Và nơi chúng tôi quyết định đến đầu tiên để tìm hiểu về công việc đặc thù này là công trình hầm Sơn Triệu nằm sâu trong lòng núi Sơn Triều thuộc thành phần dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông qua miền Trung. Đây là công trình xuyên qua dãy núi tiếp giáp đèo Cù Mông ở giữa hai tỉnh Bình Định – Phú Yên, cái tên mới nghe thôi đã khiến bao người liên tưởng đến những ký ức hãi hùng về chốn non xanh vực sâu của cung đường đèo hiểm trở hàng đầu Việt Nam. Có một nguyên lý cơ bản mà những kẻ ngoại đạo như tôi mơ hồ hiểu được trong các công trình đi xuyên lòng núi đấy chính là nghệ thuật và tính khoa học của việc sử dụng thuốc nổ cùng các mũi khoan. Để có những tuyến đường hầm xuyên qua bao ngọn núi, nhất là trên hành trình thiên lý Bắc – Nam hẳn phải những cuộc “đại phẫu” lòng núi, bằng công nghệ, bằng bàn tay, khối óc và có khi đánh đổi cả sinh mệnh của người thợ. Tôi quyết định vượt dốc lên dãy Sơn Triều tiếp giáp với dãy đèo Cù Mông, giáp ranh Bình Định – Phú Yên, nơi có đông đảo đội ngũ kỹ sư, công nhân người Việt đang ngày đêm thi công hầm Sơn Triệu. Ở đây có dãy núi có tên Sơn Triều nhưng hầm cao tốc lại mang tên Sơn Triệu. Hiện chưa rõ có phải do nhầm lẫn giữa ngữ điệu, giọng nói vùng miền ở “xứ Nẫu” bản địa với cách hiểu của nhà thầu, hay cái tên “Sơn Triệu” mang một ý nghĩa nào khác với tên gọi xa xưa về dãy núi kỳ vĩ này nên cần có thời gian để bàn luận, thống nhất thêm. Sau những thủ tục quy định, tôi được phép vào công trường với tất cả những kiến thức sơ đẳng nhất để đảm bảo quy định an toàn, vệ sinh lao động. Từ ngoài hầm, thủ lĩnh “quân đoàn” đào hầm Sơn Triệu - ông Nguyễn Văn Quảng (Giám đốc Điều hành nhà thầu Sông Đà 10), căn dặn: “So với các hầm thủy điện và hầm đường bộ mà chúng tôi làm ở phía Bắc và Tây Nguyên thì ở hầm Sơn Triệu gặp phải địa chất vô cùng phức tạp. Địa chất lòng núi ở đây bị phong hóa, đất đá bở rời, nhiều vị trí ngậm nước nên rất dễ sạt lở, rủi ro thi công rất cao. Vì vậy, các biện pháp thi công và kỹ thuật đều được rút ngắn lại, có nhiều vị trí phải đào hầm thủ công, khoan nổ mìn với phạm vi phá dỡ đất đá ngắn”. Được sự hướng dẫn tận tình của các kỹ sư, được trang bị một số kỹ năng, đồ bảo hộ lao động..., tôi theo chân tổ đào hầm do 2 công nhân là ông Vũ Văn Đan (59 tuổi) và Ngô Văn Thắng (47 tuổi), cùng quê ở Quảng Ninh - dẫn đoàn thi công phần ở hầm phía Nam. Như để giúp tôi không bỏ thừa kiến thức nào khi vào công trường, vừa đi, ông Đan vừa ghé sát tai tôi kể về những tình huống và tính chất phức tạp, nguy hiểm khi đào ống hầm số 2 Sơn Triệu. “Chúng tôi luôn cảnh giác với những mạch nước ngầm trong núi, rất dễ bị sạt lở!”, ông Đan nói.
|
Quay lại cuộc trò chuyện với thợ đào hầm Vũ Văn Đan. Ông kể, bản thân có thâm niên đến 30 năm làm thợ đào hầm. Bao giọt mồ hôi đã thấm trên các công trình thủy điện, hầm đường bộ ở nhiều tỉnh, thành từ miền Bắc vào miền Trung và lên Tây Nguyên. Việc làm quen, đối mặt với điều kiện khó khăn, gian khổ, nơi núi non hoang vu là điều đã quen. Làn da của đời thợ đào hầm xuyên núi không chỉ chai sạm với sự va đập của vật liệu, thời tiết mà còn quen với những chiếc vòi của lũ muỗi rừng. Họ phải tập làm quen và trang bị những kỹ năng sinh tồn, ứng phó và cảnh giác với cả sinh vật rừng như: Rắn rết, côn trùng, sên vắt, thú dữ… Kể về khó khăn đời thợ đào hầm thì rất nhiều, nhưng mỗi khi kết thúc một công trình đến miền đất mới để làm việc thì hầu hết họ đều cảm thấy tự hào và mong đợi. “Đi nhiều và đến mỗi miền đất mới thì chúng tôi lại cảm thấy như đón chờ để được chinh phục, được mở mang tầm mắt và vốn sống. Đi nhiều, cũng thấy cảnh quan, con người của đất nước mình rất hiếu khách, có những vùng miền họ có các bản sắc, đặc trưng rất hay”, ông Đan kể.
Đến cửa hầm phía Bắc núi Sơn Triều, tôi gặp kỹ sư kiêm lái máy Đỗ Văn Chiến (52 tuổi, quê ở Hà Nội) đang cùng với các thành viên trong tổ lái máy chuẩn bị đồ bảo hộ, thiết bị để vào ca làm việc buổi chiều nhằm phun bê-tông tạo vỏ hầm. Ông Chiến cũng là người thợ “di trú” nay đây mai đó theo các công trình làm hầm. Nam kỹ sư cùng đông đảo công nhân nơi đây đang làm ngày làm đêm, thay ca 24/24 giờ làm việc, kể cả ngày nghỉ, lễ để đảm bảo tiến độ đề ra. Như nhiều người thợ làm hầm khác, mục tiêu của họ là khơi luồng ánh sáng, khơi thông lòng núi. Khi mà những mũi khoan xuyên qua lòng núi, khơi thông được luồng sáng từ bên ngoài chiếu vào, giây phút ấy chính là niềm hạnh phúc của những người thợ đào hầm. “Hầu hết, anh em thợ đào hầm đều là những người xa quê, xa vợ con nên chúng tôi đều đối đãi với nhau rất tình nghĩa. Mặc dù công việc khó khăn, nay đây mai đó nhưng yêu nghề và nhất là được công ty đảm bảo đầy đủ các chế độ cho người lao động và còn nhiều đãi ngộ tốt khác. Đây cũng là những động lực nhiều thế hệ người thợ gắn bó với nghiệp đào hầm hàng chục năm, không rời”, ông Chiến nói. Kể từ năm 2000, khi mà các kỹ sư người Nhật Bản mang công nghệ tối tân lúc ấy đến làm hầm đường bộ qua đèo Hải Vân, thì công cuộc chinh phục các lòng núi để xây hầm ở nước ta bắt đầu thiết lập những mốc son mới. Trong đó, phải kể đến hầm Đèo Cả là hầm đường bộ lớn thứ 2 trên tuyến đường Bắc – Nam, sau hầm đường bộ qua đèo Hải Vân và đây chính là công trình tự hào của người Việt khi đã tự làm chủ công nghệ thi công hầm. Và người ta cũng nói rằng, khi hầm Đèo Cả trên Quốc lộ 1A hình thành, cũng là sự kiện đánh dấu sự trưởng thành thế hệ, đội ngũ kỹ sư mới làm chủ công nghệ làm hầm, kể cả năng lực nhà thầu trong nước - điều mà trước đó chúng ta phụ thuộc nhiều vào các quốc gia tiên tiến. Rất nhiều công trình làm hầm xuyên núi sau đó được tiếp tục kiến tạo với bàn tay và khối óc người Việt, trong đó phải kể đến những dự án thành phần đã, đang thi công thuộc dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam. Hiện nay, trong 10 gói thành phần dự án phía Đông qua miền Trung thì 3 gói thành phần qua 2 tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định có bối cảnh thi công đặc biệt nhất do phải mở đến 4 hầm xuyên núi, dài 5.118m.
Mỗi ngày, có gần 2.500 công nhân, kỹ sư cật lực làm việc sâu trong các hầm xuyên núi, có nhiều ca, kíp đào hầm phải làm việc xuyên ngày đêm, không nghỉ lễ, đối diện nhiều rủi ro. Đa số họ đều là những người thợ thường xuyên "nay đây mai đó" theo công trình. Cuộc sống của họ là “ăn hầm, ngủ núi” và nhiều gian truân. Riêng tại dự án thành phần đoạn qua Quảng Ngãi – Hoài Nhơn (dài 88km, kinh phí 20.400 tỷ đồng) đi qua nhiều dạng địa hình đèo đá, đồi núi kéo dài nên cần phải mở đến 3 hầm xuyên núi. Trong đó, hầm số 3 dài nhất, “thọc sâu” qua dãy núi xếp tầng kéo dài 3.200m kết nối 2 tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định. Hiện, các “quân đoàn đào hầm” do Tập đoàn Đèo Cả phụ trách đã đào thông hầm số 1 số 2, còn hầm số 3 đã đào vượt 50% khối lượng. Những ngày đầu tháng 9/2024, điều kiện thời tiết ở vùng Bình Định, Quảng Ngãi nắng mưa bất thường nên bầu không khí ngột ngạt và oi bức. Sâu trong hầm cao tốc số 3, gần 100 kỹ sư, công nhân cùng hàng trăm máy móc, thiết bị tối tân đang được duy trì để “đại phẫu” lòng núi. Vừa lái “robot” đào hầm, kỹ sư Nguyễn Đức Lan (45 tuổi, quê ở tỉnh Nghệ An), vừa chia sẻ: “Lần đầu tôi tham gia thi công 1 trong 3 căn hầm đường bộ dài nhất cả nước nên rất hồi hộp. Dù điều kiện thi công rất áp lực nhưng chúng tôi đều đặt quyết tâm cao để chinh phục được hầm lớn thứ 3 cả nước này”. Theo anh Lan, quá trình làm việc ở hầm số 3 các công nhân, kỹ sư đã gặp rất nhiều khó khăn do điều kiện thời tiết nắng nóng và địa chất lòng núi phức tạp. Kỹ sư Nguyễn Đức Lan cùng đồng nghiệp bàn bạc kế hoạch thi công hầm số 3 nối 2 tỉnh Quảng Ngãi - Bình Định, là hầm dài thứ 3 sau hầm Hải Vân và Đèo Cả trên Quốc lộ 1A. Ảnh: Dương Thanh. “Trời Bình Định, Quảng Ngãi thời gian qua nắng nóng kịch liệt nên mỗi ngày thi công chúng tôi trong hầm rất ngột ngạt, khó chịu. Cũng may, nhà thầu huy động máy móc, phương tiện hiện đại kèm theo hệ thống lọc không khí tốt nên anh em cũng đỡ. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất là địa chất ở đây rất nguy hiểm, liên tục biến đổi theo chiều dài. Rất nhiều vị trí khi đào đến đất, đá lòng núi bở rời dễ sạt lở nên anh em làm việc rất căng thẳng. Những lúc gặp địa chất này, phương án là đào mở hầm đến đâu thì ngay lập tức dựng vì, đổ bê tông tạo vòm đến đó để chống sạt lở đất, đá và đảm bảo an toàn thi công”, kỹ sư Lan kể thêm.
|
Trong 4 hầm đường bộ cao tốc Bắc – Nam qua Quảng Ngãi, Bình Định, Tập đoàn Đèo Cả cùng liên doanh các nhà thầu đảm nhận 3 hầm xuyên núi dài 4.500m. Ông Nguyễn Quang Huy - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Đèo Cả chia sẻ thêm, đơn vị nhận tổng thầu thi công dự án thành phần đường bộ cao tốc đoạn Quảng Ngãi – Hoài Nhơn. Đây là 1/12 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam phía Đông (giai đoạn 2) có số hầm xuyên núi lớn nhất với 3 hầm: Hầm 1 dài 610m, hầm số 2 dài 698m và hầm 3 dài 3.200m. Hiện, đơn vị đang duy trì tổng thể hơn 4.000 nhân lực, 1.700 máy móc, phương tiện, thiết bị làm việc với tinh thần “3 ca, 4 kíp”. Riêng hạng mục thi công hầm có 1.300 nhân sự, gần 400 đầu máy móc, thiết bị, thay ca làm việc liên tục 24/24 giờ, không nghỉ. “Đến nay, hầm 1 và hầm 2 đã đào thông cả 2 nhánh (2 ống hầm) và cơ bản hoàn thiện phần xây dựng, bao gồm: Bê tông vỏ hầm, móng đường và đường bảo dưỡng hai bên đủ điều kiện để triển khai các hạng mục mặt đường và thiết bị cơ điện. Đối với hầm số 3, chiều dài đã đào đồng thời cả hai ống hầm cả nhánh trái và nhánh phải với tổng chiều dài khoảng 3.100/6.400m”, ông Huy thông tin.
Chia sẻ thêm về công nghệ làm hầm xuyên núi, ông Bùi Hồng Đăng, Giám đốc điều hành các hạng mục hầm dự án Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, cho hay phương pháp đào hầm truyền thống lâu nay áp dụng ở Việt Nam chỉ có 1 không gian cho 1 mũi thi công. Phương pháp thi công mới của Đèo Cả tối thiểu 2 không gian cho mỗi mũi thi công, giúp đẩy nhanh tiến độ thi công, đồng thời nâng cao hiệu quả, an toàn, tiến độ cho dự án. “Phương pháp này chủ yếu ở 3 bước chính, gồm: Chia gương hầm thành 2 phần là phần trên (phần vòm) và phần dưới (phần tường) với chiều dài mỗi phần tùy thuộc vào chiều cao của máy khoan. Trong đó phần trên chia thành 2 phần: Phần 1 được đào trước với khẩu nhịp độ nhỏ hơn 9,5m, phần 2 đào sau khi đào xong phần 1 và được đào với nhiều không gian khác nhau, hoặc đào đến hầm thông ngang; phần dưới chia thành 3 phần, phần 1 được đào thành nhiều mũi thi công, phần 2 được đào một lần và sử dụng phương pháp khoan ngang, khoan nút lỗ không tra mìn, phần 3 được đào tương tự như phần 2…”, ông Đăng diễn giải thêm. Khi chúng tôi đang chấp bút cho bài viết này, thì đầu tháng 9/2024, qua điện thoại, “thủ lĩnh” hầm Sơn Triệu Nguyễn Văn Quảng báo tin vui, sau nhiều tháng nỗ lực thi công đơn vị sắp đào thông được cửa hầm số 2. “Theo tiến độ mà Bộ GTVT và Chính phủ giao, hầm Sơn Triệu hoàn thành trước tháng 12/2025, tuy nhiên chúng tôi cam kết sẽ đưa công trình về đích vượt tiến độ 3 đến 4 tháng. Hiện, đơn vị đang duy trì gần 300 nhân lực, trên 100 đầu máy móc, robot, thiết bị đào hầm hiện đại để đẩy nhanh tiến độ. Nhận thấy các khó khăn của anh em nên chúng tôi đã tăng cường thêm các đầu máy hiện đại, ứng dụng công nghệ đào hầm an toàn giảm sức người trong thi công, đào hầm. Ngoài ra, các chế độ, lương, thưởng, bảo hiểm cho công nhân chúng tôi đều chi trả đầy đủ, đãi ngộ tốt nên anh em công nhân rất yên tâm gắn bó làm nên thương hiệu đào hầm made in Việt Nam”, ông Quảng hồ hởi báo tin. |