Các luận điểm về văn hóa, xã hội trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản
Đảng với công nhân - 15/11/2022 18:39 THẠC SĨ NGUYỄN THỊ TRIỀU - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Khu vực III
Với nền tảng tư tưởng, với cương lĩnh trực tiếp mà Tuyên ngôn đem lại, giai cấp công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới trở thành một khối thống nhất cùng tiến tới vì mục tiêu chung. Tác phẩm “bằng ngàn bộ sách” (Lênin) này có ý nghĩa lịch sử to lớn, đánh dấu sự ra đời của chủ nghĩa Mác sau một loạt công trình tìm tòi, khám phá, phát hiện trước đó; đánh dấu sự chuyển biến của chủ nghĩa xã hội từ không tưởng thành khoa học.
C.Mác (ảnh trái) và Ph. Ăngghen. Ảnh tư liệu. |
1.
Trong rất nhiều luận điểm lớn của Tuyên ngôn của Đảng cộng sản, các luận điểm về văn hoá, xã hội có giá trị lý luận và thực tiễn nhất định trong bối cảnh ngày nay.
Đặt con người là mục tiêu của sự phát triển
Tư tưởng giải phóng con người là nội dung cơ bản trong học thuyết của C.Mác và Ph.Ăngghen, là giá trị nhân văn cao cả của tác phẩm Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, cũng là điểm xuất phát trong cách đặt vấn đề để xây dựng một xã hội công bằng, bình đẳng. Xét về mặt xã hội, mục tiêu giải phóng con người, vì hạnh phúc thật sự của con người, hướng tới một xã hội “trong đó sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người” luôn là lý tưởng cao cả, là mục tiêu cuối cùng của loài người tiến bộ. Những đặc trưng đó chỉ có thể hiện hữu trong một xã hội mà sự phát triển hướng vào lợi ích của tất cả nhân dân lao động. Phác họa trong cả 4 phần của Tuyên ngôn là mô hình xã hội mà trong đó con người được giải phóng khỏi áp bức, bóc lột, có điều kiện để được phát triển toàn diện; con người là mục tiêu cao cả nhất của mọi sự đấu tranh, mọi cuộc cách mạng, mọi quá trình phát triển. “Mục đích của việc xóa bỏ chế độ chiếm hữu đó cũng chính là để giải phóng lực lượng sản xuất, để "tăng thật nhanh số lượng những lực lượng sản xuất lên". Chỉ khi lực lượng sản xuất được giải phóng thì mới có năng suất cao, sản phẩm xã hội dồi dào. Đó là con đường tất yếu để xây dựng xã hội mới.
Tuyên ngôn cắt nghĩa: sự vùng dậy của giai cấp vô sản chống lại giai cấp tư sản là với mục tiêu giải phóng mọi người dân bị áp bức trên toàn thế giới. Mục tiêu hướng tới của xã hội tiến bộ sau này được vận dụng trong xây dựng nền văn hoá vô sản. Bản chất của nền văn hóa vô sản theo thế giới quan Mác – Lênin cũng lấy việc phát triển con người là mục đích cao nhất. Các nhà nghiên cứu văn hóa chứng minh rằng, lịch sử của loài người là lịch sử tự giải phóng mình khỏi sự ràng buộc của thiên nhiên bằng văn hóa và khẳng định sức mạnh của mình trong văn hóa. Như vậy, mục tiêu cuối cùng của một xã hội tiên tiến thống nhất với bản chất của một nền văn hóa tiến bộ. Sự phát triển của một xã hội theo đúng lý tưởng nhân văn là theo đúng bản chất của văn hóa. Đây không phải là sự gặp gỡ ngẫu nhiên mà là một xu hướng tất yếu nảy sinh trong quá trình tìm kiếm con đường phát triển đúng quy luật của nhân loại. Điều đó, thêm một lần khẳng định tư tưởng vì con người hàm chứa những giá trị văn hóa cao mà loài người hướng tới. Giá trị nhân bản, giá trị văn hoá của Tuyên ngôn là nằm ở ý tưởng vĩ đại này.
Đề cao quyền tự do của con người
Một trong những thành tựu của công cuộc giải phóng con người mà giai cấp vô sản hướng tới chính là đạt được sự tự do chân chính của con người - một tư tưởng nhân văn cao cả của Tuyên ngôn. Phần II của Tuyên ngôn, C.Mác và Ph.Ăngghen khẳng định rằng, trong xã hội tư bản chỉ có nhà tư sản có tính độc lập và cá tính, còn cá nhân người lao động thì mất độc lập và cá tính. Do đó, phải xóa bỏ cá tính tư sản, tính độc lập tư sản, và tự do tư sản, thứ tự do buôn bán và bóc lột sức lao động của người khác, để hình thành xã hội mới trong đó “sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người”.
Xuất phát từ thực tế lịch sử của nước Đức và một số nước ở Châu Âu lúc đó, những mục đích và lợi ích trước mắt của giai cấp vô sản bấy giờ là đấu tranh đánh đổ chế độ quân chủ chuyên chế, thực hiện quyền tự do dân chủ; còn tương lai của phong trào là đấu tranh chống lại ách áp bức bóc lột của giai cấp tư sản. “Tất cả những lời phản đối nhằm chống lại phương thức cộng sản chủ nghĩa của sự sản xuất và chiếm hữu những sản phẩm vật chất được tung ra, cũng nhằm chống lại sự sản xuất và chiếm hữu những sản phẩm tinh thần. Nếu đối với người tư sản, sở hữu giai cấp bị thủ tiêu có nghĩa là chính sản xuất cũng bị thủ tiêu, thì đối với họ, văn hóa giai cấp bị thủ tiêu, cũng có nghĩa là văn hóa nói chung bị mất đi. Cái văn hóa mà người tư sản than tiếc là bị tiêu diệt đi đó, thì đối với đại đa số, chỉ là việc biến họ thành vật phụ thuộc vào máy móc mà thôi… Chủ nghĩa cộng sản không tước bỏ của ai cái khả năng đang chiếm hữu những sản phẩm xã hội cả. Chủ nghĩa cộng sản chỉ tước bỏ quyền dùng sự chiếm hữu ấy để nô dịch lao động của người khác”.
Việc giải phóng cá nhân phải gắn liền với giải phóng xã hội. Sự phát triển tự do của mỗi người phải gắn liền với một chế độ xã hội nhất định, một nhà nước nhất định. Nên phải xây dựng một nhà nước, một xã hội thực sự vì con người - xã hội cộng sản chủ nghĩa, trong đó không còn chế độ người bóc lột người. Trong Tuyên ngôn, vấn đề này được đặt lên hàng đầu: “Thay cho xã hội tư sản cũ, với những giải pháp và đối kháng giai cấp của nó, sẽ xuất hiện một liên hợp, trong đó sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người”.
Trang bìa “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” xuất bản lần đầu ngày 24/2/1848. Ảnh tư liệu. |
Bàn về “Văn học xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa”
Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản là một mẫu mực về phương pháp luận nghiên cứu văn học. C.Mác và Ph.Ăngghen đã dành trọn cả phần III tác phẩm của mình để bàn về Văn học xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa. Theo hai ông, văn học có thể làm thay đổi nhận thức tư tưởng và hành động của một bộ phận công chúng trong quá trình tham gia các hoạt động cải tạo xã hội. Tuyên ngôn khẳng định: Các trào lưu xã hội chủ nghĩa xuất hiện như là một tất yếu lịch sử, vấn đề là xác định thái độ cụ thể với từng trào lưu. Tất cả các trào lưu xã hội chủ nghĩa phi vô sản đều là trở ngại cho việc ra đời của chính Đảng; cần phê phán các trào lưu xã hội chủ nghĩa phản động của phong kiến tiểu tư sản; bảo đảm thắng lợi cho việc truyền bá học thuyết của chủ nghĩa xã hội khoa học và phong trào công nhân. .
Học tập tư tưởng này và nhận thức rõ vai trò của văn học trong việc truyền bá tư tưởng cho nhân dân, năm 1905, trên tờ Đời sống mới, Lênin đã đăng bài báo rất nổi tiếng "Tổ chức của đảng và văn học đảng". Lênin đả đảo những nhà văn không có tính đảng, những nhà văn siêu nhân và cho rằng sự nghiệp văn học phải trở thành một bộ phận trong sự nghiệp của giai cấp vô sản. Lênin đã phát triển tư tưởng của C.Mác và Ph.Ăngghen lên một tầm cao mới, đặt ra vấn đề xây dựng sự nghiệp văn học là phải phát huy tính đảng và các thuộc tính khác của nó, có khuynh hướng xã hội chủ nghĩa, có tinh thần cách mạng tiến công, bảo vệ đảng, bảo vệ nhân dân, có vai trò phản biện xã hội để thúc đẩy sự nghiệp cách mạng của đảng và nhân dân đi tới thắng lợi cuối cùng.
Đề cao giá trị đạo đức vô sản
Người cộng sản chủ trương xóa bỏ gia đình tư sản, khi chế độ tư bản bị xóa bỏ thì quan hệ gia đình tư sản cũng tiêu tan. Bởi vì quan hệ gia đình tư sản dựa trên tư bản, lợi nhuận cá nhân nhà tư sản, người phụ nữ bị coi như một công cụ sản xuất, dựa trên chế độ cộng thê, nạn mại dâm chính thức và không chính thức. Tư sản đã chà đạp mối liên hệ gắn bó người vô sản với gia đình. Người cộng sản không bịa ra tác động của xã hội đối với giáo dục vì nó là cái vốn sẵn có mà chỉ thay đổi tính chất của sự tác động ấy và kéo giáo dục ra khỏi ảnh hưởng của giai cấp tư sản mà thôi.
Đạo đức gia đình tư sản được phác họa trong Tuyên ngôn: “Đại công nghiệp phát triển càng phá hủy mọi mối quan hệ gia đình trong giai cấp vô sản và càng biến trẻ em thành những món hàng mua bán, những công cụ lao động đơn thuần, thì những lời huênh hoang của giai cấp tư sản về gia đình và giáo dục, về những mối quan hệ thân thiết gắn bó con cái với cha mẹ, lại càng trở nên ghê tởm”. Qua Tuyên ngôn, chúng ta thấy rằng, xã hội tư sản đã làm biến dạng không những quan hệ gia đình tư sản, mà cả quan hệ gia đình vô sản. Dưới ngòi bút phân tích sắc sảo của C.Mác và Ph.Ăngghen, đạo đức của con người trong xã hội tư sản được phơi bày qua các mối quan hệ giữa con người với con người, quan hệ gia đình, quan hệ giai cấp, dân tộc... Xã hội cộng sản chủ nghĩa xoá bỏ đạo đức gia đình kiểu tư sản và thiết lập đạo đức gia đình vô sản, ở đó “Sự thống trị của giai cấp vô sản sẽ càng làm cho những sự cách biệt và những sự đối lập mất đi nhanh hơn. Hành động chung của giai cấp vô sản, ít ra là ở những nước văn minh, là một trong những điều kiện đầu tiên cho sự giải phóng của họ. Hãy xoá bỏ tình trạng người bóc lột người thì tình trạng dân tộc này bóc lột dân tộc khác cũng sẽ bị xóa bỏ. Khi mà sự đối kháng giữa các giai cấp trong nội bộ dân tộc không còn nữa thì sự thù địch giữa các dân tộc cũng đồng thời mất theo”.
C.Mác và Ph.Ăngghen nhận thấy cơ sở hình thành đạo đức là nền tảng kinh tế - xã hội, gắn liền với quá trình giáo dục, rèn luyện đạo đức và hoạt động thực tiễn của con người. Nền tảng đó đóng vai trò to lớn đối với sự hình thành, phát triển của đạo đức mới. Những giá trị đạo đức của giai cấp vô sản dưới chủ nghĩa tư bản sẽ hình thành nên đạo đức của xã hội tương lai, đó là đạo đức cộng sản, một kiểu đạo đức mang tính nhân văn, nhân đạo nhất trong lịch sử phát triển của nhân loại. “Nếu như lợi ích đúng đắn là nguyên tắc của toàn bộ đạo đức, thì do đó, cần ra sức làm cho lợi ích riêng của con người cá biệt phù hợp với lợi ích của toàn thể loài người”.
Để đập tan luận điệu xuyên tạc chủ nghĩa cộng sản của giai cấp tư sản, Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản bằng các luận điểm khoa học, đã khẳng định và bảo vệ rất nhiều những nguyên lý nền tảng của chủ nghĩa cộng sản.
2.
Các luận điểm về văn hóa, xã hội trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản không đứng độc lập trong một chương, phần nào mà ẩn chứa trong các nội dung quan trọng khác. Tư tưởng đặt con người là mục tiêu của sự phát triển chung của xã hội; đề cao tự do chân chính của con người; về đạo đức gia đình - xã hội vô sản; về văn học xã hội chủ nghĩa … từng bước được hiện thực hóa trong thực tiễn đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Vấn đề con người trong quan điểm của Đảng ta
Ngay từ khi mới ra đời, Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhận thức được mục tiêu lâu dài, mục tiêu cuối cùng của cách mạng là giải phóng con người, xác định con đường cách mạng Việt Nam là con đường “làm cho nước An Nam được độc lập, con người được giải phóng”, “đem lại quyền tự do cho con người”.
Sau Đổi mới - 1986, con người chuyển dịch dần vào vị trí trung tâm của mọi quá trình. Con người được hiểu một cách sâu sắc hơn, thực tế hơn, đúng như nó vốn có. “Sự quan tâm đến con người và thái độ tôn trọng lẫn nhau phải trở thành một tiêu chuẩn đạo đức trong mọi hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội, nhất là trong các dịch vụ phục vụ Nhân dân”. Tư tưởng này thể hiện rõ trong các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Các thước đo giá trị, thang giá trị mới trong đào tạo, sử dụng cán bộ, phát triển nguồn nhân lực được hình thành. Vấn đề lợi ích được giải quyết dần theo hướng “lợi ích của mỗi người, của từng tập thể và của toàn xã hội gắn bó hữu cơ với nhau, trong đó lợi ích cá nhân là động lực trực tiếp”, đảm bảo hài hòa các lợi ích chung và riêng, chăm lo cả cuộc sống vật chất và cuộc sống tinh thần của con người.
Con người Việt Nam được xác định là trung tâm của chiến lược phát triển, là chủ thể phát triển, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011) xác định: Xã hội XHCN mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, do nhân dân làm chủ; trong đó “con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện”. Tạo ra một xã hội với đầy đủ các điều kiện để con người có thể phát huy tốt nhất năng lực, bản chất của mình chính là mục tiêu cao cả của chủ nghĩa xã hội.
Luận điểm nhân văn hướng tới mục tiêu phát triển vì con người của xã hội cộng sản trong Tuyên ngôn định hướng cho mục tiêu phát triển toàn diện con người trong văn hóa. Phát triển văn hoá chính là tạo các điều kiện thuận lợi để con người trở thành những chủ thể sáng tạo và hưởng thụ các giá trị văn hoá.
Vấn đề con người trong tương quan với nền văn hoá
Việt Nam đang tiến hành xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, trong đó nội dung quan trọng là phải xây dựng con người phù hợp với bối cảnh mới. Nghị quyết Trung ương 5 Khóa VIII năm 1998 về Xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc đưa ra nhiệm vụ đầu tiên trong các nhiệm vụ: Xây dựng con người Việt Nam trong giai đoạn cách mạng mới với các đức tính cụ thể; Nghị quyết Trung ương 9 Khoá XI năm 2014 về Xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước đã đưa ra mục tiêu: “Hoàn thiện các chuẩn mực giá trị văn hóa và con người Việt Nam, tạo môi trường và điều kiện để phát triển về nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật; đề cao tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, lương tâm, trách nhiệm của mỗi người với bản thân mình, với gia đình, cộng đồng, xã hội và đất nước.”
Các nghị quyết về xây dựng con người, văn hóa Việt Nam đề cập đến vấn đề đạo đức với những chuẩn mực của đạo đức vô sản mà Mác và Ăng-ghen đã phác thảo trong học thuyết của mình: “Xây dựng và phát huy lối sống "Mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người"; hình thành lối sống có ý thức tự trọng, tự chủ, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, bảo vệ môi trường; kết hợp hài hòa tính tích cực cá nhân và tính tích cực xã hội; đề cao trách nhiệm cá nhân đối với bản thân, gia đình và xã hội. Khẳng định, tôn vinh cái đúng, cái tốt đẹp, tích cực, cao thượng; nhân rộng các giá trị cao đẹp, nhân văn… Xây dựng gia đình thực sự là nơi hình thành, nuôi dưỡng nhân cách văn hóa và giáo dục nếp sống cho con người. Phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh".
Việc phát triển văn hóa cũng đồng nghĩa với việc bảo đảm cho môi trường tự do, dân chủ trong hoạt động sáng tạo gắn với trách nhiệm công dân, khuyến khích và nuôi dưỡng nhân tài của đất nước, động viên, khuyến khích việc tạo dựng nên những giá trị văn hóa mới trong các lĩnh vực hoạt động sáng tạo.
Văn hoá, văn nghệ với những đặc trưng riêng dễ trở thành những công cụ truyền bá tư tưởng của các trào lưu khác nhau. Trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, C.Mác và Ph.Ăngghen đã phân tích khá rõ văn học của các trào lưu phản động và tác hại của nó. Văn hóa, văn nghệ của chúng ta trong bối cảnh mới càng mang trên vai sứ mệnh thiêng liêng.
Phát triển quan điểm của chủ nghĩa Mác, Chủ tịch Hồ Chí Minh xem văn nghệ là “một mặt trận” và quan niệm văn hoá - văn nghệ là một công cụ, một thứ vũ khí sắc bén nhằm đập tan các âm mưu của kẻ thù trên lĩnh vực này. Đảng ta từ 1930 đến nay luôn khẳng định văn hoá - văn nghệ có sự mệnh phục vụ các nhiệm vụ của cách mạng trong từng thời kỳ và gắn bó sâu sắc với đời sống của nhân dân. Loại hình văn học, nghệ thuật giúp cho các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đi sâu vào quần chúng, thấm nhuần trong ý thức và hoạt động của quần chúng để quần chúng tin và làm theo Đảng.
Nghị quyết 05/NQ-TW ngày 28/11/1987 của Bộ chính trị đã khẳng định: “Văn hoá nghệ thuật có tác dụng to lớn trong việc góp phần thực hiện các nhiệm vụ cách mạng, giữ vai trò cực kỳ quan trọng trong việc xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa, có chức năng bồi dưỡng đạo đức, tình cảm và năng lực thẩm mỹ cho con người, thoả mãn những nhu cầu văn hoá ngày càng tăng của nhân dân”. Các thế lực thù địch đã và đang ra sức tiến hành các hoạt động phá hoại nước ta trên nhiều lĩnh vực, trong đó lĩnh vực tư tưởng với mục đích xuyên tạc, bịa đặt, bôi nhọ nói xấu… chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Trọng trách của văn hóa, văn nghệ hiện nay vì vậy càng quan trọng hơn.
Rất nhiều các luận điểm của Tuyên ngôn có ý nghĩa trong công cuộc xây dựng và phát triển xã hội ngày nay trên con đường hướng đến xã hội cộng sản chủ nghĩa. Tư tưởng của C.Mác và Ph.Ăngghen trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản không chỉ dừng lại ở một tác phẩm mà giá trị của nó vượt tầm thời gian, đi cùng khát vọng cao cả của loài người tiến bộ.
Tuyên ngôn Đảng cộng sản ra đời cách đây đã 174 năm, các tư tưởng của Tuyên ngôn mang tính khoa học, mang tính nhân văn và phù hợp với nguyện vọng của đông đảo quần chúng nhân dân lao động trên toàn thế giới trong hoàn cảnh bấy giờ. Trong bối cảnh hiện nay, để nhận thức và vận dụng được được các luận điểm này phải có cái nhìn biện chứng và phát triển, như vậy mới thấy được hết các giá trị của Tuyên ngôn. Các luận điểm về văn hóa, xã hội của Tuyên ngôn phải được hiểu như những định hướng trong sự vận dụng vào đường lối phát triển cụ thể của mỗi quốc gia, dân tộc; tuyệt nhiên không rập khuôn, máy móc, cứng nhắc. Có như vậy, mới thấy được sức trường tồn trong tư tưởng của các nhà tư tưởng vĩ đại cách chúng ta 174 năm; là cơ sở để tin tưởng vào con đường mà Đảng và Nhân dân ta đã lựa chọn.
Áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật hành chính đồng bộ với kỷ luật đảng Sau khi xin ý kiến và được sự thống nhất của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đề nghị Quốc hội ban hành ... |
Kỳ cuối: Không ngừng đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng xứng đáng kỳ vọng của toàn dân Đảng ta là một Đảng cầm quyền có vai trò quyết định trong lãnh đạo đất nước dù bất cứ trong hoàn cảnh nào. Việc ... |
Kỳ 4: Tính thời sự trong tư tưởng Hồ Chí Minh về xử lý cán bộ đảng viên Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng công tác cán bộ. Người từng khẳng định rất ngắn gọn nhưng đầy đủ: ... |
Tin cùng chuyên mục
Đảng với công nhân - 28/08/2024 17:57
Bình Phước: Chi bộ Đảng đầu tiên gồm 9 đảng viên thành lập trong khu công nghiệp
Ngày 28/8, Đảng ủy Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh Bình Phước tổ chức lễ công bố quyết định thành lập Chi bộ cơ sở Công ty TNHH Freewell, thuộc Khu công nghiệp (KCN) Bắc Đồng Phú. Đây là chi bộ Đảng đầu tiên thành lập trong KCN.
Đảng với công nhân - 26/08/2024 09:58
Lòng kiên định vượt gian nan, dựng xây đời no ấm ở Chư Mom Ray
Từ một vùng rừng núi hoang vu vắng bóng người, dải đất biên giới từng là nơi “bom cày, đạn xới” ngày xưa, với sự lao động sáng tạo và lòng quả cảm, kiên định theo sự lãnh đạo của tổ chức Đảng lớp lớp cán bộ, công nhân Công ty Chư Mom Ray đã cải biến, dựng xây vùng đất hoang vu thành vùng quê xanh thẳm cao su, bạt ngàn hương trái, đời sống công nhân ấm no hơn…
Đảng với công nhân - 18/08/2024 19:14
Từ người thợ dè dặt đến công nhân giỏi Thủ đô
Từ một người thợ dè dặt, sau khi vào Đảng, anh Đỗ Tuấn Tú, công nhân Công ty TNHH Bê tông đúc sẵn và Cơ khí Bình Dương (huyện Đông Anh, Hà Nội) tự tin hơn trong giao tiếp, công việc chuyên môn, có nhiều nỗ lực cống hiến hơn. Gần đây anh được tặng thưởng danh hiệu “Công nhân giỏi Thủ đô”.
Đảng với công nhân - 03/08/2024 09:00
Vào Đảng là động lực và để nghiêm khắc hơn với chính mình
Không "đao to búa lớn", không hô hào suông, từ khi được đứng vào hàng ngũ của Đảng, anh Nguyễn Tiến Long (công ty TNHH Cơ Nhiệt Điện lạnh Bách khoa) luôn cống hiến cho công ty bằng những việc làm thiết thực, hiệu quả, góp phần cải thiện đời sống người lao động.
Đảng với công nhân - 27/07/2024 08:43
Gặp người đảng viên công nhân từng được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối thoại cởi mở
Vào Đảng khi 27 tuổi, là công nhân làm việc trong ngành mỏ có nhiều cống hiến, từng nhận được nhiều danh hiệu, nhưng với anh Đoàn Văn Lý (SN 1983), công nhân Công ty Cổ phần Than Hà Tu (Quảng Ninh) thì cuộc gặp và được đối thoại cởi mở với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cách nay 11 năm, lại có ý nghĩa quan trọng, là động lực lớn lao để anh nỗ lực cống hiến, trở thành một trong những đảng viên công nhân tiêu biểu trong ngành than.
Đảng với công nhân - 19/07/2024 19:53
“Vào Đảng để phát huy tinh thần “Rạng Đông anh hùng có Bác Hồ”
Từ ngày vào làm việc tại Công ty Cổ phần Bóng đèn – Phích nước Rạng Đông, anh Nguyễn Văn Tuấn (SN 1990 tại Mỹ Đức, Hà Nội) luôn tự hào về khẩu hiệu “Rạng Đông anh hùng có Bác Hồ” và đó cũng là lý do anh khao khát được đứng trong hàng ngũ của Đảng.