Tình đoàn kết tạo ra quyền lực cho tổ chức
Nghiên cứu - 21/06/2024 16:35 TS Phạm Thị Thu Lan (Viện Công nhân và Công đoàn)
Xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh và tích cực xây dựng Đảng, chính quyền |
Bài viết "Tình đoàn kết tạo ra sức mạnh" của TS Phạm Thị Thu Lan đã được đăng trên Tạp chí Lao động và Công đoàn số 713, tháng 6/2024. Tạp chí Lao động và Công đoàn điện tử xin trân trọng giới thiệu bài viết này. |
Đoàn kết là sức mạnh
Quyền lực thường có hai loại: Quyền lực cứng và quyền lực mềm. Quyền lực cứng là quyền lực được tạo ra bởi thể chế, cơ chế và quy định của pháp luật. Quyền lực mềm được tạo ra từ chính các thành viên của tổ chức.
Câu hỏi đặt ra là nếu công đoàn chỉ có quyền lực cứng, liệu công đoàn có thể thực hiện được vai trò của mình?
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Huỳnh Thanh Xuân (đứng ngoài cùng bên phải) trò chuyện với đoàn viên, người lao động Công ty cổ phần Than Vàng Danh trong “Bữa cơm Công đoàn”. Ảnh: Nhật Minh |
Trong nhiều trường hợp, câu trả lời là “không”, đặc biệt liên quan tới vai trò thương lượng tập thể cải thiện quyền lợi cho đoàn viên và người lao động. Quyền thương lượng tập thể là quyền được pháp luật trao cho công đoàn và là quyền lực cứng (quyền được pháp luật trao), nhưng công đoàn chỉ có thể thực hiện được thương lượng tập thể thực sự hiệu quả khi và chỉ khi có quyền lực mềm - đó là tình đoàn kết của những người lao động cùng nhau hành động trong thương lượng tập thể.
Với quyền lực cứng, công đoàn được quyền nói, được lên tiếng. Thế nhưng, người sử dụng lao động có lắng nghe tiếng nói của công đoàn hay không lại phụ thuộc hoàn toàn vào quyền lực mềm.
Vậy quyền lực mềm của công đoàn - tình đoàn kết của những người lao động - có được như thế nào?
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Đoàn kết là sức mạnh vô địch của chúng ta”. Đoàn kết trong tổ chức chính là trọng tâm hành động của tổ chức. Đoàn kết trong tổ chức được tạo ra từ sự ủng hộ của đoàn viên và người lao động đối với tổ chức. Sự ủng hộ này đưa tới sự thống nhất về mục đích và mục tiêu hành động chung.
Chính sự ủng hộ và đoàn kết sẽ giúp cho mỗi thành viên từ bỏ lợi ích cá nhân của mình để ủng hộ tập thể.
Trong bối cảnh một tổ chức có đa dạng người lao động tham gia, bao gồm cả những người lao động trực tiếp và gián tiếp, lao động tay chân và trí thức, lao động cổ xanh và cổ trắng, công nhân và quản lý, lao động chính thức và phi chính thức, lao động trẻ và lao động nhiều tuổi, lao động thuộc các dân tộc khác nhau…, nếu không có tình đoàn kết, tổ chức có thể rơi vào tình trạng tranh giành lợi ích trong nội bộ giữa các nhóm lao động với lợi ích khác nhau, từ đó đưa tới sự phân rã của tổ chức.
Với sự đa dạng thành viên trong tổ chức, chính tình đoàn kết sẽ tạo ra bản sắc cho tổ chức.
Trong bối cảnh hiện nay, chúng ta đang chứng kiến quá trình “cá nhân hóa” về quan hệ việc làm, đặc biệt là với sự hỗ trợ của công nghệ hiện đại. Người sử dụng lao động đang thúc đẩy ký các hợp đồng cá nhân với từng người lao động, với các nội dung không đồng nhất thay cho các hợp đồng đồng nhất với đa số người lao động như ở giai đoạn trước đây. Mục đích của việc này là nhằm chia rẽ tình đoàn kết của người lao động, làm suy yếu tổ chức Công đoàn.
Tại sao lại “bí mật tiền lương”?
Một ví dụ khá rõ nét về mục đích muốn chia rẽ tình đoàn kết của người lao động là người sử dụng lao động áp đặt quy tắc “bí mật tiền lương”. Khá phổ biến người sử dụng lao động trong nhiều ngành nghề tự đưa ra nguyên tắc coi “tiền lương là bí mật kinh doanh”.
Công đoàn viên chức Điện Biên tổ chức thăm hỏi, trao quà cho công nhân lao động thuộc Công đoàn cơ sở Công ty Cổ phần In Điện Biên. Ảnh: Huy Hoàng/ Báo Điện Biên Phủ. |
Giải thích về điều này, người sử dụng lao động cho rằng pháp luật không quy định nghĩa vụ phải công khai tiền lương nên họ có quyền coi thông tin tiền lương là bí mật kinh doanh, đưa vào nội quy, quy chế của đơn vị, và như vậy, người lao động không được tiết lộ thông tin về tiền lương của mình.
“Điều này hàm ý không được tiết lộ ngay cả với người thân trong gia đình” - theo ý kiến của nhiều cán bộ công đoàn.
Từ góc nhìn khoa học, việc coi thông tin tiền lương là bí mật kinh doanh cho thấy doanh nghiệp đang cạnh tranh bằng chi phí lao động thấp thay vì phải cạnh tranh bằng chi phí lao động cao như quy luật cung - cầu trên thị trường lao động.
Bí mật tiền lương nghĩa là người sử dụng lao động có thể trả lương thấp hơn mà không lo người lao động so sánh tiền lương và “nhảy việc” hoặc chuyển việc. Bản thân người sử dụng lao động cũng khẳng định: “Bí mật tiền lương là để hạn chế sự nhảy việc và tranh chấp lao động, từ đó ổn định quan hệ lao động”.
Từ góc nhìn kinh tế, bí mật tiền lương khiến cho các chủ thể trong nền kinh tế khó xác định liệu tiền lương của người lao động có tương đương với hiệu suất công việc hay cường độ làm việc hay không, đặc biệt khi người lao động đang phải làm việc với máy móc, thiết bị tự động trong giai đoạn quá độ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba sang cách mạng công nghiệp lần thứ tư hiện nay.
Từ góc nhìn của lợi ích công, bí mật tiền lương ảnh hưởng tới sự phát triển đầy đủ của thị trường lao động, cản trở sự vận hành quy luật cạnh tranh trên thị trường lao động.
Từ góc nhìn của công đoàn, bí mật tiền lương có thể dẫn tới thực hành phân biệt đối xử về tiền lương giữa những người lao động làm công việc như nhau hoặc công việc có giá trị như nhau nhưng có thể bị trả lương khác nhau. Bí mật tiền lương cản trở người lao động tham chiếu mức lương của các đơn vị khác để tạo lực đẩy cho thương lượng tập thể về cải thiện tiền lương.
Liên đoàn Lao động huyện Chương Mỹ (Hà Nội) công bố quyết định thành lập các công đoàn cơ sở. Ảnh: Minh Khuê. |
Nói cách khác, bí mật tiền lương cản trở người lao động đoàn kết cùng nhau trong thương lượng tập thể nhằm cải thiện tiền lương và điều kiện làm việc chung của họ.
Con đường đi tới sự đoàn kết
Biểu hiện của tình đoàn kết chính là sự gắn kết của các thành viên. Sự gắn kết này đòi hỏi có chung nhận thức, đạo đức và cảm xúc. Trong thế giới ngày càng đa dạng hóa và cá nhân hóa với chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa tiêu dùng đang được thúc đẩy ngày nay, để có chung nhận thức, đạo đức và cảm xúc không phải là điều dễ dàng.
Điều này có nghĩa là tình đoàn kết của những người lao động trong tổ chức Công đoàn không tự nhiên mà có, mà hơn hết, công đoàn cần phát huy vai trò giáo dục đoàn viên và người lao động.
Tổ chức Công đoàn cần giáo dục đoàn viên và người lao động đưa tới nhận thức chung, cùng chia sẻ giá trị đạo đức chung trong tổ chức và cùng có cảm xúc chung về các vấn đề khác nhau trong thế giới lao động, từ đó đưa tới sự đoàn kết và thống nhất hành động chung.
Tranh luận chính là con đường đi tới sự đoàn kết. Rất nhiều khi chúng ta sợ sự tranh luận và né tránh sự tranh luận trong tổ chức, nhất là khi sự tranh luận đó lên tới điểm gay gắt, bởi cho rằng điều đó làm mất đi sự đoàn kết.
Thế nhưng, không có sự tranh luận, chúng ta không thể đi tới nhận thức chung. Sự nhận thức cưỡng ép là không bền vững, có thể phá vỡ sự đoàn kết một lúc nào đó, không sớm thì muộn. Sự đoàn kết mà không có tranh luận giữa những thành viên có quan điểm khác nhau để đi tới hiểu nhau và chia sẻ với nhau sẽ chỉ là đoàn kết hình thức.
4 cấp độ tham gia của người lao động
Một tổ chức có sự đoàn kết là khi có sự tham gia của các thành viên trong các hoạt động. Có 4 cấp độ của sự tham gia từ thấp đến cao của người lao động và đoàn viên trong tổ chức. Cấp độ 1 là người lao động chỉ tham gia khi được công đoàn hỏi ý kiến (tham gia thụ động).
Công đoàn viên chức Tiền Giang tổ chức hội thi “Tiếng hát karaoke cán bộ, công chức, viên chức, lao động”. Ảnh: Lý Oanh/ Báo Âp Bắc. |
Ở cấp độ này, người lao động có thể “biết” nhưng sẽ chỉ dừng ở mức độ “biết” về hoạt động công đoàn. Đối với những hoạt động mà công đoàn không hỏi ý kiến, người lao động sẽ không biết.
Cấp độ 2 là người lao động tham gia khi có vấn đề liên quan tới cá nhân để được công đoàn tư vấn, hướng dẫn giải quyết (tham gia liên quan tới vấn đề cá nhân). Ở cấp độ này, cá nhân người lao động có thể hiểu được vai trò công đoàn, nhưng không phải tất cả người lao động đều hiểu, vì những vấn đề giải quyết chỉ liên quan tới quyền lợi cá nhân.
Cấp độ 3 là người lao động tham gia thu thập thông tin và thảo luận các vấn đề cho hành động của tổ chức (tham gia chủ động). Lúc này người lao động có cơ hội được tranh luận, chất vấn với công đoàn, ví dụ tại sao công đoàn làm cái này mà không làm cái kia; chương trình nghị sự trong năm của công đoàn nên tập trung vào hoạt động nào; nguồn đoàn phí và kinh phí công đoàn nên chi cho cái gì và không chi cho cái gì; vấn đề nảy sinh nên giải quyết ra sao; làm thế nào để công đoàn đối thoại và thương lượng hiệu quả?… Ở cấp độ này, người lao động được sự thông hiểu và chia sẻ những khó khăn và thất bại của công đoàn.
Cấp độ 4 là cấp độ cao nhất của sự tham gia, đó là khi người lao động tham gia thảo luận và xây dựng chiến lược hành động và tham gia vào quá trình ra quyết định của tổ chức (tham gia ra quyết định).
Ví dụ người lao động bỏ phiếu lựa chọn ứng cử viên tham gia ban lãnh đạo công đoàn, bỏ phiếu bầu người đại diện, bỏ phiếu thông qua chương trình nghị sự, bỏ phiếu quyết định tổ chức hành động tập thể hoặc đình công hỗ trợ thương lượng… Ở cấp độ này, người lao động có trách nhiệm trong tổ chức và tin tưởng công đoàn là tổ chức đại diện thực sự của họ.
Sự tham gia thường xuyên và liên tục của thành viên trong tổ chức là yếu tố quan trọng để xây dựng tổ chức. Cấp độ người lao động tham gia càng cao càng cho thấy mức độ đoàn kết của người lao động trong tổ chức. Tình đoàn kết và lòng tin có mối liên hệ gắn kết với nhau. Tình đoàn kết tạo ra niềm tin và niềm tin củng cố tình đoàn kết.
Tình đoàn kết và niềm tin của người lao động tạo ra quyền lực mềm cho công đoàn, là yếu tố quyết định thành công của hoạt động công đoàn. Tuy nhiên, thực tế Công đoàn Việt Nam hiện nay đang hoạt động dựa vào quyền lực cứng hơn là quyền lực mềm.
Công đoàn đang hoạt động chủ yếu dựa vào quyền được trao trong hệ thống pháp luật. Bản chất của quyền được pháp luật trao cho công đoàn trong hệ thống pháp luật chính là cơ hội để tạo ra quyền lực mềm cho công đoàn.
Nếu công đoàn tận dụng được quyền lực cứng để tạo ra quyền lực mềm, công đoàn sẽ hoạt động hiệu quả hơn trong giai đoạn hiện nay khi Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu vào kinh tế thị trường toàn cầu.
Chăm lo Tết, tạo động lực cho đoàn viên, người lao động Hơn 4 tỷ đồng là số tiền Công đoàn Quốc phòng chi cho các hoạt động thăm, tặng quà cho đoàn viên, người lao động ... |
“Tăng quyền chủ động hơn nữa cho tổ chức Công đoàn” Cần tăng cường hơn nữa quyền chủ động cho tổ chức Công đoàn trong việc bố trí cán bộ làm công tác công đoàn tại ... |
Nghị lực và hạnh phúc từ sự tiếp sức của tổ chức Công đoàn Trong không khí ấm áp và ý nghĩa của Tháng Công nhân, chương trình "Muôn nẻo yêu thương" số tháng 5 với chủ đề đặc ... |