Làng Nủ - “địa chỉ đỏ” tình quân dân
Đời sống - 25/09/2024 12:45 Đại tá, nhà báo Nguyễn Mạnh Thắng
Câu chuyện Làng Nủ và bài học đối phó với cơn bão số 4 |
Thời chiến hay thời bình, tuy phương pháp, tác phong công tác, cách thức tổ chức lãnh đạo, chỉ huy không giống nhau nhưng nhiệt huyết và trái tim nóng bỏng vì nhân dân của mọi cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang nói chung, Quân đội nhân dân Việt Nam nói riêng không hề thay đổi.
Có giặc, họ cầm súng chiến đấu, sẵn sàng hy sinh vì độc lập, tự do, vì sự thống nhất và toàn vẹn của Tổ quốc. Trong chiến tranh đã từng có những “cuộc chia ly màu đỏ” giữa người ra chiến trường chiến đấu với người ở hậu phương đầy cảm xúc.
Đại tá Nguyễn Tiến Dũng, Phó Chính ủy Sư đoàn 316, Quân khu 2 bịn rịn trong giờ phút chia tay người dân Làng Nủ. Ảnh: Sư đoàn 316. |
Chắn hẳn nhiều người Việt đều khắc ghi trong tim hình ảnh nhân dân Campuchia bịn rịn chia tay quân tình nguyện Việt Nam trở về Tổ quốc sau 10 năm giúp đất nước này hồi sinh. Đó là những kỷ niệm lịch sử về đội quân nhà Phật mà chẳng quân đội nào trên thế giới ở thời hiện đại có được.
Hết giặc, những người lính lao vào xây dựng chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Họ rèn luyện, huấn luyện và diễn tập các phương án để có đủ khả năng bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.
Họ cũng luôn sẵn sàng cho các nhiệm vụ khắc phục sự cố thiên tai, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn. Vụ việc lũ quét ở núi Con Voi xóa sạch làng Nủ, khiến hàng chục hộ gia đình mất nhà và khoảng 70 người chết, mất tích là một điển hình cho tinh thần và quyết tâm ấy.
Xóa sạch Làng Nủ là điển hình cho sự tàn khốc của thiên tai và thời tiết cực đoan thời hiện tại đã là một nhẽ. Nhưng nó cũng là điển hình của tinh thần vì dân và mối quan hệ gắn bó máu thịt quân dân cá nước.
Trước hoàn cảnh “nước sôi lửa bỏng”, giao thông tê liệt, địa hình bị chia cắt ngập trong bùn đất, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ các đơn vị của Quân khu 2, Trường Trung cấp 24 Biên phòng, Bộ Chỉ huy quân sự và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lào Cai đã chạy bộ, cơ động đến hiện trường không chỉ động viên nhân dân mà còn giúp nhân dân tìm kiếm thi thể nạn nhân bị vùi lấp trong bùn đất.
Họ đã “ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương”, chạy đua với nắng mưa và nguy cơ lở đất rất cao, lội bùn nhão để rà từng centimet bùn đất, tìm kiếm các nạn nhân. Họ giúp nhân dân dựng nhà ở tạm và vệ sinh môi trường sau lũ.
Vào năm 2020, chúng ta đã từng chứng kiến sự nỗ lực hết mình của cán bộ, chiến sĩ các đơn vị Quân khu 5 cứu nạn trong vụ sạt lở đất ở động Ông Đề (xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, Quảng Nam) hay như vụ tìm kiếm các nạn nhân bị vùi lấp ở Thừa Thiên Huế mà không khỏi cảm phục.
Ở một đất nước “sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa”, thường xuyên đối mặt với thiên tai thì việc làm của họ thật ý nghĩa, không chỉ vun vén tình nghĩa đồng bào mà cao hơn đó là thực thi lời thề danh dự “vì nhân dân quên mình”.
80 năm ra đời, chiến đấu và trưởng thành, Quân đội nhân dân Việt Nam vẫn son sắt và trung thành tuyệt đối với lời thề vì nước, vì dân như thủa ban đầu. Đây là điều hiếm gặp trong lịch sử tổ chức lực lượng vũ trang và quân sự ở nhiều nước trên thế giới thời hiện đại.
Chiến sĩ Sư đoàn 316 chào bà con Làng Nủ để trở về đơn vị, kết thúc chuỗi 15 ngày tìm kiếm. Ảnh: Sư đoàn 316. |
Bởi họ “hiếu với dân” bằng trách nhiệm, tấm lòng thủy chung. Bởi họ không chỉ là con dân, từ nhân dân mà ra mà quan trọng hơn họ đứng trong tổ chức luôn đặt vận mệnh nhân dân lên hàng đầu với “kỷ luật sắt”. Chính vì thế nên mỗi hành động, việc làm của họ mới khiến “đi dân nhớ, ở dân thương”.
Thế nên không lạ người dân Làng Nủ và cấp ủy, chính quyền, nhân dân xã Phúc Khánh bịn rịn chia tay họ trong nước mắt và sự xúc động. Chính những biểu hiện thắm thiết thân tình ấy đã đưa người viết đến nhận định: Làng Nủ - “địa chỉ đỏ” tình quân dân.
Thật lòng mà nói, cả xã hội không mong có những “địa chỉ đỏ” như vậy. Bởi chúng ta ai cũng muốn sống trong bình an, hạnh phúc nhưng thiên tai, thời tiết cực đoan không muốn điều đó.
Chúng có thể gây ra thảm họa cho bất cứ ai, cho bất cứ địa phương nào. Muốn yên bình, hạnh phúc chỉ có cách sống chung với nó, phòng tránh nó và khi sự việc đã xảy ra thì phải khắc phục nó.
Dân ta có câu: “Qua cơn hoạn nạn mới hiểu lòng nhau”.
Vâng, qua thiên tai, qua hoạn nạn, mỗi người dân Việt càng thấu tỏ tấm lòng của Bộ đội Cụ Hồ. Làng Nủ chính là địa danh ghi lại hình ảnh cao đẹp ấy và cũng là biểu tượng cho mối quan hệ quân dân máu thịt cá nước bền chặt.
Làng Nủ sau thảm họa: Những dấu chân kiếm tìm Dưới cái nắng cháy da, cháy thịt, hay mưa như trút nước, các cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 98 (Sư đoàn 316, Quân khu ... |
"Lá chắn thép" của người Làng Nủ Nhiều năm sau này, khi nhắc về Làng Nủ, người ta sẽ nhắc về một bản làng xinh đẹp, nhưng không may phải hứng chịu ... |
Làng Nủ sau thảm họa: Hành trình sưởi ấm những trái tim Đồng bào ở trong và ngoài nước đang hướng về Làng Nủ, sẻ chia mất mát với những người còn sống... |