Ốc luộc, món ăn đường phố dân dã và vấn đề văn hóa
Đời sống - 21/09/2019 16:30 Hải Dương
Quán ốc luộc nổi tiếng trên phố Đinh Liệt, Hà Nội, món ăn dân dã ở đây thu hút rất đông thực khách, nhất là các bạn trẻ - Ảnh Kenh14.vn. |
Những ý tưởng gửi vào con ốc
Con ốc, vì nhỏ bé, lại thanh sạch; nó chỉ ăn rêu trên các mẩu gỗ mục, trong đá sỏi; trông nó lại tội nghiệp, lọ mọ, nên con người đã mượn nó để nêu bao triết lý.
Thanh niên nam nữ đến tuổi biết yêu, ai chả biết câu “Người ăn ốc người đổ vỏ” (nhưng nghĩa của nó còn rộng hơn nhiều). Những gia đình, tập thể chậm chạp, bạc nhược ứng với câu “Quân sên tướng ốc”. Những người không lo nổi thân mình, “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” (tù và thực chất cũng được làm từ vỏ ốc biển hoặc bằng sừng trâu), ôm đồm việc đâu đâu đã có câu “Ốc không mang nổi mình ốc, lại còn mang cọc cho rêu”; hay những ai “nghe hơi nồi chõ”, có ít xít ra nhiều được coi là kẻ “Ăn ốc nói mò”… Những câu nói như thế còn nhiều.
Con ốc, với cái vỏ đặc biệt của mình được con người mượn làm mẫu chế tạo ra đinh ốc, đai ốc. “Đường xoắn ốc” là một thuật ngữ được sử dụng rộng rãi trong khoa học, các lý thuyết phát triển tự nhiên, xã hội. Chưa hết, con ốc đi vào ca dao, dân ca, nghệ thuật, văn chương. Đã có câu chuyện tình diễm lệ về chàng hoàng tử náu mình trong vỏ ốc, giống như cô Tấm nép mình trong quả thị, hay như chàng hoàng tử nọ trong lốt Sọ Dừa. Tôi còn nhớ mãi chàng “Người cá” Ích - chi - an rúc lên tiếng tù và - vỏ ốc mỗi khi nhớ nàng Gút - ti - ê - giê xinh đẹp, hay để gọi con cá heo thông minh của chàng.
Con ốc tầm thường còn nắm giữ bí mật vĩ đại của tạo hóa và là một thách đố cho các nhà khoa học: Chiều của đường xoắn ốc. Vỏ mọi con ốc đều có đường xoắn theo chiều quay của trái đất, đi từ Đông sang Tây.
Cố tiến sĩ Nguyễn Phúc Giác Hải, người đã dành nhiều năm nghiên cứu đề tài “Mã số vũ trụ” và viết nhiều bài báo rất thú vị. Tôi nghĩ, có lẽ đã có một cơ chế tác động “vũ trụ” nào đó, theo một “mã số” nào đó, tạo nên mối liên hệ giữa chiều quay của trái đất và chiều của đường xoắn ốc.
Các bạn đi ăn ốc, hãy ngắm mỗi vỏ ốc trên tay. Mười con, trăm con, vạn con đều có chiều xoắn như thế. Ai may mắn nhặt được một vỏ ốc có chiều xoắn ngược lại, hẳn sẽ tạo một chấn động khoa học, hoặc cũng quý như trúng xổ số độc đắc hay nhặt được thỏi vàng có giá trị gấp đôi.
Ốc luộc là món ăn dân dã nhưng đòi hỏi chế biến khá cầu kỳ, nhất là đồ chấm - Ảnh Sapo. |
Đặc sản lên ngôi
Nước Việt Nam ta ở xứ nhiệt đới nóng ẩm mưa nhiều, sản vật phong phú, đất phì nhiêu. Thế nhưng, hàng ngàn năm lịch sử, người Việt lúc nào cũng phải đối phó với địch họa, thiên tai. Câu chuyện ăn, cái sự đói muôn đời ám ảnh. Mơ ước được ăn no, ăn thoải mái mà không lo hết đã thấm đẫm trong các câu chuyện cổ, trong văn học. Niêu cơm Thạch Sanh là một ví dụ, những trang viết của Nam Cao là một ví dụ khác.
Ông cha ta mơ được ăn, giản dị biết bao - đó không phải “gan trời” - chỉ là thịt, mà thịt lợn là đầu bảng. Còn những món dân dã lươn, cua, ốc, ếch chỉ là thứ rẻ tiền và dễ kiếm.
Những năm qua, kinh tế phát triển, sự ăn cơ bản được giải quyết. Lần đầu tiên trong lịch sử, người Việt không còn phải mơ ước được ăn no. Thịt lợn tuy chưa thật sẵn trong các gia đình nhưng không còn là hiếm. Thứ người ta thích bây giờ chính là những món dân dã rẻ tiền thuở nào, nay trở thành đặc sản. Và đặc sản chính thức lên ngôi.
Khắp nơi, những hàng quán mọc lên, bán đồ đặc sản. Song, những gì quý thường đắt. Không phải ai cũng dám ăn một chú ba ba, một con rắn hổ mang. Rồi “càn quét” mãi thì chẳng thể còn gì nhiều. Tháng ba, mưa rào đầu mùa, nhiều nơi không còn tiếng ếch kêu động trời nữa. Chim cò bị các tay súng hơi bắn hạ. Những lỗ lươn, mà ếch bị các tay bắt lươn móc nhẵn.
Nhiều nơi, tôi thấy người ta dùng vợt đi vợt cào cào về bán và rang uống rượu. Có loài chim, như quạ, đã từ lâu chẳng thấy tăm hơi. Trên các cánh đồng hiếm hoi mới nhìn thấy vài con đỉa. Và chúng cũng sắp tuyệt chủng rồi vì phân hóa học, thuốc sâu.
Cuối cùng, chỉ có ốc là rẻ và vẫn dễ tìm. Người ta chuộng ốc luộc là lẽ đương nhiên.
Từ dân dã trở thành đặc sản, nhìn bát ốc lộc này thật hấp dẫn - Ảnh vietq.vn |
Con ốc - hương vị quê nhà
Nhiều người vẫn nói, ông Tây, bà Tây nào ở Việt Nam biết ăn thịt chó mắm tôm thì hẳn là đã ở lâu và hiểu sâu sắc văn hóa Việt Nam. Thói quen ăn thịt chó giờ đang được người Việt vận động nhau từ bỏ. Tôi cũng chứng kiến không ít lần các anh Tây và các chị Tây sà vào hàng ốc luộc vỉa hè. Không biết các anh chị này qua thưởng thức món ốc luộc hiểu thêm gì về văn hóa Việt Nam ta?
Tôi từng có bạn đi học dài hạn ở nước ngoài, trước đây, thuở Internet chưa xuất hiện, thỉnh thoảng viết thư về nói những nỗi nhớ lang bang. Nhớ cây duối cổ thụ ngoài bãi soi, trưa hè nắng đám trẻ trâu vào trú. Nhớ buổi đi câu suýt lật thuyền. Và thể nào cũng nhớ về những đêm trăng đi mò ốc, những buổi tối luộc ốc. Tôi thành thật tin rằng, con ốc đã là một nét hành trang của người Việt mình dù đi khắp năm châu.
Ốc luộc trước hết được chị em ưa chuộng. Giờ có hẳn những hội nhóm trên zalo, facebook về sở trường ốc. Đến nỗi “buồn ăn ốc luộc, vui ăn ốc luộc, có người yêu ăn ốc luộc, chia tay người yêu ăn ốc luộc”; thậm chí “chẳng lý do gì cũng ốc luộc”. Bạn trai mới quen, nếu được bạn gái mời đi ăn ốc luộc nên lấy làm mừng như một tín hiệu lành. Còn quen trên mức sơ thì tín hiệu đã có thể nhiều hứa hẹn…
Ăn ốc luộc không đơn thuần chỉ là khêu và ăn. Món ăn dân dã này đòi hỏi sự nhuần nhị của nhiều yếu tố, trong đó có gai bưởi. Ảnh cookpad in. |
Nhưng tôi rất tiếc những người đi ăn ốc hôm nay thường dùng tăm, kim băng hoặc một mảnh tôn khêu. Lẽ ra phải dùng gai bưởi cơ! Gai bưởi, khêu một lúc hơi tướp vỏ ra, tỏa một mùi “hương thầm” rất dịu dàng. Mùi hương chân quê ấy với con ốc của đồng nội được luộc nóng, mùi lá sả, nước chấm có ớt, lá chanh và vài lát gừng, tất cả sẽ hòa quện, rất ý vị, rất đằm thắm, rất “quê hương”. Tôi tin nó cũng “quê hương” chẳng kém gì “chùm khế ngọt”.
Thế thì, ăn ốc luộc cũng là một nét đẹp chứ sao.
Tin cùng chuyên mục
Đời sống - 21/10/2024 18:14
Chủ trọ tổ chức thi văn nghệ sân khấu hóa cho công nhân nhập cư
Một nhóm chủ nhà trọ ở Vĩnh Phúc vừa tổ chức cuộc thi văn nghệ sân khấu hóa “Công nhân nhập cư sẵn sàng ứng phó dịch bệnh”, hôm 20/10.
Đời sống - 17/10/2024 05:47
Đà Nẵng giải bài toán khó về nhà ở cho công nhân nghèo
Trước nhu cầu lớn về nhà ở cho công nhân, TP. Đà Nẵng đã có nhiều chủ trương chính sách nhằm hỗ trợ để công nhân nghèo có một chỗ “an cư” để làm việc.
Đời sống - 16/10/2024 10:39
Đề xuất tăng phụ cấp trực: Tiếng lòng và kỳ vọng của nhân viên y tế
Bộ Y tế đề xuất tăng phụ cấp trực tại các cơ sở y tế công lập, tăng phụ cấp chống dịch - một chính sách được mong chờ từ lâu nhằm cải thiện đời sống của nhân viên y tế trên cả nước.
Đời sống - 14/10/2024 20:59
Niềm vui của những thầy cô “gieo mầm xanh” nơi vùng cao Bát Xát
Với các thầy, cô giáo Trường Tiểu học và Trung học cơ sở (TH&THCS) Tả Ngảo (huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai), hạnh phúc là khi thấy học trò đến lớp mỗi ngày và trở thành người có ích cho xã hội.
Đời sống - 07/10/2024 16:30
Thu nhập bình quân tháng của người lao động tăng 7,4%
Tính chung 9 tháng năm 2024, thu nhập bình quân của người lao động là 7,6 triệu đồng/tháng, tăng 7,4%, tương ứng tăng 519.000 đồng so với cùng kỳ năm trước.
Đời sống - 04/10/2024 16:31
Lao động trẻ có xu hướng thích “nhảy việc” và những rào cản
Nhiều người trẻ có xu hướng thay đổi công việc với những lý do như: thử sức môi trường mới, tìm chế độ tốt hơn,... Song, quá trình tìm kiếm công việc mới gặp nhiều rào cản do hầu hết các nhà tuyển dụng ngày càng đưa ra nhiều yêu cầu cho các ứng viên.
- Nữ cán bộ công đoàn hết mình vì sự nghiệp giáo dục của Trường Tiểu học Tam Hiệp
- Lâm Đồng: Biểu dương doanh nghiệp và người lao động tiêu biểu
- Chủ tịch Công đoàn hết mình vì người lao động nghèo, khó khăn
- Bị trầm cảm do áp lực công việc có được xem là bệnh nghề nghiệp?
- Nhiều doanh nghiệp tại KCN Vĩnh Phúc đồng hành cùng phong trào hiến máu tình nguyện