|
|
Đêm 13/9, từ vùng đất năm nào cũng “sống chung với lũ”, chị Đoàn Thị Hà, chủ nhiệm một bếp cơm tại Thành Cổ Quảng Trị, cùng đoàn xe, mang theo 25 tấn hàng tức tốc ngược ra Bắc. 4 xe tải và 2 ô tô con chất đầy những nhu yếu phẩm cần thiết, đồ ăn,... nối đuôi nhau lên Lào Cai. Riêng chị Hà được người dân Quảng Trị “ủy thác” gửi tấm lòng đến bà con Làng Nủ. Quãng đường dài gần 900 cây số chưa bao giờ “khó” đi hơn thế. Bốn lần xe gặp sự cố hỏng hóc, mỗi lần dừng nghỉ, cả đoàn gần 10 người chỉ chia nhau gói mì, quả trứng luộc và uống nước lọc “cầm hơi”. “Nói là thế, mệt nhưng cũng chẳng nuốt được. Cứ nghĩ đến cảnh bà con đang chịu những nỗi đau quá lớn, chúng tôi lại nhói lòng. Anh em chẳng ai bảo ai, ăn vội vàng để ra với mọi người cho sớm”, chị Hà xúc động kể. Dù đã từng chứng kiến thiên tai cướp đi tài sản, của cải và người ở nơi “tâm lũ” nhưng khi đặt những bước chân đầu tiên đến Làng Nủ, chị Hà vẫn không kìm được lòng. Khoảng sân rộng Nhà văn hóa thôn vốn là nơi sinh hoạt chung, cùng nhau hát, cùng nhau nhảy múa của người làng, giờ tấp nập những chiếc xe mang biển số khắp các tỉnh thành trên cả nước về đây. Bục bê tông thường ngày dùng làm sân khấu, giờ cũng là chỗ cho hàng chục chiếc quan tài xếp chồng. |
|
Trong nhà, những người còn sống sót, gắng gượng dậy để tiếp đoàn cứu trợ, có người đầu vẫn chít khăn tang. Thấy có khách đến, cả làng vẫn lịch sự đứng lên cúi chào. Chị Hà cẩn thận trao tiền mặt tới từng người, khẽ nắm chặt và vỗ nhẹ từng đôi bàn tay đang run lên bần bật trước khi rời đi. Chị nhớ lại: “Đôi bàn tay nhăn nheo có, đôi bàn tay lớn nhưng chai sần cũng có, thậm chí cả những đôi bàn tay nhỏ xíu cũng có. Đủ mọi lứa tuổi, nhưng đôi bàn tay nào cũng chứa đựng biết bao khổ đau”. Từng thùng mì, hộp sữa, quyển vở, cái bánh chưng... được huy động trong thời gian ngắn, do tận tay mỗi người dân Quảng Trị tập hợp tới, nhờ đoàn cứu trợ mang ra cho bà con Làng Nủ. Gấp rút, vội vàng, nhưng món đồ nào cũng gói ghém chỉn chu, sạch sẽ, chứa đựng hai chữ đồng bào. |
| |
Đáp lại tình cảm nồng hậu của người dân miền Trung, các cấp, ngành ở huyện Bảo Yên đã nhanh chóng lập tổ tình nguyện viên, dùng các xe ô tô bé chở hàng, để hỗ trợ vận chuyển đồ từ trung tâm huyện vào tới tận tay bà con. Dù ngồi xe hai ngày mới tới nơi, nhưng chị Hà với dáng người nhỏ bé vẫn nhiệt tình. Hỏi thăm, động viên bà con xong, chị còn ở lại để xem có “phụ thêm được mọi người việc gì không”. Đường lên Làng Nủ những ngày này khó đi. Ảnh hưởng của cơn bão số 3, lũ quét làm sạt lở những ngọn đồi dọc hai bên. Ngay cả đường bê tông, cũng nhiều chỗ đã bị khoét phân nửa. Nhiều đoạn đường đất đá đã phủ kín, chi chít những ổ voi, ổ gà, mà ai không quen đường cũng đều có thể bị sụt hoặc mắc kẹt. Qua ô cửa, đâu đâu cũng thấy những biển cảnh báo “đoạn đường cảnh báo nguy cơ sạt lở cao”. |
|
Thế nhưng trên những con đường đầy chông gai ấy vẫn liên tiếp những đoàn xe nối nhau, xe về xuôi nhường cho xe ngược bản. Người dân, anh em, hội nhóm từ Hà Nội, Hà Giang, Đà Nẵng, Ninh Thuận, Cần Thơ, TP Hồ Chí Minh,... đều chung một mục tiêu hướng về bà con vùng lũ. Gắn bó với làng hơn hai thập kỷ nhưng chưa bao giờ bà Hoàng Thị Cheng (61 tuổi) thấy nơi này có nhiều người đến thế. Lúc đầu khi được hỏi chuyện, bà vẫn ngần ngại, chỉ khẽ gật đầu cảm ơn chứ không dám nói gì hơn. Sau thấy sự nhiệt tình, gần gũi của “người Việt Nam mình”, bà cũng cởi lòng hơn. Bà Cheng tâm sự: “Nhiều người ở xa đến lắm, mà không phải ai cũng vào được trong này đâu. Ai đến cũng cũng ôm, nắm tay, thấy được quan tâm. Vì thế mà chúng tôi cũng nguôi ngoai phần nào, họ về rồi lại thấy trống trải”. Làng Nủ cũng là địa bàn tuyển sinh của Trường THPT số 1 Bảo Yên, vì thế, với nhiều thầy, cô giáo, trận lũ quét đã cướp đi sinh mệnh của các học trò mà họ yêu mến. Có giáo viên dù nhà bị ngập vẫn lội nước, ngược bản để kịp thời nắm bắt, động viên phụ huynh các em. Là những người đứng trên bục giảng, không kìm được lòng trước những mất mát đó, giáo viên các trường trên địa bàn các huyện không bị ảnh hưởng nhiều của bão lũ ở Lào Cai cũng đã có những chuyến xe đến các điểm trường, mang theo sách, vở, dụng cụ học tập và nhiều thực phẩm khác để động viên các học sinh tiếp tục theo đuổi con đường đến lớp. Chị Đoàn Thị Bình - Phó Chủ tịch CĐCS trường PTDT Nội trú, THCS, THPT huyện Mường Khương, xúc động: “Đồng nghiệp gặp nhau, chúng tôi chưa bao giờ nghĩ sẽ có lúc ở trong hoàn cảnh thế này. Chỉ biết động viên, bắt tay, dành cho nhau những cái ôm để có thể phần nào chia sẻ những khó khăn với các đồng chí, với các em học sinh mà thôi”. Là đơn vị nhận đỡ đầu, hỗ trợ xã Phúc Khánh nhiều năm qua, Ngân hàng Chính sách xã hội bên cạnh số tiền ủng hộ, đã có nhiều biện pháp cụ thể để đồng hành cùng bà con Làng Nủ trên hành trình làm lại phía trước. Ông Trần Duy Đông - Chủ tịch Công đoàn Ngân hàng Chính sách xã hội cho biết: “Đây là lần thứ hai chúng tôi quay lại Lào Cai và trực tiếp về với Làng Nủ. Thấu hiểu những khó khăn trước mắt của bà con, chúng tôi càng nhận thức rõ trách nhiệm của mình, sẽ tiếp tục tham mưu với các cấp để có biện pháp giãn nợ, cho vay, khắc phục rủi ro, giúp bà con yên tâm ổn định lại cuộc sống”. Giữa những ngày đau thương ở Làng Nủ, vẫn cứ thế sáng lên tình đồng bào, nghĩa dân tộc như thế. |
|
Từ hơn 1 giờ sáng ngày 9/9 đến nay, tại điểm tiếp nhận cứu trợ của huyện, lúc nào cũng tấp nập người, xe, có cả những xe container mang theo thuốc, áo phao, quần áo, rau,... tập kết để gửi cho những người đang chịu cảnh “màn trời chiếu đất”. Lực lượng phụ trách cũng thay phiên nhau túc trực, phân loại, điều phối hàng hóa và các nguồn lực cứu trợ từ khắp mọi miền Tổ quốc cho vùng lũ Làng Nủ và các địa phương khác trên địa bàn huyện bị ảnh hưởng, thiệt hại do hoàn lưu cơn bão số 3 gây nên. Ông Đoàn Xuân Hưng - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Bảo Yên đã cắm chốt ở đây suốt 2 tuần qua, tiếp đón gần 300 tổ chức, cơ quan, đoàn thể đến gửi chút ít cho bà con vùng lũ. Ai cũng muốn vào tận nơi, trao tận tay nhu yếu phẩm và dành những cái ôm ấm áp cho người dân Làng Nủ, nhưng giao thông hạn chế, tiềm ẩn nhiều rủi ro. "Trân trọng tình cảm của đồng bào cả nước, nhưng để đảm bảo an toàn cho mọi người, chúng tôi vẫn phải hạn chế phương tiện ra vào làng, rất mong được thông cảm”, ông Hưng chia sẻ. |
|
Thời gian đầu, Ban Vận động cứu trợ huyện Bảo Yên đã tận dụng cả những xuồng, bè để tiếp cận vùng lụt, thậm chí là dùng sức người, đi bộ vận chuyển đồ vào tận nơi cho bà con sớm nhất. Bởi có nhiều mặt hàng là thực phẩm tươi sống, đồ nấu chín, nên nếu đi chậm thì “phí công sức chuẩn bị của mọi người lắm”. Không chỉ các đoàn từ thiện cá nhân, nhiều cơ quan, đoàn thể, công đoàn các cấp cũng đã kịp thời đến gặp gỡ, thăm hỏi, động viên người dân nơi đây trước những mất mát đau buồn. Tính đến 18 giờ ngày 22/9, số tiền gửi về Ủy ban MTTQ huyện Bảo Yên để ủng hộ bà con chịu ảnh hưởng của bão lũ trên toàn huyện là hơn 13 tỷ đồng, cùng với đó là gần 120 tấn gạo và nhiều đồ dùng thiết yếu khác như: sữa, mì tôm, đèn pin, áo phao, nồi cơm,....
Ngày nào cũng có mặt ở nhà văn hóa thôn Làng Nủ từ sớm, ông Nguyễn Văn Nhất, Phó Chủ tịch UBND huyện Bảo Yên ân cần bắt tay, cúi đầu cảm ơn từng đoàn đến hỗ trợ. Trong câu trả lời về tình cảm của đồng bào cả nước, ông Nhất trải lòng: “Không chỉ các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đơn vị LLVT, người dân trong nước quan tâm, mà cả người Việt Nam ở nước ngoài, ai cũng hướng về Bảo Yên và Làng Nủ. Chúng tôi không biết làm gì để cảm ơn những tấm chân tình này cho phải. Nhưng bà con chịu nỗi đau quá lớn khi thiên tai bất ngờ và khốc liệt, tôi cũng mong được mọi người lượng thứ và chia sẻ nếu có gì chưa phải giữa lúc rối ren này”. Là vùng chịu thiệt hại nặng nề nhất, được quan tâm nhiều nhất, nhưng họ vẫn sợ có lúc “lỡ lời”, sợ phụ tấm lòng mà cả nước gửi gắm. Nhưng đó cũng là nguồn động lực để hàng triệu trái tim khác không quản ngại khó khăn tìm về đây, sưởi ấm những trái tim đầy vụn vỡ ấy. |
|
Chặng đường về với Làng Nủ xin được tạm khép lại bằng sự chân chất và tử tế dù đang trong lúc bĩ cực của bà con nơi này; bằng lòng nhiệt thành và tinh thần tương thân tương ái của người Việt Nam từ bao đời nay. Có vậy mới biết, thiên tai dù mạnh đến đâu, cũng chẳng thể nào tàn phá được sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, sức mạnh của hai tiếng “đồng bào”. |
Dựng xây lại Làng Nủ Theo thông tin mới nhất, Làng Nủ (Lào Cai) mới sẽ được xây cách làng cũ 3km với diện tích 5ha, dự kiến hoàn thành ... |
Làng Nủ sau thảm họa: Những dấu chân kiếm tìm Dưới cái nắng cháy da, cháy thịt, hay mưa như trút nước, các cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 98 (Sư đoàn 316, Quân khu ... |