Đề xuất tăng phụ cấp trực: Tiếng lòng và kỳ vọng của nhân viên y tế
Đời sống - 16/10/2024 10:39 Gia Hưng
Công đoàn Ngành Y tế tôn vinh phong cách phục vụ vì sự hài lòng của người bệnh |
Phụ cấp trực chưa tương xứng
Công việc của các nhân viên y tế vốn dĩ rất vất vả, đòi hỏi họ phải làm việc với tinh thần trách nhiệm cao suốt 24 giờ mỗi ngày, đặc biệt trong các ca trực đêm. Tuy nhiên, nhiều ý kiến từ cán bộ y tế cho rằng, mức phụ cấp hiện tại vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu cơ bản của họ.
Bác sĩ chính Nguyễn Thị Thảo, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, cho biết: “Chúng tôi ở tuyến huyện, bệnh viện hạng 2, ngày thường trực 12 giờ nhận chế độ 90.000 đồng và 15.000 đồng hỗ trợ tiền ăn. Ngày thứ Bảy, Chủ nhật (trực 24h) là 117.000 và 15.000 đồng hỗ trợ ăn”.
Theo bác sĩ Thảo, công việc của nhân viên y tế liên quan trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng của người bệnh, đòi hỏi các y, bác sĩ phải luôn tỉnh táo, làm việc suốt đêm.
"Tiền trực không tương xứng với công sức bỏ ra, nhưng cán bộ y tế vẫn phải đảm đương vì đó là trách nhiệm”, bác sĩ Thảo nói.
Nhân viên y tế trong giai đoạn chống dịch COVID-19. Ảnh: A. Tuyết |
Nhiều nhân viên y tế cho biết, công việc chăm sóc bệnh nhân nội trú đòi hỏi họ phải làm việc cả ngày lẫn đêm, đối mặt với tình trạng căng thẳng từ bệnh nhân và người nhà.
“Có những đêm chúng tôi phải chia ca nhau trực vì quá mệt, nhưng nếu bệnh nhân trở nặng trong đêm thì không ai được nghỉ. Mức phụ cấp 90.000 đồng cho mỗi đêm trực là quá thấp so với áp lực công việc”, điều dưỡng Hoàng Thị Ánh Tuyết, công tác tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam (bệnh viện hạng 2) tâm sự.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan từng chia sẻ tại Hội nghị thường niên Câu lạc bộ Giám đốc bệnh viện các tỉnh phía Bắc rằng, phụ cấp trực 24 giờ của y bác sĩ rất thấp và không phù hợp trong khi thời gian học tập, đào tạo dài hơn ngành nghề khác. Chế độ tiền trực của nhân viên y tế rất thấp, được xây dựng từ nhiều năm trước, đến nay không còn phù hợp.
Theo quy định mới nhất, để được cấp chứng chỉ hành nghề, một bác sĩ phải dành tới 6 năm học đại học y khoa và mất ít nhất 12 tháng thực hành. Trong khi, cả một ngày đêm trực vất vả, bác sĩ tại bệnh viện hạng I hay đặc biệt (như Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Chợ Rẫy...) trực 24/24 giờ chỉ nhận được 115.000 đồng; 90.000 đồng/người/phiên trực đối với bệnh viện hạng 2 và 65.000 đồng/người/phiên trực đối với các bệnh viện còn lại và các cơ sở khác tương đương.
Lao động hưởng 25.000 đồng/người/phiên trực đối với trạm y tế xã, trạm y tế quân dân y, bệnh xá quân dân y. Ngoài ra, bác sĩ, nhân viên y tế trực 24/24 giờ được hỗ trợ tiền ăn là 15.000 đồng/người/phiên trực.
Cả một ngày đêm trực vất vả, bác sĩ tại bệnh viện hạng I hay đặc biệt trực 24/24 giờ chỉ nhận được 115.000 đồng. Ảnh: BVBM. |
Người lao động trực theo ca 12/24 giờ được hưởng mức 0,5 lần mức phụ cấp thường trực 24/24 giờ. Người lao động trực theo ca 16/24 giờ được hưởng 0,75 lần mức phụ cấp thường trực 24/24 giờ... Nếu trực tại khu vực hồi sức cấp cứu, chăm sóc đặc biệt thì mức phụ cấp được tính bằng 1,5 lần mức quy định. Nếu trực vào ngày nghỉ thì mức phụ cấp tính bằng 1,3 lần mức quy định. Trực vào ngày Lễ, Tết thì mức phụ cấp bằng 1,8 lần mức quy định.
Bộ Y tế cho biết, theo báo cáo của các tỉnh, thành phố và đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Y tế, thời điểm dịch COVID-19 diễn ra, từ ngày 01.01.2021 - 30.6.2022, trên cả nước cho thấy có 9.680 nhân viên y tế xin thôi việc, bỏ việc. Nguyên nhân được Bộ Y tế đưa ra là áp lực công việc, thu nhập, áp lực về việc thiếu điều kiện, cơ sở vật chất để thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, áp lực của xã hội, gia đình và người thân. |
“Chúng tôi tha thiết đề nghị các cấp có thẩm quyền sớm hiện thực hóa đề xuất này”
Bộ Y tế đang dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định một số chế độ phụ cấp đặc thù đối với công chức, viên chức, người lao động trong các cơ sở y tế công lập và chế độ phụ cấp chống dịch.
Bộ Y tế cho biết, hiện nay, các mức phụ cấp: phụ cấp thường trực, phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật, phụ cấp chống dịch và mức hỗ trợ tiền ăn đối với các đối tượng được áp dụng tại Quyết định số 73/2011/QĐ-TTg ngày 28.12.2011 của Thủ tướng Chính phủ là quá thấp và không còn phù hợp với tình hình kinh tế, đời sống hiện nay.
Cụ thể, vào đầu năm 2012, khi Quyết định 73/2011 có hiệu lực, mức lương cơ sở là 830.000 đồng/tháng. Trong hơn 12 năm qua, mức lương cơ sở được điều chỉnh 8 lần, hiện đang ở mức 2.340.000 đồng/tháng (tăng 182%). Tuy nhiên, các chế độ phụ cấp liên quan đến phẫu thuật, thủ thuật, tiền trực và tiền ăn vẫn chưa được điều chỉnh tương ứng.
Do đó, Bộ Y tế dự tính mức phụ cấp trực và mức hỗ trợ như sau:
Đồng chí Phạm Thanh Bình - Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam nhấn mạnh sự ủng hộ mạnh mẽ từ phía công đoàn đối với đề xuất này: “Chúng tôi đã đề xuất tăng phụ cấp cho nhân viên y tế suốt nhiều năm qua và tha thiết đề nghị các cấp có thẩm quyền sớm hiện thực hóa đề xuất này”.
Công đoàn Y tế Việt Nam mong muốn rằng việc tăng phụ cấp sẽ giúp cải thiện đáng kể đời sống của nhân viên y tế, đồng thời là sự ghi nhận và khích lệ họ tiếp tục cống hiến cho công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, nhất là trong bối cảnh công việc của họ ngày càng đòi hỏi sự hy sinh và tận tâm.
Bác sĩ Nguyễn Thị Thảo cũng chia sẻ rằng, hiện nay chưa có quy định cụ thể về độ tuổi ngừng trực, ở những nơi thiếu nhân lực, những bác sĩ nhiều tuổi, có bệnh nền vẫn phải tham gia trực rất vất vả và ảnh hưởng tới sức khỏe. “Vì thế, mọi đề xuất tăng phụ cấp, dù là nhỏ, đều rất đáng trân trọng”, bác sĩ Thảo kỳ vọng.
Tương tự, điều dưỡng Hoàng Thị Ánh Tuyết cũng bày tỏ: “So với chi phí sinh hoạt hiện nay, chế độ phụ cấp đặc thù đối với công chức, viên chức, người lao động trong các cơ sở y tế công lập khá thấp. Nếu đề xuất được thông qua, đời sống của nhân viên y tế chắc chắn sẽ được cải thiện đáng kể và tôi rất mong điều này sớm trở thành hiện thực”.
Sự đồng lòng và mong mỏi từ cả cán bộ y tế và công đoàn cho thấy tính cấp thiết của đề xuất tăng phụ cấp này. Với mức sống ngày càng cao và áp lực công việc ngày càng lớn, các cán bộ y tế hy vọng rằng đề xuất sẽ được các cơ quan chức năng xem xét và thông qua trong thời gian sớm nhất, giúp cải thiện đời sống của những người đang tận tụy với sự nghiệp chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
Video: Chia sẻ của điều dưỡng Hoàng Thị Ánh Tuyết.
Bộ Y tế đề xuất điều chỉnh đối tượng tham gia bảo hiểm y tế gồm những ai? Bộ Y tế đang đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT). Theo đó, ... |
Đề nghị tăng mức tiền trực và tiền ăn cho nhân viên y tế Đây là một trong những nội dung mà đoàn viên, người lao động ngành Y tế tỉnh Lâm Đồng gửi đến đại biểu Quốc hội ... |
Trang bị kiến thức và kỹ năng cho cán bộ trạm y tế để sẵn sàng ứng phó dịch bệnh Trạm y tế, với vai trò là cơ sở y tế gần gũi nhất với cộng đồng, đóng vai trò chủ chốt trong công tác ... |