Sự thật về tin giả: Kỳ 1- Ai là người tin vào tin giả?
Kinh tế - Xã hội - 19/06/2022 08:21 QUỐC THẮNG
Ảnh minh họa. Ảnh: Vneconomy.vn |
Điều kiện thuận lợi
Chúng ta đang sống trong một bối cảnh thông tin tràn ngập. Vì không thiếu thông tin nên hành vi đọc ngày càng rời xa đức tính kiên nhẫn. Đây là điều kiện khiến cho xu hướng tiêu thụ thông tin nhanh lấn át đặc điểm chính của hành vi đọc: khác với nghe, nhìn, đọc vốn là loại hình tiếp nhận đòi hỏi tư duy và tưởng tượng. Nhưng giờ đây, những tin ngắn mới đáp ứng được người đọc. Và để gây sự chú ý, người viết phải tạo ra sự khác lạ ngay trong tựa đề. Thuật ngữ “giật tít”, “câu like” ra đời trong bối cảnh này. Chính bối cảnh tạo ra thói quen tiêu thụ thông tin nhanh và chính thói quen tiêu thụ thông tin này đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự xuất hiện của tin giả.
Với điều kiện tạo tin và chia sẻ một cách dễ dàng, tin giả xuất hiện với tần số khổng lồ sẽ “nhồi sọ” người đọc và làm cho người đọc tin vào nó. Đây là hệ quả của “hiệu ứng chân lý ảo tưởng” (the illusory truth effect2): một thông tin sai sẽ trở thành đúng khi ta tiếp xúc quá nhiều lần với nó. Bối cảnh và “hiệu ứng” này khiến cho chúng ta rất ít khi kiểm chứng thông tin khi tiếp nhận. Trong lúc, đây lại là một yêu cầu tiên quyết để tránh khỏi “cạm bẫy” của tin giả.
Ai cũng có thể tin vào tin giả
Nghiên cứu3 của Aengus Bridgman và cộng sự kết luận: những người có thói quen đọc tin trên mạng xã hội mỗi ngày, những người theo trường phái bảo thủ và người già là đối tượng “màu mỡ” của tin giả. Dù ta thường cho rằng, phụ nữ dễ tin vào tin giả hơn đàn ông nhưng nghiên cứu cho biết: không có sự khác biệt rõ ràng về giới tính trong vấn đề này. Nói chung, ai hay lo lắng hoặc giận dữ thường cần một thứ vũ khí nào đó để bảo vệ bản thân và đây là đối tượng dễ tin vào tin giả.
Nghiên cứu về tin giả của Michael V.Bronstein4 đã chỉ ra rằng: những người thiên về các hoạt động tôn giáo như các giáo sĩ hoặc những người có óc độc đoán thường dễ tin vào tin giả. Một khảo sát về chủ thể đọc tin giả với các khía cạnh như thái độ, quan niệm về tin giả dựa trên đối tượng xã hội (nghề nghiệp, vị trí xã hội) mang lại những kết quả hữu ích về mặt giáo dục - xã hội. Nhưng đó không phải là gốc của vấn đề vì nó chỉ giúp cho chúng ta đưa ra nội dung và phương pháp giáo dục phù hợp với đối tượng để loại bỏ tin giả mà thôi. Câu hỏi trước hết phải được trả lời bằng việc phân tích đặc điểm nhận thức chung của chủ thể trong tình huống đọc, chia sẻ tin giả.
Sự thật về tin giả. Ảnh minh họa. |
Tò mò và dựa vào cảm xúc là cơ hội cho tin giả
Có một điều buồn cười là nếu bạn nói rằng trái đất không tròn mà được cấu tạo bằng mặt phẳng, con người chưa bao giờ đặt chân lên mặt trăng thì mọi người sẽ cười nhạo bạn nhưng họ lại luôn sẵn sàng để nghe các luận cứ của bạn chứng minh. Sự tò mò có thể là một trong những cơ hội cho tin giả len lỏi vào trong chúng ta. Trong tình huống này, tin giả có thể chưa gây hại cho bản thân chúng ta. Vì sự tò mò thường thúc đẩy nhận thức.
Tuy nhiên, nhu cầu hiểu biết của con người lại khá mâu thuẫn: chúng ta tò mò nhưng lại vốn lười suy nghĩ và keo kiệt nhận thức (lazy thinkers and cognitive misers, theo Daniel Kahneman, 20115). Xu hướng để dành năng lượng tư duy cho những việc quan trọng sẽ phó mặc những việc khác cho trực giác và chấp nhận những kết luận không được đánh giá hay phản biện. Kết quả là chúng ta tin vào tin giả và nhận lấy nhiều hậu quả.
Một trong những tình huống dễ tin vào tin giả là khi người đọc tiếp nhận thông tin dựa vào cảm xúc. Tin giả sẽ tạo ra sự việc với các chi tiết khơi dậy cảm xúc trong bạn như: sợ hãi, vui sướng, ghen ghét hoặc tức giận…Cảm xúc sẽ lấn át tư duy, lý trí, khiến cho người đọc không còn khả năng phân tích để phân biệt thật - giả. Điểm tựa duy nhất trong tình huống này là trực giác, linh tính, ngược lại hoàn toàn với các con số hoặc bằng chứng thực. Câu chuyện bác sĩ Khoa rút ống thở của mẹ để cứu sản phụ chứng minh rõ ràng cho việc tin giả đáp ứng cảm xúc của người đọc: giữa đại dịch Covid-19, nội dung tin mang lại niềm tin và tình yêu thương rất lớn. Bạn ấm lòng vì hành động cứu sản phụ cao cả nhưng bạn đau lòng vì hành động hi sinh sự sống của người thân. Hai phương diện này tạo nên một cảm xúc mạnh mẽ lấn át việc suy xét của bạn: không thể có chuyện đánh đổi mạng sống của người thân để cứu người lạ trong đời sống thực, đó là chưa nói đến vấn đề đạo đức.
Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội xử phạt một đối tượng đăng tin sai sự thật về dịch Covid-19. Ảnh: Việt Anh. |
Thiên kiến là “đất” cho tin giả “trồng cây”
Vậy, vấn đề cơ bản đặt ra ở đây là: chúng ta có thể điều tiết cảm xúc để tránh cạm bẫy của tin giả không? Trong một nghiên cứu đăng trên psyarxiv.com, nhóm tác giả Bence Bago, Leah R. Rosenzweig, Adam J. Berinsky và David G. Rand6 đã chỉ ra cảm xúc có thể dự đoán khả năng dễ tin vào tin giả nhưng việc điều tiết cảm xúc dường như không giúp ích được gì cho việc nhận ra sự thật của tin giả. Điều đó có nghĩa là để chống lại cơ chế tác động của tin giả, chúng ta cần đến một liệu pháp khác từ bên ngoài phạm vi của cảm xúc7.
Nếu như cảm xúc mang tính thời điểm và dễ thay đổi thì thiên kiến của con người lại thường trực. Người có thiên kiến luôn “chuẩn bị sẵn đất” cho tin giả “trồng cây”. Khái niệm thiên kiến xác nhận (confirmation bias) dùng để chỉ những người chỉ chọn lọc thông tin phù hợp với quan điểm, niềm tin của mình và diễn giải thông tin theo cách ủng hộ điều mình tin và củng cố quan điểm của mình. Miễn là tin giả phù hợp với quan điểm của mình, người có thiên kiến dễ dàng tin theo. Họ nhanh chóng bỏ qua những thông tin có nội dung trái ngược với quan điểm của mình. Thiên kiến đã làm lu mờ khả năng phân tích, đánh giá thông tin.
Trong một số trường hợp, thiên kiến xác nhận giúp lật tẩy vỏ bọc của tin giả khi nội dung của nó đi ngược lại với quan điểm của chúng ta. Tuy nhiên, thông thường, người đã có thiên kiến thì một thông tin thật có thể trở thành tin giả trong cách nhìn của họ nếu nội dung của nó đi ngược lại với quan điểm cố hữu của họ.
Để có cái nhìn đa chiều, xem xét thông tin một cách khách quan, từng bước loại bỏ thiên kiến xác nhận trong tiếp nhận thông tin, chúng ta nên tìm kiếm những bằng chứng ngược lại, lí giải các thông tin đối lập bằng việc đối chiếu với quan điểm của mình. Đó là cách làm cho tin giả không thể “đánh” vào điểm yếu của chúng ta: sẵn sàng nghe theo những điều phù hợp với quan điểm của mình dù đó là một thông tin sai sự thật.
Những phân tích trên đây về các đối tượng dễ bị cuốn theo tin giả cho thấy họ là những người thiếu tư duy phân tích hoặc có một tư duy phân tích phiến diện. Các thao tác phân tích nguyên nhân và kết quả, đánh giá sự kiện một cách logic không có trong tình huống tin vào tin giả; mà thay vào đó là các kết luận nhanh chóng và bằng trực giác. Điều nguy hiểm là một khi chủ thể tin vào tin giả, xem nó như là một sự thật thì rất có thể họ thay đổi quan điểm dựa trên tin giả đó ngay cả khi chúng ta đưa ra cho họ những bằng chứng ngược lại. Đây là xu hướng mà tâm lý học gọi là “hiệu ứng phản tác dụng” (the backfire effect).
(Còn nữa)
Chú thích
1 CHEQ and University of Baltimore, The economic cost of bad actors on the internet, 2019, //s3.amazonaws.com/.
2 Lynn Hasher, David Goldstein, Thomas Toppino, “Frequency and the conference of referential validity”, Journal of Verbal Learning and Verbal Behavior, vol. 16, no 1, 1977, p. 107-112.
3 Aengus Bridgman and all, The causes and consequences of Covid-19 misperceptions: Understanding the role of news and social media, //misinforeview.hks.harvard.edu.
4 Bronstein, M. V., Pennycook, G., Bear, A., Rand, D. G., & Cannon, T. D. (2019). “Belief in fake news is associated with delusionality, dogmatism, religious fundamentalism, and reduced analytic thinking”. Journal of Applied Research in Memory and Cognition, 8(1), 108–117.
5 Kahneman, D. (2011). Thinking fast and slow. Penguin: Great Britain.
6 Emotion may predict susceptibility to fake news but emotion regulation does not seem to help, //psyarxiv.com/.
7 Sẽ đề cập ở Kỳ 4: Làm gì để loại bỏ tin giả?.
Tin giả - Mối hiểm nguy thật Trong tuần qua, có 2 tin giả thực sự trở thành một mối nguy hiểm trong đời sống xã hội, cần phải được nhắc lại ... |
“Bác sĩ Khoa” và ma trận tin giả Câu chuyện “bác sĩ Khoa” rút ống thở của mẹ để cứu mẹ con sản phụ đã được xác nhận là tin giả. Những người ... |
Công nhân giữa “làn sóng tin giả” trong đại dịch Covid-19 Văn hóa là một khái niệm rộng, là “thiên nhiên thứ hai” do con người tạo ra. Việc xây dựng đời sống văn hóa trong ... |
Tin cùng chuyên mục
Kinh tế - Xã hội - 01/09/2024 13:30
Honda Dream 50 thua xa RC110 về sức mạnh, nhưng bù lại đẹp hơn, nhiều boong hơn, thích hợp với tôi, một người thích xe đua nhưng không dám đua xe.
Kinh tế - Xã hội - 01/09/2024 10:00
Chiếc VF 8 đã đạt 4 sao thử nghiệm an toàn của NHTSA, với việc đánh giá tiến hành vào trung tuần tháng 7/2024.
Kinh tế - Xã hội - 01/09/2024 09:00
Chính phủ ban hành Nghị định số 109/2024/NĐ-CP quy định ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô được sản xuất, lắp ráp trong nước sẽ hưởng ưu đãi giảm 50% lệ phí trước bạ trong ba tháng, từ 1/9/2024 đến hết ngày 30/11/2024.
Kinh tế - Xã hội - 01/09/2024 08:00
Giá lăn bánh MG7 sẽ dao động từ 848,6 đến 1,162 triệu đồng tại Hà Nội, và từ 833,8 đến 1.141,8 triệu đồng tại TP HCM.
Kinh tế - Xã hội - 01/09/2024 07:00
Từ tháng 9/2024, BFGoodrich chính thức phân phối dòng lốp đa địa hình KO3 mới với 14 kích cỡ, áp dụng các công nghệ tiên tiến giúp tăng khả năng bám đường, tăng độ bền bỉ và hiệu suất so với sản phẩm tiền nhiệm.
Kinh tế - Xã hội - 01/09/2024 06:00
Cổng đăng ký Giải đua Ô tô Gymkhana Vô địch Miền Nam PVOIL Cup 2024 mở từ 10 giờ ngày 30/8 và đóng lại vào 10 giờ ngày 7/9.