Chuyện về "những người khốn khổ" trong những ngày cách ly xã hội
Người lao động - 18/04/2020 12:24 Văn Giang
Khu trọ tạm bợ, ẩm thấp của những người lao động tự do cuối phố Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội. Ảnh: V.G. |
Hà Nội vào một buổi sáng giữa tháng tư, con đường nhỏ cuối khu phố Mai Dịch sầm uất vẫn trầm lắng như mọi ngày. Khu nhà trọ nằm nép mình giữa những lùm cây um tùm đang im lìm, những ánh nắng xuyên qua lỗ thủng trên tấm tôn chiếu xuống làm bọn trẻ chói mắt thức giấc. Bên trong, gia đình chị Mai vẫn chưa bắt đầu cho một ngày mới. Anh chị đều quê dưới Thạch Thất, gắn bó với nghề bán ngô rong được 5 năm. Nhà có bốn miệng ăn, đứa lớn đang học lớp 3 được nghỉ từ đầu mùa dịch, còn đứa em năm nay cũng mới vào lớp 1. Hoàn cảnh vốn dĩ thuộc diện vất vả mưu sinh, ở quê lại không sẵn việc nên hai vợ chồng cố gắng bươn chải giữa chốn thị thành.
Những tháng trước, giờ này anh hoặc chị vẫn thay phiên nhau ở ngoài đường. Mỗi người một xe ngô đẩy rong ruổi khắp các tuyến phố, vòng quanh khu bến xe Mỹ Đình. Chị từ tám giờ tối đến một giờ đêm rồi về trông con, và anh kế tiếp cho đến tận sáng hôm sau. Từ đợt dịch đến nay, hàng rong cũng thuộc danh mục Nhà nước cấm hoạt động, vợ chồng thống nhất “treo niêu tại chỗ” chứ không về quê, “ở đâu chẳng thế, đi lại có khi còn nguy hiểm hơn”.
Hai người đã thức từ lâu nhưng im lặng, theo đuổi những dòng suy nghĩ miên man. Bỗng đứa con gái lớn trở dậy, quay sang phía mẹ thì thào:
“ Mẹ ơi, con đói”.
Đúng lúc mùi cơm nếp nhà bên nấu thoang thoảng bay sang, thơm nức mũi, chị Mai ôm con vào lòng, vỗ về nhè nhẹ, “Gắng ngủ thêm đi con, đợi lát nữa mẹ pha mì tôm cho mà ăn”.
Đã nửa tháng nay, cả hai đứa nhà chị đều bị cắt khẩu phần ăn sáng, trước thì ít nhất mỗi đứa cũng được cái bánh mỳ kẹp pate hay gói xôi. Đã từ cuối tháng 3, bố mẹ chúng phải nghỉ làm, từ lúc đó đến giờ, số tiền hàng hai triệu rưỡi dự trữ cứ vơi dần cho đến đợt cách ly xã hội kế tiếp. Lúc này, những đồng còn lại trong ví thì chị có thể đọc vanh vách, “một tờ hai trăm nghìn, ba tờ năm chục và vài nghìn lẻ”. Hôm nào chị cũng phải mang ra kiểm để liệt kê các khoản cần chi trong các ngày tiếp theo: tiền chợ, tiền điện, tiền trọ, có tiêu tiết kiệm lắm thì cũng chỉ được hơn tuần nữa. Mấy bữa nay, đứa thứ hai biếng ăn nên vợ chồng phải đặc cách mua thêm ít thịt xay về nấu cháo.
Hôm trước, có người mách đi “siêu thị không đồng” để nhận hàng trợ cấp, chị Mai vội đến đó, xếp hàng mãi hơn hai tiếng cũng được phát 3 kg gạo, 8 quả trứng gà công nghiệp, thêm chai dầu ăn, gói bột canh và ít mì tôm. Lúc nhận được mấy thứ chị mừng lắm, tất cả đều thiết thực, duy chỉ có chai dầu ăn là chị phân vân vì chưa có gì để nấu hay xào.
Bọn trẻ thấy mẹ về đến ngõ với một chiếc túi nặng trĩu, mắt chúng sáng lên, cuống quýt chạy ra đỡ. Bữa ấy, chị quyết định tăng suất ăn cho bốn thành viên nhiều hơn thường lệ bằng 3 quả trứng luộc rồi rim đẫm nước mắm, nấu hẳn 2 bát gạo đầy, kèm mớ rau muống mua rẻ của cô hàng rong bán ế. Đến bữa dọn ra, đứa con gái lớn thấy mẹ ăn mỗi cơm với rau, gắp vào bát cho chị nửa miếng lòng đỏ trứng, “Mẹ không thích ăn món này, mấy bố con ăn đi”. Đó là bữa thịnh soạn từ hôm 10/4, những ngày sau, trực tiếp chị phải “tay hòm chìa khoá” quản lý số gạo và trứng để còn chia đều, “chứ không để mấy bố con nó mà nấu thì hai hôm là hết ngay”, chị Mai nói.
Con đường dẫn vào nơi ở của "những người khốn khổ" như gia đình chị Mai, ông Lý đang tá túc. Ảnh: V.G. |
Phòng kế bên là hoàn cảnh của đôi vợ chồng "đũa lệch" cũng chẳng khá gì hơn. Bà Hằng năm nay 43 tuổi, quê tại Văn Lâm, Hưng Yên, lấy ông Lý cùng tỉnh đã ngoài 60. Ông bà cùng chụm lại lúc đã “quá lứa lỡ thì”, nương tựa vào nhau cho có người trông nom lúc “trái gió”. Hai vợ chồng đã tá túc ở đây được 3 năm. Bà Hằng vốn sức khoẻ yếu, lại mắc chứng cao huyết áp, chẳng làm được công việc nào ổn định nên chỉ có thể nhận đi giúp việc theo giờ, thường thì mỗi ngày chừng 2 tiếng cho một gia đình trên chung cư ở đường Trần Bình. Giặt quần áo, dọn nhà, rửa bát. Mỗi tháng, nếu đủ công cũng được tầm 3 triệu mốt. Còn ông Lý, đi bảo vệ cho một shop quần áo mãi dưới Hà Đông, sáng nào cũng đạp chiếc xe lọc cọc chừng mười cây số và tối lại thêm vòng nữa đạp về, cũng đau ốm suốt.
Khi Hà Nội chính thức bước vào cách ly xã hội từ đầu tháng tư, bà Hằng nhận được thông báo tạm thời nghỉ, vậy là “ráo mồ hôi”. Buổi cuối cùng, biết rõ hoàn cảnh, người chủ nhà thanh toán luôn cả tháng lương còn dang dở, biếu thêm ba trăm nữa mà chưa hẹn ngày nào đi làm lại. Hôm ấy, ông Lý cũng chính thức nhận quyết định thất nghiệp vì nơi ông làm không phải bán đồ thiết yếu. Từ lúc cấm ra đường đến nay, hai vợ chồng chỉ quanh quẩn trong mấy mét vuông trọ nhìn nhau, xé từng tờ lịch mong đến ngày đi làm trở lại.
“May mà có các chú bên từ thiện giúp đỡ, chứ không vợ chồng tôi cũng chẳng biết xoay xở ra sao cho qua ngày”. Hôm trước ông Lý được mách cho điểm phát gạo tại Nhà văn hoá phường Nghĩa Tân “mới triển khai, đông lắm” thế là ông vội vàng đạp xe đến lấy. “Thêm một điểm nữa dưới Lê Văn Lương, còn có cả mì tôm, xúc xích” - bà Hằng xen vào.
Dạo này khu trọ nhà chị Mai, ông Lý ở vắng lặng hẳn. Trước khi đại dịch xảy ra, ngày nào cái bể nước chung trước sân buổi sáng sớm hay chiều tối cũng có người xếp hàng đợi đến lượt, tiếng xả nước, tiếng dao thớt lạch cạch băm chặt thực phẩm, rồi chuyện trò rộn ràng cả xóm. Còn bây giờ, tổng 7 phòng thì đã 4 phòng đóng cửa im ỉm về quê, thiếu đi những âm thanh cọ xoong nồi, rửa rau vo gạo vốn đã quá quen thuộc đánh thức bọn trẻ.
Hằng tháng, cứ đến mồng năm là bà chủ nhà đã qua gõ cửa từng phòng, nhưng đợt này cách ly xã hội, nên “bà ấy cũng chẳng thiết tha, gọi điện thoại báo chờ xong chỉ thị 16”. Hôm qua thì bà ấy mới tới, đeo khẩu trang kín mít, đội thêm cái nón phòng dịch, rón rén đứng trước phòng chị Mai chìa quyển sổ đọc to vanh vách một loạt các khoản. Chồng chị gãi đầu, chào xã giao rồi lui vào để vợ ra trình bày cho dễ. Chị Mai ngượng nghịu, lấy chiếc ví mở ra thanh minh xin khất thêm vì lúc này túng quá. Bà chủ ngập ngừng, cũng chẳng làm khác được vì 2 cái xe đi bán ngô từ cuối tháng trước đến giờ vẫn phủ bạt dựng nhờ trong sân, “thôi thì đành biết vậy”.
Bà chủ định quay ra, chợt ngó qua cửa sổ thấy hai đứa nhỏ đang bê chung một bát mì, bà lại lúi húi cộng mấy dữ liệu trong cuốn sổ rồi quyết định bớt cho anh chị “triệu mốt còn sáu trăm”, coi như giúp đỡ các cháu lúc khó khăn. Hai vợ chồng xúc động, cảm ơn rối rít tấm lòng hào hiệp của con người tốt bụng. Bà chủ quay đi rồi, họ lại nhìn nhau, số tiền sáu trăm còn thiếu lúc này vẫn là một vấn đề lớn khi cách ly còn kéo dài thì “biết bấu víu vào đâu”.
Hôm trước có nghe được tin phong thanh về gói hỗ trợ 62 nghìn tỉ của Chính phủ dành cho người nghèo, kẻ yếu thế, ông Lý lật đật chạy vội sang hàng xóm nhờ chị Mai mở mạng ra xem mình có thuộc đối tượng trợ cấp không. Đọc những dòng chữ “hỗ trợ 1 triệu đồng cho người lao động tự do không có đất nông nghiệp như bán hàng rong, thu gom rác, bốc vác hàng, xe ôm, xích lô mất việc làm, không có thu nhập...” họ mừng rơn khi hình dung có tên mình trong danh sách.
Tính đến 7h sáng ngày 18/4, Covid-19 đã xuất hiện ở 212 quốc gia và vùng lãnh thổ với hơn 2,2 triệu người nhiễm virus ... |
Hàng giả là nguy hiểm nhưng NGƯỜI GIẢ còn nguy hiểm hơn, chính họ đang làm xói mòn ghê gớm lòng tin của nhân dân. ... |
Đà Nẵng chính thức cho các hàng quán ăn uống mở bán mang đi, hoặc bán online trở lại trong đợt cách ly lần này. ... |
Tin cùng chuyên mục
Đời sống - 26/10/2024 22:31
Quảng Bình, Quảng Trị: Huy động người lao động trên biển vào tránh bão an toàn
Để đảm bảo an toàn cho người lao động trên biển trước khi bão số 6 (Trà Mi) đổ bộ vào đất liền, tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị đã triển khai các giải pháp ứng phó với bão, chú trọng huy động người lao động trên biển vào đất liền trú ẩn, bảo đảm an toàn cho tàu thuyền tại khu neo đậu.
Đời sống - 25/10/2024 10:56
Dự thảo Luật Nhà giáo: Tăng đãi ngộ để nhà giáo yên tâm công tác
Chính phủ vừa có tờ trình gửi Quốc hội xem xét cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khoá XV về dự thảo Luật Nhà giáo.
Kinh tế - Xã hội - 23/10/2024 20:16
Nhiều doanh nghiệp tại KCN Vĩnh Phúc đồng hành cùng phong trào hiến máu tình nguyện
Phong trào hiến máu tình nguyện tại các doanh nghiệp trong các KCN trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đang ngày càng phát triển mạnh mẽ, trở thành một hoạt động có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thu hút đông đảo người lao động tham gia.
Đời sống - 21/10/2024 18:14
Chủ trọ tổ chức thi văn nghệ sân khấu hóa cho công nhân nhập cư
Một nhóm chủ nhà trọ ở Vĩnh Phúc vừa tổ chức cuộc thi văn nghệ sân khấu hóa “Công nhân nhập cư sẵn sàng ứng phó dịch bệnh”, hôm 20/10.
Người lao động - 17/10/2024 14:00
Đánh giá cao cuộc thi tìm hiểu về công tác an toàn, vệ sinh lao động
Ban chỉ đạo Tháng hành động về ATVSLĐ Trung ương đánh giá cao cuộc thi trực tuyến “CNVCLĐ tìm hiểu về công tác ATVSLĐ” năm 2024 do Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức.
Đời sống - 17/10/2024 05:47
Đà Nẵng giải bài toán khó về nhà ở cho công nhân nghèo
Trước nhu cầu lớn về nhà ở cho công nhân, TP. Đà Nẵng đã có nhiều chủ trương chính sách nhằm hỗ trợ để công nhân nghèo có một chỗ “an cư” để làm việc.
- Eximbank nên minh bạch thông tin hay là truy tìm động cơ xấu?
- Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: "Không thấy có vấn đề thì cũng chẳng cần chuyển đổi số"
- Đội đua Kim Bôi - Hòa Bình: Tân binh ở PVOIL VOC 2024
- Chi tiết xe máy điện Honda ICON e: dành cho học sinh
- Công đoàn Trường THCS Lý Tự Trọng nỗ lực chăm lo cho đoàn viên nghèo, bệnh tật