“Kiệt sức nghề nghiệp” thành bệnh nghề nghiệp - bao giờ?
Nghiên cứu - 03/05/2022 14:45 TS. PHẠM THỊ THU LAN - Viện Công nhân và Công đoàn
“Kiệt sức nghề nghiệp” thành bệnh nghề nghiệp - bao giờ?. Ảnh minh họa. |
“Kiệt sức nghề nghiệp”
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), “Kiệt sức nghề nghiệp” (Occupational burnout) là một hội chứng căng thẳng mạn tính liên quan đến công việc, với triệu chứng đặc trưng là cảm giác cạn kiệt năng lượng hoặc kiệt sức, cảm giác tiêu cực hoặc hoài nghi liên quan đến công việc, từ đó làm giảm hiệu quả nghề nghiệp.
Năm 1974, Herbert Freudenberger, một nhà tâm lý học người Mỹ lần đầu tiên sử dụng thuật ngữ "kiệt sức" trong công bố trên một tạp chí khoa học nghiên cứu về hội chứng này. Nghiên cứu của ông dựa trên quan sát về các nhân viên tình nguyện tại một phòng khám miễn phí dành cho người nghiện ma túy. Theo ông, tình trạng kiệt sức là một loạt các triệu chứng bao gồm kiệt sức do yêu cầu quá mức của công việc cũng như các triệu chứng thể chất như đau đầu và mất ngủ, "dễ nổi nóng" và suy nghĩ khép kín. Ông quan sát những người làm việc kiệt sức biểu hiện ở vẻ ngoài, hành động và sự chán nản. Sau khi nghiên cứu được xuất bản, sự quan tâm đến tình trạng kiệt sức nghề nghiệp ngày càng tăng.
Năm 1981, Christina Maslach, một nhà tâm lý học xã hội người Mỹ mô tả sự kiệt sức liên quan tới cảm xúc suy giảm xuống tột bậc trong đối xử với khách hàng, sinh viên hoặc đồng nghiệp bằng sự xa cách hoặc hoài nghi, và giảm cảm giác về thành tích cá nhân liên quan đến công việc. Maslach và Susan Jackson cũng xuất bản một công cụ đánh giá tình trạng kiệt sức, tập trung vào các nghề dịch vụ như giáo viên, nhân viên xã hội. Cho đến nay, công cụ này được điều chỉnh để đánh giá sức khỏe tâm thần trong nhiều ngành nghề khác trên thế giới.
Hiệp hội Y khoa Hoàng gia Hà Lan định nghĩa "kiệt sức" là một dạng phụ của rối loạn điều chỉnh. Ở Hà Lan, tình trạng kiệt sức được đưa vào sổ tay và NVYT được đào tạo về chẩn đoán và điều trị. Ủy ban Y tế và Phúc lợi Quốc gia Thụy Điển đề cập tới suy nhược thần kinh và coi tình trạng này còn nghiêm trọng hơn tình trạng kiệt sức. Những người Thụy Điển bị kiệt sức nặng được coi là bị suy nhược thần kinh, được xếp cùng nhóm với rối loạn điều chỉnh và rối loạn căng thẳng sau chấn thương - là những tình trạng do căng thẳng quá mức gây ra và vẫn kéo dài sau khi các yếu tố gây căng thẳng đã được loại bỏ.
Căng thẳng trong công việc có thể dẫn tới đột tử hay tự tử. Nước Nhật bị ám ảnh bởi căn bệnh Karoshi (đột tử vì làm việc quá sức). Tổng Công đoàn Quốc tế (ITUC) tổng kết: “Ngày nay, bạn không còn treo mình trên giàn giáo, mạo hiểm tính mạng vì công việc, nhưng sự bấp bênh, căng thẳng trong công việc và làm việc quá sức cũng có thể khiến bạn ốm, thậm chí giết chết bạn, với tỷ lệ còn cao hơn nhiều so với tỷ lệ tai nạn lao động”.
“Kiệt sức nghề nghiệp” hiện nay đã được thừa nhận trong danh mục BNN của Đan Mạch, Estonia, Pháp, Hungary, Latvia, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Slovakia, Tây Ban Nha, Thụy Điển...
Stress, sang chấn tâm lý, thậm chí trầm cảm và bỏ việc là hậu quả của những áp lực tinh thần mà nhân viên y tế phải chịu đựng trong đại dịch. Trong ảnh: Các bác sĩ Bệnh viện hồi sức Covid-19 (TP. Hồ Chí Minh) đang điều trị bệnh nhân nặng, nguy kịch, tháng 8/2021. Ảnh: Thành Nguyễn. |
Covid-19 và căng thẳng nghề nghiệp của NVYT
Kết quả nghiên cứu của Viện Công nhân và Công đoàn về tác động của đại dịch Covid-19 đến NLĐ cho thấy: Trong khi ở đa số các ngành khác, NLĐ bị tác động liên quan tới mất việc, giảm giờ làm việc do giãn việc, nghỉ việc không lương, tạm hoãn hợp đồng lao động,…thì NLĐ ngành Y tế chịu tác động theo chiều ngược lại.
Theo khảo sát của Công đoàn Y tế Việt Nam (CĐYTVN), số giờ làm việc của NVYT tăng trung bình 3,65 giờ/ngày và cường độ làm việc tăng cùng với số lượng ca mắc mới tăng hay số người cách ly, xét nghiệm tăng... Covid-19 khiến cho môi trường làm việc của NVYT vốn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mắc các BNN và phơi nhiễm bệnh tật trở nên không an toàn. Tính đến ngày 19/8/2021, đã có khoảng hơn 2.300 NVYT nhiễm bệnh và
3 người tử vong. Họ không chỉ lo lắng bản thân mắc bệnh mà còn lo sẽ lây nhiễm cho đồng nghiệp, gia đình. "Họ là người áp lực nhất, khi chính mình là những người chiến đấu tuyến đầu lại bị nhiễm bệnh, không thể tiếp tục chăm sóc điều trị cho người bệnh. Nếu cộng đồng, xã hội không đồng cảm, chia sẻ, cảm thông thì những áp lực đó sẽ khiến cho các y bác sĩ bị stress", PGS. TS. Phạm Thanh Bình, Chủ tịch CĐYTVN chia sẻ.
Theo Bộ Y tế, đại dịch Covid-19 khiến 60% NVYT phải làm việc tăng lên đáng kể, trong đó 40% bị suy giảm về sức khỏe thể chất, 70% bị lo lắng và trầm cảm. Căng thẳng đã khiến nhiều NVYT xin nghỉ việc. Chỉ riêng ở TP. Hồ Chí Minh trong đợt dịch thứ tư, có khoảng 1.000 NVYT xin nghỉ việc. PGS. TS. Hoàng Bùi Hải, Phó Giám đốc Bệnh viện điều trị Covid-19 Hà Nội, Trưởng Khoa cấp cứu Bệnh viện Đại học Y Hà Nội chia sẻ: "Lý do nghỉ việc không hẳn là do thu nhập giảm mà do áp lực công việc kéo dài, vượt qua sức chịu đựng thì họ cần được nghỉ ngơi".
Thời điểm làm việc thường xuyên trái với quy luật sinh học cũng ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe thể chất và tinh thần của NVYT, đặc biệt đối với phụ nữ. 63% NVYT cho biết ngoài việc chống dịch, họ vẫn phải lo lắng việc nhà cho gia đình và người thân. Nhiều cán bộ làm việc trong khu cách ly khi người thân mất không thể về được.
Cán bộ Công đoàn ngành Y tế Bắc Giang tặng quà cho lực lượng y, bác sĩ tuyến đầu phòng, chống dịch. Ảnh: Bích Hợp. |
Không chỉ gia tăng áp lực, trong công việc hằng ngày, NVYT cũng đối mặt với những tình huống căng thẳng không tránh khỏi. Nhiều y, bác sĩ và NVYT ở các khoa cấp cứu bị người nhà bệnh nhân xúc phạm, hành hung khi người thân của họ bị bệnh nặng, tính mạng bị đe dọa, khiến họ hoảng hốt, rối trí nên bức xúc và không kiểm soát được bản thân.
NVYT làm việc trong môi trường thường xuyên chứng kiến sự ốm yếu, đau đớn, mệt mỏi của bệnh nhân, thậm chí là chết chóc... phải chịu áp lực tâm lý lớn, mặc dù đã được rèn luyện. "Môi trường làm việc độc hại, mức độ truyền nhiễm, hóa chất, phóng xạ, nóng bức... Thái độ của bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, cả về ngôn ngữ và thể chất cũng làm cho áp lực của NVYT tăng cao", PGS. TS. Nguyễn Thanh Hương, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Đào tạo, nguyên Phó Hiệu trưởng, Trường Đại học Y tế Công cộng phân tích.
Sức ép lớn của môi trường làm việc khiến tỉ lệ nhân viên y tế bị stress rất cao. Theo khảo sát của Viện Y học lao động & Vệ sinh môi trường tại một khoa hồi sức cấp cứu, gần 23% số nhân viên bị stress ở mức cao, 42% bị stress ở mức trung bình. Hơn 20% số điều dưỡng cho biết họ thường xuyên có các biểu hiện nhức đầu, cảm giác lo âu, căng thẳng tinh thần, giấc ngủ bất thường…Các yếu tố gây stress liên quan tới phản ứng của bệnh nhân và người nhà, làm việc quá nhiều giờ, áp lực công việc cao, điều kiện làm việc thiếu thốn máy móc, trang thiết bị, đông người, ồn ào, tiếp xúc nhiều mầm bệnh, dễ bị thương tích, thu nhập chưa thỏa đáng và công việc ít có cơ hội thăng tiến…Khảo sát của Viện Chiến lược và Chính sách y tế (Bộ Y tế) cũng khẳng định áp lực công việc cao và căng thẳng qua trả lời của 87,4% NVYT. Trong dịch bệnh Covid-19, căng thẳng và áp lực tăng gấp nhiều lần.
Cán bộ y tế phường Tương Mai (Hoàng Mai, TP. Hà Nội) làm việc không phút nghỉ ngơi khi dịch bệnh bùng phát ở TP. Hà Nội, tháng 3/2022. Ảnh: Đình Hiếu. |
Vai trò của công đoàn
Là tổ chức đại diện cho NLĐ, Công đoàn Việt Nam, đặc biệt là CĐYTVN đã tổ chức nhiều hoạt động chăm lo cho cán bộ, NVYT, đoàn viên công đoàn tham gia phòng, chống dịch Covid-19 như: Tuyên truyền phòng, chống dịch; triển khai xét nghiệm định kỳ và tiêm vắc xin cho cán bộ, NVYT; thành lập Quỹ phòng, chống Covid-19; đề xuất, kiến nghị Bộ Y tế tiêm vắc xin mũi 3 cho cán bộ, NVYT tham gia chống dịch; đề xuất, đề nghị Bộ LĐ-TB&XH, Chính phủ có chế độ chính sách phong liệt sĩ đối với cán bộ, NVYT hy sinh trong khi đang làm nhiệm vụ; kiến nghị Chính phủ đảm bảo lương cho cán bộ, NVYT ở đơn vị tự chủ và đầu tư trang thiết bị cho y tế tuyến xã, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh để chăm sóc sức khỏe cho người dân. Nhiều chế độ, chính sách được ban hành kịp thời nhằm hỗ trợ, động viên tinh thần cho y, bác sĩ, NVYT như: Nghị quyết số 16/NQ-CP về chi phí cách ly y tế, khám chữa bệnh và một số chế độ đặc thù trong phòng, chống dịch; Nghị quyết số 58/NQ-CP, trong đó hướng dẫn chế độ chống dịch cho các tình nguyện viên (học sinh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng, học sinh các trường đào tạo hệ trung cấp khối ngành sức khỏe, người có chuyên môn y tế không hưởng lương từ ngân sách Nhà nước tham gia hỗ trợ chống dịch); Nghị quyết số 58/NQ-CP về chế độ phụ cấp tiêm chủng…
Để bảo vệ sức khỏe, việc làm cho cán bộ, NVYT - ngành dịch vụ thiết yếu ở Việt Nam trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 chưa có dấu hiệu dừng và tỷ lệ ca nhiễm mới tăng nhanh mỗi ngày - Công đoàn Việt Nam cần nghiên cứu và đề xuất đưa hiện tượng “Kiệt sức nghề nghiệp” vào danh mục bệnh nghề nghiệp cho NVYT phù hợp với tiêu chuẩn chung trên thế giới.
Nhân viên y tế tại doanh nghiệp và nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp Theo Điều 73, Luật An toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ), nhân viên y tế là người làm công tác y tế tại các doanh ... |
Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp chi trả như thế nào? Bạn Nguyễn Chí Tâm (Hà Nội) hỏi: Khi bị tai nạn lao động (TNLĐ), NLĐ được Quỹ Bảo hiểm TNLĐ, bệnh nghề nghiệp (BNN) chi ... |
Đề xuất đưa Covid-19 vào danh mục bệnh nghề nghiệp Bộ Y tế đang dự thảo thông tư bổ sung bệnh Covid-19 vào danh mục bệnh nghề nghiệp được hưởng Bảo hiểm xã hội (BHXH) ... |
Tin cùng chuyên mục
Nghiên cứu - 21/06/2024 16:35
Tình đoàn kết tạo ra quyền lực cho tổ chức
Nhân Tháng Công nhân 2024, TS. Phạm Thị Thu Lan, nhà nghiên cứu quen biết về phong trào công nhân, hoạt động công đoàn (công tác tại Viện Công nhân và Công đoàn) có bài viết về tình đoàn kết và niềm tin của NLĐ, điều sẽ tạo ra quyền lực mềm cho tổ chức Công đoàn. Tạp chí LĐ&CĐ xin giới thiệu với bạn đọc phân tích thú vị và rất đáng suy ngẫm này.
Nghiên cứu - 28/05/2024 15:33
Bài 3: Xây dựng chính sách đồng bộ, hiệu quả cho người lao động tiếp cận, thụ hưởng
Hệ thống chính sách, pháp luật về lao động, việc làm ở nước ta đã được chú trọng xây dựng, hoàn thiện nhưng vấn đề tiếp cận, thụ hưởng chính sách của người lao động còn cần được cải thiện hơn nữa.
Nghiên cứu - 28/05/2024 14:54
Bài 2: Cơ sở xây dựng lực lượng lao động năng suất, tiến bộ
Cơ sở để bảo đảm việc làm, thu nhập, chăm lo đời sống, đáp ứng nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của người lao động (NLĐ) xuất phát từ các tiền đề về tiền lương, phúc lợi về nhà ở, sức khỏe y tế, cải thiện đời sống văn hóa tinh thần, hỗ trợ chăm sóc con em.
Nghiên cứu - 28/05/2024 10:28
Một số đặc điểm về học vấn, chuyên môn của công nhân hiện nay
Với sự nỗ lực, tự học hỏi, rèn luyện, công nhân đã có trình độ học vấn và chuyên môn nghề nghiệp khá cao, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Nghiên cứu - 24/05/2024 18:18
Đón đọc Tạp chí An toàn vệ sinh lao động, số 346, tháng 5 - 2024
Số An toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) tháng 5 là số đặc biệt, tăng từ 64 lên 80 trang, in màu trên giấy couche, xuất bản - phát hành ngày 25/5/2024 đến các cấp công đoàn, đội ngũ an toàn vệ sinh viên, cán bộ an toàn các đơn vị sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp trên toàn quốc.
Công đoàn - 22/05/2024 09:47
Vai trò của nhân dân lao động trong đấu tranh chống tiêu cực
Nhân dân lao động là người “chở thuyền” cho những cuộc cách mạng cập bến và chính nhân dân lao động là người “lật thuyền” nhấn chìm các chế độ bóc lột.