay ấy cần mẫn nâng niu, gây trồng mỗi ngày.
Chung tay khắc phục hậu quả bão số 3, ngày 12/10/204, Tạp chí Lao động và Công đoàn tổ chức chương trình thiện nguyện, trao quà cho thầy cô và học sinh tại Trường TH&THCS Tả Ngào. Tạp chí Lao động và Công đoàn huy động các CBCNV cùng phối hợp với nhân viên Tập đoàn Tân Hoàng Minh, Công ty Unicorn Investment, đã tài trợ cho trường trong công tác khắc phục hậu quả bão số 3 Yagi. Với tổng giá trị là: 82.859.000 đồng. Trong đó trao tặng tiền mặt 1.000.000 đồng/người cho 29 thầy cô và 21 học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Cùng với đó là các hiện vật gồm: 1000 bút bi, 500 quyển vở 5 ly, 500 quyển vở kẻ ngang, 220 áo len, 10 chăn ấm, 25 áo mưa, 25 đôi ủng, 300 suất quà (gồm bánh kẹo, mỳ tôm) và chương trình liên hoan bánh kẹo cho học sinh tại hội trường. Thầy Ngô Văn Hướng - Hiệu trưởng nhà trường bày tỏ niềm vui và hạnh phúc khi nhận được sự quan tâm từ Tạp chí Lao động và Công đoàn cùng các mạnh thường quân. “Đây đều là những việc làm hết sức ý nghĩa và thiết thực, thể hiện sự quan tâm, đồng hành của cả xã hội với thầy và trò chúng tôi. Điều này cũng trở thành nguồn động viên to lớn cho các thầy cô giáo và giúp các con học sinh thêm vững tin đến trường, tiếp thu kiến thức”, thầy Hướng nhấn mạnh. |
Tâm sự giáo viên ngày khai giảng: “Năm nào tôi cũng xúc động như lần đầu” Dù vừa mới bắt đầu sự nghiệp cầm phấn, hay đã gắn bó với nghề giáo qua nhiều thập kỷ, khai giảng năm nào cũng ... |
Giấc mơ nhà công vụ của giáo viên nơi “đỉnh trời” Tại những nơi buồn vắng của “đỉnh trời” Cao Bằng, rất nhiều giáo viên hằng ngày phải vật lộn dưới những mái nhà xập xệ ... |
Thầy hiệu trưởng có trái tim ấm áp của Trường THCS Nguyễn Hữu Đà Thầy Nguyễn Văn Tuyến, Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Hữu Đà (Quảng Vinh, Quảng Điền, Thừa Thiên Huế) là một tấm ... |
- Công đoàn Công Thương Việt Nam đẩy mạnh phúc lợi cho đoàn viên, người lao động
- Niềm vui của những thầy cô “gieo mầm xanh” nơi vùng cao Bát Xát
- Liên đoàn Lao động huyện Giao Thủy - địa chỉ tin cậy của người lao động
- Sedan cỡ B tăng trưởng tới 76% doanh số nhờ ưu đãi lệ phí trước bạ
- Ra mắt Audi Q6 Sportback e-tron, phạm vi hoạt động hơn 600 km