|
|
Gần 30 năm trước, cô gái quê hương Lệ Thủy (Quảng Bình) Nguyễn Thị Tuyết Vinh trong một lần đi theo người chị con bác vào miền Tây Quảng Trị chơi, đã bén duyên ngay với vùng đất này. Không thể lý giải cặn kẽ lý do Vinh thích vùng đất Cam Thành, Cam Lộ của Quảng Trị, chỉ biết sau cuộc đi chơi với người chị họ, chứng kiến công việc khai thác đá của chị, cô quyết định xin bố mẹ ở lại vùng đất ấy “đi mần”, tức đi làm. Mà nào phải công việc nhẹ nhàng gì, đi... khai thác đá. Ba mẹ Vinh tất nhiên không đồng ý. Bởi công việc vừa nặng nhọc, con lại xa ba mẹ khi đang ở độ tuổi đẹp nhất của đời con gái. “Mình thấy nghề khai thác đá vui nên cứ xin ba mẹ ở lại làm việc. Ban đầu họ không cho mô, sau nói nhiều lần rồi họ cũng đồng ý. Rứa là mình nộp đơn rồi được nhận vào làm công nhân khai thác đá ở Xí nghiệp K hai thác đá Tân Lâm, gắn bó với xí nghiệp kể từ ngày đó. Thoắt cái gần 30 năm rồi”, chị Vinh nhớ lại.
Những ngày đầu vào nghề cô gái trẻ Quảng Bình cũng chịu nhiều thách thức bởi tính chất nặng nhọc của công việc. Công việc của chị Vinh là tham gia vào quá trình sản xuất bột đá. Do làm bằng thủ công nên đôi bàn tay của cô thôn nữ tuổi 20 bắt đầu chai sần và ngày một rắn rỏi hơn. Sau này công ty đầu tư nhiều thiết bị máy móc hơn, nhưng công việc sản xuất bột đá hay gạch lát nền cũng đều phải cần phải bốc xếp.
Bên trong Phân xưởng 1 có nhiều lao động nữ do chị Vinh là Tổ trưởng, nữ công nhân này cùng đồng nghiệp thoăn thoắt, uyển chuyển từng động tác cho kịp guồng máy chạy. Bột đá sau khi xay được cho vào bao, chị Vinh cùng đồng nghiệp khuân vác ra kệ để động cơ nâng lên xe ben tải. Các công đoạn, thao tác phải nhanh và an toàn. “Làm việc với chị Vinh thì yên tâm và lúc nào cũng vui vẻ. Công tác an toàn, vệ sinh lao động luôn đặt lên hàng đầu, làm việc hết mình, nhưng tinh thần luôn cởi mở, lạc quan, tươi vui”, chị Lê Thị Sơn, công nhân Tổ sản xuất bột đá Dolomit mà chị Vinh làm Tổ trưởng, bộc bạch.
Không riêng gì chị Vinh các nữ công nhân trẻ làm việc ở Xí nghiệp với lòng nhiệt huyết và trách nhiệm cao, thậm chí năng suất lao động chẳng không thua kém cánh mày râu. “Hồi đầu mới vào làm chủ yếu là làm bằng tay nên khá vất vả. Sau này có máy móc rồi anh chị em cũng đỡ nhiều. Dù có cực khổ nhưng bù lại lương lá thu nhập cũng tương xứng nên mình cũng yên tâm, gắn bó với công việc”, chị Vinh nhớ lại khi dành cho tôi chút thời gian cuối chiều sau khi kết thúc công việc.
Sau gần 30 năm cống hiến cho ngành đá, chị Vinh hiện là nhân viên kỳ cựu của công ty. Các công nhân trong Tổ sản xuất Bột đá Dolomit, ở Phân xưởng 1, Xí nghiệp Chế biến đá xây dựng do chị làm tổ trưởng luôn xem chị là tấm gương nên ai cũng làm việc hăng say. Điều mà ai cũng thừa nhận ở chị Vinh là người phụ nữ này có một sức khỏe tốt và tinh thần lạc quan, vô tư trong công việc lẫn giao tiếp. Đặc biệt là nụ cười hầu như lúc nào cũng rạng rỡ trên môi, dù công việc kham khổ đến mấy. Đây cũng là điều tạo nên sức hấp dẫn của nữ công nhân này với người đối diện trong các cuộc trò chuyện, hay lúc chị điều hành công việc. Chị có một sức hấp dẫn đến lạ là hầu như không có việc gì có thể làm khó được chị. Tinh thần ấy là động lực và nguồn năng lượng để gần 30 năm làm việc chị Vinh chỉ nghỉ làm một ngày duy nhất do bị tai nạn lao động gây ra vết xướt nhỏ ở bàn tay. Nếu lần ấy, lãnh đạo công ty không “bắt” chị nghỉ ngơi, có lẽ chị cũng sẽ đi làm. “Theo quy định của công ty thì khi xảy ra sự cố dù lớn hay nhỏ, mình cũng phải nghỉ để bộ phận chức năng kiểm lại quy trình kỹ thuật, rồi dưỡng thương. Nhưng thật tình là lúc ấy bị thương nhẹ, nghỉ ở nhà là nôn nao, chỉ thích đi làm thôi”, chị Vinh cười kể. Có lẽ những nét duyên của một cô thôn nữ, một nữ công nhân chất phát, nhiệt thành với công việc đã khiến chị Vinh sớm được một chàng trai đồng hương, đồng niên và là đồng nghiệp cùng xí nghiệp “để mắt”. Anh Hoàng Ngọc Liên, người chồng của chị Vinh bây giờ vốn là nam công nhân vào làm việc ở Xí nghiệp Chế biến đá Xây dựng sớm hơn chị Vinh vài ba tháng. Anh Liên ở Ba Đồn, thuộc Bắc Quảng Bình còn chị Vinh thì ở Lệ Thủy, Nam Quảng Bình. Cả hai đã nảy nở tình yêu đôi lứa trong lao động. Rồi họ cưới nhau. Một đám cưới giản đơn của đôi công nhân nghèo được tổ chức đầm ấm theo nghi lễ cổ truyền và sự tác thành của gia đình đôi bên, của lãnh đạo công ty, công đoàn nơi cô dâu chú rể làm việc.
Sau đám cưới, vợ chồng chị Vinh tiếp tục công việc công nhân ở Xí nghiệp. Chị Vinh tiếp tục làm ở Phân xưởng 1, trực tiếp sản xuất bột đá, còn anh Liên lái xe cơ giới, xe ben chở đá nguyên liệu. Sau khi kết hôn, hai người có lần lượt với nhau hai cậu con trai. Nay cả hai đã lớn khôn, trong đó người con trai đầu đang làm việc cho một tập đoàn lớn tại Hà Nội. “Cùng với đồng lương tương xứng nhận được ở công ty, điều mà mình quyến luyến gắn bó hàng chục năm với công việc ngành khai thác đá là sự đối đãi, chế độ phúc lợi của công ty dành cho anh chị em công nhân lao động luôn đầy đủ, chu đáo. Vợ chồng mình cũng từng định hướng cho đứa con vào làm cùng bố mẹ trong ngành đá này, nhưng cháu không có duyên, sang làm lĩnh vực khác”, chị Vinh kể thêm.
Để hiểu thêm câu chuyện ngành đá, chị Vinh mời tôi về nhà riêng ở thôn Thượng Lâm, xã Cam Thành để gặp anh Liên với gợi ý dí dỏm: “Ông chồng tui mến khách và vui tính lắm. Trong xí nghiệp ai cũng thích, huống hồ chi tui. Hồi trước ông mới tán tui có 1 tháng mà đổ liền đấy”. Anh Liên là người đàn ông đảm đang, thương vợ đến ai cũng ngưỡng mộ. Sau giờ làm việc ở công xưởng là anh về làm việc nhà. Một đàn dê nuôi ngay sau ngôi nhà ven đồi dựng bên Quốc lộ 9 đường Đông Hà – Lao Bảo. Rồi gia súc, gia cầm cả trăm con. Thêm mấy chuồng bồ câu nuôi kinh tế... Tất tần tật nếu chị Vinh bận việc chưa về kịp thì anh Liên chăm sóc tuốt. Ngoài chăn nuôi, vợ chồng anh Liên còn mở quán giải khát, bi - da để phục vụ khách trong xóm làng sau giờ làm việc. Ngày nghỉ thì cả hai lên rừng chăm cây, rừng trồng kinh tế. “Tụi mình có hơn 2ha rừng keo, khai thác bán cũng được 3 vụ rồi. Nói chung ngoài đồng lương chính, các việc làm thêm tăng gia sản xuất ở nhà cũng có thêm đồng vào đồng ra.”, anh Liên tiếp chuyện niềm nở.
Người đàn ông có thân hình rắn chắt, vạm vỡ này kể thuở mới vào làm việc ở Xí nghiệp, anh cũng chịu nhiều gian khổ. Anh là thợ khoan đá nổ mìn, thường xuyên “đánh đu” qua những dốc đồi để chinh phục những mõm đá nguyên liệu. Thợ đá như anh Liên thân thể tay chân xướt xát là chuyện bình thường. Sau hơn 10 năm làm thợ đá, anh Liên được đi học lái xe ben tải rồi chạy xe cho công trình. Những năm gần đây anh học lái xe múc và được “biên chế” sang bộ phận lái xe múc, xe cơ giới phục vụ trong công xưởng. Những thành tích của vợ chồng anh Liên được công ty, công đoàn cấp trên ghi nhận, tặng thưởng hằng năm. Hầu như năm nào họ cũng đạt danh hiệu lao động tiên tiến, lao động xuất sắc. Riêng chị Vinh từng được vinh dự được công ty cử đi tham dự Đại hội đại biểu hội phụ nữ tỉnh Quảng Trị. “Vợ chồng mình có giấy khen của công ty tặng đựng cả bao tải. Tụi mình bỏ ở trên gác chứ không treo hết”, anh Liên kể.
|
Bài viết: Mai Đình Toàn Đồ họa: An Nhiên |