Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Ân: “Sẽ tiếp tục lan tỏa, nhân rộng mô hình trường học hạnh phúc”
Công đoàn - 05/09/2024 15:51 YẾN NHI
Trong không khí ngày lễ khai giảng năm học mới của thầy và trò khắp cả nước, TS Nguyễn Ngọc Ân – Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam vẫn xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong năm học này là hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn trong lao động nghề nghiệp bằng việc thúc đẩy, lan tỏa và nhân rộng mô hình trường học hạnh phúc.
Tâm thế sẵn sàng cho năm học mới
TS Nguyễn Ngọc Ân cho rằng, giáo viên, những người lao động trong ngành Giáo dục đang trong một tâm thế rất sẵn sàng cho năm học mới với quyết tâm làm nghề tốt hơn và mong muốn đóng góp nhiều nhất có thể cho sự nghiệp giáo dục.
Khai giảng tại Trường Tiểu học Lê Văn Tám, TP Đà Nẵng. Ảnh: Nguyễn Luận |
Theo Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam, việc đầu tiên các công đoàn nhà trường cần làm tốt đó là phải giúp giáo viên nắm vững chủ trương của Đảng, Nhà nước tới ngành Giáo dục mà cụ thể là tới giáo viên.
“Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị về thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo mới ban hành tháng 8/2024 khẳng định sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04/1/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, giáo dục và đào tạo nước ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Bộ Chính trị yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong Nghị quyết 29-NQ/TW, Nghị quyết Đại hội XIII và các nghị quyết khác của Đảng về giáo dục và đào tạo”, TS Nguyễn Ngọc Ân nhấn mạnh.
Thủ lĩnh Việt Nam cho rằng, tất cả giáo viên và người lao động trong ngành Giáo dục phải xác định con đường đi của ngành đang có những thành công và nhiệm vụ tiếp theo của mình là yên tâm, vững vàng trong công việc để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ đổi mới trong thời gian tới.
Khai giảng tại Trường Tiểu học Tứ Hiệp, xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội. Ảnh: ĐVCC |
Bên cạnh đó, công đoàn trong ngành cũng cần phải quán triệt và chia sẻ thông tin sâu rộng với người lao động và giáo viên cả nước rằng lương và bậc lương của nhà giáo sẽ là xếp thứ hạng cao nhất trong thang bảng lương của hành chính sự nghiệp; tiếp tục duy trì chế độ phụ cấp phù hợp theo quy định.
“Đây là những thông tin hết sức quan trọng để đầu năm học mới và cả trong năm học 2024-2025, cán bộ nhà giáo thông thoáng về mặt tư tưởng, vững tin vào sự nghiệp, yên tâm với sự quan tâm, chăm lo của Đảng và Nhà nước với mình”, TS Nguyễn Ngọc Ân nhấn mạnh.
Để đạt được mục tiêu chủ đề của năm học 2024-2025 là đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng, đoàn kết kỷ cương, theo TS Nguyễn Ngọc Ân, ngành Giáo dục phải “can thiệp” để các cấp chính quyến thấu hiểu giáo viên. Từ đó, giáo viên nhận được sự quan tâm, hỗ trợ, chia sẻ và cả sự cảm thông từ cộng đồng xã hội và các bậc phụ huynh.
“Ngành Giáo dục phải quan tâm đến những khó khăn từ nhiều chiều của giáo viên bởi vì họ là thành tố quyết định sự thành công của bất kể sự đổi mới nào của ngành. Chương trình học thay đổi, sách giáo khoa thay đổi, chỉ đạo có ban hành nhiều nhưng các nhà quản lý không đưa cho họ những công cụ để đối mặt với những khó khăn của đổi mới thì rất khó thành công”, TS Nguyễn Ngọc Ân khẳng định.
Thay đổi vì một trường học hạnh phúc
Dự báo năm học này sẽ đối mặt với những khó khăn của giai đoạn cuối đổi mới giáo dục phổ thông năm 2018, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đề nghị công đoàn các nhà trường sẽ có những giải pháp cụ thể tháo gỡ những khó khăn trong lao động nghề nghiệp; coi đây là phương pháp tốt nhất để giáo viên có thể cống hiến hết mình cho sự nghiệp giáo dục, thực hiện theo đúng mong muốn của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong bức thư gửi ngành Giáo dục đầu năm học mới 2024-2025.
Theo TS Nguyễn Ngọc Ân, trong quá trình làm nghề, chỉ có tình yêu thôi là chưa đủ mà phải có sự thấu hiểu về nghề, đặc biệt là khả năng đối mặt với những thách thức từ chủ quan đến khách quan.
“Năm nay Công đoàn Giáo dục Việt Nam vẫn tiếp tục thúc đẩy lan tỏa và nhân rộng mô hình trường học hạnh phúc. Chủ điểm của năm nay có thể là “hiệu trưởng thay đổi”, TS Nguyễn Ngọc Ân chia sẻ.
Theo TS Nguyễn Ngọc Ân, trường học hạnh phúc hướng tới việc hình thành các giá trị cốt lõi là yêu thương, an toàn và tôn trọng. Trong đó, mỗi thành viên từ cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh được nói lên suy nghĩ, có điều kiện đổi mới sáng tạo, phát huy hết các năng lực cá nhân.
TS Nguyễn Ngọc Ân, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam cho biết, sẽ tiếp tục lan tỏa, nhân rộng mô hình trường học hạnh phúc trong giai đoạn tới. Ảnh: Văn Quân |
Ở môi trường này, từng thành viên đều cảm thấy mỗi ngày đến trường là một ngày vui, trường học như gia đình. Để làm được điều này, bản thân mỗi nhà trường, giáo viên và lãnh đạo quản lý đều phải thay đổi để tạo môi trường giáo dục khiến học sinh hạnh phúc.
“Khi thực hiện trường học hạnh phúc, giáo viên sẽ có những phương pháp biết tự mình vượt qua những khó khăn, biết mang lại những cảm xúc tích cực cho mình để ứng phó với những tình huống sư phạm ngày càng khó khăn, ngày càng phức tạp. Và từ đó họ cảm thấy hạnh phúc. Khi giáo viên hạnh phúc, họ muốn đến trường, muốn được khẳng định giá trị của bản thân, họ làm tốt công việc của mình kéo theo đó là nhà trường có kết quả cao, các em học sinh hạnh phúc”, TS Nguyễn Ngọc Ân nêu lý do về tầm quan trọng của việc lan tỏa, nhân rộng trường học hạnh phúc.
Từ những thành công rõ nét của chương trình trường học hạnh phúc mà Công đoàn Giáo dục Việt Nam và Bộ Giáo dục và Đào tạo đang triển khai, TS Nguyễn Ngọc Ân nhắn nhủ: “Giáo viên phải biết tự làm cho mình hạnh phúc, vượt qua khó khăn, vui vẻ với công việc, vui vẻ với cuộc sống thành công tự khắc sẽ đến trong năm học mới”.
Người lao động có cần nghỉ thêm ngày 5/9 để đưa con đến trường? Trước đề xuất bổ sung ngày nghỉ lễ Quốc khánh đến hết 5/9, hoặc nghỉ thêm ngày 5/9 để người lao động có thể đưa ... |
Những giáo viên kiên trì bám bản, “gieo" chữ giữa rừng xanh Điểm trường 179 - Trường Tiểu học Liêng Srônh, huyện Đam Rông (tỉnh Lâm Đồng) cách trường chính gần 60 cây số, nằm khép mình ... |
Tâm sự giáo viên ngày khai giảng: “Năm nào tôi cũng xúc động như lần đầu” Dù vừa mới bắt đầu sự nghiệp cầm phấn, hay đã gắn bó với nghề giáo qua nhiều thập kỷ, khai giảng năm nào cũng ... |
- Thừa Thiên Huế: Đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người lao động trước “siêu bão” Yagi
- Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Ân: “Sẽ tiếp tục lan tỏa, nhân rộng mô hình trường học hạnh phúc”
- Tâm sự giáo viên ngày khai giảng: “Năm nào tôi cũng xúc động như lần đầu”
- Cô tổng phụ trách Đội ở tuổi… bà ngoại của Trường THCS Mạc Đĩnh Chi
- Hơn 388.000 biển số ô tô đấu giá trực tuyến từ hôm nay 5/9