Công nhân về hưu và nỗi lo nhà sập
Đời sống - 16/07/2020 18:07 Ý YÊN
Toà nhà A7, tập thể Tân Mai (quận Hoàng Mai, Hà Nội) được đưa vào sử dụng năm 1984 - Ảnh: M.K |
Đó là tất cả hồ sơ về toà nhà A7, tập thể Tân Mai (quận Hoàng Mai, Hà Nội), nơi gia đình ông sống, nơi Sở Xây dựng thành phố đánh giá nguy hiểm cấp C (2010), và ngày càng xuống cấp trầm trọng.
Lo lắng, bất an là cảm giác chung của cư dân trước tình trạng “nguy kịch” của toà nhà vào lúc này. Nhưng đối với ông công nhân về hưu Nguyễn Quang Gắng còn có cả nỗi buồn. Chỉ 3 ngày nữa, ông sẽ kết thúc nhiệm kỳ kéo dài… 33 năm làm Tổ trưởng Tổ dân phố số 15. Ông không vui, bởi mọi nỗ lực của mình trong suốt bao năm vẫn chưa thể đem lại cho cộng đồng cư dân nơi đây một không gian sống an toàn.
“Nguy hiểm vẫn cứ lơ lửng trước mắt”, ông nói.
Và đó cũng là điều tôi cảm nhận khi đặt chân tới khu tập thể này. Bước lên từng bậc cầu thang, hệ thống dàn giáo chống đỡ chằng chịt trước mắt. Đường nứt chạy dài theo từng bậc cầu thang phía mép tường, vị trí mối nối và khu vực ô thoáng. Nguy hiểm hơn, khu vực này thường xuyên là nơi vui chơi, chạy nhảy của đám trẻ con - thế hệ thứ 3 của các công dân sở tại, và con em các gia đình lao động thuê nhà ở đây.
Trẻ em nô đùa tại khu vực hành lang và cầu thang khu tập thể Tân Mai - Ảnh: M.K |
Những vết nứt và bong tróc đáng sợ tại tòa nhà A7, khu tập thể Tân Mai - Ảnh: M.K |
Cũng như nhiều khu tập thể khác ở Hà Nội, toà A7 Tân Mai được xây dựng từ đầu những năm 80 của thế kỷ trước. Nguồn kinh phí xây dựng từ quỹ phúc lợi của 3 cơ quan thuộc Sở Xây dựng Hà Nội: Xí nghiệp Cơ giới xây dựng; Công ty Cổ phần Cơ điện Trần Phú; Nhà máy Bê tông Thịnh Liệt. Tháng 12/1984, 54 gia đình công nhân lao động vui mừng phấn khởi khi toà nhà 5 tầng này được đưa vào sử dụng. Gia đình ông Gắng cũng được phân một phòng rộng 30m2 trên tầng 2, theo tiêu chuẩn của vợ ông.
Vốn được xây dựng trên vị trí ao hồ, cấu trúc theo kiểu lắp ghép ván đứng nên sau vài chục năm, kết cấu nhà A7 ngày càng xuống cấp. Từ những năm 2000, cư dân cảm nhận rõ độ lún nghiêng của toà nhà, các dầm đỡ bản thang dần rút ra khỏi tường chịu lực, tạo thành các đường hở to. Các tấm chắn hành lang cứ vỡ dần, rồi cong lại như muốn gãy ra. Rồi các mảng vữa trát tường, trần cứ thỉnh thoảng lại rơi lộp bộp, hở cả những sợi thép mỏng, hoen gỉ… đe doạ cư dân. Hệ thống thoát nước trên mái tê liệt nhiều năm, gây ra thấm dột.
Là một Tổ trưởng Tổ dân phố, ông Gắng không thể nào ngồi yên. Lá đơn cầu cứu khẩn cấp đầu tiên được ông tự tay soạn gửi tới cơ quan chủ quản và cơ quan chức năng địa phương vào ngày 20/4/2008. Trong đơn, ông trình bày hết hiện trạng toà nhà và những bất an của cư dân. Một cuộc kiểm tra đánh giá hiện trạng tòa nhà được cơ quan chức năng tiến hành sau đó. Tháng 12/2009, Công ty Quản lý và phát triển nhà Hà Nội hoàn thành hệ thống dàn giáo chống đỡ khu vực chiếu nghỉ cầu thang tầng 5. Một năm sau, hệ thống dàn giáo chống đỡ cầu thang của 4 tầng còn lại mới được hoàn chỉnh, tồn tại đến bây giờ.
“Nhưng đó mới chỉ là giải pháp chống sập trần và bản thang. Sau 10 năm, độ nghiêng lún ngày càng rõ rệt, không thể nào khắc phục được. Các dầm đỡ bản thang càng ngày càng nứt tách ra, khe hở ngày càng lớn”, ông Gắng cho biết.
Một điều đặc biệt trong kết cấu của tòa nhà có diện tích sử dụng 2.400m2 này là chỉ có 1 cầu thang, thay vì 2 cầu thang như các khu nhà tập thể khác. Bớt đi một cầu thang đồng nghĩa với việc tăng thêm 5 căn hộ chia cho công nhân các xí nghiệp. Nhưng đó cũng là nguyên nhân ảnh hưởng tới kết cấu, dẫn tới tình trạng xuống cấp nhanh của tòa nhà.
Bà Nguyễn Thị Gẫm (86 tuổi): "Tôi chỉ mong nhà nước xây lại, mong lâu lắm rồi nhưng không được thì thôi. Giờ xây lại thì có khi tôi cũng chết rồi, chẳng mong nữa, chỉ các con tôi nó mong thôi" - Ảnh: M.K |
Mặc dù năm 2012 thành phố giao Xí nghiệp Quản lý nhà Hai Bà Trưng thống nhất các hạng mục công trình cần duy tu. Năm 2013, thành phố duyệt vốn nhưng trong khi đợi vốn thì Nghị định 34/2013/NĐ-CP của Chính phủ ra đời. “Theo Nghị định, nhà nước và nhân dân cùng làm chứ không còn là đầu tư theo mô hình thời bao cấp nữa. Các hộ có điều kiện không chịu nổi áp lực do sự xuống cấp của tòa nhà, đã chuyển đi. Chỉ còn lại những hộ không có điều kiện, những chủ hộ mới và đối tượng thuê nhà đều là lao động nghèo. Để huy động đóng góp kinh phí để bảo trì ở đây là một điều hết sức khó. Vì thế tòa nhà trì trệ đến bây giờ không giải quyết được”, ông Gắng giải thích.
Ở phía đối xứng nhà ông Gắng, trong căn phòng 30m2 với những vật dụng tuềnh toàng, hai vợ chồng ông Chế đang chuẩn bị cho bữa tối. Dù ngấp nghé tuổi 80, ông vẫn nhớ như in về những ngày đầu được cơ quan cấp nhà: “Khi công nhân mới về, nhà cửa rộng rãi lắm”.
“Sau này các con trưởng thành, xây dựng gia đình, sinh con đẻ cái cho nên gia đình nào cũng cơi nới. Nhà mà đã “đeo ba lô” rồi thì nó nặng quá, kéo ngả ra đằng sau. Cho nên hiện tại tòa nhà có hiện tượng hơi ngả về phía sau, ảnh hưởng đến kết cấu”, ông nói.
Nhà A7 khu tập thể Tân Mai nhìn từ phía ngoài - Ảnh: M.K |
Do không gian sống chật chội, hai người con ông Chế sau khi lập gia đình đã chuyển đi nơi khác ở. Những công dân đầu tiên của nhà A7 như vợ chồng ông cũng thưa dần bởi người mất, người chuyển nhà. Hai ông bà vẫn gắn bó ở đây, trong căn phòng với nhiều vật dụng cũ kỹ từ thời bao cấp.
“Thú thực là chúng tôi không có tiền, vì cuộc sống cũng vất vả, còn lo mưu sinh. Cho nên việc duy tu sửa chữa vẫn không thực hiện được. Nhà nước làm thế nào chiếu cố cho bà con một chút thì quý hóa quá, chứ không thì cũng chịu thôi. Các tầng dưới vẫn còn chấp nhận được nhưng tầng 4, tầng 5 là nguy kịch”, ông Chế chia sẻ.
Chiều hôm ấy, tôi gặp chị Thúy, sống trên tầng 5 của tòa nhà. Chị bảo: “Nhà tôi phải sửa chữa rất nhiều, nhất là trên nóc nhà bị thấm dột. Những hôm mưa to gió lớn, nằm ở trên giường mà cảm thấy rõ tòa nhà rung lắc, đảo như động đất, vữa rơi từng mảng phía cầu thang. Những ngày thường thì không sao, vì quen rồi. Mùa mưa bão lại đang tới, nghĩ mà sợ”.
Tin cùng chuyên mục
Đời sống - 10/09/2024 20:28
Người miền Trung ra Bắc khắc phục hậu quả bão lũ: "Hết việc mới về"
Nhiều đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp ở miền Trung đã hỗ trợ nhân lực, miễn phí vận chuyển hàng hoá ra Hà Nội và các tỉnh, thành phía Bắc để khắc phục hậu quả bão số 3.
Người lao động - 09/09/2024 18:21
Sập cầu Phong Châu, người lao động ở Phú Thọ sẽ di chuyển như thế nào?
Sau sự cố sập cầu Phong Châu (Km18+300, Quốc lộ 32C), Công an tỉnh Phú Thọ đã nhanh chóng ra thông báo phương án phân luồng giao thông, đảm bảo đi lại, phục vụ đời sống, kinh doanh, sản xuất của người dân và người lao động khu vực.
Người lao động - 09/09/2024 11:19
Sau bão vẫn còn mưa lớn, người lao động cẩn trọng với lũ quét, sạt lở đất
Tuy bão số 3 đã tan, nhưng hoàn lưu cơn bão vẫn sẽ tiếp tục gây mưa lớn tại các tỉnh Bắc Bộ đến Thanh Hóa. Người lao động, đặc biệt công nhân tại các khu vực vùng núi cần cảnh giác với lũ quét và sạt lở đất.
Đời sống - 07/09/2024 21:05
Công nhân thoát nước giữa siêu bão Yagi: “Chút nhọc nhằn này có sá gì?”
Giữa cơn bão số 3, những công nhân thoát nước vẫn túc trực tại các điểm trạm, đảm bảo khơi thông nước, tránh ngập úng trên các tuyến đường Thủ đô.
Đời sống - 07/09/2024 13:09
Bão Yagi đổ bộ, người lao động đặc biệt lưu ý sẽ có “khoảng lặng” nguy hiểm
Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia vừa phát đi thông báo khẩn về cơn bão số 3 đang đổ bộ vào đất liền. Người lao động và người dân đặc biệt lưu ý, nếu thấy đột nhiên lặng gió không nên ra ngoài ngay lúc này.
Người lao động - 06/09/2024 19:17
Người lao động hối hả tích trữ thực phẩm trước "siêu bão" Yagi
Những ảnh hưởng đầu tiên của “siêu bão” Yagi (bão số 3) đã gây mưa lớn cục bộ tại nhiều tỉnh phía Bắc. Để phòng ngừa tình huống phải trú ẩn trong nhà nhiều ngày, người lao động tại Hà Nội và các vùng lân cận đã vội vã đến các siêu thị, chợ dân sinh để tích trữ lương thực, thực phẩm cần thiết.
- Người miền Trung ra Bắc khắc phục hậu quả bão lũ: "Hết việc mới về"
- Hải Phòng: Bão Yagi tàn phá nhiều nhà xưởng, công đoàn tập trung hỗ trợ toàn diện
- Hàng chục tuyến phố ở Hà Nội có nguy cơ ngập sâu
- Triển khai mua bán vàng (digiGOLD) trên ứng dụng số VietinBank iPay Mobile
- Nước sông dâng cao, nhiều địa phương cấm, hạn chế các phương tiện lưu thông qua cầu