Người lao động cần hết sức cân nhắc khi rút bảo hiểm xã hội một lần
Công đoàn - 19/05/2024 11:01 ĐÌNH TOÀN ĐÌNH TOÀN
Nhiều CNLĐ vẫn còn “ngờ ngợ” về chế độ thai sản cho nam giới
Gần 200 công nhân, người lao động đang làm việc tại địa bàn huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế vừa tham gia cuộc “Đối thoại Tháng 5” cùng với các cơ quan, ban ngành chức năng của tỉnh, huyện. Cuộc hội nghị này do Công đoàn Khu kinh tế, Công nghiệp tỉnh phối hợp với LĐLĐ huyện Phú Vang tổ chức nhân Tháng công nhân năm 2024. Tham gia cuộc đối thoại có đại diện lãnh đạo Sở, ngành, phòng ban liên quan như Liên đoàn Lao động tỉnh, Sở Lao động, thương binh và xã hội, Bảo hiểm xã hội tỉnh (BHXH) tỉnh Thừa Thiên Huế, Phòng Nội vụ huyện Phú Vang...
CNLĐ tại huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế đặt câu hỏi về tỷ lệ mất sức lao động và chế độ nghỉ hưu. Ảnh: ĐÌNH TOÀN |
Rất nhiều vấn đề đã được CNLĐ nêu ra tại cuộc đối thoại, trong đó nổi bật là nhóm các vấn đề đã, đang được đông đảo CNLĐ của cả nước quan tâm hiện nay như rút BHXH 1 lần; chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn; vấn đề lao động việc làm, chế độ trợ cấp thất nghiệp, thai sản, ốm đau... Đặc biệt, vấn đề chế độ thai sản đối với lao động nam, được CNLĐ nêu ra tại hội nghị được đánh giá là vấn đề hay mà không phải ai cũng nắm rõ.
Đồng chí Lê Thị Thu Nam, Chủ tịch Công đoàn Khu Kinh tế, Công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế điều hành cuộc đối thoại. Ảnh: ĐÌNH TOÀN |
“Điều kiện và mức độ hưởng chế độ thai sản đối với lao động nam như thế nào. Nhiều CNLĐ, đoàn viên trong công ty chúng tôi muốn hiểu rõ hơn vấn đề này?”, anh Nguyễn Văn Quang, đại diện cho CNLĐ Công ty TNHH Một thành viên Sơn Hà Huế, nêu câu hỏi.
Ngay khi câu hỏi anh Quang nêu ra với các sở ngành liên quan, nhiều lao động nữ lẫn lao động nam trong hội trường cười phá lên và tỏ ra “ngờ ngợ” trước khái niệm chế độ thai sản đối với lao động nam, thậm chí có người cho rằng phải chăng anh Quang nhầm lẫn khi nêu vấn đề này?
Tuy nhiên, thực tế vấn đề này đã được quy định tại điểm e khoản 1, Điều 31 Luật BHXH năm 2014 là “lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội có vợ sinh con” là một trong những đối tượng hưởng chế độ thai sản.
Anh Nguyễn Văn Quang, CĐCS Công ty TNHH MTV Sơn Hà Huế nêu vấn đề "chế độ thai sản nam" khiến không ít CNLĐ trầm trồ. Ảnh: ĐÌNH TOÀN |
Nhận định vấn đề anh Quang nêu ra là khá hay mà không phải ai cũng hiểu rõ, ông Trương Công Khả, Trưởng Phòng Truyền thông, BHXH tỉnh Thừa Thiên Huế, cho biết thêm, trong thời gian vợ sinh con, lao động nam được nghỉ để chăm vợ, con.
Nam đang đóng BHXH sẽ được nghỉ, từ 5 ngày, 7 ngày, 14 ngày, tùy theo vợ sinh thường, sinh mổ hay sinh một lần 1 con, 2 con (hay nhiều người con hơn), nghỉ tối đa 14 ngày.
Ông Trương Công Khả, Trưởng Phòng Truyền thông, BHXH tỉnh Thừa Thiên Huế giải đáp thắc mắc của CNLĐ. Ảnh: ĐÌNH TOÀN |
“Lao động nam nghỉ làm những ngày này sẽ không được chấm công, không được nhận lương của công ty, cơ quan, thì Quỹ BHXH sẽ chi để trả thai sản cho những ngày đó tương ứng với số ngày chúng ta nghỉ. Điều kiện đầu tiên là nam phải là người đang đóng BHXH; còn đối với nữ (vợ) không đóng BHXH mà không được hưởng chế độ thai sản thì nam (chồng) có đóng BHXH, nam vẫn được nghỉ nếu vợ sinh. Còn nếu vợ có đóng BHXH, ngoài được hưởng 6 tháng lương nghỉ sinh theo chế độ thai sản, sẽ được hưởng thêm 2 tháng lương tương ứng với 2 tháng lương cơ sở (hiện tại tháng 5/2024 là 3,6 triệu đồng). Nếu vợ không đóng BHXH mà chồng có đóng BHXH không được hưởng 2 tháng lương này, nhưng người chồng có đóng BHXH ngoài số ngày nghỉ tối đa 14 ngày, chồng được hưởng thêm 2 tháng lương tương ứng mức lương cơ sở này”, ông Khả nói.
Gần 200 CNLĐ tại huyện Pú Vang, Thừa Thiên Huế tham gia cuộc "Đối thoại tháng 5" cởi mở, chất lượng. Ảnh: ĐÌNH TOÀN |
Những giải đáp từ đại diện BHXH tỉnh Thừa Thiên Huế khiến đại đa số CNLĐ tham dự cuộc đối thoại như được lần đầu nghe thấy và hiểu hơn về quyền lợi của mình. Cũng liên quan chế đội thai sản, một số CNLĐ cũng nêu thắc mắc về việc lao động nữ sinh con và đã nghỉ hết số thời gian quy định của chế độ thai sản (6 tháng), có được xin nghỉ thêm và chính sách quy định thế nào?
Vấn đề này, ông Khả cho biết nếu nghỉ thêm sau thời gian nghỉ sinh thì giải quyết theo chế độ nghỉ phép thông thường.
“Còn nếu nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe thì tối thiểu trong năm chúng ta có 30 ngày để nghỉ, từ thai sản đến ốm đau mà cảm thấy sức khỏe của mình không được đảm bảo, sau khi chủ sử dụng lao động, tổ chức Công đoàn xác nhận thì vẫn được nghỉ theo chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe theo quy định: 1 ngày được 30% mức lương cơ sở, thời gian 5 – 7 ngày, tùy lý do”, ông Khải giải thích.
Tại cuộc “Đối thoại tháng 5”, đại diện Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã giải thích nhiều vấn đề liên quan đến chế độ sách cho người lao động, trong đó khi có vấn đề ốm, đau, thai sản... Đặc biệt đại diện cơ quan này cũng phát hiện có đơn vị vẫn tổ chức cho NLĐ là thai sản mang thai tháng thứ 8 đi làm việc, điều này là không đảm bảo quy định của pháp luật, cần phải chấn chỉnh.
Những lý do cân nhắc rút BHXH một lần
“Đối thoại tháng 5” là một trong những chương trình trọng tâm trong các hoạt động Tháng công nhân năm 2024 mà Công đoàn Khu kinh tế, Công nghiệp tỉnh triển khai, nhận được sự kỳ vọng giải đáp thấu đáo những thắc mắc, kiến nghị từ CNLĐ tại Thừa Thiên Huế.
Tại hội nghị, CNLĐ tại Công ty TNHH MTC Sơn Hà Huế, một trong những doanh nghiệp lớn của huyện Phú Vang, đặt câu hỏi "Khi nào thị hệ thống thoát nước tại thị trấn Phú Đa, huyện Phú Vang xây dựng xong bởi tình trạng mưa lớn ngập nước ảnh hưởng lớn đến sản xuất, an toàn vệ sinh lao động trong khu công nghiệp, sinh hoạt của người dân?".
Vấn đề này được Ban tổ chức ghi nhận đặt ra rất xác đáng, tuy nhiên không có cơ quan chức năng tham gia trực tiếp tại cuộc đối thoại nên hứa sẽ chuyển đến cơ quan chức năng, sớm có câu trả lời cho CNLĐ.
Đặc biệt, cũng như CNLĐ tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước, vấn đề rút BHXH một lần cũng được CNLĐ tại Huế đặt ra cho cơ quan chức năng, cụ thể là cơ quan BHXH.
“Tôi tham gia BHXH chưa đủ 1 năm, vậy tôi có thể rút BHXH không, nếu được thì điều kiện thủ tục như thế nào?”, chị Võ Thị Nhi, đoàn viên công đoàn tại xã Phú Hồ, huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế, nêu.
“Đóng BHXH dưới 1 năm thì có quyền rút BHXH 1 lần, sau 12 tháng kể từ ngày người lao động không đóng nữa, không tham gia BHXH bắt buộc, tự nguyện có quyền “rút”. Số tiền rút đóng dưới 1 năm không quá số tiền mình đã đóng”, ông Trương Công Khả, trả lời.
CNLĐ tại huyện Phú Vang hỏi khi nào thị hệ thống thoát nước tại thị trấn Phú Đa, huyện Phú Vang xây dựng xong để đảm bảo sản xuất, an toàn vệ sinh lao động cho công nhân, sinh hoạt của người dân? Ảnh: ĐÌNH TOÀN |
Đại diện BHXH tỉnh Thừa Thiên Huế nêu ra nhiều lý do cần hết sức cân nhắc và không nên rút BHXH một lần. Đó là hàng tháng chúng ta hoặc “ông chủ” đóng BHXH đều là tiền của chúng ta, 22% mức tiền lương đang hưởng. Mỗi năm 22% lương nhân với 12 tháng là 2,64 tháng lương mình được hưởng đóng vào Quỹ BHXH, Quỹ hưu trí và Quỹ tử tuất. Theo quy định của luật thì những năm đóng trước năm 2014 mỗi năm chỉ nhận được 1,5 tháng lương. Từ năm 2014 đến hiện tại mỗi năm chúng ta nhận được 2 tháng lương mà thôi. Tiền chúng ta đóng là thuộc chúng ta hay người nhà chúng ta.
Nếu lao động nam đóng BHXH trong 20 năm, hưởng lương hưu trong 8 tháng sẽ hết, thời gian còn lại Quỹ BHXH sẽ chi trả suốt đời. Đối với lao động nữ, 20 năm đóng BHXH của nữ được hưởng 45% mức lương bình quân (nam 15%). Nếu nữ 20 năm đóng BHXH thì hưởng khoảng 7 năm sẽ hết, không có lương hưu cũng không hưởng thẻ bảo hiểm y tế hưu trí. Khi chúng ta về hưu, ngoài nhận các chế độ khác đến suốt đời, thì chúng ta vẫn được nhận thẻ bảo hiểm y tế do Quỹ BHXH đóng tiền vào Quỹ Bảo hiểm Y tế và thẻ BHYT hưu trí được hưởng 95% mức chi của quỹ trả tại các cơ sở y tế khi khám chữa bệnh.
Thứ 3, là lương hưu được tăng hằng năm. Thống kê cho thấy trong 25 năm vừa qua, mức lương tăng bình quân 23 lần, 7 – 8%/năm. Tiền ngân hàng lãi suất dài hạn mỗi năm khoảng 5% thôi, còn BHXH, lương hưu mỗi năm tăng 7 – 8%. Có đợt tăng như năm ngoái lớn 13 – 24%. Sắp tới tháng 7 này dự kiến lương hưu cũng tăng, ít nhất là 7-8% trở lên.
Thứ 4, theo đại diện BHXH tỉnh Thừa Thiên Huế, người cán bộ hưu trí vững tin vào vị trí của mình xã hội. Có thẻ bảo hiểm y tế suốt đời, không giàu sang gì nhưng hàng tháng vẫn nhận được lương hưu để chi phí cho sinh hoạt, hiếu hỷ, tình cảm qua lại bà con xóm làng... Không phải phụ thuộc vào con cái.
84% người đề xuất nhận BHXH một lần tuổi dưới 40
Cũng theo vị đại diện cho BHXH tỉnh Thừa Thiên Huế thì CNLĐ, cán bộ hằng tháng hàng quý đóng Quỹ BHXH, Quỹ BHXH để đảm bảo an sinh xã hội, giải quyết những vấn đề cấp bách, khó khăn của người đóng như ốm đau, thai sản, tai nạn, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp... Tiền đóng vào Quỹ BHXH càng cao, thì khi về hưu tiền lương hưu cũng như các chế độ khác được hưởng càng cao; thời gian đóng càng dài, lương hưu cũng như các chế độ khác hưởng càng cao.
Đại diện Sở LĐ, TB và XH tỉnh Thừa Thiên Huế giải đáp thắc mắc cho CNLĐ về chế độ thai sản, ốm đau, nghỉ mất sức lao động... Ảnh: ĐÌNH TOÀN |
Đáng chú ý, ông Khả cho hay đại diện BHXH tỉnh tham gia đối thoại nhiều cuộc thì lạ một điều là chỉ có NLĐ trong các doanh nghiệp đề cập đến vấn đề rút BHXH một lần, còn các cán bộ, NLĐ trong các đơn vị hành chính sự nghiệp không hề đề cập vấn đề này.
Theo ông Khả, CNLĐ trong các khu công nghiệp ít có điều kiện đối thoại với BHXH nên họ chưa biết rõ về bản chất, tính chất về Quỹ BHXH mà mình tham gia, còn NLĐ trong các cơ quan, tổ chức hành chính sự nghiệp, trong các tổ chức công đoàn biết rõ vấn đề này. Đa phần là biết là Quỹ này là đóng cho bản thân mình, cho gia đình mình.
“Hiện nay có vấn đề hiệu ứng đám đông về rút BHXH một lần mà không hiểu hết những quyền lợi hay sự thiệt thòi gắn liền trong đó”, ông Khả nói thêm. Đáng chú ý, vị này cho biết qua thống kê có 84% người đề xuất nhận BHXH một lần là những người dưới 40 tuổi, trên mức tuổi này tỷ lệ rất thấp.
Cũng theo vị này, CNLĐ đóng BHXH bao nhiêu đều được ghi vào sổ, kể cả khi đóng 3 tháng rồi ngưng, vài năm sau mới đóng lại, thì 3 tháng đó vẫn còn, thậm chí 1 tháng đóng vẫn bảo lưu và nhiều năm sau người đóng BHXH nhận lại số tiền đó đều có tính đến hệ số trượt giá theo quy định của Chính phủ do sự đầu tư tăng trưởng của Quỹ BHXH. Nếu NLĐ có “nằm xuống” thì người nhà vẫn có thể nhận 3 tháng đó như NLĐ nhận một lần, hưởng các chế độ, quyền lợi kèm theo như mai táng phí (hiện nay là 10 tháng lương cơ sở). “Nếu chúng ta rút BHXH một lần rồi, thì những chế độ đó không còn nữa, mai táng phí cũng không được hưởng”, ông Khả nêu.
Đồng chí Lê Thị Thu Nam, Chủ tịch Công đoàn Khu Kinh tế, Công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế: "Công đoàn Khu Kinh tế, Công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế nắm được tâm tư, nguyện vọng của các đoàn viên, CNLĐ có nhiều vấn đề băn khoăn, chưa rõ về chế độ, chính sách, quyền và lợi ích chính đáng của mình nên tổ chức các cuộc đối thoại nhằm tạo ra diễn đàn, làm cầu nối để giữa họ và cơ quan chuyên môn, sở ban ngành chức năng tỉnh có sự thông hiểu, giải đáp, mổ xẻ để các vấn đề sáng tỏ hơn, đoàn viên, CNLĐ hiểu biết pháp luật hơn, quyền và lợi ích chính đáng của mình. Chúng tôi cũng làm cầu nối để chuyển tải những tâm tư nguyện vọng của đoàn viên, CNLĐ đến với cơ quan chức năng nhằm giải quyết, tháo gỡ những vấn đề nảy sinh trong công việc... Chúng tôi tổ chức rất nhiều cuộc đối thoại rồi và qua đó cho thấy các vấn đề đoàn viên, CNLĐ nêu ra rất thực tế, chất lượng. Đây cũng là mục tiêu của các cuộc đối thoại, đó là chất lượng đối thoại.” |
Tin cùng chuyên mục
Công đoàn - 05/09/2024 15:51
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Ân: “Sẽ tiếp tục lan tỏa, nhân rộng mô hình trường học hạnh phúc”
TS Nguyễn Ngọc Ân – Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam cho biết, năm nay đơn vị sẽ tiếp tục thúc đẩy lan tỏa và nhân rộng mô hình trường học hạnh phúc. Sau thành công của các chương trình như cha mẹ, thầy cô thay đổi, chủ điểm của năm nay có thể sẽ là “hiệu trưởng thay đổi”.
Hoạt động Công đoàn - 05/09/2024 15:45
Cô tổng phụ trách Đội ở tuổi… bà ngoại của Trường THCS Mạc Đĩnh Chi
Dù đã ở tuổi gần về hưu nhưng cô Lâm Thị Bích Sương vẫn làm công việc Tổng phụ trách Đội Trường THCS Mạc Đĩnh Chi (thị xã Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh) một cách tận tụy, yêu nghề…
Phát triển đoàn viên - 05/09/2024 09:51
Công đoàn Công Thương Việt Nam phấn đấu tăng 3.500 đoàn viên trong năm 2024
Công đoàn Công Thương Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2028, toàn ngành sẽ có 182.258 đoàn viên. Riêng trong năm 2024, đơn vị đặt chỉ tiêu phát triển 3.500 đoàn viên.
Hoạt động Công đoàn - 05/09/2024 08:59
Cô hiệu trưởng thân thiện, gần gũi của trẻ mầm non
Cô Trương Thị Thu Huyền, Hiệu trưởng Trường Mầm non A xã Tứ Hiệp (huyện Thanh Trì, Hà Nội) là giáo viên tiêu biểu trong công tác giáo dục. Cô đã nỗ lực phấn đấu không mệt mỏi để cống hiến cho sự nghiệp “trồng người".
Công đoàn - 04/09/2024 18:48
"Tham mưu giỏi, phục vụ tốt" góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa
Phong trào thi đua “Tham mưu giỏi, phục vụ tốt” do Công đoàn Viên chức Việt Nam phát động đã nâng cao đạo đức công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; từ đó góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Hoạt động Công đoàn - 04/09/2024 10:46
Chủ tịch Công đoàn trường nhiệt huyết, tận tâm với nghề giáo
Cô Trương Thị Kim Tuyền - Chủ tịch Công đoàn Trường THPT Nguyễn Trãi (Trảng Bàng, Tây Ninh) là giáo viên đầy nhiệt huyết và tâm huyết với nghề. Với những nỗ lực không ngừng, cô đã tạo nên những thay đổi tích cực và sâu rộng đến đời sống của người lao động tại trường.
- Chuyện chưa kể về cây cầu dây văng đầu tiên của người Việt
- Thừa Thiên Huế: Đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người lao động trước “siêu bão” Yagi
- PVOIL tặng voucher nhiên liệu cho VĐV tham dự Giải đua Ô tô Gymkhana Vô địch Miền Nam PVOIL Cup 2024
- Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Ân: “Sẽ tiếp tục lan tỏa, nhân rộng mô hình trường học hạnh phúc”
- Tâm sự giáo viên ngày khai giảng: “Năm nào tôi cũng xúc động như lần đầu”