Quảng Nam: Phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước vào năm 2030
Đảng với công nhân - 09/04/2023 18:33 HOÀI NAM
Đồng chí Nguyễn Thị Thu Lan, Uỷ viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Quảng Nam phát biểu tại Hội nghị toàn tỉnh học tập, quán triệt chuyên đề năm 2023, với chủ đề “Đổi mới sáng tạo, phát huy ý chí tự lực tự cường, khơi dậy khát vọng phát triển tỉnh Quảng Nam theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Ảnh: ĐVCC |
PV: Thưa đồng chí, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Quảng Nam vừa tổ chức Hội nghị học tập, quán triệt thực hiện chuyên đề năm 2023. Xin đồng chí cho biết nội dung chuyên đề và những vấn đề đặt ra tại Hội nghị này?
Đồng chí Nguyễn Thị Thu Lan: Nội dung Chuyên đề là sự cụ thể hóa tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và quan điểm chỉ đạo thực hiện đường lối đổi mới của Nghị quyết Đại hội XIII “Động lực và nguồn động lực phát triển quan trọng của đất nước là khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc" và mục tiêu phát triển tỉnh Quảng Nam theo Nghị quyết đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII. Chuyên đề cung cấp nội dung cơ bản về lý luận, khẳng định thành quả đã đạt được và những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về đổi mới sáng tạo, phát huy ý chí tự lực tự cường, khơi dậy khát vọng phát triển tỉnh Quảng Nam. Đây là việc làm thiết thực để mỗi cán bộ, đảng viên phát huy cao độ ý thức, trách nhiệm, tinh thần cống hiến, lao động sáng tạo, phụng sự Tổ quốc, phụng sự dân tộc, phục vụ nhân dân, xây dựng đất nước ngày càng phát triển phồn vinh, hạnh phúc…
Học tập Chuyên đề về đổi mới sáng tạo, phát huy ý chí tự lực tự cường, khơi dậy khát vọng phát triển Quảng Nam với mục tiêu là đưa Quảng Nam trở thành tỉnh khá của cả nước đến năm 2030. Do đó, đặt ra yêu cầu cần tập trung quán triệt, thực hiện có hiệu quả chuyên đề năm 2023 với các nhóm nhiệm vụ, giải pháp cơ bản. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân tham gia các phong trào thi đua yêu nước, lôi cuốn sự vào cuộc của toàn xã hội. Nêu cao trách nhiệm nêu gương trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về đổi mới sáng tạo, phát huy ý chí tự lực tự cường, khơi dậy khát vọng phát triển Quảng Nam trong cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu.
Việc triển khai học tập chuyên đề về “Đổi mới sáng tạo, phát huy ý chí tự lực tự cường, khơi dậy khát vọng phát triển tỉnh Quảng Nam theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” là sự vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong bối cảnh hiện nay, phù hợp tình hình thực tiễn và đáp ứng nhu cầu phát triển của tỉnh và nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong công cuộc đổi mới và hội nhập. Thực hiện tốt chuyên đề sẽ là giải pháp quan trọng góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội XXII của Đảng bộ tỉnh đã đề ra; tiếp tục khẳng định, hiện thực hóa vị thế và khát vọng phát triển tỉnh Quảng Nam.
Tỉnh Quảng Nam đã và đang tập trung nguồn lực phát triển và hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, đảm bảo liên thông. Ảnh: ĐVCC |
PV: Chúng tôi được biết, tỉnh Quảng Nam đang gặp khó khăn khi tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) giảm 10,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo đó, hàng loạt vấn đề cần phải được tập trung giải quyết. Vậy, làm thế nào để vực dậy nền kinh tế địa phương và tỉnh đặt ra mục tiêu nào, thưa đồng chí?
Đồng chí Nguyễn Thị Thu Lan: Theo như báo cáo quý I/2023, tình hình phát triển kinh tế - xã hội gặp không ít khó khăn, thách thức. Hoạt động sản xuất công nghiệp và xây dựng giảm sút mạnh, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trong 3 tháng đầu năm chậm; nhiều dự án chậm tiến độ, nhất là các dự án lớn, trọng điểm. Nguyên nhân chủ yếu tập trung vào các nhóm ngành công nghiệp, chủ yếu là ngành sản xuất, lắp ráp ô tô. Tuy vậy, tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh cũng đạt được một số kết quả nhất định, trong đó đáng kể nhất là hoạt động thương mại - dịch vụ tăng trưởng khởi sắc, đặc biệt là ngành du lịch phục hồi khá tốt.
Từ tình hình trên, tỉnh Quảng Nam đã nghiên cứu, dự báo và đề ra nhiều giải pháp để vực dậy nền kinh tế. Trong đó, giải pháp trọng tâm, đầu tiên là thúc đẩy cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ quan trọng để dẫn dắt, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh; kích cầu tiêu dùng và thúc đẩy xuất khẩu.
Trong chuyên đề năm 2023, đã đề ra những nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm, đột phá; trong đó tập trung huy động nguồn lực thực hiện hiệu quả 3 nhiệm vụ đột phá chiến lược; phát huy tiềm năng vùng kinh tế biển và vùng đồng bằng ven biển; phát triển Khu kinh tế mở Chu Lai thành khu kinh tế đa ngành, đa lĩnh vực gắn với phát triển kết cấu hạ tầng đô thị, khu công nghiệp, thương mại - dịch vụ - du lịch - logistics, chế biến nông sản chất lượng cao, xứng tầm là trung tâm phát triển của Vùng kinh tế trọng điểm Trung Bộ và cả nước; giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới; và nhất là xác định, phát huy giá trị văn hóa, con người Quảng Nam để bảo vệ, nuôi dưỡng, phát triển các giá trị, bản sắc và hình ảnh của con người xứ Quảng. Trước mắt, là đề ra giải pháp cấp bách vượt qua khó khăn thử thách để phục hồi nền kinh tế.
Hiện nay, tỉnh Quảng Nam đang đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển song song ngành công nghiệp và dịch vụ; xây dựng vùng Đông Nam của tỉnh trở thành chuỗi đô thị - trung tâm dịch vụ, du lịch - công nghiệp sạch - nông nghiệp công nghệ cao; đưa ngành công nghiệp trở thành động lực, tạo đột phá tăng trưởng kinh tế.
Theo đó, tỉnh sẽ tập trung xúc tiến, triển khai các nhóm dự án ngành công nghiệp; mở rộng Khu phức hợp ôtô Chu Lai - Trường Hải; đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ phục vụ các ngành công nghiệp chủ lực, đáp ứng nguyên liệu đầu vào, tăng tỷ trọng nội địa trong các sản phẩm công nghiệp. Cùng với việc triển khai hệ thống phần mềm du lịch thông minh, tập trung phát triển những ngành dịch vụ có hàm lượng trí tuệ và công nghệ cao; chú trọng đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng du lịch; tranh thủ các nguồn vốn đầu tư nâng cấp khai thác sân bay Chu Lai…
Cùng với đó, tỉnh tập trung nguồn lực đầu tư phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, bảo đảm liên thông, kết nối liên vùng và phát triển đô thị; chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn với phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư và đẩy mạnh khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Mục tiêu tăng trưởng GRDP bình quân trong nhiệm kỳ 2020 - 2025 từ 7,5 - 8% và phấn đấu đưa Quảng Nam trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước vào năm 2030 là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Đảng bộ tỉnh.
Tỉnh Quảng Nam đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu theo hướng phát triển song song ngành công nghiệp và dịch vụ. Ảnh: ĐVCC |
PV: Quảng Nam là địa phương có bề dày truyền thống cách mạng, tinh thần đoàn kết và sự nỗ lực vươn lên mạnh mẽ. Thưa đồng chí, vào thời điểm này, ý chí tự lực, tự cường được phát huy như thế nào?
Đồng chí Nguyễn Thị Thu Lan: Như đã biết, quá trình hình thành và sự nghiệp xây dựng, phát triển trong suốt hơn 550 năm, nhất là qua 93 năm từ khi có Đảng, tỉnh Quảng Nam phải trải qua nhiều khó khăn, thách thức nhưng tinh thần tự lực, tự cường của vùng đất và con người Quảng Nam luôn để cao và phát huy.
Đặc biệt, qua 25 năm tái lập, tỉnh Quảng Nam đã tạo nên sự chuyển biến tích cực trên tất cả các lĩnh vực. Dấu ấn nổi bật nhất phải kể đến là sự bứt phá ngoạn mục về thu ngân sách. Từ số thu 120 tỉ đồng năm 1996, đến năm 2022 đạt 33.338 tỉ đồng. Từ một địa phương phải nhận trợ cấp hơn 70% ngân sách Trung ương, năm 2017 Quảng Nam đã tự cân đối được thu chi ngân sách và có đóng góp về Trung ương.
Du lịch những năm đầu tái lập tỉnh gần như là con số không trong nền kinh tế Quảng Nam. Tuy nhiên, với chiến lược đúng đắn về việc bảo tồn gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế các giá trị văn hóa, lịch sử, địa lý, danh lam thắng cảnh và con người đất Quảng, Quảng Nam đã hiện diện nổi bật trên bản đồ du lịch cả nước. Riêng Hội An đã là điểm đến du lịch của thế giới, đặc biệt trong Năm Du lịch quốc gia 2022 “Quảng Nam - Điểm đến du lịch xanh”.
Du lịch phục hồi là tín hiệu đáng mừng cho nền kinh tế địa phương. Ảnh: ĐVCC |
Đến cuối năm 2022, toàn tỉnh có 4 huyện, 118/194 xã về đích nông thôn mới, đạt tỷ lệ 60,82%. Từ một Đảng bộ với chỉ hơn 70 đảng viên khi mới thành lập năm 1930, đến cuối năm 2022, toàn Đảng bộ có 1.157 tổ chức cơ sở đảng; 71.319 đảng viên.
Trong thời điểm hiện nay, trước tình hình dư luận xã hội, cán bộ, đảng viên, nhân dân trong tỉnh rất quan tâm, lo lắng trước các vấn đề nhạy cảm, phức tạp, khó khăn trên địa bàn cả nước và Quảng Nam; đòi hỏi toàn đảng, toàn quân toàn dân trong tỉnh cần tiếp tục vận dụng một cách có hiệu quả tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về đổi mới sáng tạo, ý chí tự lực tự cường phù hợp với địa phương, qua đó góp phần hiện thực hóa mục tiêu “Xây dựng Quảng Nam trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước vào năm 2030” theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII đã đề ra….
Chúng tôi nghĩ rằng, đây là lúc các cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận tổ quốc và toàn thể cán bộ, đảng viên, Nhân dân tỉnh nhà sẽ tiếp tục phát huy mạnh mẽ ý chí tự lực, tự cường để khẳng định và tự hào về truyền thống vẻ vang, thành tựu to lớn mà tỉnh Quảng Nam đạt được trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng, xây dựng và phát triển dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, đặc biệt là sau hơn 25 năm tái lập tỉnh và nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII.
Quảng Nam phấn đấu đưa ngành công nghiệp thành động lực, tạo đột phá tăng trưởng kinh tế. Ảnh: ĐVCC |
PV: Để phát huy mạnh mẽ ý chí đó, không thể không nói đến công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Vậy công tác này được tập trung chỉ đạo như thế nào?
Đồng chí Nguyễn Thị Thu Lan: Hiện nay, để phát huy ý chí tự lực tự cường, khơi dậy khát vọng phát triển Quảng Nam, điều tiên quyết là phải chăm lo tập trung làm tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị. Đây là nhiệm vụ then chốt, quyết định đến uy tín, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của mỗi cấp ủy, tổ chức đảng và từng cán bộ, đảng viên. Tiếp theo là nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công tác cán bộ và kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Chú trọng công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật của Đảng và công tác dân vận của hệ thống chính trị. Đây là nhân tố có tính quyết định đến sự phát triển của tỉnh.
Năm 2023, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã kịp thời tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức đồng thời 04 đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng gồm: Tiếp tục tổ chức thực hiện đợt sinh hoạt chính trị về chủ đề “tự soi, tự sửa” theo tinh thần Kết luận 21-KL/TW; 02 đợt sinh hoạt chính trị về Tác phẩm “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội của Việt Nam” và “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào thực tiễn tỉnh Quảng Nam; sinh hoạt chính trị kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đảng bộ tỉnh Quảng Nam (28/3/1930 - 28/3/2023), cùng với việc tổ chức học tập, quán triệt chuyên đề năm 2023.
Tập trung phát triển những ngành dịch vụ có hàm lượng trí tuệ và công nghệ cao. Ảnh: ĐVCC |
Trong thời gian tới, tình hình quốc tế và trong nước có những thuận lợi nhất định, đan xen khó khăn, thách thức tác động lớn đến công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trên địa bàn tỉnh; vì vậy, tỉnh sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương, của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và của cấp ủy các cấp. Bên cạnh đó, các cấp ủy, tổ chức đảng từ tỉnh đến cơ sở cần chú trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị toàn diện trên các mặt chính trị, tư tưởng và đạo đức; cổ vũ, phát huy truyền thống đoàn kết, tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường; khẳng định vị thế và khát vọng phát triển tỉnh Quảng Nam; đẩy mạnh tuyên truyền các thành tựu về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2022 và qua hơn 25 năm tái lập tỉnh.
Triển khai thực hiện các cuộc kiểm tra, giám sát theo kế hoạch, chương trình kiểm tra, giám sát năm 2023 của cấp ủy, UBKT cấp ủy đảm bảo nguyên tắc, quy trình, thủ tục, chất lượng, hiệu quả. Chú trọng kiểm tra tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm; những vấn đề nổi cộm, bức xúc, dư luận xã hội quan tâm; những địa bàn, lĩnh vực dễ phát sinh vi phạm. Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện và sơ kết, tổng kết các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp.
Thực hiện tốt công tác tiếp công dân, đối thoại với Nhân dân, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc, phản ánh, kiến nghị của Nhân dân, không để tồn đọng, kéo dài gây bức xúc trong xã hội. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận của Nhân dân trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với các dự án trọng điểm; đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện việc gửi, nhận văn bản điện tử, chữ ký số...
Xin cảm ơn đồng chí về cuộc trao đổi này!
Đại hội công đoàn ở một doanh nghiệp từng xảy ra nhiều cuộc đình công Ngày 25/3, Công đoàn cơ sở Công ty TNHH MTV Panko Tam Thăng (gọi tắt là Công ty Panko Tam Thăng) đóng tại Khu Công ... |
Quảng Nam: Quyết tâm thu hồi nợ đọng BHXH, đảm bảo quyền lợi cho người lao động Trong năm 2022, Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Quảng Nam áp dụng rất nhiều biện pháp từ tuyên truyền, vận động, tập huấn, ứng ... |
Giải pháp nào để lao động tha hương của huyện Duy Xuyên về lại địa phương? Duy Xuyên là một trong những huyện tiêu biểu của tỉnh Quảng Nam trong thu hút người lao động tha hương về lại địa phương ... |
Tin cùng chuyên mục
Đảng với công nhân - 24/09/2024 10:10
Ngọc trong lũ
Hình như khi đó và chắc không chỉ khi đó, họ đã tạm quên đi thời gian, tạm quên đi gia đình riêng, thậm chí quên đi cả bệnh tật mỏi mệt của bản thân… để lo lắng cho việc làng. Hình như đó cũng là cách để họ có thể gần dân như thế.
Đảng với công nhân - 20/09/2024 06:43
Người đảng viên khơi dậy khát khao sáng tạo trong công nhân
Gặp anh Nguyễn Thế Chuyền – công nhân tổ chế tạo, Công ty Cổ phần Công nghiệp Đông Hưng, huyện Đông Anh, TP Hà Nội, chúng tôi nhận thấy đằng sau vẻ bề ngoài điềm tĩnh là một trái tim say mê, hết lòng vì công việc.
Đảng với công nhân - 13/09/2024 16:53
Bình Phước: Thành lập chi bộ có 20 đảng viên tại doanh nghiệp FDI
Ngày 12/9, Chi bộ Công ty TNHH Long Fa tại Khu công nghiệp Minh Hưng III, thị xã Chơn Thành được thành lập với 20 đảng viên.
Đảng với công nhân - 12/09/2024 17:02
Vào Đảng để thấy được trách nhiệm và cống hiến
“Khi đứng dưới lá cờ Đảng và tuyên thệ, bản thân tôi cảm thấy rất vinh dự và hạnh phúc. Đảng đã cho tôi ý chí và nghị lực để không ngừng rèn luyện, tu dưỡng bản thân, để làm tốt công tác chăm lo đời sống cho anh chị em công nhân lao động” – đó là chia sẻ của đồng chí Lê Văn Đại, Phó Chủ tịch CĐCS Công ty TNHH Shyang Hung Cheng (Cụm sản xuất An Thạnh, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương).
Nghiên cứu - 09/09/2024 13:38
Nâng cao ý thức chính trị cho giai cấp công nhân trong tình hình mới
Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 28/1/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X nêu rõ “Giai cấp công nhân Việt Nam là một lực lượng xã hội to lớn, đang phát triển, bao gồm những người lao động chân tay và trí óc, làm công hưởng lương trong các loại hình sản xuất kinh doanh và dịch vụ công nghiệp, hoặc sản xuất kinh doanh và dịch vụ có tính chất công nghiệp”.
Đảng với công nhân - 28/08/2024 17:57
Bình Phước: Chi bộ Đảng đầu tiên gồm 9 đảng viên thành lập trong khu công nghiệp
Ngày 28/8, Đảng ủy Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh Bình Phước tổ chức lễ công bố quyết định thành lập Chi bộ cơ sở Công ty TNHH Freewell, thuộc Khu công nghiệp (KCN) Bắc Đồng Phú. Đây là chi bộ Đảng đầu tiên thành lập trong KCN.