Bài 8: Tiếp thêm nguồn lực và niềm tin lớn cùng vượt qua đại dịch Covid-19
Người lao động - 22/06/2023 10:03 ĐOÀN LÂM
Đồng chí Lê Ngọc Phúc, Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ tỉnh Lâm Đồng trao hỗ trợ NLĐ bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Ảnh: Đỗ Thiệm |
Tiếp thêm nguồn lực – "Một miếng khi đói bằng một gói khi no"
Những tháng ngày ấy, chắc hẳn nhiều người trong chúng ta sẽ không bao giờ quên được, đó là những khó khăn khi lao động trong điều kiện phải tuân thủ biện pháp phòng, chống dịch bệnh: khẩu trang, kính chống giọt bắn, khoảng cách, bao tay và quần áo nilon… Những khó khăn trong sinh hoạt của Nhân dân ở những vùng phải áp dụng Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 của Chính phủ, không có việc làm, không thu nhập, thiếu lương thực, thực phẩm, các loại rau, củ, quả, ... Những từ ngữ trở nên quen thuộc và cũng trở thành “nỗi ám ảnh” của không ít người: “truy vết”, “khoanh vùng”, “dập dịch”, “cách ly”, cả những tiếng “hú còi ưu tiên” của xe cứu thương khi vận chuyển F0, F1…
Đối với người sử dụng lao động và NLĐ trong các doanh nghiệp thì càng không thể quên quãng thời gian khá dài hoạt động sản xuất, kinh doanh gắn với những nguyên tắc “1 cung đường, 2 điểm đến”, “sản xuất 3 tại chỗ”, “Tổ an toàn Covid-19”, “Vùng xanh doanh nghiệp”…; sự hỗ trợ kịp thời từ những nghị quyết, quyết định của Trung ương, của địa phương, của Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam, của các cấp công đoàn, luôn đồng hành cùng doanh nghiệp và NLĐ vượt qua giai đoạn khó khăn ngày đó.
Anh Nguyễn Hương Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Merkava Việt Nam (Khu công nghiệp Lộc Sơn, thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng) nhớ lại, thời điểm bùng phát dịch bệnh lần thứ 4 đơn vị này có gần 1 ngàn NLĐ. Trong lúc Nhà nước và Nhân dân tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, Công ty đã tập trung mọi nguồn lực duy trì “sản xuất 3 tại chỗ”, ổn định việc làm và tiền công, tiền lương cho NLĐ. Nhưng rồi nguồn vốn cũng vơi dần, bởi sản phẩm hàng hóa sản xuất ra chưa thể xuất khẩu được để có vốn xoay vòng.
“Nhà nước đã nhìn nhận đúng, thấu hiểu khó khăn của doanh nghiệp và NLĐ khi Chính phủ kịp thời ban hành Quyết định 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Đúng thời điểm nguồn vốn cạn kiện tưởng chừng phải tạm ngưng sản xuất, chúng tôi được Ngân hàng Chính sách xã hội giải quyết cho vay hơn 6 tỷ đồng với mức lãi suất “0 đồng”.
Với số tiền này, chúng tôi trả lương cho NLĐ trong 3 tháng để duy trì, phục hồi sản xuất. Cũng nhờ vậy mà chúng tôi “giữ chân” được NLĐ, cùng vượt qua đại dịch Covid-19”, anh Nguyễn Hương Sơn chia sẻ.
Đồng chí Hoàng Liên, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Lâm Đồng (thứ hai bên phải) trao hỗ trợ NLĐ bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Ảnh: Đỗ Thiệm |
Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Lâm Đồng Đậu Tú Lan thì cho biết, những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và NLĐ gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết 68/2021NQ-CP ngày 01/7/2021 và Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg ngày 01/10/2021 của Chính phủ là rất kịp thời, thiết thực, thể hiện tính nhân văn sâu sắc; nhà nước chia sẻ khó khăn, đồng hành cùng doanh nghiệp và NLĐ.
Cũng theo đồng chí Đậu Tú Lan, thời điểm đó, để chính sách của Đảng, Nhà nước sớm đi vào cuộc sống, đảm bảo việc hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, đúng chính sách, đơn vị này phân công cán bộ, viên chức rà soát, hướng dẫn từng đơn vị sử dụng lao động đủ điều kiện thụ hưởng chính sách. Đồng thời động viên công cán bộ, viên chức khắc phục khó khăn, vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa đảm bảo quy trình, thủ tục xác nhận thông suốt, thuận lợi nhất để doanh nghiệp được hưởng các chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
“Là những người trực tiếp giải quyết hồ sơ, thủ tục để thực thi chính sách hỗ trợ của Chính phủ, chúng tôi được các chủ doanh nghiệp bày tỏ sự đồng thuận, chia sẻ cảm xúc trân quý khi đón nhận sự hỗ trợ này. Họ đều cho rằng, tuy số tiền mỗi doanh nghiệp được hỗ trợ từ những chính sách này không lớn, nhưng đó là sự san sẻ bớt gánh nặng cho doanh nghiệp để cùng vượt qua khó khăn trong đại dịch - “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”’, đồng chí Đậu Tú Lan bày tỏ.
Đồng chí Phạm Văn Được, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Lâm Đồng trao hỗ trợ NLĐ bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 trong dịp Tết Nguyên đán. Ảnh: Đỗ Thiệm |
Niềm tin lớn – cùng vượt qua đại dịch Covid-19
Còn nhớ trong đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 (từ ngày 27/4/2021) đã có biết bao doanh nghiệp phải ngừng sản xuất để phòng chống dịch; biết bao NLĐ bị ngừng việc, mất việc làm và cũng có biết bao NLĐ là bệnh nhân Covid-19 (F0), bao nhiêu người phải cách ly y tế (F1, F2). Những chính sách hỗ trợ của nhà nước và tổ chức Công đoàn đã kịp thời chia sẻ, động viên NLĐ và người sử dụng lao động cùng vượt qua đại dịch.
Chị Lê Thị Mai, Công ty TNHH Đà Lạt Hasfarm kể lại, khi ấy chị đang làm Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty; trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4, nhiều NLĐ phải thực hiện biện pháp cách ly y tế ngay tại nơi làm việc; công đoàn và lãnh đạo công ty cùng phối hợp chăm lo bữa ăn cho NLĐ trong điều kiện đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh.
Từ Quyết định số 2606/QĐ-TLĐ ngày 19/5/2021 của Tổng LĐLĐ Việt Nam về chi hỗ trợ khẩn cấp cho đoàn viên, NLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4, đơn vị này đã được LĐLĐ tỉnh hỗ trợ cho bữa ăn của NLĐ cách ly y tế tại nơi làm việc.
“Chúng tôi rất vui mừng và cảm động vì được hỗ trợ kịp thời. Đây cũng là sự động viên lớn, giúp chúng tôi cùng vượt qua giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng của dịch bênh Covid-19 lúc bấy giờ”, chị Lê Thị Mai xúc động nhớ lại.
Chị Lê Nguyễn Quỳnh Tiên, Chi nhánh Công ty TNHH May mặc First Team Việt Nam (Khu công nghiệp Lộc Sơn, thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng) thì phấn khởi khi kể lại rằng, trong đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ 4, chị và nhiều NLĐ phải tạm hoãn hợp đồng lao động; do phải nghỉ việc không hưởng lương hơn 1 tháng nên NLĐ ở đây đã được Công ty làm thủ tục đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ 3.710.000 đồng/người.
“Những NLĐ đang mang thai được hỗ trợ thêm 1.000.000 đồng/người; NLĐ đang nuôi con đẻ hoặc con nuôi hoặc chăm sóc thay thế trẻ em chưa đủ 06 tuổi thì được hỗ trợ thêm 1.000.000 đồng/trẻ em chưa đủ 06 tuổi. Chúng tôi rất mừng vì được hỗ trợ kịp thời đúng lúc khó khăn nhất”, chị Lê Nguyễn Quỳnh Tiên chia sẻ.
Cùng làm việc tại Chi nhánh Công ty TNHH May mặc First Team Việt Nam, chị Nguyễn Thị Thùy kể lại: “Ngày ấy, tôi và một số NLĐ ở Công ty phải cách ly y tế tập trung do tiếp xúc gần với ca lây nhiễm Covid-19 (F0) không thể đến công ty làm việc nên không có thu nhập. Công đoàn cơ sở Công ty đã đề nghị LĐLĐ tỉnh hỗ trợ chúng tôi theo Quyết định số 2606/QĐ-TLĐ ngày 19/5/2021 của Tổng LĐLĐ Việt Nam. Mỗi người được nhận hỗ trợ 1.500.000 đồng, chúng tôi ai cũng cảm động vì được sự quan tâm kịp thời của Công đoàn trong dịch bệnh, khó khăn”.
Đồng chí Phạm Thị Lệ Dung, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Lâm Đồng tham gia hiến máu tình nguyện cứu người trong đại dịch Covid-19 do Công đoàn tổ chức. Ảnh: Đỗ Thiệm |
Là người chịu mất mát, đau thương lớn khi vợ bị tử vong do dịch Covid-19, phải nuôi 2 con nhỏ, anh Trương Ngọc Thái Dương, nhân viên bán hàng của Công ty TNHH Tân Lâm Hân (thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) nghẹn ngào khi được Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Lâm Đồng đến tận nhà động viên, chia sẻ và trao tặng 2 “Sổ tiết kiệm Công đoàn Việt Nam” theo Quyết định số 3345/QĐ-TLĐ ngày 11/10/2021 của Tổng LĐLĐ Việt Nam, mỗi sổ trị giá 10 triệu đồng.
“Là người bị mất mát lớn do đại dịch, nhưng chúng tôi thật may mắn khi được nhà nước, tổ chức Công đoàn, chính quyền địa phương và cộng đồng hỗ trợ kịp thời; giúp chúng tôi có niềm tin lớn để cùng vượt qua đại dịch Covid-19”, anh Trương Ngọc Thái Dương xúc động nói.
Còn Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Lâm Đồng Phạm Thị Lệ Dung thì nhận định: “Công tác phòng, chống đại dịch Covid-19 ở nước ta đã đạt được những thành tựu lớn; sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp đã được phục hồi; việc làm, đời sống của NLĐ đã cơ bản ổn định; những chính sách hỗ trợ của nhà nước, của tổ chức Công đoàn đối với người sử dụng lao động và NLĐ cũng tạm dừng lại; nhưng ý nghĩa nhân văn từ những chính sách này sẽ còn mãi trong ký ức của đoàn viên, NLĐ, người sử dụng lao động và Nhân dân.
Bởi đây không chỉ đơn thuần là giá trị về vật chất, tiếp thêm nguồn lực để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp hay hỗ trợ NLĐ khi giảm thu nhập do ảnh hưởng của dịch bệnh; hơn thế những chính sách hỗ trợ này có giá trị tinh thần to lớn, kịp thời động viên, tạo niềm tin lớn để cùng vượt qua đại dịch Covid-19”.
Tin cùng chuyên mục
Người lao động - 04/09/2024 18:05
Trước đề xuất bổ sung ngày nghỉ lễ Quốc khánh đến hết 5/9, hoặc nghỉ thêm ngày 5/9 để người lao động có thể đưa con đến trường khai giảng, nhiều luồng ý kiến trái chiều đã được đưa ra.
Người lao động - 02/09/2024 14:25
Kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2/9, tại các nhà máy, trên những công trường xây dựng, hàng ngàn kỹ sư, công nhân vẫn miệt mài làm việc.
Đời sống - 01/09/2024 16:15
Với AHLĐ, NGND, GS.TS Võ Tòng Xuân, Ngày Quốc khánh (2/9) có dấu ấn đặc biệt. Bởi ngày này vào năm 1980, ông đã lội ngược dòng từ “vực sâu” vươn lên “đỉnh cao”…
Người lao động - 29/08/2024 10:39
Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Cao Bằng nhanh chóng xây dựng, hoàn thiện đề án xây mới, sửa nhà công vụ cho đoàn viên trên địa bàn; bên cạnh đó, Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam đã hỗ trợ 3 tỷ đồng xây nhà công vụ cho giáo viên, hiện các công trình đã sắp hoàn thành, đưa vào sử dụng.
Đời sống - 26/08/2024 15:38
Theo lịch nghỉ lễ năm 2024, cán bộ, công chức, viên chức, và người lao động sẽ được nghỉ lễ Quốc khánh từ ngày 31/8 đến hết ngày 3/9.
Người lao động - 24/08/2024 08:25
8 cặp đôi trong lễ cưới tập thể đầu tiên dành cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn ở Cần Thơ vừa được tổ chức khiến nhiều người xúc động. Ở đấy người ta chứng kiến có cả cặp đôi mà chủ rể lẫn cô dâu đã ở tuổi nghỉ hưu nhưng lần đầu tiên làm đám cưới...