Hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động: Nhanh chậm do đâu?
Đời sống - 10/08/2022 18:09 Ý YÊN
Nhiều công nhân mong chờ khoản hỗ trợ tiền thuê nhà - Ảnh: ĐẶNG LONG |
20 năm thuê trọ, lần đầu được hỗ trợ
Anh Lê Viết Dũng (SN 1982, quê Nghệ An) cho biết đã làm việc ở Công ty TNHH TOTO Việt Nam được 20 năm, chừng ấy năm anh phải thuê trọ. Hiện, cả 4 thành viên trong gia đình anh thuê trọ tại xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội, gần KCN Bắc Thăng Long.
Anh cho biết, sau khi Quyết định số 08/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ tiền thuê trọ cho công nhân được phổ biến tới từng chuyền sản xuất trong nhà máy, anh và nhiều công nhân khác rất hào hứng, mong sớm nhận được khoản tiền hỗ trợ này. Chính vì thế, khi Công ty yêu cầu giấy xác nhận đang thuê trọ, anh Dũng và đồng nghiệp nhanh chóng hoàn thiện.
“Thủ tục rất nhanh, chỉ cần điền vào giấy xác nhận đang thuê trọ theo mẫu sẵn, ghi rõ địa chỉ, tên và số điện thoại kèm xác nhận của chủ trọ, đem nộp lên Công ty là xong. Sau một tháng chúng tôi bắt đầu nhận tiền”, anh Dũng chia sẻ và nói thêm, các thủ tục giấy tờ khác do bộ phận hành chính nhân sự của Công ty làm hết.
Anh Dũng thuộc nhóm lao động được hỗ trợ 500 nghìn đồng/tháng, nhận tối đa 3 tháng, tổng cộng 1,5 triệu đồng. Nam công nhân cho biết thời điểm hiện tại đã nhận được 2 tháng hỗ trợ. “Tôi rất mừng! Hai chục năm đi ở trọ, đây là lần đầu tiên được nhận khoản tiền này”, anh Dũng nói.
Xóm trọ công nhân KCN Bắc Thăng Long - Ảnh: SỸ CÔNG |
Một trường hợp khác, anh Chinh (quê Nghệ An) – công nhân Công ty Suncall Technology, KCN Bắc Thăng Long, chia sẻ rằng đã nhận đủ tiền hỗ trợ (3 tháng). “Em nhận từ tháng 6, lần đầu nhận 1 triệu cho hai tháng, lần sau nhận 500 nghìn. Công ty chuyển tiền này qua tài khoản cá nhân”, anh Chinh cho biết.
Ông bố 2 con chia sẻ, gia đình anh đã ở xóm trọ thuộc thôn Bầu, xã Kim Chung (Đông Anh, Hà Nội) hơn 3 năm, giá thuê 650 nghìn đồng/tháng chưa kể tiền điện, nước. Sau khi điền phiếu thông tin, anh được chủ nhà trọ xác nhận, ký ngay để đem nộp lại Công ty.
Anh Chinh nói: “Thủ tục rất đơn giản, dễ dàng, còn lại Công ty làm hết để công nhân nhận tiền sớm. Số tiền này cũng giúp vợ chồng tôi trang trải vài việc, chẳng hạn mua sữa cho con”.
Công đoàn hỗ trợ đẩy nhanh các thủ tục
Anh Nguyễn Minh Sơn, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH SWCC Showa Việt Nam cho biết, người lao động của Công ty bắt đầu nhận hỗ trợ tiền thuê từ tháng 6/2022, đến nay đã nhận xong đợt 2.
“Công ty có 354 công nhân thuê trọ, tất cả đều đã được thụ hưởng chính sách hỗ trợ. Thủ tục nhận hỗ trợ đơn giản, tiền được Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện chuyển về doanh nghiệp, sau đó Công ty làm danh sách chuyển cho công nhân, trước hoặc sau ngày lĩnh lương hằng tháng”, anh Sơn nói.
Anh Nguyễn Minh Sơn, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH SWCC Showa Việt Nam - Ảnh: Ý YÊN |
Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH SWCC Showa Việt Nam cho biết, khi LĐLĐ TP Hà Nội có văn bản yêu cầu các cấp công đoàn khẩn trương thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, CĐCS Công ty phối hợp bộ phận Hành chính Nhân sự triển khai tuyên truyền, hướng dẫn, rà soát, hoàn thiện hồ sơ đề nghị hỗ trợ của công nhân theo quy định.
“Chúng tôi triển khai và hoàn thành từ giữa tháng 4/2022, trên cơ sở đó, nội dung nào chưa phù hợp, hoặc còn thiếu thì yêu cầu công nhân nhanh chóng bổ sung. Công nhân mong sớm được hỗ trợ nên phiếu thông tin được chủ trọ cung cấp nhanh chóng, không gặp khó khăn”, anh Sơn nói, cho biết, khâu quan trọng nhất là phải xác minh thông tin bằng cách liên hệ chủ nhà trọ.
“Nhanh hay chậm phụ thuộc vào doanh nghiệp”
Đến nay, Hà Nội là một trong các địa phương phê duyệt kinh phí hỗ trợ cho nhiều người lao động. Báo cáo của Sở LĐ – TB & XH TP Hà Nội, tính đến ngày 5/8/2022, thành phố đã phê duyệt cho 2.224 doanh nghiệp, 92.465 lượt người lao động, với số tiền trên 48 tỷ đồng.
TP Hà Nội hiện đã giải ngân hỗ trợ tiền thuê nhà cho 2.173 lượt doanh nghiệp, 91.432 lượt người lao động với kinh phí trên 47,5 tỷ đồng.
Huyện Đông Anh là nơi có KCN Bắc Thăng Long với nhiều doanh nghiệp hoạt động, đến nay đã tiếp nhận và giải quyết hồ sơ đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà cho 205 lượt doanh nghiệp, với 45.080 người lao động được phê duyệt, tổng kinh phí hỗ trợ trên 22,5 tỷ đồng.
Xóm trọ công nhân tại huyện Đông Anh, Hà Nội - Ảnh: ĐẶNG LONG |
Riêng chính sách hỗ trợ người lao động trở lại thị trường lao động, huyện Đông Anh tiếp nhận và giải quyết hồ sơ cho 79 lượt doanh nghiệp với 1.397 người lao động được phê duyệt, tổng số tiền gần 1,4 tỷ đồng.
Trao đổi với PV Tạp chí Lao động và Công đoàn, ông Nguyễn Đình Thanh, Trưởng Phòng LĐ – TB & XH huyện Đông Anh cho biết, sau khi có quyết định, đơn vị triển khai ban hành văn bản của huyện thông qua nhiều kênh. Tất cả các văn bản đều được chuyển tới doanh nghiệp trên địa bàn, đồng thời thông tin tuyên truyền để các đơn vị nắm được, tổ chức thực hiện.
“Chúng tôi không gặp khó khăn, doanh nghiệp gửi hồ sơ lên được duyệt ngay, sau đó có quyết định của UBND huyện thì chuyển tiền cho doanh nghiệp. Chính xác là từ ngày 20/5/2022 chúng tôi đã duyệt chuyển tiền cho doanh nghiệp. Theo quy định, doanh nghiệp dùng tiền đó chi hỗ trợ cho người lao động theo từng tháng”, ông Thanh nói.
Trưởng Phòng LĐ – TB & XH huyện Đông Anh cho biết: “Việc người lao động nhận hỗ trợ nhanh hay chậm là do sự quan tâm của doanh nghiệp. Tất cả hồ sơ có bao nhiêu, chúng tôi duyệt bấy nhiêu, thủ tục nhanh chóng”.
Nhiều địa phương còn thờ ơ
Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg ghi rõ, thời gian tiếp nhận hồ sơ hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động chậm nhất đến ngày 15/8/2022. Trong bối cảnh tiến độ giải ngân ì ạch, thậm chí hàng chục địa phương chưa giải ngân được đồng nào, Thủ tướng vừa yêu cầu Bộ LĐ-TB & XH chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan chậm nhất trước ngày 15/8 tổ chức họp, giao ban với các địa phương để xác định nguyên nhân chậm trễ và có giải pháp xử lý, đôn đốc, bảo đảm khẩn trương, hiệu quả.
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ mới đây, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB & XH Đào Ngọc Dung cho biết, dù Chính phủ đã có 4 công điện chỉ đạo đơn giản hóa các thủ tục để tiền hỗ trợ sớm đến tay người lao động nhưng thực tế tính đến ngày 2/8, vẫn còn 29 địa phương chưa giải ngân được đồng nào.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết một số lý do của việc hỗ trợ chậm: Một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa quan tâm đúng mức, còn thờ ơ, thiếu trách nhiệm trong công tác chỉ đạo tham mưu và còn lúng túng trong việc bố trí, sử dụng kinh phí để hỗ trợ; người sử dụng lao động, chủ cơ sở cho thuê trọ sợ trách nhiệm, không dám xác nhận, lập hồ sơ đề nghị cho người lao động; ngoài ra, bản thân người lao động chưa nắm hết thông tin để chủ động làm thủ tục đề nghị hỗ trợ.
Ông Tào Bằng Huy, Phó Cục trưởng Cục Việc làm lý giải nguyên nhân chính của việc đến thời điểm hiện tại số hồ sơ được phê duyệt chưa nhiều là do người lao động, người sử dụng lao động gửi hồ sơ đề nghị muộn do muốn gộp 3 tháng vào làm thủ tục 1 lần.
Bên cạnh đó, ông Huy cho rằng một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa quyết liệt trong việc triển khai chính sách; việc ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện chính sách còn chậm; công tác thông tin, tuyên truyền chưa đầy đủ, kịp thời.
Ngoài ra, theo Phó Cục trưởng Cục Việc làm, người sử dụng lao động có tâm lý sợ bị thanh tra, kiểm tra, liên đới trách nhiệm nên không thực hiện tuyên truyền, hướng dẫn và lập danh sách đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động. Cùng với đó, nhiều cán bộ, công chức tiếp nhận, thẩm định hồ sơ cấp huyện còn lúng túng, chưa nắm vững chuyên môn trong việc hướng dẫn doanh nghiệp, có tâm lý lo ngại, sợ sai, sợ trách nhiệm trong việc triển khai chính sách...
Giải ngân chậm, cần khẩn trương tìm hướng tháo gỡ Chiều 9/8, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc phiên họp thứ ba dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương ... |
Công nhân Công ty TNHH IVORY Việt Nam đi làm trở lại sau 3 ngày ngừng việc Sáng 10/8, toàn bộ 2.500 công nhân Công ty TNHH IVORY Việt Nam (Thanh Hóa) đã đồng ý quay trở lại làm việc sau 3 ... |
Bộ Nội vụ trả lời về tăng lương công chức, phụ cấp y bác sĩ và giáo viên Bộ Nội vụ trả lời các kiến nghị của cử tri nhiều tỉnh thành, trong đó có Hà Nội và TP.HCM liên quan đến cải ... |
Tin cùng chuyên mục
Đời sống - 07/09/2024 21:05
Công nhân thoát nước giữa siêu bão Yagi: “Chút nhọc nhằn này có sá gì?”
Giữa cơn bão số 3, những công nhân thoát nước vẫn túc trực tại các điểm trạm, đảm bảo khơi thông nước, tránh ngập úng trên các tuyến đường Thủ đô.
Đời sống - 07/09/2024 13:09
Bão Yagi đổ bộ, người lao động đặc biệt lưu ý sẽ có “khoảng lặng” nguy hiểm
Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia vừa phát đi thông báo khẩn về cơn bão số 3 đang đổ bộ vào đất liền. Người lao động và người dân đặc biệt lưu ý, nếu thấy đột nhiên lặng gió không nên ra ngoài ngay lúc này.
Người lao động - 06/09/2024 19:17
Người lao động hối hả tích trữ thực phẩm trước "siêu bão" Yagi
Những ảnh hưởng đầu tiên của “siêu bão” Yagi (bão số 3) đã gây mưa lớn cục bộ tại nhiều tỉnh phía Bắc. Để phòng ngừa tình huống phải trú ẩn trong nhà nhiều ngày, người lao động tại Hà Nội và các vùng lân cận đã vội vã đến các siêu thị, chợ dân sinh để tích trữ lương thực, thực phẩm cần thiết.
Đời sống - 06/09/2024 10:54
Bão số 3 và 3 điều cần nhớ phòng tránh, xử trí để an toàn
Theo cơ quan khí tượng, cơn bão số 3 đang mạnh lên rất nhanh và vẫn còn tăng cấp trong hôm nay. Theo bản đồ dự báo đường đi của cơn bão, trong ngày 7/9, bão số 3 sẽ đổ bộ khu vực Nam Định - Thái Bình với cấp độ khoảng cấp 13, giật cấp 16.
Đời sống - 06/09/2024 09:57
Cách gia cố nhà cửa trước “siêu bão” Yagi
Theo dự báo, “siêu bão” Yagi có cường độ mạnh nên người dân cần có biện pháp bảo vệ nhà cửa để đảm bảo an toàn về người và tài sản. Dưới đây là những cách gia cố nhà cửa để đảm bảo an toàn trước bão.
Đời sống - 05/09/2024 18:04
Thừa Thiên Huế: Đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người lao động trước “siêu bão” Yagi
Để chủ động công tác triển khai, ứng phó với bão số 3 đang tiến vào đất liền, Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế đã có công văn gửi các cơ quan, địa phương, doanh nghiệp. Trong đó, chú trọng bảo vệ an toàn tuyệt đối cho công nhân, cán bộ nhân viên, người lao động.
- Phố núi Pleiku: Điểm sáng phát triển đoàn viên, công đoàn ở Gia Lai
- Công đoàn Trường Tiểu học Lại Hùng Cường - nơi “truyền lửa” cho giáo viên mới vào nghề
- Mái ấm Công đoàn - nghĩa tình đồng đội ở Nhà máy Z173
- Công đoàn chi hơn 2,7 tỷ đồng hỗ trợ đoàn viên, người lao động khó khăn
- Công nhân thoát nước giữa siêu bão Yagi: “Chút nhọc nhằn này có sá gì?”