|
Công trình cầu Mỹ Thuận 2 đã đưa vào sử dụng gần 1 năm và đội ngũ công nhân, kĩ sư cũng đã chuyển địa bàn để triển khai các dự án khác. Không dễ để chúng tôi kết nối, tìm gặp họ. Nhưng rồi chúng tôi cũng tìm được và được nghe họ có những phút trải lòng, có khi trong giàn giụa nước mắt. Giữa Sài Gòn đô hội, chúng tôi gặp lại kỹ sư Nguyễn Thành Lũy (Phó Giám đốc Ban Quản lý, điều hành dự án cầu Mỹ Thuận 2 thuộc ban Quản lý dự án 7, Bộ GTVT), một trong những nhân sự quan trọng thi công cầu Mỹ Thuận 2. Kĩ sư Lũy nhớ lại thời điểm xây công trình là trong giai đoạn cả nước phòng chống dịch Covid-19 căng thẳng, nên anh phải thường xuyên dùng điện thoại chỉ đạo, điều hành. Giữa bốn bề sông nước, lại gặp lúc gió to, mạng yếu, âm thanh cứ chập chờn; anh Lũy đành chuyển qua nhắn tin. Lúc sau, đầu dây bên kia đáp lại: “Dạ tụi em nghe rõ, sẽ đâu vào đấy ngay thôi. Đó là thời điểm công trình cầu Mỹ Thuận 2 (nối hai bờ Tiền Giang và Vĩnh Long) thi công giữa mùa dịch Covid-19. Công trình được khởi công vào tháng 8/2020, gần một năm sau, dịch bệnh ập đến, xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang (nơi đặt công trường) trở thành “vùng đỏ”, mọi hoạt động phải rơi vào thế “ngăn sông cấm chợ”. Khó khăn là vậy, nhưng công trình không cho phép chậm tiến độ, nên rất nhanh sau đó, đơn vị đã chuyển sang mô hình “3 tại chỗ” (thi công tại chỗ, chống dịch tại chỗ và ăn ở tại chỗ). “Lúc bấy giờ, công tác huy động nhân sự (nhất là nhân sự có trình độ cao) đến công trường gặp nhiều khó khăn, bị động và chậm trễ do phải áp dụng các biện pháp phòng dịch, nguồn cung vật liệu gặp khó khăn và không ổn định do việc khai thác, sản xuất, vận chuyển bị ảnh hưởng của dịch bệnh. Hơn nữa, ngành giao thông vận tải lại không phải đối tượng được ưu tiên tiêm vắc xin nên chúng tôi lâm vào tình thế rất khó khăn”, anh Lũy cho biết. “Chúng tôi phải câu cá… trên bờ mới có được bữa ăn” - kỹ sư Nguyễn Đình Trung (cũng thuộc Ban quản lý, điều hành dự án cầu mỹ Thuận 2) dí dỏm chen vào cuộc trò chuyện. Anh kể: Trên công trường, việc ra vào vốn đã rất nghiêm ngặt; gặp thêm lúc dịch bệnh lại càng nghiêm ngặt hơn. Chúng tôi cử người đi mua hàng, để nơi phải giữ khoảng cách 2 mét, rồi lấy cái rổ dùng cần câu đưa vào để nhận những thứ muốn mua, tiền cũng được trả cho chủ tiệm theo cách đó. Do giữa mùa dịch nên anh em dự trữ thêm mì tôm để ăn thêm. Những ngày giãn cách xã hội, không khí làm việc trên công trường thi công dự án cầu Mỹ Thuận 2 vẫn hối hả. Các đơn vị chia thành từng tổ nhỏ để triển khai thi công đồng bộ các hạng mục như xây dựng dầm, móng trụ… Những hôm trời nắng nóng, bộ đồ bảo hộ lao động vốn đã ngột ngạt với các công nhân, kỹ sư; giờ lại bức bối hơn do quy định về phòng dịch. Ai cũng trong trang phục kín mít, chỉ chừa lại đôi mắt để quan sát làm việc… Công trường lúc nào cũng có không dưới 200 cán bộ, kỹ sư, công nhân, vào giờ tan tầm họ trở về lán trại nghỉ ngơi trong bầu không khí rôm rả. Khi dịch bệnh ập đến, mọi thứ trở nên vắng lặng. Ngày thường, một chỗ nằm có khi hai ba người ngủ chung, giờ phải nằm xa ra để giữ khoảng cách. Đêm khuya tĩnh lặng càng buồn hơn vì không ai dám trò chuyện. |
Anh Trung quê ở Quảng Nam, không nhớ nổi mình đã đi qua biết bao chỗ của mọi miền của Tổ quốc. Cuộc sống của dân cầu đường vốn rày đây mai đó, thời gian của họ “bán mặt cho đường” nhiều hơn là ở gia đình. Những chuyến đi có thể là vài tháng, vài quý hoặc thậm chí là vài năm tùy vào tiến độ công trình. “Một năm tôi về quê được 2-3 lần, còn mùa dịch thì ở luôn trong lán trại. Nhớ nhà, nhớ vợ con lắm, nhưng dịch bệnh phải đành chịu. Qua điện thoại vợ chồng động viên nhau cố gắng làm việc, lấy tiến độ dự án làm động lực vươn lên” - anh Trung tâm sự. Còn anh Lũy thì nói: “Nếu có tiếp xúc thì duy trì khoảng cách 2 mét, nên tôi chỉ có thể đứng từ xa chỉ đạo anh em làm việc. Do công trường nằm ở giữa sông Tiền nên gió rất to, phải nói chuyện lớn tiếng như quát thì anh em mới nghe được. Còn khi anh em ở xa quá thì phải dùng điện thoại trao đổi công việc dù cách nhau chỉ độ 10 mét. Lúc sóng di động sóng chập chờn thì chuyển qua nhắn tin”. Năm 2000, cây cầu dây văng đầu tiên ở Việt Nam - cầu Mỹ Thuận bắc qua sông Tiền, nối tỉnh Tiền Giang với Vĩnh Long chính thức hoàn thành. Lúc bấy giờ, đây là công trình quy mô lớn, kỹ thuật cao, với toàn bộ khâu thiết kế, giám sát, thi công do doanh nghiệp nước ngoài thực hiện. Phía Việt Nam chỉ có Cienco 6 tham gia là nhà thầu phụ. Những năm sau đó, lần lượt cầu Rạch Miễu, rồi đến cầu Cần Thơ, Cao Lãnh, Nhật Tân, Vàm Cống, Bạch Đằng... được xây dựng. Đội ngũ chuyên gia, kỹ sư Việt Nam đã học hỏi công nghệ và tham gia rất nhiều vào quá trình xây dựng; nhưng các khâu quan trọng như căng cáp dây văng vẫn do các kỹ sư nước ngoài đảm nhiệm. Chỉ đến tháng 2/2020, cầu Mỹ Thuận 2 được khởi công, là cầu dây văng đầu tiên do đội ngũ kỹ sư, công nhân Việt Nam thực hiện hoàn toàn từ khâu lập dự án, thiết kế đến thi công căng cáp. Khác với trên đất liền, thi công cầu Mỹ thuận 2 hoàn toàn diễn ra trên sông nước. Từ những ngày khởi công, việc lắp đặt, tạo ra một công trường trên sông vốn đã là chuyện không đơn giản. |
Trong các công đoạn xây cầu, thi công cọc luôn là công việc “khó ăn” nhất. Do địa chất không ổn định của lòng sông Tiền, nhà thầu phải tìm giải pháp thi công cọc khoan nhồi đường kính 2,5 m, sâu 110-116 m. Đây là cọc khoan nhồi lớn nhất và sâu nhất từng được thi công tại Việt Nam. Ban đầu, đơn vị thi công áp dụng công nghệ RCD, tức khoan dùng nén khí và lấy bùn từ dưới đáy khoan lên bằng hơi, nhưng không thành công – khi xuất hiện những hạn chế, điển hình là không giữ được thành hố khoan. Dự án phải ngưng 3 tháng (từ tháng 12/2020 - 3/2021) để đánh giá lại kỹ thuật. “Bằng kinh nghiệm thi công các dự án lớn, các cán bộ, kỹ sư đã quyết định chuyển sang công nghệ khoan bằng cần Kelly. Nhưng thay vì sử dụng khoan cần Kelly trên hệ sà lan dễ mất ổn định do nước chảy rất mạnh, độ thẳng của hố khoan xử lý rất khó, nhà thầu chọn giải pháp đóng hệ sàn đạo bằng thép hình, ống vách”, anh Lũy cho biết thêm. Sau đó, các đơn vị thi công dùng cần cẩu 500 tấn để cẩu cả 2 máy khoan nặng hàng trăm tấn lên hệ sàn đạo là thiết bị khoan BG36 và cẩu khoan dự phòng. Cùng với đó, nhà thầu cho đóng những ống vách vĩnh cửu đường kính D2500, dài hơn 40m xuống lòng sông. Nghe thì dễ, nhưng để đóng những ống thép dài 40m xuống lòng sông Tiền chảy xiết không phải chuyện chơi. Vốn là con dân ở vùng sông nước miền Tây Nam Bộ, anh Lũy phân tích: Dòng nước, lưu lượng nước chảy, độ xoắn và thủy triều lên xuống rất phức tạp, nên việc hạ ống vách xuống để làm sàn đạo thi công trụ chính dây văng T16 vô cùng khó khăn. Các anh em có khi phải nhịn ăn để canh chờ con nước, và phải ra công trường trước đó mấy tiếng đồng hồ. |
Theo anh Lũy, công trình tính từ đỉnh bệ trụ: sâu xuống mũi cọc khoảng 110m; còn tính từ đỉnh bệ trụ lên đến đỉnh trụ tháp khoảng 25m. Việc thi công đối mặt với nhiều khó khăn, nguy hiểm vì kỹ sư, công nhân phải làm việc ở độ cao chót vót. Trên mặt bằng thi công chật chội với vô số máy móc, thiết bị nặng di chuyển liên tục. “Những hôm thời tiết nắng nóng, chúng tôi dặn nhau không được chủ quan. Bởi nắng to thì người mất nước nhanh, dễ chóng mặt, choáng, buồn nôn nên chỉ cần một phút lơ là, hậu quả sẽ khó lường”. Dù quy định an toàn lao động rất nghiêm ngặt, nhưng vào tháng 9/2022 đã xảy ra vụ tai nạn lao động khi thi công trụ chính phía bờ Vĩnh Long. Hôm đó do ảnh hưởng bão Noru, mưa liên tục nhiều ngày, gió lớn đã gây rung lắc rất mạnh. Trong quá trình làm việc, sàn tạm bất ngờ bị sập một đầu, khiến 3 người rơi xuống sông, 2 công nhân đã được hỗ trợ đưa lên bờ, còn 1 công nhân tử vong sau đó. Đớn đau khó thể tả sau vụ tai nạn nghiêm trọng, nhưng đội ngũ kĩ sư, công nhân thợ thầy lại động viên nhau tiếp tục công trình; siết chặt an toàn vệ sinh lao động. Và chỉ có hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, thực hiện công trình một cách tốt nhất, đáp ứng kỳ vọng của Nhân dân, của cấp trên mới không phụ lòng của người đã ngả xuống; không để máu và nước mắt của công nhân rơi một cách uổng phí. |
“Mỗi lần có dịp đi qua cầu Mỹ Thuận 2, lòng tôi luôn dành những phút giây để tưởng nhớ anh em đã ngã xuống. Trên công trình tự hào đó, không chỉ là tiền bạc, công sức, trí tuệ của người Việt Nam; mà ở ngay chiếc cầu này, có bạn tôi, có anh tôi… đã nằm xuống”, anh Lũy bộc bạch. Nguy hiểm rình rập ở “trên trời”, còn ở bên dưới, công cuộc “chinh phục lòng sông” chưa bao giờ là chuyện đơn giản, bởi ẩn sâu dưới những tầng cát không ai biết rõ thứ gì sẽ xuất hiện. Chỉ một chút sơ sẩy có khi mất cả tháng để xử lý, tốn chi phí rất lớn. Khoan cọc nhồi đã khó, cẩu những lồng thép nặng 100 tấn dài hàng chục mét hạ xuống hố khoan cũng là một kỹ thuật đòi hỏi người lái máy phải kinh nghiệm. Ngoài chuyện phải dùng sà lan to, đủ tải, còn phải neo sao thật cân đối. Bởi khi cẩu lồng thép nặng xoay theo vị trí ngang sẽ mất thăng bằng, nước trong sà lan chao đảo, chỉ cần di chuyển không đúng tốc độ là gãy cần, hoặc thiết bị ào xuống sông ngay. “Do mực thủy triều dao động lớn trên 2 mét việc cần cẩu khoan đứng trên sà lan dập dềnh sẽ khó đảm bảo độ thẳng hố khoan. Từ đó bắt buộc phải sử dụng cần khoan Kelly đứng trên hệ sàn đạo cố định bằng kết cấu cọc ống, thép hình, phát sinh nhiều chi phí nhưng vì quyết tâm công trình người Việt nên các nhà thầu đã cố gắng vượt qua thách thức. Việc hoàn thành 60 cọc khoan nhồi ở cầu Mỹ Thuận 2 còn có một ý nghĩa khác đó là chứng tỏ bản lĩnh, kỹ thuật của những người thợ Việt Nam. Nếu như trước đây cũng với công nghệ cần Kelly nhưng ở cầu Cao Lãnh mất 70 giờ mới khoan xong một cọc khoan nhồi, ở cầu Mỹ Thuận 2 rút ngắn còn 30 giờ”, anh Lũy nhớ lại. |
|
Từng tham gia xây dựng cầu Năm Căn (Cà Mau), cầu Vàm Cống (nối Cần Thơ - Đồng Tháp), nhưng với anh Đỗ Thanh Xuân (45 tuổi, quê ở Phú Thọ, công nhân thuộc nhà thầu Công ty CP Xây dựng và Lắp máy Trung Nam E&C) cầu Mỹ Thuận 2 là công trình áp lực nhất. Những ngày “ăn nằm” trên công trường, anh thấm được cảnh buốt lạnh của mùa mưa triền miên, rồi lại đến cái nóng oi bức vào mùa khô ở miền Tây. Lúc cao điểm, mỗi ca làm việc ở khối đúc dầm từ 55-60 người. Để đảm bảo sức khỏe cho người lao động, nhà thầu bố trí chỗ ăn nghỉ vệ sinh, tiện nghi, phát trang thiết bị bảo hộ lao động và đồ tránh nóng khi làm việc ngoài trời. Công nhân ở đây phần lớn quê ở miền Bắc và miền Trung, số còn lại là người địa phương xin vào làm việc. Nhớ nhà, nhớ quê lắm, nhất là khi Tết đến xuân về. Nhớ bữa cơm tất niên ấm áp bên gia đình nhưng niềm kiêu hãnh về công trình giao thông của người Việt đã thôi thúc họ ở lại. “Mấy năm xây cầu, anh em đồng cam cộng khổ cùng nhau, có nắng vượt nắng, có mưa vượt mưa. “Công việc của tôi là phụ trách phần kết cấu sắt, nhưng vào hôm thi công cọc cuối cùng vẫn nín thở vì hồi hộp. Cả đội ngồi canh không thể ngủ được, đến khi mẻ gầu cuối cùng kéo lên an toàn mới thở phào nhẹ nhõm, như trút bỏ được gánh nặng trên vai”, anh Xuân nói. Mùa khô năm 2023, trước thời điểm hợp long cầu Mỹ Thuận 2 vài tháng, thời tiết nắng nóng có lúc đạt ngưỡng gần 40 độ C; nhưng hàng trăm kỹ sư, công nhân và giám sát xuyên suốt có mặt tại công trường để làm việc. Các lực lượng được chia thành 3 ca 4 kíp làm việc xuyên suốt ngày đêm. Những chiếc tàu kéo, ca nô liên tục di chuyển đưa người từ đất liền ra công trường rồi ngược lại. Có những hôm cái nắng như thiêu đốt trên đầu dội xuống; dưới đất hơi nóng hừng hực của nhựa đường hắt lên, - công nhân như bị kẹp giữa “gọng kìm”. Vậy mà ai cũng cười vui, họ mong chờ “mẻ bê tông’ cuối cùng được hoàn thiện, cầu Mỹ Thuận 2 chính thức liền mạch. |
Ở công trường, bỏ qua chức vụ, hễ công việc gì giúp được nhau là mọi người đều làm. Những đêm thức trắng trực bê tông, mồ hôi ướt đẫm quần áo, đôi mắt thâm quần vì thiếu ngủ; mọi người bỗng hô vang khi thấy ông Lê Quốc Dũng, quyền Giám đốc Ban Quản lý dự án 7; từ TP. Hồ Chí Minh đã xuống tận công trường để thăm hỏi, động viên các công nhân. Vốn là dân cầu đường gạo cội, hơn ai hết, ông Dũng hiểu được nỗi khó khăn, vất vả của anh em kỹ sư, công nhân. Cùng ăn ổ bánh mì đêm khuya, ông Dũng hỏi thăm từng người chuyện nhà cửa, gia đình, con cái… “Đây không phải cầu dây văng đầu tiên ở Việt Nam, nhưng là cầu dây văng đầu tiên do người Việt tự chủ toàn bộ từ khâu thiết kế, giám sát đến thi công. Niềm tự hào đó không cho phép chúng tôi nản lòng, anh em luôn động viên nhau phải cố gắng vượt qua mọi khó khăn để về đích, đưa công trình hoàn thành đúng tiến độ”, ông Dũng nhấn mạnh. Khi công trình cầu Mỹ Thuận 2 hợp long, gần như không có sự chênh lệch giữa hai trụ tháp, dầm, chỉ lệch so với cao độ thiết kế tầm 3 cm. Đây là kết quả đáng ghi nhận với cầu dây văng vượt nhịp dài 350 mét. Anh Nguyễn Đình Trung chia sẻ: Mỗi công trình giao thông đều có một đặc thù riêng về thiết kế, biện pháp thi công, hoàn thiện, không có sự lặp đi lặp lại. Từ những thứ xù xì, thô ráp như xi măng, sắt thép mà đội ngũ những người kỹ sư công nhân phải tạo ra những công trình, có khi mang tính biểu tượng như cầu Mỹ Thuận 2, đã khẳng định vị thế làm chủ được công nghệ của những nhà thầu Việt Nam. “Đến với nghề xây dựng mình thấy cái “được” lớn nhất là niềm hạnh phúc mỗi khi nhìn thấy một công trình được hoàn thành. Cảm giác vui sướng khi thấy “đứa con tinh thần” được hiện diện trong cuộc đời này thật khó diễn tả”. Đến nay, những kỹ sư như anh Lũy, anh Trung không nhớ nổi mình đã tham gia xây dựng bao nhiêu tuyến đường, bao nhiêu cây cầu. Để lại những công trình vừa xong, họ lại đi đến những vùng xa xôi khác để tiếp tục công việc dặm trường của mình. Những nơi họ đến, ban đầu chỉ là bãi đất hoang, hay những vũng bùn lầy cỏ mọc um tùm. Khi họ rời đi đã trở thành những con đường giao thông huyết mạch, những cây cầu bắc ngang sông hay xa hơn là những cung đường vượt đại dương; đưa quê hương đất nước nối liền một dãy…
|