Nợ bảo hiểm xã hội: Món nợ khó đòi?
Phóng sự điều tra - 06/04/2023 20:39 Ý YÊN
Sau “kịch bản” được cho “nghỉ chờ việc”
Ông Tạo khi ấy 52 tuổi, có gần 30 năm làm công nhân bọc vỏ xe tại Công ty CP Ô tô 1-5 (Hà Nội). Cũng như gần 100 đồng nghiệp khác, vào năm 2020, ông Tạo phải “nghỉ chờ việc” theo thông báo từ phía Công ty và không được gọi đi làm trở lại nữa.
Hồi còn làm việc ở Công ty, ông Tạo từng bị tai nạn giao thông chấn thương nặng, hỏng 1 mắt, tỷ lệ thương tật 71%. Theo luật, sau sinh nhật tuổi 52, ông sẽ đi giám định một lần nữa để làm thủ tục về hưu trước tuổi. Nhưng vì doanh nghiệp nợ BHXH, sổ BHXH không thể chốt, mọi thủ tục và quyền lợi đành “khóa” lại. Một tháng, hai tháng, ba tháng... cho đến cả năm trời, ông mòn mỏi chờ ngày được nhận sổ hưu, càng mong chờ, càng thất vọng!
Tại thời điểm chúng tôi phản ánh vụ việc (tháng 7/2021), Công ty CP Ô tô 1-5 nợ BHXH 14,9 tỷ đồng, gồm 8,1 tỷ nợ gốc và trên 6,8 tỷ nợ lãi. Ông Trần Thành Nam – Phó Tổng giám đốc Công ty phân trần rằng đây là khoản nợ được “kế thừa” từ năm 2014, khi Công ty còn 100% vốn nhà nước. Đại diện lãnh đạo doanh nghiệp tiếp tục viện dẫn lý do sau khi cổ phần hóa, hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty bị đình trệ, không tiêu thụ được sản phẩm dẫn đến mất cân đối tài chính, nợ lương, BHXH, không trả được nữa, số tiền nợ cứ cộng dồn lên.
Người lao động Công ty CP Tập đoàn Haprosimex yêu cầu được trả lương và chốt đóng BHXH sau nhiều năm bị mất quyền lợi - Ảnh: CNCC |
“Chúng tôi cũng đã cố gắng nhưng không biết làm cách nào” – ông tiếp tục phân trần cho hành vi vi phạm pháp luật của doanh nghiệp, mong muốn người lao động cảm thông và Tạp chí thì dừng tuyến bài.
Nhưng đó là một lời đề nghị không thể chấp nhận!
Ở góc khác của vụ việc, tại thời điểm ấy chúng tôi chứng kiến một nữ công nhân đang từng ngày, từng giờ vật lộn với những cơn đau do ung thư phổi. Chị bảo sức khoẻ giảm sút từ lâu, thỉnh thoảng bị ho nhưng vì Công ty nợ BHXH, không có BHYT, tiền nong lại eo hẹp nên cứ lần lữa chẳng đi khám bệnh. Cho đến khi ho ra máu, chị vay hàng xóm một triệu đồng để đi khám thì phát hiện cũng mắc căn bệnh quái ác giống như người chồng của mình – đã qua đời 5 năm trước.
Nhà nghèo, bệnh trọng, nhiều lần qua đơn từ, tin nhắn, chị cầu xin Công ty CP Ô tô 1-5 đóng BHXH để được chốt sổ, rồi lĩnh bảo hiểm một lần trang trải chi phí chữa trị song những lời cầu xin đều rơi vào thinh lặng bởi sự vô cảm của lãnh đạo doanh nghiệp. Cho đến khi chúng tôi viết bài báo phản ánh, đăng cả bức thư viết tay đẫm nước mắt của chị thì Công ty mới vội vàng chốt sổ BHXH.
Nhưng còn gần 100 công nhân bị “treo” quyền lợi, phải làm cách nào khi doanh nghiệp có vẻ như hết cửa chi trả nợ? “Thủ lĩnh” nhóm công nhân - người mạnh mẽ đấu tranh nhất, thời điểm ấy cũng tỏ ra e ngại rằng liệu họ có hy vọng? Chúng tôi động viên, tiếp tục đồng hành thông qua những tuyến bài, đồng thời hướng dẫn họ khởi kiện Công ty.
Kết quả, vài tháng sau Tổng giám đốc Công ty CP Ô tô 1-5 buộc phải ký thông báo chốt sổ BHXH cho tập thể công nhân, lộ trình theo từng nhóm, 6 người/đợt/tháng, công nhân tự bàn nhau sắp xếp thứ tự ưu tiên. Ông Tạo sau thời gian chờ đợi trong vô vọng, cuối cùng cũng được… về hưu. Và theo lộ trình đã vạch, đến tháng 7/2023, nhóm công nhân cuối cùng sẽ được chốt sổ BHXH.
Gần đây, vụ việc Công ty CP Tập đoàn Haprosimex nợ BHXH được báo chí Công đoàn, trong đó có Tạp chí Lao động và Công đoàn – phản ánh qua nhiều bài viết. Tình trạng nợ BHXH của Công ty này diễn ra từ thời còn là công ty Nhà nước, đến khi cổ phần hóa rồi qua 2 lần đổi chủ vẫn không được khắc phục. Cũng giống “kịch bản” của Công ty CP Ô tô 1-5, người lao động buộc phải “nghỉ chờ việc” và mãi không được gọi đi làm trở lại nữa. Quyền lợi bị “treo” nhiều năm liền. Đến nỗi, một người đàn ông thở dài nói rằng mình đã thôi hy vọng, xác định mất trắng chế độ tử tuất, mai táng phí của vợ - người đã qua đời hơn chục năm trước. Nhưng, sau phản ánh mạnh mẽ của báo chí, Công ty đã nộp hơn 10 tỷ đồng cho cơ quan BHXH; 137 người lao động được chốt, bàn giao sổ BHXH sau nhiều năm chờ đợi; các trường hợp tử tuất, ốm đau, thai sản... đã được giải quyết.
Có phải doanh nghiệp nào cũng khó khăn?
Hai vụ việc trên cho thấy một thực tế, nếu các cơ quan báo chí không phản ánh, đồng hành thì biết bao giờ ông Tạo mới được... về hưu? Hàng trăm công nhân lao động biết bao giờ mới được chốt sổ và được hưởng quyền lợi? Và thực tế có phải doanh nghiệp nào cũng khó khăn?
BHXH Việt Nam từng phản ánh, bên cạnh những đơn vị, doanh nghiệp khó khăn, không thể đóng, hoặc chỉ khắc phục được một phần nợ BHXH, thì cũng có những doanh nghiệp không thực sự khó khăn, khi nhận được kế hoạch thanh, kiểm tra của cơ quan BHXH đã nộp ngay số nợ BHXH trước khi có đoàn thanh tra xuống.
Câu hỏi đặt ra, thực sự có phải doanh nghiệp nào cũng khó khăn? Chúng ta không loại trừ khả năng nhiều doanh nghiệp lấy lý do khó khăn để trì hoãn, chậm trễ việc trả nợ BHXH. Về vấn đề này, các đoàn thanh tra chuyên ngành đóng BHXH với những số liệu, báo cáo cụ thể chắc chắn sẽ rõ.
Xét cho cùng, đối với các doanh nghiệp nợ BHXH, việc nộp phạt hành chính vì hành vi chậm đóng tiền BHXH vẫn dễ dàng, có lợi hơn là trả nợ BHXH. Thậm chí có doanh nghiệp còn "chây ì" với quyết định xử phạt, còn cơ quan BHXH cũng chỉ dừng lại ở việc "liên tục đôn đốc, nhắc nhở" mà chẳng có chế tài nào mạnh hơn.
Cần những giải pháp căn cơ
Theo quan điểm của ông Nguyễn Duy Cường – Phó Vụ trưởng Vụ BHXH, Bộ LĐ-TB&XH, nếu thực hiện tất cả các biện pháp xử phạt đối với các đơn vị, doanh nghiệp nợ BHXH thì không phải là nhẹ. Ông cho biết, khi doanh nghiệp có dấu hiệu chậm, trốn đóng BHXH, các đoàn thanh, kiểm tra sẽ xử lý vi phạm hành chính; ngoài ra có hình thức phạt bổ sung. Bên cạnh đó, tính lãi chậm đóng theo lãi suất đầu tư quỹ. Chưa kể doanh nghiệp còn đối mặt với việc khởi kiện, xử lý hình sự.
“Nói chưa đủ sức răn đe thì có vẻ không được thích đáng lắm! Vấn đề là chúng ta đã thực hiện nghiêm tất cả các quy định đó chưa? Vì nhiều địa phương phản ánh, doanh nghiệp vẫn nộp số tiền phạt hành chính nhưng việc khắc phục thu hồi số tiền chậm đóng; tính lãi theo quy định thì lại chưa được thực hiện được”, ông Cường nói, cho biết thêm Luật BHXH giao trách nhiệm tổ chức thu BHXH cho cơ quan BHXH, do đó, trách nhiệm trước tiên thuộc về của người sử dụng lao động và cơ quan BHXH. Bên cạnh đó cũng phải nói đến trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước ở các cấp và các tổ chức đại diện cho người lao động.
Theo Phó Vụ trưởng Vụ BHXH, Bộ LĐ-TB&XH, Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) dự kiến dành một chương, mục quy định về quản lý thu và đóng BHXH. Trong đó quy định các biện pháp, chế tài xử lý chậm đóng, trốn đóng BHXH như làm rõ khái niệm về trốn đóng BHXH để đồng bộ, thống nhất với quy định ở trong Bộ luật Hình sự về hành vi trốn đóng BHXH. Khi doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng BHXH, bên cạnh việc xử lý vi phạm hành chính, tính lãi chậm nộp bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền trốn đóng, còn áp dụng các biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn hay hoãn xuất nhập cảnh đối với các trường hợp cố tình không chấp hành.
Ngoài ra, Luật hiện hành đang giao cho tổ chức Công đoàn thực hiện việc khởi kiện doanh nghiệp ra tòa nhưng trong Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đã bổ sung trách nhiệm, thẩm quyền khởi kiện cho cơ quan BHXH. Đây có thể coi là những giải pháp căn cơ nhằm giảm thiểu tình trạng trốn, chậm đóng BHXH của các doanh nghiệp trong thời gian tới.
Cán bộ công đoàn đề xuất xử lý doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội Đại diện công đoàn nhiều địa phương nêu thực trạng các doanh nghiệp trốn, nợ đóng bảo hiểm xã hội khiến người lao động chịu ... |
Gia đình nữ công nhân Haprosimex nhận tiền tử tuất sau 11 năm chờ đợi BHXH huyện Gia Lâm đã chuyển 23.682.750 đồng, tiền tử tuất 1 lần và mai táng phí của chị Lê Thị Ngân - nữ công ... |
Đã chốt và bàn giao sổ BHXH cho 137 NLĐ Công ty Haprosimex Sáng 29/3, 137 người lao động (NLĐ) Công ty Cổ phần Tập đoàn Haprosimex (Công ty Haprosimex) đã được cán bộ Bảo hiểm xã hội ... |
Tin cùng chuyên mục
Phóng sự điều tra - 06/09/2024 15:09
Bài 8: Tư vấn sai lệch thông tin là “lừa dối trong giao dịch dân sự”
Trước thực trạng khách hàng mất tiền oan và nguy cơ hiện hữu hóa thành “con nợ” của ngân hàng từ những chiếc thẻ ngân hàng không sử dụng, thậm chí thiếu thông tin tư vấn minh bạch, nữ công nhân ở Hải Dương gánh khoản nợ hơn 7,5 triệu đồng từ chiếc thẻ tín dụng được tặng mà chị không sử dụng trong 9 năm, luật sư Lương Minh Tuấn, Công ty Luật TNHH Năng & Partner, đã có những chia sẻ với Tạp chí Lao động và Công đoàn. Cùng với đó đồng chí Hà Sỹ Đồng, Đại biểu Quốc hội (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị) cũng nêu lên một số ý kiến chung quanh vấn đề này.
Phóng sự điều tra - 04/09/2024 17:07
Bài 7: Cần hành lang pháp lý chung để quản lý thẻ ngân hàng “ngủ đông”
Đó là một trong những ý kiến của bà Nguyễn Hồng Thanh, Trưởng Tiểu ban Chính sách của Chi hội Thẻ ngân hàng Việt Nam (Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam) về quy trình quản lý, phát hành thẻ ngân hàng của các ngân hàng thương mại hiện nay. Quan điểm này cũng được đại diện Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) nêu lên trong cuộc trao đổi với phóng viên Tạp chí Lao động và Công đoàn xung quanh vấn đề phát hành, quản lý, vận hành thẻ ngân hàng hiện nay.
Phóng sự điều tra - 03/09/2024 16:24
Từ vụ “thần dược” Lipixgo: Nhức nhối nạn thổi phồng công dụng thực phẩm chức năng, lừa người tiêu dùng
Bất chấp nỗ lực của các cơ quan quản lý và cảnh báo từ chuyên gia y tế, nhiều sản phẩm thực phẩm chức năng vẫn được quảng cáo với công dụng "thần kỳ", đánh lừa người tiêu dùng. Tình trạng này không chỉ làm tổn hại đến sức khỏe và tài chính của người dân mà còn làm mất uy tín của ngành thực phẩm chức năng.
Pháp luật lao động - 01/09/2024 07:31
Cảnh giác chiêu trò quảng cáo “thần dược” Lipixgo - Kỳ 3: Tội quảng cáo gian dối có thể bị xử lý hình sự
Luật sư Trần Tuấn Anh – Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch khẳng định rằng đường link quảng cáo sản phẩm Lipixgo đã vi phạm nhiều quy định pháp luật, không chỉ về quảng cáo. Trong trường hợp tổ chức, cá nhân bị lừa dối bởi quảng cáo sai sự thật, có quyền tố cáo hoặc yêu cầu bồi thường thiệt hại nếu có thiệt hại thực tế xảy ra bởi nguyên nhân quảng cáo sai sự thật.
Pháp luật lao động - 31/08/2024 08:42
Cảnh giác chiêu trò quảng cáo “thần dược” Lipixgo - Kỳ 2: Những cuộc gọi thúc giục chốt đơn
Đường link quảng cáo về loại “thuốc Lipixgo" lặng lẽ được lan truyền trên mạng xã hội, cho biết không thể tìm thấy sản phẩm này tại các hiệu thuốc. Cũng tại đây, người ta tạo một mẫu đơn hàng đặc biệt với chương trình ưu đãi tới 50% nhằm kích thích người mua.
Phóng sự điều tra - 30/08/2024 07:26
Cảnh giác chiêu trò quảng cáo “thần dược” Lipixgo - Kỳ 1: Bịa đặt thông tin, thổi phồng công dụng
Đường link “//mydb.mynature.site/...” đang bịa đặt ra một câu chuyện gây sốc liên quan tới bác sĩ Nguyễn Quang Tuấn (Tuấn “tim”) để quảng cáo cho sản phẩm Lipixgo – vốn là một thực phẩm chức năng nhưng được thổi phồng như “thần dược” làm sạch mạch, giúp “tránh 100% nhiều bệnh tật và cái chết đau đớn do mạch bị ô nhiễm gây ra…”.
- Mô hình “Công dân học tập” tại doanh nghiệp còn nhiều khó khăn
- Doanh nghiệp, người lao động Đà Nẵng hỗ trợ miền Bắc khắc phục hậu quả bão số 3
- Bình Phước: Thành lập chi bộ có 20 đảng viên tại doanh nghiệp FDI
- Làm thế nào để có nước sạch sinh hoạt sau lũ lụt?
- Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội trao hỗ trợ cho người lao động bị ảnh hưởng bởi bão lũ