Không chấp nhận đề nghị “đính chính nội dung” của Công ty Giống bò sữa Mộc Châu
Phóng sự điều tra - 24/03/2023 19:57 Ý YÊN
Sai phạm về BHXH ở Sơn La: Không thể “báo giảm” là xong! Công ty CP Giống bò sữa Mộc Châu đề nghị “đính chính lại nội dung” |
Vừa qua, Tạp chí Lao động và Công đoàn nhận được công văn số 145/CV-GBS/2023 của Công ty CP Giống bò sữa Mộc Châu (thuộc Công ty CP Sữa Việt Nam – Vinamilk), do Tổng giám đốc Phạm Hải Nam ký ngày 01/3/2023 về việc yêu cầu đính chính thông tin liên quan đến bài viết “Sai phạm về BHXH ở Sơn La: Không thể “báo giảm” là xong!”, đăng ngày 15/2/2023 trên Tạp chí điện tử www.lozaph.com.
Theo đó, ông Phạm Hải Nam – Tổng giám đốc Công ty CP Giống bò sữa Mộc Châu cho rằng, bài viết có một số nội dung đưa tin chưa chính xác về Công ty, đồng thời chỉ ra 3 vấn đề cần đính chính.
Đại diện Công ty CP Giống bò sữa Mộc Châu trong buổi làm việc với PV Tạp chí Lao động và Công đoàn - Ảnh: Ý Yên |
Thứ nhất, bài viết đề cập việc trong thời gian dài, nhiều người lao động ở một số công ty chè, giống bò sữa trên địa bàn huyện Mộc Châu (Sơn La) hằng tháng phải trích tới 32% tiền lương để đóng BHXH (thay vì chỉ phải trích 10,5% tiền lương để đóng BHXH theo luật định), thực hiện thay nghĩa vụ đóng BHXH bắt buộc của người sử dụng lao động cho người lao động. Phía Công ty cho rằng đây là “cách đặt vấn đề không rõ ràng, gây hiểu lầm”, bởi trong buổi làm việc ngày 6/1/2023, phóng viên đề cập đối tượng là các hộ nhận khoán chăn nuôi bò sữa.
Về điều này, quan điểm của Tạp chí Lao động và Công đoàn là: Tại thời điểm BHXH tỉnh Sơn La ban hành kết luận số 153/KL-BHXH (ngày 1/2/2021) thanh tra liên ngành đóng BHXH, BHTN, BHYT; kiểm tra việc thực hiện chế độ, chính sách BHXH, BHYT tại Công ty CP Giống bò sữa Mộc Châu, cơ quan này đã chỉ ra rằng: “Năm 2020 đơn vị đã đóng BHXH, BHTN, BHYT cho 385 lao động có ký hợp đồng khoán hộ chăn nuôi, tự đóng 32% BHXH, BHYT, BHTN...”. Trong phạm vi bài viết, chúng tôi chỉ đề cập tới những người lao động này, có trích dẫn đầy đủ số liệu từ các kết luận thanh, kiểm tra ngày 1/2/2021 của BHXH tỉnh Sơn La: Từ tháng 1/2020 đến tháng 12/2020, tại Công ty CP Giống bò sữa Mộc Châu có 385 lao động; Công ty CP Dâu tằm tơ Mộc Châu có 30 lao động; Công ty CP Chè Chiềng Ve Mộc Châu có 21 lao động; Công ty CP Vinatea Mộc Châu có 373 lao động tự đóng 32% BHXH, BHTN, BHYT.
“Tại các kết luận, BHXH tỉnh Sơn La yêu cầu từ tháng 1/2021, các đơn vị lập hồ sơ báo giảm tham gia BHXH, BHTN, BHYT cho các lao động hợp đồng khoán sản phẩm. Tức là ngừng việc đóng BHXH bắt buộc đối với các lao động nói trên”, bài viết nêu.
Như vậy, trong khuôn khổ bài viết, chúng tôi đã trích dẫn, diễn giải rất đầy đủ thông tin về đối tượng “người lao động phải thực hiện thay nghĩa vụ đóng BHXH của doanh nghiệp”
Tại Khoản 1 Điều 3 Bộ luật Lao động 2019 giải thích: “Người lao động là người làm việc cho người sử dụng lao động theo thỏa thuận, được trả lương và chịu sự quản lý, điều hành, giám sát của người sử dụng lao động”. Người lao động có thể là một người, cũng có thể là nhóm người, hay rộng hơn là tập thể người lao động. Do vậy, quan điểm của chúng tôi, việc sử dụng cụm từ “người lao động” trong bài viết hoàn toàn hợp lý, rõ ràng, không gây hiểu lầm.
Hơn nữa, dựa trên kết luận của BHXH tỉnh Sơn La, có thể thấy rõ các doanh nghiệp sai phạm, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động, trong đó có Công ty CP Giống bò sữa Mộc Châu với 385 lao động. Với vai trò là cơ quan nghiên cứu, lý luận, thông tin tuyên truyền của Tổng LĐLĐ Việt Nam, chúng tôi luôn sẵn sàng lên tiếng để bảo vệ quyền lợi dù chỉ một người lao động bị thiệt thòi.
Thứ hai, Công ty cho rằng bài báo trích dẫn nội dung trả lời không đầy đủ, quy kết sai bản chất vấn đề ở các nội dung:
(1) Title phụ: “Doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ về pháp luật lao động?”;
(2) Trích lời ông Phạm Hải Nam, Tổng giám đốc Công ty CP Giống bò sữa Mộc Châu: “Chúng tôi chẳng bao giờ nghĩ là cái này chúng tôi làm sai”.
Dựa trên tài liệu; băng ghi âm cuộc làm việc giữa phóng viên Tạp chí Lao động và Công đoàn với ông Phạm Hải Nam và đại diện Công ty, chúng tôi khẳng định những nội dung trong bài báo là hoàn toàn đúng sự thực, sử dụng trích dẫn theo đúng phát ngôn của lãnh đạo Công ty.
Chúng tôi xin được trích nguyên văn đoạn đối thoại giữa phóng viên và phía Công ty, liên quan đến nội dung này:
Phóng viên: Về phía doanh nghiệp, với vai trò là người đứng đầu doanh nghiệp, tham mưu cho lãnh đạo doanh nghiệp thực hiện quy định pháp luật, vậy anh, chị có nhận thức được việc đưa nhóm lao động chăn nuôi bò sữa diện giao khoán vào danh sách đóng BHXH bắt buộc là hoàn toàn sai hay không? Có nghiên cứu Luật BHXH 2014 hay không? Nếu nghiên cứu rồi thì có phát hiện là đã thực hiện sai hay không? Nếu phát hiện rồi thì có ý kiến, nhận thức đưa nhóm đấy ra khỏi diện đóng BHXH bắt buộc chưa?
Bà Lê Thị Lệ - Trưởng phòng Tổ chức lao động, Công ty CP Giống bò sữa Mộc Châu: “Về vấn đề này, đứng đầu là Sở LĐ-TB & XH. Thực ra doanh nghiệp không có người làm chuyên BHXH mà các chị chỉ làm kiêm thôi, nên các văn bản có chỉ thị, hướng dẫn như thế này thì các chị cứ thực hiện như thế thôi. Còn không có hướng dẫn cụ thể cho bọn chị cái này là đúng hay sai, các cơ quan chức năng hằng năm thanh, kiểm tra cũng không nói đúng hay sai, nên mọi người cứ làm thôi. Nó cũng là cái chung toàn hệ thống. Thời gian chúng tôi tìm hiểu pháp luật không thể chuyên sâu”.
Phóng viên: Sau khi có kết luận 153 của BHXH tỉnh Sơn La, xác nhận 385 lao động đóng BHXH 32%, doanh nghiệp có thực hiện thống kê thời gian thu sai và mức thu sai theo quy định của Luật BHXH 2014 và truy thu, trả lại cho người lao động hay không?
Ông Phạm Hải Nam – Tổng giám đốc Công ty CP Giống bò sữa Mộc Châu: “Trước nay tự doanh nghiệp đứng ra thu giúp cho người dân, vì nó xuyên suốt một cái mạch. Mạch chung như thế cứ diễn ra hằng năm, đến 2014 không có hướng dẫn, chỉ đạo về thay đối cái đó. Cho nên nó cứ liên tục như vậy. Cho nên chúng tôi chẳng bao giờ nghĩ là cái này chúng tôi làm sai. Không bao giờ đặt vấn đề chúng tôi sai ở phần 21,5% đâu mà hằng năm phải ngồi cộng lại là bao nhiêu”.
Phóng viên: Theo quan điểm của doanh nghiệp là không thực hiện sai, không trả lại 21,5% theo quy định?
Ông Phạm Hải Nam: “Đúng rồi!”
Như vậy, căn cứ nội dung trả lời phỏng vấn của đại diện Công ty (bà Lê Thị Lệ, ông Phạm Hải Nam), có thể thấy rõ nội dung, thông điệp, quan điểm từ phía doanh nghiệp được thể hiện trong bài viết là chính xác. Quý Công ty thấy nội dung trích dẫn không đầy đủ, chúng tôi xin được trích dẫn toàn bộ đoạn phỏng vấn này để người đọc thấy rõ hơn bản chất vấn đề.
Thứ ba, phía Công ty tiếp tục nêu phần trả lời của Công ty đã bị cắt và trích dẫn không đầy đủ thông tin. Câu kết: “Doanh nghiệp nhận thức chưa đầy đủ về pháp luật lao động (mà cụ thể là Luật BHXH) hay cố tình vi phạm?” khiến người đọc hiểu không đúng về Công ty, thể hiện sai bản chất sự việc.
Về vấn đề này, chúng tôi đã trao đổi, phản biện rất cụ thể với đại diện Công ty trong buổi làm việc ngày 6/1/2023, đã trích phần phỏng vấn trong bài viết, xin được trích lại:
Phóng viên: Công ty có biết rằng nội dung thoả ước lao động tập thể không được trái với các quy định của pháp luật? Nếu các nội dung của thoả ước sai quy định pháp luật thì thoả ước đấy trở thành vô hiệu (từng phần hoặc toàn bộ) hay không?
Bà Lê Thị Lệ - Trưởng phòng Tổ chức lao động, Công ty CP Giống bò sữa Mộc Châu: “Khi chúng tôi xây dựng thoả ước lao động tập thể thì được Sở LĐ-TB&XH Sơn La xem xét, công nhận việc xây dựng theo đúng quy định pháp luật.
Người ta có công văn trả lời thoả ước này đúng pháp luật thì chúng tôi thực hiện chứ không phải chúng tôi tự thực hiện. Khi xây dựng thoả ước, chúng tôi đều thông qua Sở LĐ-TB&XH và được công nhận đúng.
Nói về việc vô hiệu thì tại thời điểm đó, nếu thoả ước xây dựng không đúng thì Sở LĐ-TB&XH phải trả lời rằng thoả ước này không đảm bảo, không đúng pháp luật. Chứ bây giờ có văn bản công nhận rồi, chúng tôi cứ thực hiện theo văn bản này thôi”.
Phóng viên: Đối với những người lao động không nằm trong danh sách đóng BHXH bắt buộc mà lại đưa vào danh sách đóng BHXH bắt buộc là sai quy định. Hơn nữa, điều kiện để người lao động được tham gia đóng BHXH bắt buộc là công ty phải có hợp đồng lao động, xây dựng thang bảng lương; có nghĩa là xác lập mối quan hệ lao động. Và theo đó, dựa trên quy định của Luật BHXH 2014, người lao động chỉ đóng 10,5% các loại bảo hiểm còn doanh nghiệp bắt buộc đóng 21,5% tiền lương hằng tháng. Cớ sao bắt họ đóng 32%, đóng thay khoản của doanh nghiệp?
Bà Lê Thị Lệ - Trưởng phòng Tổ chức lao động, Công ty CP Giống bò sữa Mộc Châu: “Hằng năm, các đoàn thanh kiểm tra làm việc cũng không có ý kiến việc thu tiền BHXH của người lao động nói trên là đúng hay sai, nên mới dẫn tới tình trạng này”.
Như vậy, thông tin trong bài viết là hoàn toàn khách quan, được ghi nhận từ các báo cáo, quá trình làm việc với cơ quan chức năng, những thông tin từ buổi làm việc trực tiếp với đại diện doanh nghiệp. Tạp chí Lao động và Công đoàn sẽ không chấp nhận đề nghị “rút title và đính chính nội dung bài viết” như đề nghị của Công ty CP Giống bò sữa Mộc Châu.
Với mong muốn được làm rõ hơn về vụ việc, nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, Tạp chí đề nghị lãnh đạo Công ty CP Giống bò sữa Mộc Châu (thuộc Công ty CP Sữa Việt Nam – Vinamilk) sớm sắp xếp lịch làm việc với đại diện Tạp chí, đồng thời trả lời những nội dung sau:
Một là, khi Công ty đã đưa người lao động giao khoán vào danh sách đóng BHXH bắt buộc, nghĩa là phải tuân thủ theo quy định về mức đóng theo Luật BHXH 2014 (chủ sử dụng lao động đóng 21,5%; người lao động đóng 10,5%). Tại sao suốt một thời gian dài, Công ty vẫn để những người lao động này đóng cả phần trách nhiệm của người sử dụng lao động? Công ty nhận thức như thế nào về vấn đề này, đã thực hiện đúng quy định của pháp luật hay chưa?
Hai là, kế hoạch chi trả khoản tiền BHXH trước đây người lao động đã “đóng thay” trách nhiệm của doanh nghiệp (21,5% tiền lương hằng tháng) sẽ được thực hiện như thế nào và vào thời gian nào?
Tạp chí Lao động và Công đoàn sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc tới quý độc giả.
Tin cùng chuyên mục
Phóng sự điều tra - 06/09/2024 15:09
Bài 8: Tư vấn sai lệch thông tin là “lừa dối trong giao dịch dân sự”
Trước thực trạng khách hàng mất tiền oan và nguy cơ hiện hữu hóa thành “con nợ” của ngân hàng từ những chiếc thẻ ngân hàng không sử dụng, thậm chí thiếu thông tin tư vấn minh bạch, nữ công nhân ở Hải Dương gánh khoản nợ hơn 7,5 triệu đồng từ chiếc thẻ tín dụng được tặng mà chị không sử dụng trong 9 năm, luật sư Lương Minh Tuấn, Công ty Luật TNHH Năng & Partner, đã có những chia sẻ với Tạp chí Lao động và Công đoàn. Cùng với đó đồng chí Hà Sỹ Đồng, Đại biểu Quốc hội (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị) cũng nêu lên một số ý kiến chung quanh vấn đề này.
Phóng sự điều tra - 04/09/2024 17:07
Bài 7: Cần hành lang pháp lý chung để quản lý thẻ ngân hàng “ngủ đông”
Đó là một trong những ý kiến của bà Nguyễn Hồng Thanh, Trưởng Tiểu ban Chính sách của Chi hội Thẻ ngân hàng Việt Nam (Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam) về quy trình quản lý, phát hành thẻ ngân hàng của các ngân hàng thương mại hiện nay. Quan điểm này cũng được đại diện Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) nêu lên trong cuộc trao đổi với phóng viên Tạp chí Lao động và Công đoàn xung quanh vấn đề phát hành, quản lý, vận hành thẻ ngân hàng hiện nay.
Pháp luật lao động - 03/09/2024 16:24
Từ vụ “thần dược” Lipixgo: Nhức nhối nạn thổi phồng công dụng thực phẩm chức năng, lừa người tiêu dùng
Bất chấp nỗ lực của các cơ quan quản lý và cảnh báo từ chuyên gia y tế, nhiều sản phẩm thực phẩm chức năng vẫn được quảng cáo với công dụng "thần kỳ", đánh lừa người tiêu dùng. Tình trạng này không chỉ làm tổn hại đến sức khỏe và tài chính của người dân mà còn làm mất uy tín của ngành thực phẩm chức năng.
Pháp luật lao động - 01/09/2024 07:31
Cảnh giác chiêu trò quảng cáo “thần dược” Lipixgo - Kỳ 3: Tội quảng cáo gian dối có thể bị xử lý hình sự
Luật sư Trần Tuấn Anh – Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch khẳng định rằng đường link quảng cáo sản phẩm Lipixgo đã vi phạm nhiều quy định pháp luật, không chỉ về quảng cáo. Trong trường hợp tổ chức, cá nhân bị lừa dối bởi quảng cáo sai sự thật, có quyền tố cáo hoặc yêu cầu bồi thường thiệt hại nếu có thiệt hại thực tế xảy ra bởi nguyên nhân quảng cáo sai sự thật.
Pháp luật lao động - 31/08/2024 08:42
Cảnh giác chiêu trò quảng cáo “thần dược” Lipixgo - Kỳ 2: Những cuộc gọi thúc giục chốt đơn
Đường link quảng cáo về loại “thuốc Lipixgo" lặng lẽ được lan truyền trên mạng xã hội, cho biết không thể tìm thấy sản phẩm này tại các hiệu thuốc. Cũng tại đây, người ta tạo một mẫu đơn hàng đặc biệt với chương trình ưu đãi tới 50% nhằm kích thích người mua.
Phóng sự điều tra - 30/08/2024 07:26
Cảnh giác chiêu trò quảng cáo “thần dược” Lipixgo - Kỳ 1: Bịa đặt thông tin, thổi phồng công dụng
Đường link “//mydb.mynature.site/...” đang bịa đặt ra một câu chuyện gây sốc liên quan tới bác sĩ Nguyễn Quang Tuấn (Tuấn “tim”) để quảng cáo cho sản phẩm Lipixgo – vốn là một thực phẩm chức năng nhưng được thổi phồng như “thần dược” làm sạch mạch, giúp “tránh 100% nhiều bệnh tật và cái chết đau đớn do mạch bị ô nhiễm gây ra…”.
- Phải ngừng việc do “siêu bão" Yagi, người lao động có được trả lương?
- Công đoàn đã cho tôi tình thương như máu mủ, ruột thịt
- Bài 8: Tư vấn sai lệch thông tin là “lừa dối trong giao dịch dân sự”
- Nghiệp đoàn Xích lô du lịch Nha Trang - điểm tựa vững chắc cho người lao động
- Tránh “siêu bão” Yagi, công nhân được nghỉ làm thứ Bảy