Chủ trọ tổ chức thi văn nghệ sân khấu hóa cho công nhân nhập cư
Đời sống - 21/10/2024 18:14 Gia Hưng
Công nhân lao động hưởng ứng “Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn” |
Nâng cao ý thức phòng chống dịch bệnh và chăm sóc sức khỏe cho công nhân nhập cư
Nhóm chủ nhà trọ tổ chức sự kiện này ở Tổ dân phố Kiền Sơn, thị trấn Đạo Đức, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc.
Những người tổ chức kỳ vọng nâng cao ý thức phòng chống dịch bệnh và chăm sóc sức khỏe cho công nhân nhập cư, đồng thời tạo cơ hội để công nhân kết nối với các hoạt động tại địa phương.
Cuộc thi thu hút sự tham gia của nhiều đội thi, mang đến những tiết mục sân khấu hóa đa dạng và sinh động.
Cuộc thi văn nghệ sân khấu hóa “Công nhân nhập cư sẵn sàng ứng phó dịch bệnh”. Ảnh: H. Ngọc |
Cuộc thi văn nghệ sân khấu hóa tại Kiền Sơn là một phần của Hợp phần 3 thuộc dự án “Tăng cường năng lực cho cấp cơ sở chuẩn bị sẵn sàng và ứng phó đại dịch COVID-19 tại Việt Nam (SPR-COVID)”. Dự án này được Viện Nghiên cứu Phát triển xã hội triển khai với sự tài trợ từ Quỹ Phát triển xã hội Nhật Bản thông qua Ngân hàng Thế giới, nhằm hỗ trợ các nhóm dễ bị tổn thương tại 27 xã của ba tỉnh Vĩnh Phúc, Khánh Hòa và Long An.
Theo bà Khuất Thu Hồng - Giám đốc dự án, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển xã hội, sáng kiến này nhằm đáp ứng nhu cầu của công nhân nhập cư, những người thường làm việc ca kíp, ít có cơ hội tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ.
“Đặc thù của công nhân nhập cư là thời gian lao động kéo dài và thường bị bó hẹp trong không gian của các nhà máy, khu công nghiệp và nhà trọ. Do đó, họ rất ít cơ hội tiếp cận với kiến thức về chăm sóc sức khỏe và phòng chống dịch bệnh, cũng như các hoạt động nâng cao sức khỏe tinh thần. Mặt khác, họ cũng rất mong muốn có thêm kiến thức và kỹ năng về chăm sóc sức khoẻ, phòng ngừa dịch bệnh và mở rộng các quan hệ xã hội để có thể kết nối và nhận được sự hỗ trợ khi cần thiết”, bà Hồng chia sẻ.
Bà Khuất Thu Hồng - Giám đốc Dự án, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển xã hội. Ảnh: H. Ngọc |
Dựa trên những đặc thù và nhu cầu của công nhân nhập cư như vậy, Nhóm chủ nhà trọ Kiền Sơn dưới sự dẫn dắt của chị Tạ Thị Yến, đề xuất triển khai sáng kiến là tổ chức cuộc thi văn nghệ sân khấu hóa “Công nhân nhập cư sẵn sàng ứng phó dịch bệnh”.
Chị Yến chia sẻ: “Cuộc thi là cơ hội để công nhân nhập cư cùng nhau nâng cao kiến thức, đồng thời tăng cường sự kết nối và hỗ trợ lẫn nhau. Chúng tôi hy vọng qua cuộc thi, họ sẽ có thêm kỹ năng bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng”.
Các đội thi đã dàn dựng các kịch bản tập trung vào cách phòng chống các bệnh như COVID-19, lao, bạch hầu, sởi, chân tay miệng, đau mắt đỏ và sốt xuất huyết. Những nội dung này được truyền tải thông qua các hình thức phong phú như kịch, hát, múa, nhảy dân vũ và đọc thơ, mang đến cho khán giả những giờ phút thư giãn nhưng cũng đầy ý nghĩa. Các chuyên gia y tế địa phương và các khách mời đã góp ý cho từng kịch bản, giúp các đội hoàn thiện nội dung và cách trình bày, từ đó tạo nên một chương trình đầy tính nhân văn và giáo dục.
Một trong những tiết mục đặc sắc của công nhân nhập cư. Ảnh: H. Ngọc |
Hướng đến cộng đồng khỏe mạnh, đoàn kết
Nhóm chủ nhà trọ Kiền Sơn không chỉ giúp công nhân nhập cư nắm vững kiến thức về chăm sóc sức khỏe mà còn lan tỏa thông tin đến cộng đồng xung quanh.
Chị Phan Thị Thanh Huyền, một chủ trọ tại tổ dân phố Kiền Sơn, cho biết: “Cuộc thi giúp công nhân có cơ hội thể hiện tài năng và sáng tạo của mình. Qua đó, họ gắn kết và đoàn kết hơn, cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ nhau trong cuộc sống.”
Đối với nhiều công nhân nhập cư, cuộc thi không chỉ là sân chơi văn nghệ mà còn là cơ hội để họ học hỏi, kết nối và phát triển kỹ năng. Chị Nguyễn Thị Thanh, một công nhân nhập cư, bày tỏ: “Tham gia cuộc thi, em thấy rất vui và cũng có chút lo lắng, hồi hộp. Đây là dịp để chúng em gắn kết, hiểu nhau hơn qua quá trình tập luyện và biểu diễn. Cuộc thi là dịp để công nhân chúng em thư giãn, giải trí và quên đi những lo toan hàng ngày; đồng thời giúp em hiểu thêm về cách phòng chống dịch bệnh và tạo ra những khoảnh khắc đáng nhớ cùng đồng nghiệp.”
Qua cuộc thi này, các công nhân nhập cư nắm vững kiến thức về phòng chống dịch bệnh. Ảnh: H. Ngọc |
Không chỉ mang lại niềm vui và sự gắn kết, cuộc thi còn giúp các công nhân nhập cư tiếp thu kiến thức y tế một cách sinh động. Thông qua các tiết mục sân khấu hóa, những thông tin về cách chăm sóc sức khỏe được truyền tải dễ hiểu và gần gũi. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh những nhóm dễ bị tổn thương như công nhân nhập cư thường gặp khó khăn trong việc tiếp cận thông tin y tế chính xác và kịp thời.
Theo bà Khuất Thu Hồng, COVID-19 có thể đã không còn là tình trạng khẩn cấp, nhưng những bài học từ đại dịch vẫn còn đó. Chúng ta cần tiếp tục nỗ lực giảm thiểu tác động của các tình huống y tế khẩn cấp đối với những nhóm dễ bị tổn thương, và cuộc thi này chính là một trong những hoạt động thiết thực để thực hiện điều đó.
Cuộc thi văn nghệ sân khấu hóa “Công nhân nhập cư sẵn sàng ứng phó dịch bệnh” đã khép lại, nhưng những giá trị và ý nghĩa mà nó mang lại cho cộng đồng vẫn còn tiếp tục lan tỏa. Các công nhân nhập cư tại Kiền Sơn đã có thêm những kiến thức hữu ích, kỹ năng cần thiết và một không gian ấm áp để kết nối, chia sẻ và cùng nhau vượt qua mọi thách thức trong cuộc sống.
Video: Tác phẩm tham gia cuộc thi sáng tạo video "Cộng đồng an toàn và khoẻ mạnh" được tổ chức trong khuôn khổ Dự án.
Nhóm chủ nhà trọ Kiền Sơn được thành lập từ tháng 01/2023 trong khuôn khổ dự án “Tăng cường năng lực cho cấp cơ sở chuẩn bị sẵn sàng và ứng phó đại dịch COVID-19 tại Việt Nam”. Nhóm gồm các chủ nhà trọ, nhằm hỗ trợ và tiếp cận công nhân nhập cư. Tính đến tháng 10/2024, nhóm đã tiếp cận hơn 300 công nhân nhập cư, tổ chức 14 buổi truyền thông nhóm nhỏ và lập nhóm Zalo tại mỗi nhà trọ. Các hoạt động tập trung vào chăm sóc sức khỏe, phòng chống dịch bệnh, hỗ trợ khi gặp tình huống y tế khẩn cấp, và tổ chức các buổi tọa đàm, hội thi vui khỏe. Những sáng kiến này đã thu hút khoảng 200 công nhân nhập cư, mang lại nhiều kiến thức bổ ích và khoảnh khắc vui vẻ. Nhóm cũng nhận thấy sự vất vả của công nhân, đặc biệt là những người dân tộc thiểu số từ các tỉnh xa như Hà Giang, Cao Bằng, Yên Bái. Nhờ sự hỗ trợ từ dự án, nhóm đã triển khai nhiều hoạt động có ý nghĩa như truyền thông về sức khỏe, tổ chức các buổi tập huấn và sáng kiến cộng đồng. |
3 nội dung tiếp xúc cử tri giữa Đại biểu Quốc hội với công nhân lao động năm 2024 Tổng LĐLĐ Việt Nam ban hành hướng dẫn tổ chức tiếp xúc cử tri chuyên đề giữa Đại biểu Quốc hội với công nhân, lao ... |
Công đoàn Bình Dương: Điểm tựa cho lao động nhập cư Tổ chức Công đoàn Bình Dương luôn thấu hiểu, chăm lo tốt nhất về đời sống vật chất và tinh thần cho lao động nhập ... |
Tiếp xúc cử tri công nhân lao động tại An Giang LĐLĐ tỉnh An Giang vừa tổ chức cho 100 cử tri gồm cán bộ, đoàn viên, người lao động tham gia Hội nghị tiếp xúc ... |