Sự thật về tin giả - Kỳ 2: Thế nào gọi là tin giả?
Kinh tế - Xã hội - 06/08/2022 12:47 QUỐC THẮNG
|
Trước tình hình tin giả đang ngày càng gây ra nhiều vấn đề xã hội phức tạp, việc nhận diện thế nào là tin giả và dựa vào đâu để phân biệt thật/giả trở thành yếu tố tiên quyết. Đối với công chúng, sự phân biệt này sẽ giúp họ tránh được những hậu quả về mặt nhận thức, tâm lý và hành động. Đối với các tổ chức quản lý thông tin, giải quyết được câu hỏi “Thế nào gọi là tin giả?” một cách thấu đáo là cơ sở để đưa ra các chính sách truyền thông phù hợp.
Tầm quan trọng của định nghĩa
Có thể do thiên hướng nhấn mạnh vào vai trò của mình nên triết lý hoạt động “Tin giả do con người tạo ra nên chỉ có duy nhất con người mới có thể nhận biết và xử lý được tin giả”, của Trung tâm Xử lý Tin giả Việt Nam (VAFC) đưa ra không làm rõ nét được vai trò giáo dục nhận thức cho mỗi cá nhân trong nhận biết tin giả. Cách phân loại tin của VAFC (tin giả, tin sai sự thật, tin xác thực) cũng đơn giản và thiên về thể hiện vai trò dán nhãn cảnh báo.
Trong lúc, thực tế, tin giả có thể đã lan truyền và được nhiều người tiếp nhận, thậm chí đã gây hậu quả (ít nhất là về nhận thức và tâm lý) trước khi người đọc tiếp cận được với thông tin xác thực của cơ quan quản lý truyền thông. Cần nhớ rằng, theo nghiên cứu của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), so với tin thật, tin giả lan truyền nhanh hơn đến 6 lần và được đăng lại nhiều hơn đến 70%.
Hiện nay, thuật ngữ tin giả hầu hết được định nghĩa một cách chung chung. Chẳng hạn, khó có thể coi “Tin giả là tin rác, tin giả mạo được tuyên truyền nhằm cố ý lừa bịp người khác”¹ là một định nghĩa, vì chỉ là sự lặp lại của cùng một từ. Năm 2018, Malaysia ban hành Luật chống Tin giả. Trong đó, tin giả được định nghĩa một cách khá chi tiết: “Sai một phần hoặc toàn bộ tin tức, thông tin, dữ liệu và báo cáo, dù dưới dạng tài liệu, hình ảnh hoặc ghi âm hay bất kỳ hình thức nào khác có khả năng gợi từ ngữ hoặc ý tưởng”. Định nghĩa này rõ ràng, chặt chẽ nhưng chưa chạm đến vấn đề cần phải giải quyết: người đọc không có thời gian để xác thực hoặc không xác định được chủ ý của người đưa ra tin giả. Để định nghĩa được tin giả là gì một cách toàn diện, cần xem xét các khía cạnh như: bối cảnh, dạng thức, các thành phần và các mối quan hệ bên ngoài của nó.
Cần giáo dục cho giới trẻ nhận biết các dạng tin từ rất sớm. Nguồn: theguardian.com. |
Tin sai lệch, tin giả mạo, tin nguy hại
Nguyên nhân khiến cho nhiều định nghĩa về tin giả trở nên chung chung hoặc thiếu sót là do vấn đề bối cảnh, tức là yếu tố nằm ngoài định nghĩa tin giả. Nghĩa là, nội dung thật của một thông tin, hình ảnh được tái lưu truyền bên ngoài bối cảnh gốc của nó: đặt một nhân vật, thông tin, sự kiện trong bối cảnh khác với sự xuất hiện thật, sử dụng hình ảnh của một sự kiện, bối cảnh này đặt trong một sự kiện, bối cảnh khác. Lấy ví dụ như bức ảnh “Dỗ em gái” của phóng viên ảnh Na Sơn được chụp vào tháng 10/2007 tại Cán Tỷ, một ngôi làng ở tỉnh Hà Giang đã bị sử dụng nhiều lần trong những bối cảnh khác nhau.
Bối cảnh gốc của bức ảnh là: khi tác giả đi qua ngôi làng này, thấy hai đứa trẻ đang chơi trước cửa nhà khi cha mẹ đi làm rẫy, cô bé khóc khi thấy người lạ nên cậu bé đã ôm em gái của mình để an ủi. Vào năm 2012, bức ảnh này xuất hiện trên mạng xã hội với tựa đề “Trẻ mồ côi bị bỏ rơi” kéo theo một số câu chuyện thêu dệt về những đứa trẻ như: mẹ đã chết, cha bỏ rơi, hàng xóm ruồng bỏ,…
Sau đó, bức ảnh này còn xuất hiện với những ghi chú như: “Hai đứa trẻ mồ côi Myanmar”, “Nạn nhân trẻ em trong cuộc nội chiến ở Syria”. Năm 2015, lại một lần nữa, và nghiêm trọng hơn, bức ảnh này lan truyền với tốc độ chóng mặt trên mạng xã hội sau trận động đất ở Nepal với ghi chú: “Em gái hai tuổi được bảo vệ bởi anh trai bốn tuổi ở Nepal”. Đã có những cuộc tìm kiếm hai đứa trẻ ở Nepal dựa trên hình ảnh, đã có những lời kêu gọi quyên góp, giúp đỡ,…
Ngoài bối cảnh sai, liên kết sai cũng là một trong những hình thức tạo ra tin giả. Liên kết sai xảy ra khi tiêu đề, hình ảnh, chú thích không ăn nhập với nội dung. Hình thức này chủ yếu để gây ấn tượng, thu hút người đọc. Điều nguy hiểm ở đây là: khi độc giả chỉ lướt qua để lấy thông tin (trường hợp rất dễ xảy ra) mà không đọc nội dung tức là tin giả đã đánh lừa người đọc một cách thành công.
Như vậy, tin giả phải được soi chiếu ở hai chiều kích: trong bản thân nó và ở bên ngoài nó và xem đó là một tập hợp ký hiệu với các thành phần và mối quan hệ khác nhau.
Bức ảnh 2 anh em người Mông ở Hà Giang của phóng viên ảnh Na Sơn chụp vào năm 2007 từng bị dùng để tạo ra tin giả mạo nhiều lần. Nguồn: Plo.vn. |
Phân loại tin giả
Cho đến nay, các nghiên cứu uy tín liên quan đến tin giả có hai cách phân loại². Cách thứ nhất là phân tin giả thành hai dạng: tin sai lệch (misinformation, được tạo ra không với mục đích gây hại, do vô ý, tắc trách, hoặc định kiến vô thức; thông tin không đúng sự thật nhưng người phát tán nó lại nhầm tưởng nó là thật) và tin giả mạo (disinformation, được cố tình tạo ra với mục đích gây rối và gây bất ổn, làm hại một người, nhóm xã hội, tổ chức hoặc quốc gia; thông tin không đúng sự thật, người phát tán biết rõ điều này).
Đối với tin sai lệch, thật không may cho nhiều người là họ thường nhầm lẫn giữa thông tin thật với một thông tin được hình thành từ nghệ thuật châm biếm, chế nhạo (ví dụ chuyên mục châm biếm của một trang tin tức). Tuy nhiên, cũng không loại trừ trường hợp cố tình sử dụng thông tin châm biếm để phát tán, gây hiểu nhầm. Lúc đó, tin sai lệch được xem là tin giả mạo dù nguồn gốc khác với tin giả mạo.
Cách thứ hai cho rằng, cần nhận diện ba dạng tin: tin sai lệch, tin giả mạo và tin nguy hại (malinformation, thông tin dựa trên thực tế, được sử dụng để gây hại cho cá nhân, tổ chức hoặc quốc gia). Cách phân loại này nói lên thuật ngữ tin giả (fakenews) không khu biệt được các dạng tin một cách rạch ròi. M
ặt khác, tin nguy hại có mức độ nguy hiểm rất cao nhưng không thể gọi nó là tin giả. Lấy ví dụ, vào năm 2017, trước cuộc bầu cử tổng thống Pháp, việc hộp thư điện tử của ông Emmanuel Macron bị rò rỉ là có thật. Tuy nhiên, việc tung thông tin riêng tư từ những email của ông cho công chúng trước thời điểm áp dụng lệnh cấm đưa tin về bầu cử trước khi bỏ phiếu đã gây tổn hại cho chiến dịch tranh cử của ông Emmanuel Macron.
Vậy, trong tiếng Việt, thuật ngữ tin giả chỉ nên dùng để định danh chung. Bởi vì, sự rối loạn thông tin tấn công ngành công nghiệp tin tức phức tạp hơn nhiều nội hàm và ngoại diên của khái niệm tin giả. Mặt khác, lợi ích của việc sử dụng ba thuật ngữ tin sai lệch, tin giả mạo, tin nguy hại là làm rõ được tính chất thực tế của vấn đề. Hơn nữa, đó cũng là căn cứ để tìm hiểu động cơ xuất hiện của thông tin, kỹ thuật và phương pháp xử lý thông tin của tổ chức quản lý truyền thông và đưa ra các mức hình phạt về mặt luật pháp.
Một số nước phương Tây không còn dùng thuật ngữ tin giả trong các tài liệu và phát ngôn chính thức mà thay vào đó là thuật ngữ tin sai lệch, tin giả mạo, tin nguy hại³. Cũng cần phải nói thêm, một vài nghiên cứu còn phân ra dạng tin tuyên truyền (propaganda) là không thuyết phục. Vì thực chất thuật ngữ tuyên truyền thiên về truyền tải thông điệp cảm xúc hơn là thông tin, cho nên nó không nằm hoàn toàn trong phạm vi thông tin để xem xét.
Tin giả (fake news) cũng như một loại virus độc hại, cần phải được “sát khuẩn”. Ảnh: Bangkok pos. |
Tin giả là một ký hiệu
Dựa trên lý thuyết về ký hiệu học của Peirce4 , chúng ta thấy, cũng như các ký hiệu ngôn ngữ và hình ảnh khác, các loại tin đều có ba thành phần: cái trình hiện (representamen, hình thức của ký hiệu), đối tượng (object, nội dung biểu đạt) và cái nhận hiểu (interpretant, nghĩa mà ký hiệu tạo ra). Quy chiếu vào ba thành phần trên, các dạng tin sai lệch, tin giả mạo, tin nguy hại có thể được nhận diện một cách rõ ràng.
Tuy bản chất của việc phát tán khác nhau nhưng hậu quả của tin sai lệch và tin giả mạo là như nhau. Đối với tin sai lệch, chủ thể phát tán trở thành nạn nhân tiếp nhận vì bản thân họ hoàn toàn không biết sự thật của thông tin. Hình thức ký hiệu của tin giả mạo khá đa dạng; nó được tạo ra bằng các thủ pháp như: châm biếm ác ý; sử dụng thông tin gây hiểu lầm; mạo danh nguồn tin thật hoặc bịa đặt nội dung; liên kết và bối cảnh sai; chỉnh sửa, cắt xén thông tin, hình ảnh (cái trình hiện).
Có một khoảng cách được che lấp giữa sự thật và hư cấu trong nội dung biểu đạt của nó (đối tượng). Càng tinh vi về thủ pháp thì tin giả mạo càng che lấp kỹ khoảng cách giữa sự thật và nội dung hư cấu. Càng nhiều thủ pháp thì tin giả mạo càng tạo ra được nhiều nghĩa, nhiều thao tác suy diễn và phát tán rộng (cái nhận hiểu). Thử lấy một tin giả mạo bất kỳ làm ví dụ phân tích theo cách trên, chúng ta sẽ nhận diện được các thành phần và cách thức mà nó hình thành. Lúc đó, việc phân biệt tin xác thực, tin sai lệch, tin giả mạo, tin nguy hại sẽ không còn nhiều khó khăn.
(Còn nữa)
Chú thích
1//www.qdnd.vn/phong-chong-dien-bien-hoa-binh/tingia-hiem-hoa-that-678175.
2Lejla Turcilo, Mladen Obrenovic. (2020). Misinformation, Disinformation, Malinformation: Causes, Trends, and Their Infuence on Democracy, Heinrich-Böll-Stiftung; Fallis, Don. (2015). What is disinformation? Library Trends 63 (3):401-426; Kai Shu, Suhang Wang, Dongwon Lee, Huan Liu. (2020). Disinformation, Misinformation, and Fake News in Social Media. Springer.
3Zuckerman, Ethan. (2017). Stop saying “fake news”. It’s not helping. (Đừng dùng từ “tin giả” nữa, nó chẳng giúp ích gì). //ethanzuckerman. com/2017/01/30/stop-sayingfake-news-its-not-helping
4Peirce, Charles Sanders. (1903). Collected Papers, V. 2, paragraphs 233–72 / Essential Peirce. V. 2, pp. 289-99.
Sự thật về tin giả: Kỳ 1- Ai là người tin vào tin giả? Không gì khó lấy lại bằng niềm tin đã bị mất đi. Thế nhưng, lần thứ nhất bạn đã biết được sự thật của tin ... |
Thông tin một doanh nhân bị áp dụng biện pháp ngăn chặn là thất thiệt Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng - người phát ngôn Bộ Công an khẳng định những thông tin do một số tài khoản ... |
Xử lý đối tượng đưa thông tin thất thiệt về Chủ tịch Vingroup Ngày 11/7, lực lượng chức năng của Bộ Công an đã xác minh, làm rõ, chuyển hồ sơ sang Sở Thông tin và Truyền thông ... |
Tin cùng chuyên mục
Kinh tế - Xã hội - 05/09/2024 17:13
PVOIL tặng voucher nhiên liệu cho VĐV tham dự Giải đua Ô tô Gymkhana Vô địch Miền Nam PVOIL Cup 2024
Tổng cộng 2.500 lít nhiên liệu sẽ được PVOIL gửi tặng tới các vận động viên, thành viên Ban Tổ chức, Ban Điều hành của Giải đua Ô tô Gymkhana Vô địch Miền Nam PVOIL Cup 2024.
Kinh tế - Xã hội - 05/09/2024 11:27
Hơn 388.000 biển số ô tô đấu giá trực tuyến từ hôm nay 5/9
Bộ Công an vừa phê duyệt kế hoạch đấu giá biển số ô tô phiên đấu giá thứ năm, với 388.389 biển số được đưa lên sàn.
Kinh tế - Xã hội - 05/09/2024 11:25
Bốn mẫu xe nhận ưu đãi mạnh tay từ Toyota Việt Nam và các đại lý trong tháng 9
Khách hàng có cơ hội nhận ưu đãi hấp dẫn lên tới 100% lệ phí trước bạ khi kết hợp ưu đãi từ Chính phủ, Toyota Việt Nam và tại hệ thống đại lý trong tháng 9 này.
Kinh tế - Xã hội - 05/09/2024 06:58
Mercedes-Benz S-Class mới sẽ có bản xăng lẫn điện
Hãng xe Đức dự kiến sẽ hợp nhất hai dòng sedan hạng sang chủ lực là S-Class (động cơ đốt trong) và EQS (điện) thành một dòng xe vào năm 2030.
Kinh tế - Xã hội - 04/09/2024 21:02
Ra mắt Ford Territory Sport giá 909 triệu đồng
Ford Territory Sport mang khác biệt về ngoại hình như lại có trang bị tương tự như phiên bản Titanium X.
Kinh tế - Xã hội - 04/09/2024 21:00
Hướng dẫn tẩy ố kính ô tô: Đảm bảo tầm nhìn rõ ràng
Kính ô tô bị ố không chỉ làm mất thẩm mỹ mà còn ảnh hưởng đến tầm nhìn của người lái, gây nguy hiểm khi tham gia giao thông.
- Chuyện chưa kể về cây cầu dây văng đầu tiên của người Việt
- Thừa Thiên Huế: Đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người lao động trước “siêu bão” Yagi
- PVOIL tặng voucher nhiên liệu cho VĐV tham dự Giải đua Ô tô Gymkhana Vô địch Miền Nam PVOIL Cup 2024
- Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Ân: “Sẽ tiếp tục lan tỏa, nhân rộng mô hình trường học hạnh phúc”
- Tâm sự giáo viên ngày khai giảng: “Năm nào tôi cũng xúc động như lần đầu”