Nhiều cơ hội việc làm cho lao động Nghệ An trở về quê
Người lao động - 01/10/2021 10:53 Duy Chương
Trong 4 tháng qua, có khoảng 25.000 lao động Nghệ An làm ăn xa trở về quê hương |
Để tập trung giải quyết việc làm cho người lao động theo chỉ đạo của UBND tỉnh, LĐLĐ tỉnh Nghệ An cũng tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan và các doanh nghiệp để khảo sát nhu cầu việc làm và thông tin đến người lao động.
Số lượng lao động về quê lớn
Theo số liệu của Sở LĐ-TB&XH Nghệ An, từ tháng 4 đến 30/8, có khoảng 25.000 lao động Nghệ An ở các tỉnh trở về quê hương. Trong đó, có khoảng 2.500 lao động làm việc tại các tỉnh phía Bắc và khoảng 22.000 lao động tại các tỉnh phía Nam. Số lao động về quê hiện có nhiều người đang thất nghiệp và họ mong muốn tìm việc làm ngay tại quê hương.
Anh Sùng A Chiến ở huyện miền núi Kỳ Sơn, từng làm việc tại Khu công nghiệp (KCN) Bàu Bàng (Bình Dương) trở về quê đã hai tháng nay. Anh chia sẻ: “Thời gian qua, dịch bệnh ở Nghệ An diễn biến phức tạp, thành phố Vinh và các huyện lân cận thực hiện Chỉ thị 16 nên tôi không thể xuống Vinh cũng như đến các KCN trên địa bàn tỉnh để tìm việc làm. Lúc ở Bình Dương, mỗi tháng thu nhập của tôi được khoảng 8 triệu đồng, tiết kiệm hết sức cũng trang trải được một phần cuộc sống. Giờ về đây, chưa có việc làm, tôi rất nóng ruột và chưa biết nộp hồ sơ xin việc vào công ty nào".
Số công nhân đã về quê phần lớn đang lo ngại dịch bệnh Covid-19 nên chưa dám quay trở lại các tỉnh phía Nam. Trong số họ, nhiều người phải đi xe máy, vật vã mấy ngày liền để về quê nên họ vẫn còn thấy sợ.
Chị Lê Thị Duyên, ở huyện Diễn Châu, Nghệ An cho biết: "Một tuần nay, công ty của tôi ở Long An đã gọi điện bảo vào làm việc, công ty cũng cam kết sẽ đảm bảo các điều kiện an toàn về phòng chống dịch bệnh, đảm bảo việc làm và thu nhập. Nhưng thực sự, trở về được quê tôi thấy may mắn nên giờ tôi chưa muốn trở lại. Trước mắt, tôi sẽ tìm việc ở quê để làm và đang tìm hiểu nhu cầu việc làm của các doanh nghiệp trong KCN VSIP".
Nhiều công nhân về quê đã bắt đầu đi tìm việc làm. |
Để thích ứng với công việc ở quê, nhiều công nhân có nhu cầu học nghề để tìm kiếm việc làm. Anh Nguyễn Văn Hoàng, quê ở Thanh Chương cho biết: "3 năm trước, vì điều kiện gia đình khó khăn nên học hết lớp 9 em theo anh em vào trong TP HCM làm thợ sơn. Làm được thời gian, em đi theo phụ giúp một người bạn làm nghề sửa chữa điều hòa, sửa đồ điện. Giờ về quê, em muốn được đi học sửa chữa điện lạnh để có kiến thức, tay nghề và sau đó mở một cửa hàng sửa chữa ở quê".
Theo thống kê của huyện miền núi Kỳ Sơn, trên địa bàn hiện có 4.000 lao động làm việc ở các tỉnh trở về, trong đó hầu hết là đồng bào dân tộc thiểu số. Vấn đề giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động trở về là vấn đề khó khăn đối với huyện biên giới cách thành phố Vinh đến 300 km này. Bởi ở đây không có KCN, cụm công nghiệp và các doanh nghiệp quy mô nhỏ. Giải quyết việc làm cho người lao động ở các doanh nghiệp tại địa phương là khó khăn chung của các huyện miền núi Nghệ An như: Tân Kỳ, Con Cuông, Tương Dương, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Quế Phong,...
Nhiều cơ hội việc làm
Trong khi khá nhiều lao động về quê đang chờ dịch ổn định để trở vào nơi cũ làm việc thì cũng có những người đã chuyển hướng khi thấy dịch bệnh kéo dài, bước đầu họ tìm việc tại quê hương.
Lãnh đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Nghệ An cho biết, từ đầu năm đến nay, trung tâm đã kết nối, tìm kiếm được 42.000 vị trí việc làm, trong đó, 54 đơn vị trong tỉnh cần 10.000 lao động và 36 đơn vị ngoài tỉnh cần 32.359 lao động.
Theo nhu cầu tuyển dụng, các doanh nghiệp rất cần người lao động có chuyên môn kỹ thuật và mức lương chi trả khá. Còn đối người lao động trước đó làm nghề tự do, khi về quê, họ có thể làm việc ở các doanh nghiệp chuyên về dệt may, điện tử, sản xuất thực phẩm. Các nghề trên cần nhiều lao động, nhất là lao động trẻ chỉ cần chịu khó, tập làm quen vài chục ngày trên dây chuyền là được.
Hiện nay, Sở LĐ-TB&XH Nghệ An đang phối hợp với Ban Quản lý KKT Đông Nam để nắm bắt nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp và chỉ đạo các huyện khảo sát, nắm nhu cầu việc làm của người lao động trở về quê.
Sở LĐ-TB&XH Nghệ An cũng chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm Nghệ An tăng cường thông tin tuyên truyền để người lao động nắm bắt được nhu cầu tuyển dụng và đến trung tâm để được hướng dẫn, tư vấn cụ thể.
Các công ty may mặc ở Nghệ An đang có nhu cầu tuyển dụng hàng chục nghìn lao động. |
Tại huyện Quế Phong, ông Dương Hoàng Vũ – Chủ tịch UBND huyện cho biết: "Phương án ưu tiên của huyện Quế Phong là vận động lao động giữ liên lạc kết nối với đơn vị, doanh nghiệp cũ để ngay sau khi đẩy lùi dịch, huyện ưu tiên và sẵn sàng hỗ trợ kinh phí để đưa lao động vào nơi làm việc cũ. Nếu lao động nào có nhu cầu ở lại thì huyện sẽ kết nối với các trung tâm dịch vụ việc làm để tìm kiếm việc làm trong tỉnh; phối hợp các trường dạy nghề chuyển đổi nghề cho lao động ".
Tại KKT Đông Nam và các KCN trên địa bàn tỉnh, hiện nay nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp còn rất lớn. Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp liên tục tuyển dụng thêm lao động và các doanh nghiệp mới đi vào hoạt động cũng tăng cường tuyển dụng lao động. Đặc biệt, để cạnh tranh về lao động trong lĩnh vực may mặc, nhiều doanh nghiệp đã có các giải pháp như: Nâng cao chế độ phúc lợi, mức lương, thưởng,... để thu hút công nhân. Nhiều công nhân cũng đã linh hoạt chuyển nghề, nhảy việc đến doanh nghiệp có thu nhập cao hơn.
Ông Nguyễn Đình Sinh, Tổng Giám đốc Công ty May Minh Anh - Kim Liên cho biết: "Để giữ vững sản xuất và đảm bảo các đơn hàng, công ty đang cần nhiều lao động cho nhà máy tại 2 huyện Đô Lương và Tân Kỳ. So với các nhà máy khác, điều kiện làm việc và lương thưởng của công ty khá hơn và mọi chế độ công ty đều công khai với người lao động khi đến tuyển dụng. Các nhà máy tại Nghệ An hiện có gần 10.000 người lao động và chúng tôi vẫn đang tiếp tục tuyển dụng".
Tương tự, ông Phạm Văn Lương, Giám đốc Công ty May Nam Thuận bộc bạch: "Dự án đầu tư của chúng tôi vào Nghệ An có cam kết tạo việc làm cho con em địa phương. Thời gian tới, khi nhà máy đi vào hoạt động đúng công suất, chúng tôi có thể tuyển dụng tối đa 1.300 lao động. Đối với lao động có tay nghề thì tốt, còn đối với lao động chưa có tay nghề chúng tôi sẵn sàng đào tạo và chúng tôi cũng sẽ nỗ lực thực hiện tốt các chế độ chính sách để giữ chân người lao động".
Nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông khá lớn, do đó, các doanh nghiệp luôn sẵn sàng đào tạo nghề từ đầu cho người lao động.
Công ty CP May Minh Anh - Kim Liên liên tục tuyển dụng hàng trăm công nhân lao động. Công ty này cũng thực hiện các chế độ đãi ngộ khá tốt để thu hút người lao động. |
Ngoài dự án của Công ty May Nam Thuận, các dự án dệt may khác đang mở rộng sản xuất cũng cần trên 20.000 lao động; bên cạnh đó, các dự án lắp ráp điện tử tại KCN VSIP Nghệ An, KCN WHA, KCN Hoàng Mai 1 cũng chuẩn bị hoạt động.
Từ nay đến năm 2022, tỉnh Nghệ An cần thêm khoảng 20.000 và đến năm 2025 cần khoảng 50.000 lao động cho các dự án lớn. Trong đó, Dự án Luxshare hiện đã tuyển dụng 6.000 lao động và nhu cầu trong thời gian tới là gần 20.000 lao động; Dự án Goertek Vina đang cần 5.000 trên tổng nhu cầu 30.000 lao động; Dự án Everwin đăng ký tuyển 14.000 lao động. Khu công nghiệp Hoàng Mai 1 đăng ký thu hút 30.000 lao động. Đây là cơ hội rất tốt cho người lao động có nghề may hay điện tử từ miền Nam trở về.
Ông Vương An Nguyên, Chủ tịch Công đoàn KKT Đông Nam, Nghệ An cho biết: "Cơ hội việc làm cho lao động phổ thông khá lớn bởi nhiều doanh nghiệp chấp nhận đào tạo từ đầu. Người lao động là con em đồng bào dân tộc ở các huyện miền núi Nghệ An có thể tìm kiếm việc làm ở các KCN trên địa bàn tỉnh. Lâu nay, số lượng công nhân các huyện miền núi xuống thuê nhà trọ và làm việc tại các KCN cũng rất nhiều. Hiện, tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát, thành phố Vinh và các huyện lân cận đã trở về Chỉ thị 19, nhiều người lao động đã trực tiếp đến các doanh nghiệp để phỏng vấn tuyển dụng".
Công đoàn tích cực phối hợp giới thiệu việc làm
Để góp phần giải quyết việc làm cho người lao động, thời gian qua, LĐLĐ tỉnh Nghệ An đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tiến hành khảo sát nhu cầu thông tin tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh. Từ đó đưa ra kế hoạch tư vấn về vị trí việc làm, thu nhập cho người lao động trở về quê đang thất nghiệp.
Ông Kha Văn Tám, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Nghệ An chia sẻ: "Trong đợt 1 khảo sát đã có 16 doanh nghiệp cung cấp thông tin nhu cầu tuyển dụng với tổng số 8.286 người. Đợt này, LĐLĐ tỉnh đã tiến hành khảo sát và tiếp tục có thêm 11 doanh nghiệp cung cấp thông tin nhu cầu tuyển dụng với tổng số 10.069 người.
Trong 11 doanh nghiệp thông báo nhu cầu tuyển dụng đợt này thuộc nhiều lĩnh vực sản xuất. Trong đó, chiếm số lượng nhiều nhất là lĩnh vực may mặc xuất khẩu có 7 đơn vị cần tuyển dụng với nhu cầu 9.555 người, trong đó Công ty May Minh Anh Tân Kỳ là đơn vị mới thành lập có nhu cầu tuyển dụng 6.500 người, Công ty Matrix Vinh tuyển dụng 1.000 người. Dựa trên số liệu này, LĐLĐ tỉnh sẽ cấp xuống các đơn vị để đưa thông tin tuyển dụng đến cho người lao động".
Trung tâm Dịch vụ việc làm Nghệ An đang tăng cường tổ chức các phiên giao dịch giới thiệu việc làm. |
Lý giải về thực trạng nhiều công nhân về quê đang thất nghiệp trong khi các doanh nghiệp thiếu lao động, ông Lê Hải Dương - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Nghệ An cho biết: "Do nhiều nguyên nhân khác nhau, chủ yếu do người lao động làm việc ở các tỉnh phía Nam có thu nhập cao hơn làm việc tại địa phương, cơ hội việc làm trong Nam cũng đa dạng để lựa chọn hơn. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trong tỉnh cũng chưa thông tin rộng rãi về nhu cầu tuyển dụng đến các địa phương, đến trực tiếp người lao động.
Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng, thời gian qua, các doanh nghiệp ở Nghệ An đã thu hút lao động rất tốt, trong 5 năm qua và trong 2 năm dịch bệnh này, số lượng người lao động làm việc tại các tỉnh trở về quê rất nhiều, thậm chí người lao động làm việc tại các tỉnh như Thanh Hóa, Hà Tĩnh cũng quay trở về Nghệ An làm việc. Nếu trừ chi phí thuê nhà trọ và các chi phí sinh hoạt khác thì khi làm việc ở quê họ cũng tiết kiệm được một phần. Trong khi đó để cạnh tranh lao động, các doanh nghiệp trong tỉnh đang dần thực hiện tốt các chế độ chính sách cho người lao động".
Ông Lê Hải Dương cũng cho biết: "Giải quyết việc làm cho người lao động trở về từ các vùng có dịch là nhiệm vụ trọng tâm được Sở LĐ-TB&XH Nghệ An giao cho trung tâm. Hiện, trung tâm đang tích cực thực hiện nhiều giải pháp để giải quyết việc làm cho người lao động như: Tăng cường tổ chức các phiên giao dịch giới thiệu việc làm, tổ chức tư vấn việc làm lưu động về các địa phương, thôn, bản và phối hợp chính quyền địa phương, các trường nghề để mở các lớp đào tạo nghề phù hợp với thị trường lao động, đồng thời nâng cao tay nghề cho người lao động".
Thẻ xanh nào cho ngày 1/10? Chỉ còn chưa đầy 2 ngày nữa, TP HCM sẽ mở cửa sau 4 tháng giãn cách (có cả hơn tháng trời với mức độ ... |
Xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, trục lợi trong phòng chống dịch Covid-19 Bộ Y tế đề nghị xử lý nghiêm khắc các hành vi tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong mua sắm trang thiết bị, ... |
Công ty CP Ô tô 1-5 nợ BHXH: Công nhân mắc bệnh hiểm nghèo mòn mỏi chờ quyền lợi Hoàn cảnh gia đình khó khăn, lại mang bệnh ung thư, mọi thứ như sụp đổ trước mắt chị Phạm Thị Dương (sinh năm 1974), ... |
Tin cùng chuyên mục
Người lao động - 13/09/2024 15:40
Làm thế nào để có nước sạch sinh hoạt sau lũ lụt?
Sau bão, đi kèm với lũ và ngập lụt, người dân và người lao động đặc biệt cần nước sạch để sinh hoạt. Vậy trong điều kiện thiếu thốn nguồn nước an toàn, cần xử lý nước thế nào để làm sạch nước, có nguồn nước đảm bảo sử dụng, phòng chống dịch bệnh?
Người lao động - 13/09/2024 11:26
Gojeck rời thị trường Việt Nam: Tài xế ngỡ ngàng, không tin sắp mất việc
Ngay sau khi nhận thông tin Gojeck sẽ rút khỏi thị trường từ ngày 16/9, nhiều tài xế đã ngỡ ngàng, bởi với nhiều người, đây là công việc đem lại thu nhập chính, lo toan cho cả gia đình.
Người lao động - 12/09/2024 18:17
Phát động Cuộc thi “Chung tay vì an toàn giao thông” năm 2024
Cuộc thi “Chung tay vì an toàn giao thông” năm 2024 nhằm tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao kiến thức và ý thức chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông cho mọi người dân, nhất là thế hệ trẻ, công nhân, người lao động.
Đời sống - 11/09/2024 07:48
Anh Trần Ngọc Vĩ - người có nhiều sáng kiến tâm huyết mang bản chất Bộ đội Cụ Hồ
Từ một công nhân lái xe mang bản chất của người lính Bộ đội Cụ Hồ, sau nhiều năm công tác, anh Trần Ngọc Vĩ đã trở thành Giám đốc Xí nghiệp Cơ khí - Xây lắp thuộc Công ty Cổ phần Môi trường và Công trình Đô thị Huế có nhiều sáng kiến, sáng tạo từ thực tiễn công việc và được áp dụng vào hoạt động của công ty.
Đời sống - 10/09/2024 20:28
Người miền Trung ra Bắc khắc phục hậu quả bão lũ: "Hết việc mới về"
Nhiều đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp ở miền Trung đã hỗ trợ nhân lực, miễn phí vận chuyển hàng hoá ra Hà Nội và các tỉnh, thành phía Bắc để khắc phục hậu quả bão số 3.
Người lao động - 09/09/2024 18:21
Sập cầu Phong Châu, người lao động ở Phú Thọ sẽ di chuyển như thế nào?
Sau sự cố sập cầu Phong Châu (Km18+300, Quốc lộ 32C), Công an tỉnh Phú Thọ đã nhanh chóng ra thông báo phương án phân luồng giao thông, đảm bảo đi lại, phục vụ đời sống, kinh doanh, sản xuất của người dân và người lao động khu vực.
- Mô hình “Công dân học tập” tại doanh nghiệp còn nhiều khó khăn
- Doanh nghiệp, người lao động Đà Nẵng hỗ trợ miền Bắc khắc phục hậu quả bão số 3
- Bình Phước: Thành lập chi bộ có 20 đảng viên tại doanh nghiệp FDI
- Làm thế nào để có nước sạch sinh hoạt sau lũ lụt?
- Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội trao hỗ trợ cho người lao động bị ảnh hưởng bởi bão lũ