Mô hình “Công dân học tập” tại doanh nghiệp còn nhiều khó khăn
- 13/09/2024 19:32 Hà Vy
Nhiều mô hình hay của công đoàn
Ngày 13/9, Đoàn công tác liên ngành do đồng chí Vũ Thanh Mai - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương làm việc với Tổng LĐLĐ Việt Nam về sơ kết 5 năm thực hiện Kết luận số 49 của Ban Bí thư khoá XII về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 11 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập”.
Đồng chí Nguyễn Mạnh Kiên - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết, trong thời gian qua các cấp Công đoàn Việt Nam đã đổi mới hình thức tuyên truyền, sử dụng công nghệ thông tin và mạng xã hội, tổ chức các cuộc thi trực tuyến để công nhân lao động tích cực học tập, nâng cao trình độ, năng suất lao động, góp phần giữ vững việc làm ổn định, cải thiện cuộc sống.
Đồng chí Vũ Thanh Mai - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương (đứng) phát biểu trong buổi làm việc giữa đoàn công tác liên ngành với Tổng LĐLĐ Việt Nam, ngày 13/9. Ảnh: Thu Hằng |
Hệ thống cơ sở giáo dục đào tạo và giáo dục nghề nghiệp của tổ chức Công đoàn đã đổi mới chương trình, nội dung, tài liệu, phương pháp dạy và học theo hướng hiện đại, linh hoạt, liên thông dựa trên mô đun, tín chỉ và các quy đổi tương đương, đáp ứng chuẩn đầu ra và khối lượng học tập tối thiểu; đào tạo các ngành, nghề mới...
Bình quân hằng năm, hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tổ chức Công đoàn đào tạo, dạy nghề cho hơn 40 nghìn lượt người lao động.
Nhiều mô hình hay, cách làm tốt hỗ trợ công nhân lao động học tập như: Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân trong doanh nghiệp; vận động công nhân học bổ túc văn hóa; liên kết với doanh nghiệp để công nhân có môi trường học tập...
Đồng chí Nguyễn Mạnh Kiên - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tổng LĐLĐ Việt Nam phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Thu Hằng |
Công nhân trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, công nhân vùng sâu, vùng xa, công nhân là người dân tộc thiểu số được vận động học tập nâng cao trình độ, không để tình trạng tái mù chữ. Công đoàn tuyên truyền, vận động để 100% con của công nhân trong độ tuổi được đến trường.
Đồng chí Nguyễn Thị Thủy - Phó Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội chia sẻ, riêng mô hình “Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân” đến nay đã được Công đoàn Thành phố triển khai hơn 60 điểm. Ngoài mô hình trực tiếp tại doanh nghiệp còn có mô hình tại khu nhà trọ có đông công nhân lao động. Qua đó thúc đẩy văn hóa đọc, thúc đẩy công nhân học tập và hòa đồng với người địa phương.
Góc tuyên truyền pháp luật tại Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân của LĐLĐ TP Hà Nội. Ảnh: CĐHN |
Đồng chí Phùng Thái Quang - Phó Chủ tịch LĐLĐ TP Hồ Chí Minh chia sẻ, đơn vị tổ chức chương trình đào tạo có sự kết hợp linh hoạt giữa đào tạo trực tiếp và học tập trực tuyến. Nhờ đó, công nhân có thể tham gia khóa học một cách linh hoạt về thời gian, phù hợp với điều kiện vừa làm vừa học.
Các chương trình đào tạo tập trung vào việc nâng cao tay nghề, hướng đến việc phát triển kỹ năng mềm như kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng giao tiếp và quản lý thời gian, giúp công nhân lao động thích ứng nhanh chóng với yêu cầu mới của thị trường lao động...
Một bộ phận công nhân chưa mặn mà học tập
Theo Tổng LĐLĐ Việt Nam, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai mô hình “Công dân học tập” trong công nhân lao động tại doanh nghiệp còn nhiều khó khăn. Một bộ phận công nhân lao động chưa coi trọng việc học tập do yêu cầu sản xuất, gánh nặng cơm áo gạo tiền, chăm sóc gia đình.
Nhiều người sử dụng lao động đào tạo nghề ngắn ngày cho công nhân khi vào làm tại doanh nghiệp mà chưa quan tâm tạo điều kiện để họ học tập nâng cao trình độ, kỹ năng sống, ngoại ngữ, tin học…
Chất lượng đào tạo và cơ sở vật chất của một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực trong tình hình mới. Chính quyền địa phương chưa quan tâm đầu tư hỗ trợ kinh phí để các LĐLĐ tỉnh, thành phố triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong công nhân lao động tại doanh nghiệp đến năm 2030.
Đồng chí Vũ Thanh Mai - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương (đứng) ghi nhận nỗ lực của Tổng LĐLĐ Việt Nam trong thời gian qua. Ảnh: Thu Hằng |
Việc thực hiện chỉ tiêu “Công dân học tập” cho công nhân lao động tại doanh nghiệp theo Bộ tiêu chí và Hướng dẫn đánh giá, công nhận danh hiệu “Công dân học tập” giai đoạn 2021 - 2030 còn vướng mắc. Đó là: đối với cá nhân thuộc các cơ quan, đơn vị do cấp huyện, tỉnh, Trung ương quản lý, thì nộp bản tự đánh giá cho Ban khuyến học cơ quan, đơn vị để được Thủ trưởng đơn vị xem xét, công nhận danh hiệu “Công dân học tập”; nếu đơn vị chưa có Ban khuyến học thì có thể đề nghị tổ chức Công đoàn (hoặc Đoàn Thanh niên) phối hợp, xác nhận và trình Thủ trưởng đơn vị quyết định công nhận.
Áp dụng quy định trên đối với doanh nghiệp, thẩm quyền ký quyết định công nhận “Công dân học tập” cho người lao động là người sử dụng lao động (giám đốc). Tuy nhiên phần đông người sử dụng lao động quan tâm đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, lợi nhuận, ít quan tâm đến các hoạt động học tập suốt đời cho công nhân...
Thời gian tới, số lượng công nhân lao động tăng nhanh, hoạt động công đoàn tiếp tục mở rộng và chuyển mạnh sang khu vực ngoài nhà nước. Cơ cấu lao động tiếp tục có sự thay đổi mạnh mẽ. Tuy nhiên, chất lượng nguồn nhân lực nước ta còn thấp, thiếu hụt nhân lực chất lượng cao, trong khi lao động giá rẻ không còn là lợi thế cạnh tranh, dẫn đến một bộ phận người lao động đối diện nguy cơ mất việc làm.
Tổng LĐLĐ Việt Nam kiến nghị Ban Bí thư tiếp tục chỉ đạo các cấp ủy đảng triển khai đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong công nhân lao động; Chính phủ chỉ đạo UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm hỗ trợ kinh phí từ nguồn ngân sách địa phương... Đồng thời kiến nghị một số nội dung đối với các ban, ngành liên quan.
Đồng chí Vũ Thanh Mai đánh giá cao những kết quả mà Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng như các cấp công đoàn đã đạt trong việc thực hiện Kết luận số 49-KL/TW ngày 10/5/2019 của Ban Bí thư khóa XII về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TW của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập”.
Đồng chí Vũ Thanh Mai nhấn mạnh, Đoàn công tác sẽ tiếp thu nghiêm túc, tổng hợp ý kiến đề xuất, góp ý, kiến nghị, để hoàn thiện Báo cáo trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư tiếp tục có sự chỉ đạo về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trong thời gian tới.
Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam mới đây đã ký ban hành Nghị quyết 07/NQ-BCH của Ban Chấp hành về “Tập trung nguồn lực chăm ... |
Nội dung chăm lo Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 cho đoàn viên, người lao động được thảo luận sôi nổi tại Hội nghị lần ... |
Nhiều năm qua, Công đoàn cở sở Nhà máy Z173 (Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng) luôn dành sự quan tâm đặc biệt và tập ... |