Bài 4: Từ chủ thẻ thụ động đến “con nợ” tiềm tàng
Bài 4: Từ chủ thẻ thụ động đến “con nợ” tiềm tàng

Có một thực trạng phổ biến tồn tại bao năm qua của những chiếc thẻ ATM (cách gọi phổ biến về thẻ giao dịch, rút tiền tự động đối với thẻ ghi nợ nội địa – Debit Card) là chúng ra đời đại trà, hàng loạt trong các doanh nghiệp lớn, khu công nghiệp, khu chế xuất đông công nhân, người lao động.

Cụ thể các nhà phát hành thẻ phối hợp với các doanh nghiệp triển khai phát hành thẻ đồng loạt về cho công nhân, người lao động, theo lý lẽ thông thường nhất là để “đồng bộ” trong việc trả lương cho công nhân. Theo đó, ngân hàng làm việc với công ty, phát giấy đăng ký thỏa thuận mở tài khoản đồng loạt cho công nhân; phát hành - công nhân ký, nhận thẻ và sử dụng.

Tình trạng nói trên diễn ra bất chấp công nhân, người lao động đã có bao nhiêu thẻ của các ngân hàng khác. Hệ lụy là người lao động vốn chẳng giàu có gì, lại dư ra những chiếc thẻ ngân hàng và phải chịu thêm phí thường niên, thậm chí một số loại phí khác. Kiểu khai sinh “tập thể” này khiến biết bao công nhân mỗi lần nhảy việc là một lần dư thẻ, rồi trở thành những “con nợ” bất đắc dĩ.

Chia sẻ câu chuyện nói trên, Chị Vũ Thị Phương – công nhân Công ty TNHH SWCC Showa (KCN Bắc Thăng Long, Hà Nội) kể rằng đến nay chị có 4 cái thẻ ATM của Vietinbank (Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam), Vietcombank (Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam), Agribank (Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam) và Techcombank (Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam).

Bài 4: Từ chủ thẻ thụ động đến “con nợ” tiềm tàngCông nhân nhiệt tình tham gia cuộc khảo sát thực trạng dùng thẻ ATM trong công nhân, người lao động do Tạp chí Lao động và Công đoàn triển khai. Ảnh: T.C.C

“Năm tôi học lớp 12, lúc làm chứng minh nhân dân, nhà trường liên kết với ngân hàng Vietinbank để đăng ký mở thẻ rồi phát luôn cho bọn chúng tôi. Tôi nhớ là năm 2014, cái thẻ ấy màu bạc. Học xong rồi tôi đi làm, vào Công ty Panasonic thì được công ty mở thẻ Vietcombank; sau chuyển sang Công ty Hal thì được mở thẻ Agribank. Và đến khi vào Công ty Showa (2015) thì được mở thẻ Techcombank. Từ đó tôi không dùng các thẻ ATM kia nữa.”, chị Phương nói và cho biết hiện chị chỉ dùng thẻ ATM của Techcombank để nhận lương hằng tháng, 3 thẻ kia chị đã không dùng từ lâu.

Anh Phạm Quang K. (sinh năm 1987) - công nhân Young Tech Việt Nam (Hải Dương), cho biết thêm hiện nay anh dùng thẻ 5 ATM của Vietcombank, BIDV (Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam), MB, Agribank, Vietinbank, trong đó có 3 thẻ của MB (Ngân hàng Quân đội), Agribank và Vietinbank thường xuyên không sử dụng, 2 thẻ ít sử dụng.

“Khi làm thẻ ngân hàng thì công ty họ làm cho, rồi họ phát cho tờ giấy, chỉ việc ký nhận thẻ thôi. Vào công ty, tất cả các công ty người ta kê khai thông tin cá nhân mình, họ làm thẻ cho, và mình chỉ ký nhận thẻ thôi. Mình không trực tiếp làm. Mỗi lần chuyển công ty, thẻ ATM công ty cũ không dùng đến, cứ vứt đấy thôi. Khi làm thẻ, tôi không được tư vấn phí dịch vụ hàng tháng, vì tôi làm qua trung gian là nhà trường, hoặc công ty.”, anh K. nói.

Cùng cảnh ngộ, chị Nguyễn Thị Kiều Oanh, công nhân Công Ty TNHH Anh Ca Cao Việt Nam (Đà Nẵng) kể từ sinh viên đến khi đi làm chị có đến 5 chiếc thẻ ATM, trong đó hiện chỉ sử dụng 2 thẻ, 3 thẻ “bỏ không”. Sinh viên được làm thẻ Vietinbank, sau này đi làm các công ty thì làm TPBank, rồi BIDV (2 thẻ) và VietBank.

“Hồi trước làm cho Công ty Bà Nà Hill (Đà Nẵng) cùng với các công nhân của công ty thì tôi được làm và phát cho thẻ ATM của TPBank. Cách nay khoảng 4 năm tôi không dùng tài khoản này nữa. Khi ấy trong tài khoản còn khoảng 300 ngàn đồng. Tôi không dùng nhưng không hủy thẻ nên họ trừ dần phí (phí thường niên và phí SMS), hết tiền trong tài khoản không còn để trừ nữa thì họ khóa thẻ luôn. Ngoài ra, tôi cũng có một thẻ của BIDV, do mất mật khẩu nên tôi cũng đã ngừng sử dụng lâu rồi. Khi ngừng sử dụng tài khoản còn hơn 50 ngàn đồng sau đó bị trừ hết.

Bài 4: Từ chủ thẻ thụ động đến “con nợ” tiềm tàng

Tôi cũng có một thẻ ATM của Ngân hàng Vietbank (Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín) mở từ năm 2018, đến 2022 thì ngừng sử dụng. Do quên mật khẩu, cũng không đăng ký SMS, nên lâu nay không có thông tin gì. Các thẻ này tôi chưa có dịp kiểm tra nên không biết có bị trừ tiền, hay dư nợ gì không.”, chị Oanh nói. Nữ công nhân này chia sẻ thêm: “Việc không dùng thẻ nữa và chủ thẻ không liên hệ ngân hàng, hoặc không nhận được thông báo gì từ ngân hàng sau khi ngừng sử dụng thẻ một thời gian là tình trạng phổ biến của công nhân chúng tôi. Điều này cũng khiến việc trừ tiền hay dư nợ đều không được biết.”.

Đáng chú ý, chị Oanh cũng như nhiều công nhân khác khi được hỏi về thủ tục phát hành thẻ theo kiểu đại trà, đặc biệt là tư vấn cặn kẽ về các loại phí trong quá trình sử dụng hoặc sau khi ngưng sử dụng cho công nhân cùng công ty hay không? Câu trả lời tương tự là đại diện công ty, hoặc phía ngân hàng phát cho tờ giấy, biểu mẫu rồi công nhân điền vào, nhận thẻ sử dụng.

Liên quan thực trạng nói trên, chị Phạm Thị Na, công nhân phân xưởng sản xuất Mẫu, Công ty CP Đầu tư Thái Bình (Dĩ An, Bình Dương) kể: Chị sử dụng 2 thẻ ngân hàng của Vietcombank và Agribank, trong đó thẻ Agribank chị rất ít khi dùng đến, nhưng hàng tháng vẫn bị trừ 3 khoản phí dịch vụ. Cụ thể, phí quản lý tài khoản: 3.300đ; phí dịch vụ E-mobile Banking: 11.000đ và phí tin nhắn OTT DV E-Mobile Banking: 8.800đ.

Chị Hoàng Thị Lan, đồng nghiệp làm cùng phân xưởng với chị Na, kể thêm, chị cũng sử dụng 2 thẻ ngân hàng của Vietcombank và Agribank. Thẻ Agribank chị rất ít khi dùng đến, nhưng hàng tháng vẫn bị trừ 3 khoản phí dịch vụ: 3.300 đồng, 8.800 đồng và 11.000 đồng.

Cả Na, chị Lan khi đều cho biết khi mở tài khoản ngân hàng thì theo số đông của công ty, nên khi mở thẻ không được phía ngân hàng tư vấn trực tiếp về mức phí dịch vụ, phí quản lý thẻ hàng tháng, hoặc khi không dùng nữa thì nên phải làm sao cho đỡ mất phí, phát sinh dư nợ.

Bài 4: Từ chủ thẻ thụ động đến “con nợ” tiềm tàng

Trong cuộc khảo sát 500 công nhân, người lao động về thực trạng dùng thẻ ATM, nhất là việc có những chiếc thẻ (gắn với tài khoản cá nhân) không dùng vẫn mất phí mà chúng tôi đề cập ở bài trước, có thể nói mỗi dòng ghi vào phiếu khảo sát là mỗi nỗi niềm của công nhân lao động, trong đó có những ý kiến bất bình với cách ứng xử với nhà phát hành thẻ. Những ý kiến trên đây, mới chỉ là một số ít trong số rất đông người lao động - chủ thẻ ATM mà chúng tôi tiếp cận.

Không lo lắng, không bất bình sao được, khi mà đơn cử như trong cuộc khảo sát nhanh với 22 công nhân, người lao động tại một công ty có vốn FDI ở Khu công nghiệp ở huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế (trong số gần 1000 công nhân, người lao động ở công ty), thì đã có đến 19 người có từ 2 thẻ trở lên; 3 người có 3 thẻ, 2 người 4 thẻ và 1 người đến 5 thẻ ATM. Trong số này, phần lớn hiện họ chỉ dùng 1 thẻ để nhận lương và các khoản thu nhập khác, số còn lại coi như bỏ không, tất nhiên là mất phí “oan” khi thẻ không bị hủy. Hầu hết những công nhân này đều đề nghị “ngân hàng tự xóa thẻ tự động sau 12 tháng không sử dụng”. Nhưng nào có dễ.

Tham gia cuộc khảo sát nói trên, kỹ sư Trần Hữu Nhật Quang, công tác ở đơn vị nói trên, kể thêm rằng năm 2013 khi anh mới vào làm việc cho một công ty tại Huế, để nhận lương và các khoản thu nhập khác, anh cũng như hàng trăm cán bộ, công nhân, người lao động công ty này đều mở tài khoản và làm thẻ ATM của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank). Lần lượt sau đó, anh chuyển công ty, rồi có thêm 3 thẻ ATM khác, tổng cộng có 4 thẻ ATM của 3 ngân hàng. Trong số đó của Agribank có 2 tài khoản, một tài khoản hết hạn dùng nhưng anh không đi gia hạn lại thẻ (tài khoản vẫn hoạt động).

Đáng chú ý, cách đây vài tháng, có người chuyển nhầm vào tài khoản Agribank cũ của anh Quang một số tiền. Anh Quang ra trực tiếp Agribank để rút tiền mặt từ tài khoản cũ. Khi rút tiền, anh Quang được thông báo ngân hàng có trừ phí của anh mấy chục ngàn đồng. Anh Quang nộp khoản phí này, nhưng cho rằng cách làm này của ngân hàng là không thuyết phục. Anh Quang nói: “Tôi cho rằng khi mà tài khoản của chủ thẻ hết tiền, trong vòng 1 năm hay thời hạn nhất định được ngân hàng quy định mà không phát sinh giao dịch, thì tài khoản đó bị khóa, hủy, ngân hàng thu hồi. Còn nếu chủ thẻ không dùng thẻ ATM của ngân hàng đó nữa, nhưng họ không biết mà đi hủy, đi khóa nhưng ngân hàng thu những khoản phí này là thiếu hợp lý.”.

Cùng cảnh ngộ, chị Vũ Thị Phương công nhân Công ty TNHH SWCC Showa kể thêm, khoảng tháng 10/2022 chị có làm sổ tiết kiệm tại Ngân hàng Vietinbank. Trước đó chị có một tài khoản cũ Vietinbank từ lâu không dùng. Được nhân viên ngân hàng hướng dẫn, chị đồng ý kích hoạt lại tài khoản cũ, chi phí làm lại thẻ ATM hết 50.000 đồng.

“Khi tôi chuyển tiền vào gần 2 triệu đồng, ngân hàng trừ 9 tháng phí trong cả năm đó luôn. Tức là từ tháng 1 đến tháng 9, mỗi tháng 5.500 đồng, tôi mất mấy chục nghìn đồng. Nghĩa là suốt 9 tháng đó tôi không dùng, đến khi nạp tiền vào ngân hàng thì bị trừ tiền. Riêng 7-8 năm không dùng trước đó thì không bị trừ. Thấy bị trừ như vậy, tôi chán, không dùng nữa.”

Bài 4: Từ chủ thẻ thụ động đến “con nợ” tiềm tàng

Chị Phạm Thị Na, công nhân phân xưởng sản xuất Mẫu, Công ty CP Đầu tư Thái Bình (Dĩ An, Bình Dương) than thở: “Đối với công nhân lao động như chúng tôi hiện nay đời sống đa số đều khó khăn; nếu biết việc mở thẻ, mà ngay cả khi không dùng đến, vẫn phải bị trừ phí thì tôi sẽ không mở tài khoản. Tôi mong muốn phía ngân hàng xem xét, nếu người dân không có nhu cầu sử dụng thẻ hoặc tài khoản, thì ngân hàng nên chủ động liên hệ với khách hàng để hủy tài khoản và thẻ, cũng như ngừng thu các loại phí.”, chị Na nói.

Còn anh Phạm Quang K. – công nhân Young Tech Việt Nam, thổ lộ: “Nếu biết ngay cả khi không dùng thẻ mà vẫn bị trừ phí quản lý, thì tôi chắc là thôi, không mở thẻ. Trước tôi có dùng số điện thoại cũ để đăng ký SMS Banking, vẫn thấy ngân hàng thu phí, có ngân hàng thu phí hơn 11.000 đồng/tháng. Lâu ngày tôi không còn dung thẻ này, sắp tới tôi phải khóa lại chứ không thì “rách việc” lắm. Tôi có mong muốn, để kiểm soát, những thẻ trong vòng 3 tháng không thấy hoạt động thì ngân hàng nên khóa.”, anh K. nói.

Bài 4: Từ chủ thẻ thụ động đến “con nợ” tiềm tàng

Chị Lan (phải) và chị Na (Công ty CP Đầu tư Thái Bình, Dĩ An, Bình Dương) tham gia cuộc khảo sát về thực trạng sử dụng thẻ ATM trong công nhân, người lao động do Tạp chí Lao động và Công đoàn triển khai. Ảnh: T.C.C

Chung nỗi niềm với các khổ chủ khác, anh Dương Văn Hiệp – công nhân Công ty FuHong Precision Component (Bắc Giang), kể thêm, hiện nay anh có 4 thẻ ATM (TPBank, Agribank, Vietinbank và Vietcombank), nhưng thường xuyên sử dụng 1 cái là Vietinbank để nhận lương và các khoản thu nhập ở công ty. “Mấy thẻ kia tôi có dùng vài lần nhưng sau đó không dùng nữa, tôi cũng không cài các app nên không nhận được thông báo. Tài khoản thì cũng không còn tiền, không rõ có bị âm nợ không. Tôi đề xuất nếu thẻ ATM lâu không dùng, ngân hàng cần báo lại cho khách hàng biết để còn trả lại các thẻ đó.”

Nhìn nhận thực trạng sử dụng thẻ ATM hiện nay, anh Nguyễn Văn Vinh - Công ty TNHH Fuhong Precision Component (Bắc Giang) góp ý: “Ngân hàng nên áp dụng mức phí dựa trên số lần giao dịch thực tế trong một tháng. Ví dụ: nếu số lần giao dịch dưới 20 lần mỗi tháng, phí sẽ được tính ở mức thấp hơn so với những thẻ có số lần giao dịch vượt quá 20 lần. Điều này sẽ giúp giảm bớt gánh nặng tài chính cho những người ít sử dụng thẻ mà vẫn phải chịu phí duy trì cố định. Tôi hy vọng rằng, ngân hàng sẽ xem xét và áp dụng chính sách này, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng có nhu cầu sử dụng thẻ một cách linh hoạt và tiết kiệm hơn.”.

Trong khi đó, anh Nguyễn Văn Quyết - công nhân Công ty TNHH Young Tech (Hải Dương), nêu: “Tôi nghĩ rằng các ngân hàng nên tiến tới việc triển khai tự khoá thẻ cho khách hàng khi trong vòng 3 tháng không sử dụng dịch vụ (không có giao dịch nào). Nếu khách hàng muốn sử dụng tiếp sẽ chủ động lên chi nhánh ngân hàng mở lại. Hoặc để tránh phát sinh phí cho khách hàng và phòng ngừa nguy cơ lừa đảo, tôi nghĩ rằng tốt nhất là Ngân hàng nên chủ động khoá thẻ lại cho khách hàng khi không sử dụng trong 3 tháng. Vì trên thực tế, khách hàng có thể quên mật khẩu, khi mua mới hoặc sửa chữa máy điện thoại không nhớ mật khẩu hoặc bị hack mật khẩu dẫn đến bị đối tượng xấu lợi dụng… Khi khách hàng có nhu cầu sử dụng lại thì đến ngân hàng để mở lại.”.

Bài 4: Từ chủ thẻ thụ động đến “con nợ” tiềm tàng
Bài 4: Từ chủ thẻ thụ động đến “con nợ” tiềm tàng

Công nhân giao dịch, rút tiền qua thẻ ATM ở Khu công nghiệp Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế (Ảnh chụp tháng 8/2024). Ảnh: ĐÌNH TOÀN

Mời bạn đọc tiếp tục theo dõi kỳ tới:

Bài 4: Từ chủ thẻ thụ động đến “con nợ” tiềm tàng

Bài viết: Đình Toàn - Minh Khôi - Trần Lưu

Thiết kế: Dũng Choai

Video: T.C.C