Gojeck rời thị trường Việt Nam: Tài xế ngỡ ngàng, không tin sắp mất việc
Người lao động - 13/09/2024 11:26 Phương Mai
Tài xế xe ôm công nghệ mưu sinh tuổi xế chiều |
Tài xế và người dùng đều bất ngờ
Nền tảng gọi xe và đồ ăn trực tuyến Gojeck có trụ sở tại Indonesia vừa đưa ra thông báo chính thức về việc dừng hoạt động tại thị trường Việt Nam từ ngày 16/9.
Đại diện công ty này cho biết, quyết định trên phù hợp với chiến lược tăng trưởng dài hạn của Công ty mẹ - Tập đoàn GoTo, công ty công nghệ lớn nhất tại Indonesia để phù hợp với cam kết của GoTo trong việc đạt được tăng trưởng kinh doanh bền vững trong dài hạn.
Gojeck (tên ban đầu là Go-Viet) gia nhập vào Việt Nam từ tháng 6/2018 tại TP Hồ Chí Minh. Sau đó 2 tháng, ứng dụng này có mặt tại Hà Nội, được nhiều khách hàng đón nhận, tạo cơ hội việc làm cho nhiều người ở các lứa tuổi.
Gojeck là một trong những ứng dụng gọi xe được ưa chuộng, đặc biệt tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Internet |
Thông báo mới này của Gojeck nhanh chóng được lan tỏa khắp các trang mạng xã hội, thu hút sự chú ý của nhiều người, đặc biệt là những người vẫn luôn tin dùng nền tảng này và chính những tài xế đang chạy cho hãng.
Bạn Cẩm Duyên (ngụ tại Q.3, TP Hồ Chí Minh) chia sẻ: “Ba em cũng làm tài xế cho Gojeck. Lúc hay tin, ba với em buồn lắm, không tin sắp mất việc”. Theo Cẩm Duyên, hiện cả nhà đều đang lo lắng vì chỉ có Gojeck nhận người lao động lớn tuổi, nên ba của cô đang không biết sẽ phải xin việc khác ở đâu, nếu chỉ chạy xe ôm truyền thống sẽ không cho được thu nhập ổn định như công việc hiện tại.
Gojeck là ứng dụng hiếm hoi nhận lao động lớn tuổi. Ảnh: Internet |
Không chỉ với người lao động lớn tuổi, Gojeck cũng là nơi làm việc đã giúp nhiều người trẻ có thêm thu nhập. Thậm chí, nhiều người đã mua được điện thoại, xe máy nhờ công việc này.
Đang là sinh viên năm thứ ba của Trường Cao đẳng FPT (Hà Nội), Trần Hữu Đôn cứ ngỡ chỉ là tin “rác” hoặc đọc nhầm khi thấy thông báo mới của Gojeck.
Đôn tâm sự: “Thực ra chúng tôi là lao động trẻ, có thể thích ứng nhiều công việc khác nhau, hoặc đầu quân cho nền tảng khác. Tuy nhiên, thương nhất vẫn là những chú tài xế đã lớn tuổi, với nhiều chú, đây là công việc nuôi sống cả gia đình. Và cũng không thể phủ nhận, chế độ, chính sách của hãng khá ổn so với mặt bằng chúng. Nên biết sắp tới hãng sẽ ngừng hoạt động, chúng tôi khá ngỡ ngàng và lo lắng nhẹ”.
Tại các bài đăng trên mạng xã hội, nhiều người dùng cũng bày tỏ sự nuối tiếc với hãng xe “ruột” của mình, cũng như chia sẻ khó khăn mất việc ở thời điểm hiện tại với nhiều người lao động là tài xế của hãng.
“Tôi cứ ngỡ có thể bám trụ lâu dài với nghề này”
Anh Nguyễn Văn Nguyên (54 tuổi, ngụ tại Thái Bình) vừa trở về quê làm nghề nhôm kính sau khoảng 5 năm bám trụ tại các thành phố lớn với việc chạy xe ôm công nghệ. Vốn phải kết thúc hợp đồng lao động trước thời hạn tại khu công nghiệp do gặp vấn đề về sức khỏe, nên ở thời điểm năm 2018, 2019, đây là nghề đem lại cho anh nguồn thu nhập ổn định, thậm chí là cao hơn mức lương khởi điểm của nhiều cử nhân đại học vừa ra trường.
Tuy nhiên sau đó, nhiều hãng xe du nhập vào Việt Nam, cùng nhiều nền tảng “nội địa” ra đời, số lượng người lao động trẻ tham gia thị trường này cũng nhiều hơn, khiến thu nhập của anh Nguyên giảm rõ rệt. “Để có thêm điểm thưởng, nhiều khi mưa to hay tắc đường tôi vẫn cố ra đường làm, vì khi ấy nhiều tài xế khác hay tắt app”, anh Nguyên chia sẻ.
Thực tế, với những lợi ích hiện hữu như: thu nhập cao, tự do giờ giấc, không bị quản lý, gò bó, nghề tài xế công nghệ được nhiều người lựa chọn. Thậm chí, nhiều người trẻ chấp nhận cất tấm bằng cử nhân để đi chạy xe và chạy cho nhiều hãng cùng lúc và lựa chọn gắn bó lâu dài với nghề này.
Thế nhưng, theo xu thế thời cuộc, sự cạnh tranh gay gắt giữa các nền tảng, cùng lượng người lao động gia nhập thị trường này thêm đông, “giấc mộng” ban đầu dần tan vỡ. Nếu muốn có đủ thu nhập thì phải đi làm từ sáng sớm, rong ruổi cả ngày, đánh đổi sức khỏe về mọi mặt.
“Nhiều lần ở lại chạy xe những ngày cận lễ, nhìn mọi người được về nhà, mình thì vì mưu sinh mà ở lại, chúng tôi cũng thấy tủi thân lắm”, Đôn tâm sự.
Nhiều sinh viên lựa chọn chạy xe ôm công nghệ để có thêm thu nhập. Ảnh: Internet |
Hiện tại, lực lượng lao động chính của lĩnh vực xe ôm công nghệ đa phần là sinh viên đi làm thêm, hoặc những người lao động tự do, người quá tuổi lao động tại các cơ quan, đơn vị.
Theo ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, một số nền tảng gọi xe và gọi đồ ăn khác đang hoạt động tại thị trường Việt Nam vẫn thông qua trung tâm để tuyển dụng tài xế rất nhiều, những lao động trẻ của Gojeck có thể chuyển hướng sang các hãng này.
"Các bạn cũng có thể quay lại làm việc tại các doanh nghiệp, đơn vị theo chuyên môn nếu như trước đây đã từng được đào tạo. Với người lao động lớn tuổi, các bác có thể xin vào làm việc tại các tòa nhà, hàng quán, các doanh nghiệp, đơn vị ở vị trí bảo vệ, an ninh… Tuy nhiên, nếu lựa chọn theo hướng này, người lao động cần cố gắng và chấp nhận sự thay đổi trái ngược về giờ giấc làm việc, cũng như những quy định và mức thu nhập mà người sử dụng lao động đưa ra", ông Thành nhấn mạnh.
Sinh viên chạy xe ôm công nghệ: Được và mất? Xe ôm (trong đó có xe ôm công nghệ) thường tập trung đông ở các bến xe, bệnh viện, trường học... Người làm nghề xe ... |
Nam công nhân sáng vào nhà máy, tối chạy xe ôm công nghệ Đôi mắt Nam dừng thật lâu trên màn hình điện thoại khi thấy dòng title trên báo điện tử: “Hà Nội cho xe ôm công ... |
Tài xế xe công nghệ Đà Lạt được quyền lợi gì khi gia nhập công đoàn? Sau hơn 2 tháng gia nhập tổ chức Công đoàn, hơn 50 tài xế xe công nghệ ở Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) tin tưởng, ... |