Một phụ nữ dân tộc Thái đi bộ từ Hà Nội về Điện Biên được CLB Thiện Từ Tâm giúp đỡ chỗ ăn, ở sau đó chở về địa phương bằng ô tô |
Những cuộc hồi hương lặng lẽKỳ 2: Giữa đường gặp quý nhân |
Thật khó hình dung nỗi vất vả và những bất trắc có thể xảy đến với những lao động nghèo bỏ phố về quê, nếu như trong hành trình nhọc nhằn ấy họ không được cộng đồng dang tay giúp đỡ.
|
Nhường chỗ ở cho khách bộ hành |
Giữa trưa. Ông Lò Văn Bình lúi húi giặt bộ quần áo, vò đến nước thứ ba rồi mà chậu nước vẫn cứ đục ngầu. Khi nãy, trong lúc khoan khoái giội những gáo nước mát lịm từ trên đỉnh đầu, ông thấy cơ thể như được “tái sinh” sau mấy ngày quăng quật, ăn bờ ngủ bụi. “Có cơm ăn, chỗ nghỉ rồi bà ơi! Tôi sống rồi. Về nhà sớm thôi”. Bên kia đầu dây, trong căn nhà ọp ẹp ở Điện Biên, vợ ông thở phào nhẹ nhõm. Người phụ nữ quá nửa đời lận đận, mấy hôm nay mất ăn mất ngủ vì thấp thỏm trông chồng, bây giờ đã có thể tạm yên tâm. Ông Lò Văn Bình (SN 1968) được đưa về lán nghỉ ngơi trưa 11/9 sau hai ngày đi bộ Đi bộ đến ngày thứ hai, ông Bình và mấy người phụ hồ được Câu lạc bộ (CLB) Thiện Từ Tâm giúp đỡ. Họ được chở đến lán của một chủ vườn cảnh tên Cường ở Km số 6, Đại lộ Thăng Long (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) bố trí chỗ ăn, nghỉ, chờ test Covid-19 và làm các thủ tục trước khi lên xe về quê. Có hơn 30 lao động người Điện Biên tá túc tại lán của ông Cường. Tất cả đều được thành viên CLB Thiện Từ Tâm trông thấy trên Đại lộ Thăng Long. Biết ông Cường có lán rộng, CLB nhờ hỗ trợ, ông lập tức nhận lời, còn lái chiếc ô tô cũ đi đón người. Ông Cường (đội mũ cối) đón người lao động giữa trưa nắng Bố con ông Cường nhường cả chỗ nghỉ ngơi cho họ còn vườn cây cảnh của ông nay biến thành sân phơi quần áo. Dù biết họ ở đây ngày nào là bất tiện ngày đấy, dù nhiều người bảo ông tự dưng đi “mua việc vào người”, nhưng ông nói: “Mình đã không biết thì thôi, biết đồng bào hoàn cảnh thế này mà không giúp thì áy náy lắm!” Hai nhóm lao động tự do quê Điện Biên trên xe di chuyển về lán của ông Cường trong ngày 11/9 Video: Nơi nghỉ ngơi của người lao động tại lán nhà ông Cường Việc làm thủ tục đưa người lao động về quê không đơn giản, nhất là trong thời điểm dịch bệnh phức tạp hiện nay. Do đó CLB phải liên hệ và chờ đợi chính quyền địa phương chấp thuận, thống nhất phương án đưa người về, thời gian kéo dài đến cả tuần. Hằng ngày, cùng với CLB Thiện Từ Tâm, một số CLB thiện nguyện cung cấp suất ăn, nước uống cho các lao động, mỗi ngày ba bữa. Ông Cường quanh quẩn ở đó xem họ có khó khăn gì thì tìm cách giải quyết, nếu vượt quá khả năng, ông trao đổi với các thành viên trong CLB để cùng tháo gỡ. Có khi người lao động tỏ ra sốt ruột vì chưa được về quê, ông lại giải thích, động viên họ yên tâm ở lại. Việc đi bộ giữa thời tiết nắng nóng và ăn uống không đầy đủ khiến nhiều người đuối sức “Mình hiểu được tâm trạng của họ. Trong thời điểm dịch bệnh này ai cũng mong sớm được trở về với gia đình. Bản thân bọn mình cũng mong muốn điều ấy và đang cố gắng giải quyết ổn thoả để bà con được về quê sớm”, ông Cường thổ lộ Nhìn ra khoảng vườn, nơi những bộ quần áo nhàu nhĩ của đoàn người hồi hương chao đảo theo gió, ông bảo: “Mình cũng là người lao động, cũng đang khó khăn lắm nhưng giúp được họ cái gì là mình giúp”. Lò Tuấn Chương (17 tuổi) tươi tỉnh sau khi được tắm rửa, ăn suất cơm no |
“Mình nghèo nên chỉ giúp bằng tâm, bằng sức thôi” |
Gần 1 giờ trưa, khi hầu hết lao động đã nằm ngủ, ở bên ngoài lán trại, dưới bóng mát của tán cây lộc vừng, chị Nguyễn Thị Thao (36 tuổi) đặt suất cơm nguội ngắt lên những tấm tôn dưới nền đất lổn nhổn rác và gỗ mục, ngồi xổm mà ăn. Bữa cơm liên tục bị gián đoạn bởi các cuộc điện thoại, lúc thì người trên Sơn La gọi xuống “báo cáo” đã về nơi cách ly tập trung an toàn; lúc lại một nhóm đang đi bộ giữa đường kêu cứu; rồi cuộc gọi của mối cung cấp rau cứu trợ vừa từ Phú Thọ xuống chờ chị “điều” người bốc xếp... Chị Nguyễn Thị Thao, CLB Chung một nhịp đập Người phụ nữ gầy gò, nước da rám nắng có nghề làm tóc, quê ở xã Vân Côn, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Nhiều năm nay chị là thành viên của CLB Chung một nhịp đập. Xuất thân nghèo khó, từ nhỏ chị ước ao sau này lớn lên “có chút gì đó” để giúp người. Khổ nỗi trời thương lắm vợ chồng chị cũng chỉ đủ ăn, nuôi 3 đứa con đang tuổi đến trường. Dẫu vậy, lâu nay người ta vẫn thấy vợ chồng chị đồng hành với nhau trong các hoạt động thiện nguyện. Chị nói: “Mình nghèo nên chỉ giúp bằng tâm, bằng sức thôi. Chẳng có tiền có bạc gì vẫn đi, gặp ai khó khăn thì giúp, chủ yếu đi xin và kết nối để giúp họ thôi. Dịch bệnh thế này vợ chồng mình cũng chẳng làm gì được, thay vì nằm ở nhà thì đi giúp người”. Đoàn người đi bộ từ Hà Nội về Sơn La ngồi vạ vật bên vỉa hè, tràn ra lòng đường giữa đêm vắng. Ảnh chụp đêm 9/9 tại xã Vân Côn, huyện Hoài Đức, Hà Nội. CLB của chị có khoảng 20 người, làm đủ ngành nghề khác nhau. Đợt dịch Covid-19 lần này, nhóm vận động hỗ trợ rau cho tất cả các bếp ăn trong khu cách ly tập trung và bếp ăn từ thiện ở Hà Nội, rồi cung cấp vào tận Sài Gòn bằng các xe tải cỡ lớn... Nhiều đêm tháng Tám, khi Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, trên những chuyến xe rau dọc Đại lộ Thăng Long, chị thường bắt gặp từng nhóm người lặng lẽ đi bộ về phía mạn ngược. Chị không đếm nổi bao nhiêu đoàn, nhưng hễ gặp đoàn nào chị và nhóm thiện nguyện đều dừng lại tặng đồ ăn thức uống. Cách đây chục hôm, trời mưa lớn, mấy người đi bộ từ Hà Nội về Hòa Bình lạc vào con đê trên huyện Phúc Thọ. Xe chở rau của nhóm gặp, cho họ quá giang rồi liên hệ một chị tên Tâm, thành viên CLB Thiện Từ Tâm lấy ô tô chở họ về quê. CLB Thiện Từ Tâm chở đồ ăn cho những người đi bộ về quê “Nếu để họ đi bộ về rất khổ, có khi không về được đến quê. Các chốt có thể không cho qua, mà bà con quay lại cũng không biết về đâu nên cứ lang thang rồi tìm cách vượt chốt, rất nguy hiểm!”, chị Thao nói. Từ hôm đó, các CLB thiện nguyện ở Hà Nội liên kết với nhau hỗ trợ đưa người lao động về quê, người lo nơi ăn chốn ngủ, người lo test Covid-19, người liên hệ chính quyền địa phương tiếp nhận, bố trí điểm cách ly... Chuyển hành lý của người lao động lên ô tô “Đêm hôm 9/9, bọn mình bốc rau xong, khoảng 12h đêm về nhà thì gặp đoàn 25 người đang trên đường từ Hà Nội về Mộc Châu, Sơn La. Người ta bảo đói quá mà trong người chẳng có tiền, mình mới đưa ra kho chứa rau (xã Vân Côn, Hoài Đức - PV) nấu mì tôm cho họ ăn tạm, rồi bảo họ ở đây nghỉ ngơi, mai liên hệ xã xuống test Covid-19 và liên hệ xe để về quê. Sáng hôm sau, lúc mang xôi, đồ ăn cho họ thì lại thấy khoảng 20 người nữa ở trước cửa nhà kho, có cả trẻ em. Họ đói lả, mình lại chạy về đặt xôi, lấy đồ ăn ra. Đến khi quay ra lại thấy mấy chục người nữa ngồi đấy rồi. Hôm đó có tất cả 80 người quê ở các tỉnh Sơn La, Lai Châu, Điện Biên”, chị Thao kể lại. Người lao động ăn sáng tại kho hàng cứu trợ của CLB Chung một nhịp đập, xã Vân Côn, Hoài Đức, Hà Nội. Ảnh chụp sáng 9/9. Sau khi chính quyền xã test Covid-19 và hoàn tất thủ tục giấy tờ, các thành viên của các CLB Thiện Từ Tâm, Sống để yêu thương - phối hợp đưa toàn bộ người lao động lên 2 ô tô để về quê. Đoàn người vui sướng hò reo. Anh Đinh Văn Hoan (Mộc Châu, Sơn La) xúc động nói: “Vợ chồng em vui mừng muốn khóc. Nếu không được các anh chị ấy giúp đỡ thì chẳng biết bao giờ mới về đến nhà”. Người lao động trên chuyến xe thiện nguyện từ Hà Nội về Mộc Châu, Sơn La CLB Thiện Từ Tâm, Chung một nhịp đập, Sống để yêu thương… được thành lập từ nhiều năm nay, thường tổ chức các hoạt động từ thiện nhằm giúp đỡ những mảnh đời khó khăn, bất hạnh trong cuộc sống. Thời gian gần đây, khi thấy nhiều lao động tự do khó khăn phải đi bộ về quê, họ kết nối lại để cùng nhau hỗ trợ. Mỗi nhóm có thế mạnh hay điều kiện hỗ trợ khác nhau nhưng dù là mấy chục chiếc ô tô sẵn sàng lăn bánh, hay “chẳng có gì, chỉ góp công, góp sức” như chị Thao thì cũng đủ để đem đến cho những người lao động khó nghèo kia một hành trình hồi hương trọn vẹn, bớt nỗi nhọc nhằn. Dù vậy, việc làm của các nhóm thiện nguyện còn mang tính tự phát. Sự phối hợp chặt chẽ và tạo điều kiện của cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương là điều cần thiết trong lúc này. Dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, Hà Nội đến nay ghi nhận trên 1.500 ca mắc ngoài cộng đồng, nhiều địa phương quy định chặt chẽ, thậm chí không tiếp nhận người dân từ vùng dịch về quê, do đó việc tập trung đông người trong không gian chật hẹp trước khi hoàn tất các thủ tục về quê tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm chéo nếu ai đó mang bệnh. Hôm 10/9, trả lời báo chí, ông Hoàng Thành Thái, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB & XH TP Hà Nội cho biết chưa nhận được thông tin người lao động tự do tự ý rời thành phố về quê. Ông Thái nói rằng “mới chỉ nhận được để xuất của huyện Chương Mỹ về hỗ trợ chỗ ở cho người lao động”, đồng thời kêu gọi người dân ai ở đâu nên ở yên đó, nếu gặp khó khăn có thể liên hệ chính quyền địa phương để nhận hỗ trợ. Thực tế từ đầu mùa dịch, Hà Nội đã có nhiều chính sách hỗ trợ lao động tự do mất việc, song sự hỗ trợ đó có đủ đảm bảo để bà con yên tâm ở lại hay không? Đó là điều cần suy ngẫm. |
Bài: Ý Yên Ảnh: Ý Yên, NVCC |
Một ý tưởng nhân văn cao đẹp
Tôi không gọi đây là một hành động, một quyết định, một việc làm; cho dù nó đầy nhân văn và cao đẹp. Tôi chỉ ... |
Những cuộc hồi hương lặng lẽ: Ngủ vạ vật lề đường, hái lá cây làm chiếu
Mất việc kéo dài, nguồn thức ăn cạn kiệt khiến nhiều lao động tự do quê ở các tỉnh miền núi phía Bắc không thể ... |
Những đứa trẻ chông chênh trước thềm năm học mới
Bố mẹ vào Nam làm công ty, nay mất việc, mắc kẹt vì Covid, phải sống bằng đồ cứu trợ, những đứa trẻ đang đối ... |