Công hội Đỏ: Tạp chí nghiên cứu lý luận đầu tiên trong dòng báo chí cách mạng Việt Nam
Công đoàn - 27/10/2022 09:45 GS.TS ĐỖ QUANG HƯNG - CN. ĐỖ MINH KHÔI
Diện mạo báo chí cách mạng trước khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời
Đầu thập niên 20 của thế kỷ trước, chính sách mở rộng khai thác thuộc địa của thực dân Pháp đã khiến đội ngũ công nhân Việt Nam tăng lên cả về số lượng và chất lượng. Trong bối cảnh đó, các tổ chức cách mạng tiền thân của Đảng chủ trương thực hiện phong trào “Vô sản hoá”, phổ biến sách, báo cách mạng theo quan điểm mácxít - lêninnít cho đội ngũ công nhân tiên tiến, hướng đến những cuộc đấu tranh mang tính chất chính trị ngày càng rõ nét.
Nhìn chung, diện mạo báo chí cách mạng Việt Nam trước khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (1930) có một số đặc điểm sau: Thứ nhất, ra đời ở nước ngoài (Pháp, Nga, Trung Quốc, Thái Lan), thuộc các tổ chức cách mạng - hoạt động để phục vụ cho sự nghiệp cách mạng và quá trình vận động thành lập Đảng.
Thứ hai, thời kỳ này khái niệm về báo chí cách mạng rất đơn giản, gần như chỉ một loại hình, nếu không kể truyền đơn. Từ khi Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên trở về hoạt động mạnh ở trong nước, báo chí cách mạng trong nước cũng phát triển và bắt đầu hình thành tính khu vực dưới sự lãnh đạo của 3 tổ chức Đảng, bên cạnh những nguồn báo ở nước ngoài.
Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh - Hội trưởng lâm thời Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ, phụ trách Tạp chí Công hội Đỏ năm 1929 - Ảnh: Tư liệu |
Thứ ba, các tờ báo ra đời trong hay ngoài nước thường gắn với vai trò cụ thể của những nhân vật quan trọng trong quá trình vận động thành lập Đảng. Các đồng chí lãnh đạo bên cạnh thành lập các tổ chức tiền thân, hướng tới cuộc cách mạng vô sản giải phóng dân tộc, xây dựng lực lượng chính trị, đi sâu vào phong trào “Vô sản hoá”… đã trực tiếp làm báo để tuyên truyền chủ nghĩa Cộng sản, chủ nghĩa Mác - Lênin và giáo dục ý thức đấu tranh giai cấp.
Thứ tư, các tờ báo cách mạng không những là tiếng nói của các tổ chức Đảng từ Trung ương xuống các đại phương mà còn của các tổ chức quần chúng như tờ Công hội đỏ của Tổng Công hội đỏ Bắc Kỳ.
Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh và Tạp chí Công hội Đỏ
Trong quá trình vận động thành lập Đảng, đồng chí Nguyễn Đức cảnh là nhân vật đặc biệt, có tri thức, tầm nhìn và uy tín rất lớn. Trước sự phát triển của phong trào yêu nước, phong trào công nhân, ngày 17/6/1929, Đông Dương Cộng sản Đảng được thành lập tại Hà Nội, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh được bầu làm Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương lâm thời, phụ trách công tác công nhân vận động.
Trong bối cảnh giai cấp công nhân ngày càng lớn mạnh, trưởng thành về ý thức hệ, đòi hỏi phải có tổ chức Công hội để lãnh đạo phong trào đấu tranh, ngày 28/7/1929, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh chủ trì Đại hội đại biểu Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ lần thứ nhất tại số nhà 15 phố Hàng Nón, Hà Nội. Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh được bầu làm Hội trưởng lâm thời Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ, phụ trách xuất bản Báo Lao động và Tạp chí Công hội Đỏ (tiền thân của Tạp chí Lao động và Công đoàn ngày nay).
Ngôi nhà số 15 Hàng Nón, Hà Nội, nơi thành lập Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ (28/8/1929) - Ảnh tư liệu: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam |
Có hai điểm đáng chú ý về sự ra đời của Tạp chí Công hội Đỏ:
Một là, sự kiện thể hiện quyết tâm chính trị và tuyên truyền rất lớn của Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ và của Đông Dương Cộng sản Đảng mà lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh là linh hồn.
Tuyên cáo đăng trên số đầu tiên - “số đặc biệt” ngày 01/10/1929 cho biết: “Ngày 28/7/1929, Đại hội đại biểu lần thứ Nhất của Tổng Công hội Bắc Kỳ nghị quyết xuất bản một quyển tạp chí để làm cơ quan huấn luyện cho hội viên. Vì tổ chức tòa soạn và chỗ in để xuất bản một quyển tạp chí bí mật cho đứng đắn trong hồi quân giặc đế quốc chủ nghĩa Pháp đương hết sức truy nã, đầy đọa những người cách mệnh này rất là khó khăn; cho nên đến hôm nay (mồng 1 tháng 10), bản chí mới ra đời được”. Mục đích ra đời của Tạp chí Công hội Đỏ được tóm gọn trong lời tuyên ngôn: “Vô sản giai cấp phải có báo chí của vô sản giai cấp”. Tôn chỉ mục đích của Tạp chí được xác định ngay từ đầu là “Cơ quan truyền bá lý luận của Công hội Đỏ trong giai cấp công nhân Việt Nam”.
Tuyên cáo đăng trên số đầu tiên - "số đặc biệt" Tạp chí Công hội Đỏ ngày 1/10/1929 - Ảnh: Tư liệu |
Hai là, sự theo dõi gắt gao của thực dân Pháp đối với tờ Tạp chí. Chỉ một ngày sau khi Tạp chí Công hội Đỏ xuất bản số đầu tiên, điệp báo Pháp đã thu thập được tài liệu, đưa vào “tầm ngắm”. Trong bức điện mật (số 10966) ngày 03/10/1929 của Sở Liêm phóng Hà Nội gửi Liêm phóng Huế, Sài Gòn, Phnom Pênh, Viêng Chăn cho biết, điệp báo của họ ngày 2/10 đã nộp về 03 tài liệu mới của Đông Dương Cộng sản Đảng. Một trong 03 tài liệu quan trọng này được miêu tả chi tiết trong bức điện mật: “Số đầu tiên đề ngày 01/10/1929 của Tạp chí Công hội Đỏ, cơ quan ngôn luận của Tổng Công hội Bắc Kỳ. Trình bày dưới dạng cuốn sách có 118 trang in trên giấy bóng chất lượng xấu chỉ dùng được một mặt, cỡ 105x210, đóng gáy theo kiểu An Nam. In theo phương pháp thạch ấn, nhiều trang có hai màu, trong đó các tờ gác mang hình búa liềm (huy hiệu Cộng sản)”.
Sở dĩ thực dân Pháp theo dõi tờ Công hội Đỏ kỹ và sớm như vậy bởi chúng đã cảm thấy mối nguy hiểm tiềm tàng từ nội dung của Tạp chí - một tờ tạp chí có nền tảng cơ bản mang hơi hướng lý luận về phong trào công nhân và Công hội. Hơn thế, ẩn sâu dưới tầng cấp thứ hai, đó như là tiếng nói của tổ chức Mácxít đầu tiên.
Công hội Đỏ - tờ tạp chí nghiên cứu lý luận đầu tiên
Việc quyết định ra tờ Tạp chí Công hội Đỏ (mà cho đến nay dù chỉ còn lưu trữ được 02 số đầu tiên) đã phản ánh trình độ lý luận, báo chí của Đông Dương Cộng sản Đảng và Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ, mà người đại diện là lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh. Có thể khẳng định ý hướng của Nguyễn Đức Cảnh và những người đồng chí của mình là xây dựng nên một tờ tạp chí cách mạng đầu tiên, cho dù mới chỉ nằm trong khu vực của tổ chức Công hội Đỏ.
Một trang của Tạp chí Công hội Đỏ, năm 1929 - Ảnh: Tư liệu |
Về nội dung, Tạp chí Công hội Đỏ số đầu tiên (01/10/1929) có 4 chuyên mục gồm Luận thuyết; Kinh nghiệm phấn đấu; Thư từ đi lại; Tin tức; số thứ hai (01/11/1929) có 4 chuyên mục gồm Chính trị; Lý luận tranh đấu; Thư từ đi lại; Tin tức.
Hàm lượng lý luận, nghiên cứu của Tạp chí Công hội Đỏ thể hiện ở việc phân tích về chế độ thực dân Pháp và chính quyền thuộc địa với chính sách đàn áp, bóc lột giai cấp công nhân; từ đó rọi ra lý thuyết cách mạng vô sản của Quốc tế Cộng sản, Lênin, tính chất của Công hội… Trong các bài viết nhấn mạnh vai trò tiên phong của giai cấp công nhân: “Giai cấp vô sản thế giới liên hiệp lại”; thể hiện tính nghiên cứu, lý luận để củng cố, vận động phát triển tổ chức Công hội ở Đông Dương.
Trong bài “Tính chất Công hội Đông Dương”, mục A - “Tính chất cách mệnh của Công hội Đông Dương”, Tạp chí Công hội Đỏ (số 2, ngày 01/11/1929) có viết: “Mới nghe thấy 4 chữ Công hội cách mệnh nhiều người đã phản đối rồi. Những người ấy nghĩ rằng chỉ có Đảng cộng sản mới là đoàn thể cách mệnh của thợ thuyền, còn Công hội chỉ là một đoàn thể để tranh đấu riêng về kinh tế cho công nhân mà thôi. Nghĩ như thế là nhầm. Công hội trước hết chỉ tranh đấu kinh tế thật, nhưng khi công nhân tranh đấu với tư bản để đòi quyền lợi về kinh tế, tức là làm giai cấp tranh đấu…”.
Tạp chí Công hội Đỏ số 2, trang 120 vẽ hình Thống sứ Bắc Kỳ Robin - Ảnh: Tư liệu |
Một bản tin có tiêu đề “Tin Sô - Nga”, viết: “Ban Lao động Sô - Nga định thi hành luật ngày làm bẩy giờ tại một vài hãng mới mở. Số thợ được làm theo luật ấy đã có tới 60 vạn người. Anh chị em vô sản Nga sung sướng như thế đấy. Anh chị em chúng ta nếu muốn được như anh chị em Sô - Nga thì phải đoàn kết nhau lại, cực lực phản đối, đánh đổ đế quốc chủ nghĩa, tư bản chủ nghĩa, cướp lấy chính quyền, vì nếu chính quyền còn ở tay tụi đế quốc tư bản ngày nào, anh chị em ta còn cực khổ chừng ấy”.
Các bài viết thể hiện những điểm then chốt nhất của lý luận cách mạng vô sản ở một nước thuộc địa, đã được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh chỉ rõ trong tác phẩm “Đường cách mệnh”: “Muốn sống thì phải cách mệnh”; giải phóng nhân dân phải gắn với sự nghiệp giải phóng giai cấp vô sản.
Vị thế trong dòng chảy lịch sử báo chí cách mạng
Cho đến thời điểm hiện tại, dựa trên tài liệu công bố, có thể khẳng định Công hội Đỏ là tờ tạp chí có tính nghiên cứu lý luận đầu tiên trong lịch sử báo chí cách mạng. Việc Tạp chí Công hội Đỏ xuất bản 02 số đầu tiên (năm 1929) là dấu son của lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam, hé ra chân trời, triển vọng của giai cấp vô sản và của cách mạng.
Xác định rõ vị thế của Tạp chí Công hội Đỏ trong dòng chảy lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam, không thể không nhắc đến vai trò của lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh. Ngay từ rất sớm, đồng chí đã có tư duy rất sâu sắc về công tác tuyên truyền. Nếu như ở bề rộng có Báo Lao Động với nhiệm vụ tuyên truyền trực tiếp để đưa quần chúng ra tranh đấu thì ở bề sâu, Tạp chí Công hội Đỏ có nhiệm vụ đào tạo cán bộ nâng cao trình độ lý luận, nhận thức.
Khi tìm hiểu, khẳng định Tạp chí Công hội đỏ “là tạp chí cách mạng có tính nghiên cứu đầu tiên”, dĩ nhiên chúng tôi hiểu rằng, những tờ tạp chí lý luận đầu tiên của Đảng như Tạp chí Đỏ, tiền thân của Tạp chí Cộng sản hiện nay thực sự có ý nghĩa lý luận cho thể loại tạp chí của dòng báo chí cách mạng. Nhưng dù sao nó cũng chỉ có thể xuất hiện khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (1930).
Chúng tôi cũng muốn được nhấn mạnh thêm ý nghĩa của Tạp chí Công hội đỏ: Làm phong phú thêm hoạt động báo chí cách mạng, đặc biệt là trước khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, gắn với các tổ chức tiền thân và các tổ chức quần chúng đầu tiên; về phương diện lý luận, tuyên truyền và chính trị, mặc dù thời điểm Công hội đỏ xuất bản 2 số đầu tiên, Đảng Cộng sản Việt Nam chưa ra đời nhưng các bài viết đã nắm rất chắc những bản chất của chủ nghĩa Mác – Lênin, về vai trò của giai cấp công nhân, những điểm then chốt nhất của lý luận cách mạng vô sản ở một nước thuộc địa mà Nguyễn Ái Quốc đã chỉ ra trong cuốn Đường Cách mệnh (1927)…; đây cũng là những thông tin tư liệu quý báu chứng minh thêm cho tầm vóc sự nghiệp cách mạng phong phú, to lớn, trong đó có sự nghiệp báo chí của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh.
Ngày 28/10/2022, Tạp chí Lao động và Công đoàn sẽ tổ chức Lễ kỷ niệm 93 năm ngày xuất bản số đầu tiên (1/10/1929 - 1/10/2022), trao giải cuộc thi viết "Vòng tay Công đoàn" lần thứ II. Buổi Lễ được tổ chức tại Hội trường tầng 3, trụ sở Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (Số 65, phố Quán Sứ, Hoàn Kiếm, Hà Nội). |
93 năm: Từ Tạp chí “Công hội đỏ” đến “Lao động và Công đoàn” Cách đây 93 năm, ngày 1/10/1929, Tạp chí Công hội đỏ, tiền thân của Tạp chí Lao động và Công đoàn xuất bản số đầu ... |
93 năm - một tờ Tạp chí, một tấm lòng son Ngày 3/10/1929, Mật thám Hà Nội gửi điện mật cho các cơ sở ở Huế, Sài Gòn, Phnom Pênh, Viêng Chăn, nói về việc các ... |
Cuộc thi “Vòng tay Công đoàn” lần thứ II: 20 tác phẩm vào vòng Chung khảo Lễ trao giải Cuộc thi “Vòng tay Công đoàn” lần thứ II, năm 2022 sẽ được Tạp chí Lao động và Công đoàn tổ chức ... |
Tin cùng chuyên mục
Hoạt động Công đoàn - 06/09/2024 17:44
Công đoàn đã cho tôi tình thương như máu mủ, ruột thịt
Giữa muôn vàn sóng gió cuộc đời, ta luôn tìm kiếm điểm tựa bình yên. Nơi đó chính là mái ấm Công đoàn Trường Tiểu học Phan Chu Trinh (quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh).
Hoạt động Công đoàn - 06/09/2024 14:59
Nghiệp đoàn Xích lô du lịch Nha Trang - điểm tựa vững chắc cho người lao động
Sau gần 1 năm ra mắt, Nghiệp đoàn Xích lô du lịch Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) đã trở thành điểm tựa vững chắc của hơn 500 tài xế xích lô. Từ những phận đời riêng lẻ rong ruổi mưu sinh, giờ đây họ đã có những người anh em sát cánh trên mọi nẻo đường, giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn trong cuộc sống.
Hoạt động Công đoàn - 06/09/2024 09:21
Thầy giáo Lê Minh Hoàng- Chủ tịch Công đoàn năng động
Thầy Lê Minh Hoàng - Chủ tịch Công đoàn Trường Tiểu học Lại Hùng Cường, (huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh) là một tấm gương tiêu biểu, năng động; là thầy giáo sôi nổi, khơi dậy niềm đam mê học tập cho học sinh.
Công đoàn - 05/09/2024 15:51
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Ân: “Sẽ tiếp tục lan tỏa, nhân rộng mô hình trường học hạnh phúc”
TS Nguyễn Ngọc Ân – Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam cho biết, năm nay đơn vị sẽ tiếp tục thúc đẩy lan tỏa và nhân rộng mô hình trường học hạnh phúc. Sau thành công của các chương trình như cha mẹ, thầy cô thay đổi, chủ điểm của năm nay có thể sẽ là “hiệu trưởng thay đổi”.
Hoạt động Công đoàn - 05/09/2024 15:45
Cô tổng phụ trách Đội ở tuổi… bà ngoại của Trường THCS Mạc Đĩnh Chi
Dù đã ở tuổi gần về hưu nhưng cô Lâm Thị Bích Sương vẫn làm công việc Tổng phụ trách Đội Trường THCS Mạc Đĩnh Chi (thị xã Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh) một cách tận tụy, yêu nghề…
Phát triển đoàn viên - 05/09/2024 09:51
Công đoàn Công Thương Việt Nam phấn đấu tăng 3.500 đoàn viên trong năm 2024
Công đoàn Công Thương Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2028, toàn ngành sẽ có 182.258 đoàn viên. Riêng trong năm 2024, đơn vị đặt chỉ tiêu phát triển 3.500 đoàn viên.
- Phải ngừng việc do “siêu bão" Yagi, người lao động có được trả lương?
- Công đoàn đã cho tôi tình thương như máu mủ, ruột thịt
- Bài 8: Tư vấn sai lệch thông tin là “lừa dối trong giao dịch dân sự”
- Nghiệp đoàn Xích lô du lịch Nha Trang - điểm tựa vững chắc cho người lao động
- Tránh “siêu bão” Yagi, công nhân được nghỉ làm thứ Bảy