Công nhân lao đao trong cơn “bão giá”
Đời sống - 13/03/2022 19:26 Ý YÊN
Chị Thư hái rau trong vườn nhà để chuẩn bị bữa trưa - Ảnh: Ý Yên |
“Sao mà từ sớm đến giờ ai cũng chỉ mua 2 quả? Sáng nay mở hàng chán đời thế nhỉ! Hai quả 11 nghìn đồng”, bà chủ quầy rau càu nhàu, vẻ mặt khó chịu. “Rau quả bây giờ đắt người ta ăn ít”, chủ quầy hàng kế bên an ủi.
Nguyễn Thị Thư, 33 tuổi, công nhân sản xuất tại một công ty trong KCN Bắc Thăng Long nói rằng, cách đây không lâu, với số tiền này chị sẽ mua được hơn nửa cân dưa. Tại chợ Yên, xã Tiền Phong, huyện Mê Linh, Hà Nội, nơi nữ công nhân thỉnh thoảng ghé qua mua thực phẩm, giá cả biến động từng ngày.
“Dưa chuột mọi hôm tôi bán lẻ có 20 nghìn đồng/cân thôi, bây giờ mua vào đã gần 30 nghìn đồng/cân rồi”, bà bán rau phân trần, rồi đọc vanh vách giá của các mặt hàng trong quầy: “Cải bắp 15 nghìn đồng/cân, trước đây chỉ 10 nghìn đồng. Su hào dạo trước mua buôn chỉ 3 nghìn đồng một củ, bây giờ tăng giá 5 nghìn đồng một củ, bán cho khách 20 nghìn đồng/3 củ…”.
Chị Thư chẳng kịp nhớ giá, mà cũng chẳng cần phải nhớ bởi việc chợ búa trong gia đình lâu nay do mẹ chồng quán xuyến. Nhưng suốt quãng đường về, nữ công nhân cứ quẩn quanh trong đầu một câu hỏi: “Góp 2 triệu đồng/tháng cho 4 miệng ăn liệu có ít quá không?”
Chồng qua đời năm ngoái sau một thời gian bạo bệnh, để lại chị Thư với 3 đứa con gái, đứa lớn 13 tuổi, đứa út 5 tuổi. Lương công nhân từ 7 đến 8 triệu đồng, mỗi tháng chị Thư đưa mẹ 2 triệu góp tiền ăn, số còn lại trang trải việc học hành cho các con.
Giá xăng tăng kéo theo giá cả thực phẩm và các mặt hàng tăng chóng mặt, chị Thư không khỏi lo lắng cho những ngày sắp tới. Việc cắt bỏ các chi phí không cần thiết trong sinh hoạt, thậm chí tiết giảm bữa ăn, thưa dần “bữa ăn tươi” là điều mà chị đang nghĩ tới.
“Cũng may mẹ con tôi được ông bà hỗ trợ nên đỡ được phần nào. May còn có vườn rau, bớt tiền chợ được đồng nào hay đồng ấy”, chị Thư vừa nói vừa chỉ tay ra mảnh vườn, nơi có luống rau lang và vài luống cải lởm chởm lá sâu.
“Tình hình giá cả leo thang như hiện nay trong khi lương không tăng, sắp tới không biết chúng tôi sẽ sống ra sao?”, nữ công nhân lo lắng.
Góc phòng trọ của nữ công nhân KCN Bắc Thăng Long - Ảnh: NVCC |
Chiều muộn, trong căn phòng trọ chưa đến 10 mét vuông ở thôn Bầu, xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội, chị Lan xúc những hạt cơm rang cuối cùng trong chảo rồi đưa nhanh xuống dạ dày bằng ngụm nước lọc. Bữa tối cuối tuần của nữ công nhân 37 tuổi chỉ có vậy.
Buổi chợ gần nhất của chị đã cách đây 2 ngày. Chị nhớ lại: “Có rau bắp cải giá 20 nghìn đồng, súp lơ 19 nghìn đồng, rau thơm để xông mũi, trị Covid cũng hết gần 40 nghìn đồng. Giá tăng gần gấp ba lần so với trước kia”.
Mỗi tuần, chị chỉ dám ăn một "bữa tươi", hoặc cá, hoặc thịt. “Lương không tăng mà cái gì cũng tăng. Nếu "ăn tươi" thường xuyên thì không đủ tiền nuôi chồng, con”, giọng chị chùng xuống.
7 năm trước, khi đang mang bầu đứa thứ hai, chị thấy chồng cứ gầy rộc đi, sức yếu. Chị động viên mãi anh mới chịu đi khám. Bác sĩ nói anh bị viêm cột sống. Cũng từ năm ấy, anh mất khả năng lao động, người chỉ còn da bọc xương, anh trở về quê sống cùng 2 con và mẹ già ngoài 70 tuổi ở Tuyên Quang.
Hơn chục năm làm công nhân trong một công ty điện tử tại KCN Bắc Thăng Long, tháng nào tăng ca nhiều, thu nhập chị Thu được khoảng 8 đến 9 triệu đồng. Chị gửi 3 đến 4 triệu đồng cho chồng, con và mẹ chồng trang trải sinh hoạt ở quê. Số còn lại dùng trả tiền thuê trọ, ăn uống tằn tiện, dành dụm từng đồng để “nhỡ có công việc, chẳng hạn chồng ốm đau, đi viện còn chủ động được”.
“Tôi chỉ mong được tăng lương và tăng ca để có thu nhập đủ trang trải cuộc sống trong thời buổi giá cả leo thang hiện nay”, chị nói và cho biết hai năm nay lương không tăng, mọi chế độ như tiền du lịch, tiệc cuối năm, thậm chí tiền hỗ trợ vé xe về quê dịp Tết cũng bị công ty cắt giảm.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội mới đây thông báo, từ 1/4/2022 sẽ điều tra về lao động, tiền lương, mức sống tối thiểu của người lao động để làm cơ sở điều chỉnh lương tối thiểu năm 2023 và hoạch định các chính sách liên quan.
Cơ quan này dự kiến điều tra 2.000 doanh nghiệp tại 18 tỉnh, thành, đại diện cho 8 vùng kinh tế của cả nước có số doanh nghiệp lớn, thị trường lao động phát triển. Việc điều tra bằng phương pháp phỏng vấn người sử dụng lao động về nhiều nội dung: Tiền lương tối thiểu, thang bảng lương, quy chế trả lương, nâng bậc lương, các mức tiền lương trong doanh nghiệp, tiền thưởng và các khoản thu nhập khác có tính chất lương...
Ngoài ra, sẽ khảo sát phương thức thực hiện điều chỉnh tiền lương khi Nhà nước điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng dự kiến vào năm 2023.
Gần đây, Liên đoàn Lao động nhiều tỉnh, thành phố cũng đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, Hội đồng Tiền lương quốc gia sớm xem xét tăng mức lương tối thiểu vùng để đảm bảo đời sống sinh hoạt hằng ngày của người lao động trong thời điểm giá cả tăng cao như hiện nay, đặc biệt là lao động ngoại tỉnh.
Trong bối cảnh thiếu hụt lao động, việc tăng lương cũng là một cách hiệu quả để các doanh nghiệp giữ chân và thu hút người lao động.
Vật giá leo thang, nhiều công nhân muốn bỏ phố về quê Đôi vợ chồng trẻ đến từ Phú Yên, họ đã làm công nhân gần 10 năm nay, cũng là chừng ấy thời gian gắn bó ... |
Sau những vụ ngừng việc và câu chuyện tiền lương Trên các nhóm facebook công nhân, câu chuyện về ngừng việc không còn được nhắc đến như cách đây một tháng. |
Lương, vật giá hay cuộc đua không cân sức giữa rùa và thỏ Lương công nhân Việt Nam còn thấp, trong khi vật giá liên tục leo thang. Làm thế nào để người công nhân có mức lương ... |
Tin cùng chuyên mục
Người lao động - 12/09/2024 18:17
Phát động Cuộc thi “Chung tay vì an toàn giao thông” năm 2024
Cuộc thi “Chung tay vì an toàn giao thông” năm 2024 nhằm tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao kiến thức và ý thức chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông cho mọi người dân, nhất là thế hệ trẻ, công nhân, người lao động.
Đời sống - 11/09/2024 07:48
Anh Trần Ngọc Vĩ - người có nhiều sáng kiến tâm huyết mang bản chất Bộ đội Cụ Hồ
Từ một công nhân lái xe mang bản chất của người lính Bộ đội Cụ Hồ, sau nhiều năm công tác, anh Trần Ngọc Vĩ đã trở thành Giám đốc Xí nghiệp Cơ khí - Xây lắp thuộc Công ty Cổ phần Môi trường và Công trình Đô thị Huế có nhiều sáng kiến, sáng tạo từ thực tiễn công việc và được áp dụng vào hoạt động của công ty.
Đời sống - 10/09/2024 20:28
Người miền Trung ra Bắc khắc phục hậu quả bão lũ: "Hết việc mới về"
Nhiều đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp ở miền Trung đã hỗ trợ nhân lực, miễn phí vận chuyển hàng hoá ra Hà Nội và các tỉnh, thành phía Bắc để khắc phục hậu quả bão số 3.
Người lao động - 09/09/2024 18:21
Sập cầu Phong Châu, người lao động ở Phú Thọ sẽ di chuyển như thế nào?
Sau sự cố sập cầu Phong Châu (Km18+300, Quốc lộ 32C), Công an tỉnh Phú Thọ đã nhanh chóng ra thông báo phương án phân luồng giao thông, đảm bảo đi lại, phục vụ đời sống, kinh doanh, sản xuất của người dân và người lao động khu vực.
Người lao động - 09/09/2024 11:19
Sau bão vẫn còn mưa lớn, người lao động cẩn trọng với lũ quét, sạt lở đất
Tuy bão số 3 đã tan, nhưng hoàn lưu cơn bão vẫn sẽ tiếp tục gây mưa lớn tại các tỉnh Bắc Bộ đến Thanh Hóa. Người lao động, đặc biệt công nhân tại các khu vực vùng núi cần cảnh giác với lũ quét và sạt lở đất.
Đời sống - 07/09/2024 21:05
Công nhân thoát nước giữa siêu bão Yagi: “Chút nhọc nhằn này có sá gì?”
Giữa cơn bão số 3, những công nhân thoát nước vẫn túc trực tại các điểm trạm, đảm bảo khơi thông nước, tránh ngập úng trên các tuyến đường Thủ đô.
- Anh Nguyễn Văn Mẫn - đoàn viên tiêu biểu của Xí nghiệp Thủy lợi Tân Châu
- Công đoàn ngành Công Thương tỉnh Quảng Trị: Nâng cao chất lượng hoạt động để xây dựng tổ chức vững mạnh
- Những người thợ sống trong lòng núi
- Thừa Thiên Huế: Trên 85% công nhân lao động được nâng cao đời sống văn hoá tinh thần
- “Thủ lĩnh” các phong trào của Liên đoàn Lao động huyện Cái Nước